Thạch Giám (Tương Dương): Lãnh đạo phát triển kinh tế phù hợp điều kiện địa phương

05/06/2013 16:49

ch Giám là 1 trong 2 đơn vị được huyện Tương Dương chọn làm điểm xây dựng nông thôn mới. Một trong những hướng đi mà Đảng uỷ xã tập trung lãnh đạo là dựa trên lợi thế của địa phương, xây dựng mô hình kinh tế, sau đó nhân rộng ra toàn xã. Đây là một hướng đi đúng, phù hợp với tình hình của địa phương, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống cho bà con nơi đây.

(Baonghean) - Thạch Giám là 1 trong 2 đơn vị được huyện Tương Dương chọn làm điểm xây dựng nông thôn mới. Một trong những hướng đi mà Đảng uỷ xã tập trung lãnh đạo là dựa trên lợi thế của địa phương, xây dựng mô hình kinh tế, sau đó nhân rộng ra toàn xã. Đây là một hướng đi đúng, phù hợp với tình hình của địa phương, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống cho bà con nơi đây.

Trước đây, gia đình chị Lô Thị Hoa ở bản Cây Me, xã Thạch Giám, huyện Tương Dương, ngoài làm nương rẫy chị còn phát triển chăn nuôi để tăng thêm thu nhập. Tuy nhiên, việc chăn nuôi của gia đình chị chỉ mang tính chất tận dụng thời gian nhàn rỗi, chưa có kinh nghiệm, kỹ thuật chăn nuôi nên hiệu quả không cao. Từ cuối tháng 12/2011 gia đình chị được xã Thạch Giám cấp 5 con lợn giống, nuôi làm điểm từ nguồn dự án hỗ trợ sản xuất, xây dựng nông thôn mới. Được cán bộ nông nghiệp, thú y tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi nên đàn lợn của gia đình chị Hoa lớn rất nhanh và không bị bệnh.

Cấp lợn nuôi thử nghiệm ở bản Cây Me là mô hình đầu tiên trong thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới ở xã Thạch Giám. Đảng ủy xã bàn bạc và thống nhất chọn bản Cây Me làm mô hình thí điểm. Đảng bộ Thạch Giám ra nghị quyết về việc lãnh đạo chọn điểm xây dựng mô hình kinh tế mới và triển khai xuống tận các chi bộ. Đồng thời giao cho chi bộ bản Cây Me cùng ban cán sự bản phổ biến chủ trương cho toàn dân và tổ chức họp dân để bầu chọn hộ làm chăn nuôi thí điểm. Các hộ được chọn xây dựng mô hình điểm là những hộ nghèo của bản Cây Me thực hiện cam kết sau khi có hiệu quả gia đình phải cung cấp giống cho các hộ khác trong bản và trong xã.

Cùng với đó, năm 2012, Đảng bộ chỉ đạo xây dựng thí điểm mô hình trồng 3ha chuối tiêu hồng tại bản Chắn. Khác với việc cấp lợn cho hộ nghèo chăn nuôi ở bản Cây Me, tham gia mô hình này là những hộ dân có năng lực. Với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, tham gia dự án các hộ dân đóng góp 30% chi phí, Nhà nước hỗ trợ 70%. Nếu mô hình thí điểm này có hiệu quả kinh tế, Đảng bộ sẽ có chủ trương nhân rộng toàn xã.

Bên cạnh việc xây dựng các mô hình mới, Đảng bộ xã Thạch Giám có chủ trương đầu tư, duy trì phát triển các mô hình kinh tế đã có, như: mô hình chăn nuôi lợn đen ở bản Phòng, bản Mác, bản Lau, bản Chắn; phát triển nuôi trâu, bò ở bản Khe Chi, bản Thạch Dương, bản Lau… Theo cách đầu tư của xã là chọn những giống con phù hợp đã khẳng định hiệu quả với điều kiện địa phương, khắc phục tình trạng chăn nuôi thả rông ảnh hưởng đến sản xuất trồng trọt nên Thạch Giám khuyến khích các hộ dân đầu tư nuôi trang trại theo hình thức nuôi nhốt. Nhiều hộ dân đã thực hiện sự chỉ đạo này của xã có hiệu quả. Đơn cử trang trại của gia đình ông Lang Văn Phùng ở bản Phòng, xã Thạch Giám là một trong những hộ nuôi giống lợn đen bản địa có hiệu quả kinh tế cao. Được Hội Nông dân huyện tập huấn kỹ thuật chăn nuôi và hỗ trợ 10 triệu đồng, ông đã đầu tư gần 50 triệu đồng xây chuồng trại trong vườn.

Từ một con lợn mạ, gia đình ông đã nhân giống hàng chục con lợn lấy thịt và lợn đẻ giống, mang lại thu nhập cho gia đình ông hàng chục triệu đồng mỗi năm. Từ hiệu quả mô hình nuôi lợn đen của gia đình ông Phùng, Đảng bộ lấy làm điểm để nhân rộng mô hình này cho bà con. Trong xã, nhiều hộ dân đã học tập kinh nghiệm của vợ chồng ông Phùng và nhân giống lợn từ gia đình ông để phát triển chăn nuôi như hộ ông Vi Quang Tiến, La Xuân Thắng,…



Mô hình trồng rau sạch ở bản Phòng - Thạch Giám (Tương Dương).

Thạch Giám là xã nghèo của huyện Tương Dương, với điều kiện tự nhiên ruộng nước và đất bằng ít, diện tích đồi núi, khe suối chiếm tỷ lệ cao, do vậy để thực hiện được tiêu chí phát triển kinh tế tăng thu nhập trong xây dựng nông thôn mới, Đảng bộ xã chọn hướng đi phát triển kinh tế dựa vào đặc thù địa phương, từ những mô hình nhỏ, đầu tư ít nhưng hiệu quả mang lại rất thiết thực, phù hợp với điều kiện tự nhiên và năng lực lao động riêng của địa phương mình.

Đến nay, trên xã Thạch Giám đã có hơn 10 mô hình phát triển kinh tế điểm, trong đó có nhiều mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả mang lại thu nhập, góp phần nâng cao đời sống cho đồng bào. Điều đó cho thấy đây là chủ trương đúng của Đảng bộ, phù hợp tình hình thực tế của địa phương được nhân dân đồng tình hưởng ứng.

Đồng chí Lương Văn Ngoạn - Bí thư Đảng ủy xã Thạch Giám cho biết: “Để chủ trương đi vào cuộc sống, Đảng bộ tổ chức họp cán bộ xã, bí thư, trưởng bản, các ngành, đoàn thể cùng phối hợp thực hiện, đồng thời giao nhiệm vụ cụ thể. Trong đó, phải thể hiện vai trò của cấp ủy đảng trong việc lãnh đạo phát triển mô hình kinh tế của địa phương.

Về phần kinh phí đầu tư xã chủ yếu là lồng ghép các chương trình dự án hiện có trên địa bàn huyện như Chương trình 135, 30a, kết hợp với chương trình nông thôn mới. Với chương trình nông thôn mới, mặc dù kinh phí đầu tư còn hạn chế, song Đảng bộ đã vận động tuyên truyền huy động nguồn vốn trong dân. Điều quan trọng là tham gia các mô hình phát triển kinh tế đã chuyển được nhận thức của người dân từ sản xuất tự cung, tự cấp sang sản xuất hàng hoá để tăng thu nhập cho gia đình, góp phần phát triển kinh tế của địa phương”.


Lê Thanh

Mới nhất

x
Thạch Giám (Tương Dương): Lãnh đạo phát triển kinh tế phù hợp điều kiện địa phương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO