Thái Lan: Tướng Prayuth Chan-ocha trước sự lựa chọn mới

22/06/2014 17:05

Chính quyền quân sự tại Thái Lan vừa thông báo về khả năng thành lập một chính phủ lâm thời vào tháng Chín, một tháng sau khi Hội đồng lập pháp được lập ra để soạn thảo bản hiến pháp mới.

Dự kiến chính phủ lâm thời sẽ hoạt động song song với Hội đồng cải cách quốc gia và một thủ tướng mới sẽ do Hội đồng lập pháp lựa chọn.

Tướng Prayuth Chan-ocha. (Nguồn: THX/TTXVN)
Tướng Prayuth Chan-ocha. (Nguồn: THX/TTXVN)

Lộ trình này trùng khớp với khoảng thời gian tướng Prayuth Chan-ocha nghỉ hưu và nó đang tạo ra luồng dư luận về khả năng ông này sẽ nắm giữ luôn vị trí người đứng đầu chính phủ lâm thời mới.

Trong danh sách các sỹ quan nghỉ hưu đợt cải tổ quân đội thường niên lần hai năm 2014, do Bộ Quốc phòng Thái Lan công bố, người đứng đầu chính quyền quân sự và những người cấp phó của ông ta như Tư lệnh tối cao Thanasak Patimapakorn, Tư lệnh hải quân Narong Pipattanasai và Tư lệnh không quân Prajin Juntong đều sẽ phải về nghỉ.

Điều này có thể dẫn tới khả năng ông Prayuth sẽ đảm nhận vị trí thủ tướng để tiếp tục công cuộc cải cách toàn diện ở Thái Lan, đồng thời tạo cơ hội thăng tiến cho các sỹ quan khác vào những vị trí tư lệnh trong lực lượng vũ trang nước này.

Báo chí Thái Lan cho biết hầu hết các sỹ quan quân đội đều tin rằng ông Prayuth sẽ nắm giữ chức thủ tướng sau khi ông ta nghỉ hưu vào tháng Chín. Trong lịch sử các cuộc đảo chính ở Thái Lan, mới chỉ có hai lần chính quyền quân sự chọn người khác lên làm thủ tướng của chính phủ tạm quyền đó là vào các năm 1991 và 2006.

Đa số người Thái thì cho rằng họ đang cần một thủ lĩnh mạnh mẽ và quyết đoán để thực hiện thay đổi hoàn toàn đất nước trước khi có thể tổ chức bầu cử một cách dân chủ.

Theo tướng Noppadol Wattanotai, Thái Lan cần một người chỉ huy đủ bản lĩnh để thực hiện nhưng thay đổi, loại bỏ cơ chế bầu cử cũ để không diễn ra việc mua bán phiếu bầu. Cần phải có một cơ chế bầu cử mới, không cho phép có thể mua được sự ủng hộ của người dân, không cho phép có thể bỏ tiền đầu tư để mua bán phiếu bầu. Như vậy, mới có thể đảm bảo được dân chủ và công bằng.

Tướng Prayuth hiện đang có được sự ủng hộ của cả Phong trào biểu tình chống chính phủ và phe áo vàng trước đây cũng như của những người Thái quá chán ngán với các cuộc xung đột chính trị kéo dài gần một thập kỷ qua.

Tuy nhiên, tướng Prayuth cũng có sự lựa chọn khác đó là tiếp tục giữ vị trí chỉ huy Hội đồng hòa bình và trật tự để tiếp tục giám sát các hoạt động của chính phủ lâm thời mới. Với sự lựa chọn này, chưa rõ liệu ông Prayuth có từ chức Tư lệnh lục quân hay không.

Nếu trường hợp này xảy ra, liệu có xảy ra cuộc đấu tranh quyền lực giữa thủ tướng mới và người đứng đầu chính quyền quân sự hay không. Tất nhiên, người được chỉ định làm thủ tướng mới phải là người được ông Prayuth tin tưởng.

Cuộc đảo chính năm 2006 đã đưa ông Surayud Chulanont lên làm thủ tướng chính phủ lâm thời, nhưng ông này đã liên tục phải khẳng định tính độc lập của mình tách rời khỏi quân đội.

Sau hơn tám năm thực hiện và đã trải qua nhiều lần thay đổi chính phủ, quyết tâm loại bỏ tham nhũng và mối đe dọa tới thể chế vẫn đang tồn tại. Kết quả là cuộc đảo chính đó đã không hoàn thành mục tiêu loại bỏ hoàn toàn "chế độ Thaksin," với bằng chứng là quân đội Thái Lan lại phải làm cuộc đảo chính ngày 22/5 vừa qua./.

Theo TTXVN

Mới nhất

x
Thái Lan: Tướng Prayuth Chan-ocha trước sự lựa chọn mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO