Thả rông trâu bò - Nguy cơ gây tai nạn

30/07/2013 16:44

(Baonghean) - Mặc dù vụ tai nạn xảy ra đã lâu nhưng đến nay mỗi khi nhắc đến, anh Nguyễn Văn Vinh, trú tại xóm 12, xã Nghi Kim vẫn chưa hết bàng hoàng. Đó là vụ tai nạn xảy ra trên Quốc lộ 1A, đoạn qua xã Diễn Trường, Diễn Châu trong lần anh đi từ Quỳnh Lưu vào Vinh.

Anh Vinh kể: “Lúc đó khoảng 5h chiều, tôi đang chạy xe máy về ngang qua địa bàn xã Diễn Trường thì đột nhiên có khoảng 4-5 con bò đuổi nhau chạy từ trên đường sắt xuống đường 1A và đã thúc phải xe tôi ngã lăn ra đường. Trong khi tôi chưa kịp định thần ngồi dậy thì một chiếc xe tải chạy cùng chiều lao tới, nhưng rất may tài xế đã xử lý kịp, không thì…”. Vụ tai nạn làm anh Vinh gãy tay, xe máy hư hỏng, nhất là các bộ phận bằng nhựa thì vỡ nát. Mặc dù biết rõ “thủ phạm” là đàn bò, nhưng lúc này chúng cũng đã chạy toán loạn đâu hết, còn chủ nhân của chúng cũng không biết là ai để bắt đền.

Những tai nạn tương tự như trường hợp anh Vinh không phải là ít, bởi lâu nay việc chăn thả trâu bò không có người trông coi, dẫn đến trâu bò ngang nhiên qua lại trên đường diễn ra khá phổ biến vào đầu các buổi sáng cũng như vào cuối buổi chiều. Đơn cử như tại QL 46, đoạn qua thị trấn Hưng Nguyên và xã Nam Giang (Nam Đàn); trên QL 1A, đoạn qua xã Nghi Yên huyện Nghi Lộc; trên Quốc lộ 7, đoạn qua xã Diễn Bình, huyện Diễn Châu; trên đường Hồ Chí Minh đoạn đi qua xã Nghĩa Lộc, Nghĩa Long, huyện Nghĩa Đàn… Xảy ra tình trạng này, trước hết là do ý thức của những người chăn dắt trâu, bò chưa cao. Một phụ nữ đi chăn đàn bò trên QL 1A đoạn qua xã Nghi Yên vô tư cho rằng: “Trâu bò không đi trên đường thì đi ở mô, nỏ lẹ bờ tui phải nhốt bò trong nhà cả ngày. Hắn đi trên đường có ảnh hưởng giao thông, thì cũng phải chịu khó mà tránh chơ”.



Trâu bò thả rông trên Quốc lộ 46.

Nhiều khu vực trong nội thành, như đường Đặng Thai Mai, dẫn vào KCN Bắc Vinh cũng là địa bàn có nhiều bò thả rông. Vì nuôi số lượng lớn, lại lơ là trong việc chăn dắt nên bò cứ chạy nhảy khắp nơi trên đường. Người dân địa phương và những ai từng đi qua đây khá quen thuộc với hình ảnh đàn bò cả chục con tràn ra đường. Chính vì vậy, nhiều hôm, từ xe máy cho đến ôtô phải xếp hàng nhường quyền “ưu tiên” cho đàn bò. Tuy vậy, nhìn trước ngó sau vẫn không thấy ai là chủ nhân của chúng.

Tình trạng trâu bò thả rông còn gây nguy hiểm cho những chuyến tàu. Ông Hồ Xuân Mai, Trưởng ga Cầu Giát, cho biết: Trước đây ở ga cũng đã từng xảy ra hiện tượng tàu tông vào bò gây trật bánh. Tuy nhiên việc bắt giữ trâu bò, áp dụng xử phạt rất khó khăn, khi tạm giữ trâu, bò không có chuồng, không người trông coi… Chính vì vậy, việc trâu bò thả rông qua lại trên đường sắt vẫn diễn ra. Còn chị Thu, nhân viên Công ty cây xanh TP Vinh thì than phiền: Để tạo cảnh quan cho đường phố, chúng tôi không quản ngại mưa nắng để trồng cây, cắt tỉa mỗi ngày mà ngại nhất là nạn trâu bò húc ủi. Như dải phân cách đoạn đường 3/2 thuộc địa bàn xã Nghi Phú cách đây chưa lâu mới trồng mấy ngày đã phải nhổ đi trồng lại vì bò gặm nham nhở, húc, ủi tan tành.

Trao đổi với chúng tôi, Thượng tá Nguyễn Duy Đông- Phó trưởng Phòng CSGT đường bộ - đường sắt Công an tỉnh, cho rằng: Không thống kê được các trường hợp tai nạn giao thông do trâu, bò gây ra. Tuy nhiên, trên thực tế đã xảy ra và trở thành nỗi lo của người tham gia giao thông. Bởi khi xảy ra tai nạn, thiệt thòi vẫn là người đi đường. Vì, nếu trâu bò húc phải người đi đường thì họ phải chịu hậu quả dù là gãy tay, gãy chân, nhưng nếu trâu bò bị thương, chết thì chủ nhân của chúng, bò lại xuất hiện để bắt đền. Trong khi, mức phạt đối với người điều khiển, dẫn dắt trâu, bò trái quy định không đáng là bao.

Như vây là đã rõ, tình trạng trâu bò không có người trông coi, nghênh ngang đi lại trên đường là một trong những nguyên nhân dẫn đến tai nạn. Vì vậy, trước hết cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cần tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức cho người dân sớm ngăn chặn chăn nuôi thả rông trâu, bò ra đường. Mặt khác, cần có các biện pháp xử lý nghiêm đối với các hộ dân cố tình vi phạm. Có như vậy mới tránh xảy ra những vụ tai nạn giao thông đáng tiếc.

Điều 32, Luật Giao thông đường bộ quy định: Người điều khiển, dẫn dắt súc vật đi trên đường bộ phải cho súc vật đi sát mép đường và phải bảo đảm vệ sinh trên đường; trong trường hợp cần cho súc vật đi ngang qua đường thì phải quan sát và chỉ được cho đi qua đường khi có đủ điều kiện an toàn. Cấm điều khiển, dẫn dắt súc vật đi vào phần đường xe cơ giới.


Theo đó, Khoản 2, Điều 13 của Nghị định 34 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ nêu rõ: Người điều khiển, dẫn dắt súc vật đi vào phần đường của xe cơ giới; hoặc để súc vật đi trên đường bộ; để súc vật đi qua đường không bảo đảm an toàn, bị phạt tiền 60 nghìn đồng đến 80 nghìn đồng.


Bài, ảnh: Đặng Nguyễn

Mới nhất
x
Thả rông trâu bò - Nguy cơ gây tai nạn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO