Thái Lan và Ukraine - Vòng xoáy chưa có lối thoát
(Baonghean) - Những cuộc biểu tình chống chính phủ kéo dài và chưa có dấu hiệu cho thấy sẽ kết thúc. Mặc dù đã có những động thái được cho là để xoa dịu tình hình căng thẳng, nhưng việc tìm được tiếng nói chung giữa chính phủ và phe đối lập trong tương lai, gần như là điều khó xảy ra. Đó là những cuộc biểu tình dai dẳng không ngớt tại Thái Lan và Ukraine đang thu hút sự quan tâm lớn của dư luận trên thế giới.
Tại Thái Lan
Trong 10 năm trở lại đây, quốc gia này luôn được đánh giá là nằm trong tình trạng bất ổn, những cuộc biểu tình lớn nhỏ liên tiếp nổ ra. Đảng phái này lên nắm chính quyền, lập tức đảng đối lập phản đối và vòng xoáy khủng hoảng theo đó cũng chưa có lối thoát. Còn nhớ, hồi tháng 9/2006 ông Thaksin Shinawatra bị quân đội Thái Lan đảo chính lật đổ sau 2 chiến thắng vang dội liên tiếp ở các cuộc bầu cử vào năm 2001 và 2005. Sau khi bị lật đổ, ông này phải sống lưu vong ở nước ngoài. Nhưng ở trong nước, những người ủng hộ ông vẫn còn rất nhiều bởi những chính sách của ông làm lợi cho đa số những người dân sống ở vùng Bắc và Đông Bắc Thái Lan rộng lớn. Họ liên tiếp tổ chức biểu tình ở khắp nơi, nhiều cuộc đụng độ xảy ra mà đỉnh điểm là tháng 5/2010 làm 90 người chết và hơn 1.900 người bị thương.
Các cuộc biểu tình nổ ra hồi tháng 11 sau khi Hạ viện Thái Lan thông qua một dự luật ân xá mà những người chỉ trích cho rằng nó có thể cho phép cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra trở về nước an toàn. Ảnh: BBC |
Trước khi bà Yingluck trở thành nữ Thủ tướng đầu tiên của Thái Lan vào năm 2011 là sự thất bại của 2 người tiền nhiệm. Người thứ nhất là Somchai Wongsawat (là anh rể của Thaksin Shinawatra), bị quốc hội Thái Lan bãi nhiệm vào năm 2008 và Abhisit Vejjajiva lên thay Somchai (Abhisit trở thành Thủ tướng sau cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội mà không phải thông qua tổng tuyển cử). Rút ra bài học sau thất bại của người anh cũng như 2 vị thủ tướng tiền nhiệm. Sau khi lên nắm quyền, bà Yingluck đã điều hành chính phủ bằng chính sách ôn hòa cũng phần nào làm dịu tình hình luôn luôn “nóng” của đất nước Thái Lan, phe đối lập cũng đã có nhiều luồng dư luận khen ngợi. Sau một khoảng thời gian tạm coi là yên ắng, bầu không khí căng thẳng lại bùng phát. Nguyên nhân hay “cái cớ” để phe đối lập tập hợp lực lượng biểu tình đã rõ. Đó là dự luật ân xá mà Đảng Pheu Thai đưa ra, dự luật này cho phép xóa bỏ tất cả những vụ kết tội liên quan đến những xung đột chính trị từ năm 2004. Đây được cho là vấn đề khó khăn nhất trong 3 năm nữ Thủ tướng xinh đẹp nắm chính quyền. Những người thuộc phe đối lập luôn cáo buộc bà chỉ là con rối và các quyết sách của bà đưa ra đều do ông anh trai chỉ đạo. Tất nhiên không thể phủ nhận vai trò ảnh hưởng của anh trai bà.
Động thái phản ứng của bà Yingluck Shinawatra trước những “cuộc nộ” của các đảng đối lập lại rất nhẹ nhàng, thậm chí nhiều nhà phân tích còn cho là quá yếu đuối. Bởi những người biểu tình, đặc biệt Suthep Thaugsuban liên tục có những hành động được cho là vượt quá giới hạn. Có người còn cho rằng, chính vì những phản ứng nhẹ nhàng đó đã khiến Suthep càng làm càn hơn. Không chỉ tổ chức biểu tình, ông này còn cùng những người cùng cánh chiếm giữ trụ sở Bộ Tài chính và một số trụ sở khác. Để xoa dịu tình hình bà đã quyết định giải tán quốc hội và kêu gọi cử tri đi bầu cử vào tháng 2/2014. Nhưng những động thái này không làm cho lãnh đạo phe đối lập vừa ý, ông ta cũng đủ khôn ngoan để hiểu rằng, nếu có bầu cử thì phần thắng sẽ lại rơi về phía đảng ủng hộ bà Yingluck.
Thực tế cho thấy, trong 10 năm qua, không một đảng phái chính trị nào có thể dành được chiến thắng nếu thông qua bầu cử. Việc ông Abhisit Vejjajiva lên làm thủ tướng là chỉ đi qua "cửa phụ" mà thôi. Động thái tiếp theo của Suthep là gia tăng cường độ các cuộc biểu tình mặc dù ông này đang có lệnh truy nã về tội "nổi dậy" và "chiếm giữ trái phép trụ sở nhà nước". Ông này còn có những hành động mang tính khiêu khích với hy vọng chính phủ của bà thủ tướng sai lầm như đàn áp người biểu tình. Và đó là cái cớ để quân đội "nhảy vào" can thiệp. Nhưng cho đến lúc này, quân đội và những người trong hoàng gia vẫn cho thấy họ sẽ chỉ đứng ngoài cuộc chơi chính trị này.
Tư lệnh quân đội Thái Lan Prayuth Chan-ocha cho biết ông có nhiều lý do để giữ cho binh lính đứng ngoài cuộc khủng hoảng chính trị. Như vậy, kể từ khi phong trào biểu tình chống chính phủ, Suthep Thaugsuban và những người ủng hộ chưa thu được kết quả gì ngoài việc chính phủ của bà Yingluck tuyên bố giải tán quốc hội và đề nghị bầu cử. Một diễn biến mới nhất còn cho thấy rõ hơn sự bất lợi của Suthep, đó là truyền thông Thái Lan ngày 19/12 đưa tin, Cục Điều tra các vụ án đặc biệt nước này quyết định đóng băng tài khoản ngân hàng của 18 thủ lĩnh biểu tình chống chính phủ, trong đó có cựu Phó Thủ tướng Suthep Thaugsuban, đồng thời gửi trát tới những người này với cáo buộc phạm tội kích động bạo loạn. Trước đó vài ngày, Ủy ban Bầu cử Thái Lan ra tuyên bố hối thúc chính phủ tạm quyền và thủ lĩnh biểu tình chống chính phủ tiến hành đàm phán về thời gian tổ chức bầu cử.
Đến lúc này, bên đối lập chưa cho thấy động thái nào về sự hợp tác. Cuộc bầu cử vào tháng 2/2014 của Thái Lan sẽ diễn ra trong bạo lực là nguy cơ thấy rõ và nhiều khả năng đảng Pheu Thai sẽ dành thắng lợi, là dự đoán của nhiều nhà phân tích.
Tại Ukraine
Sau khi Liên Xô tan rã vào năm 1991, Ukraine cũng đồng thời tuyên bố độc lập. Tình trạng chia rẽ vẫn tiềm ẩn trong đời sống xã hội. Phía Bắc và Đông Bắc luôn hướng về nước Nga anh em, trong khi đó phía Tây lại luôn muốn Ukraine đi theo con đường mà nhiều nước Đông Âu và Liên xô cũ đã lựa chọn. Cũng sau khi Liên Xô tan rã, Liên minh châu Âu EU luôn tìm cách làm suy yếu nước Nga. Chiến lược của họ là mở rộng về phía đông bằng việc liên tục kết nạp mới những nước thành viên thuộc Liên Xô và Đông Âu là Séc, Hungary, Ba Lan, Slovakia, Slovenia, Litva... vào năm 2004; Romania, Bungary năm 2007, mới đây nhất là Croatia vào tháng 7/2013.
Ukraine cũng không phải là ngoại lệ của vòng xoáy lôi kéo. Một phần vì nước này có thị trường rộng lớn với hơn 46 triệu dân, phần nữa là vị trí chiến lược để EU có được sự cân bằng với Nga về nhiều mặt nếu có được Ukraine. Vì vậy, EU và những người ủng hộ việc gia nhập EU không ngừng đưa ra chiếc bánh vẽ để huyễn hoặc dân chúng như: Nếu ký thỏa thuận liên kết với EU, là mở đường cho tiến trình gia nhập và thời kỳ đầu tư tái thiết Ukraine với những khoảng viện trợ lớn từ IMF và WB sẽ được bắt đầu. Hay công dân Ukraine sẽ được tự do đi lại mà không cần thị thực, tự do kiếm việc làm ở các nước thành viên...
Những người biểu tình đòi chính phủ ký hiệp ước với EU. Ảnh: Reuters |
Nhưng sự thật có đúng như vậy không? Những nước Đông Âu như Romania, Bungary đã gia nhập EU được gần 10 năm nay, nhưng bức tranh kinh tế cũng chẳng có gì sáng sủa. Còn việc đi lại, tìm việc làm tự do thì vẫn chỉ là lời hứa suông. Và việc có khoảng gần 50% những người muốn bỏ EU để theo Nga hiện nay cũng là điều dễ hiểu.
Nếu theo Nga, Ukraine sẽ được và mất gì? Nếu Kiev theo Nga họ sẽ được nhiều thứ mà chẳng mất gì cả. Bởi hiện nay, dù nói là độc lập nhưng nền kinh tế của họ vẫn chịu ảnh hưởng rất lớn từ Nga. Những khoản nợ vô cùng lớn vẫn chưa thanh toán được, nguyên liệu như khí đốt cũng phần lớn nhập từ Nga. Ngoài ra các mặt hàng do Ukraine sản xuất trên công nghệ lạc hậu thực chất cũng chỉ đủ sức cạnh tranh ở thị trường Nga hoặc các thị trường dễ tính khác chứ chưa thể có chỗ đứng tại thị trường được cho là khó tính số một thế giới EU được. Còn nếu Kiev theo EU, thì ngay lập tức Moskva sẽ hỏi đến các khoản nợ cũng như không bán khí đốt cho Kiev, không nhập khẩu hàng hóa từ Kiev, thì không phải là bất ổn chính trị nữa mà việc vỡ nợ là rất khó tránh khỏi.
Việc những bất ổn chính trị trong hơn 4 tuần qua có phải là sự tranh giành ảnh hưởng giữa EU và Nga hay không? Ở một khía cạnh nào đó có thể nhận định như vậy. Nhưng chắc chắn tất cả những thỏa thuận đã đạt được sau các cuộc gặp gỡ con thoi giữa Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych và Tổng thống Nga Vladimir Putin có vẻ như mọi lợi thế đang thuộc về Nga chứ không phải là EU (Nga sẽ mua 15 tỷ USD trái phiếu của Ukraine và giảm 1/3 giá khí đốt cho nước này).
Ukraina và Nga là trung tâm của nền văn minh Đông Slav với quốc gia Nga Kiép. Sau một số lần sát nhập rồi lại phân chia. Hiện nay họ là 2 quốc gia độc lập nhưng họ vẫn là những người anh em theo đúng nghĩa của từ này. Và việc EU lôi kéo Ukraina để rồi sau đó gia nhập họ vào NATO vẫn sẽ còn tiếp diễn nhưng sẽ rất khó có thể xảy ra. Vì Moskva không muốn và cũng không thể cho phép việc này xảy ra vì họ hoàn toàn không muốn nằm giữa gọng kìm NATO và Mỹ.
Chưa có giải pháp nào cụ thể để kết thúc 2 cuộc khủng hoảng chính trị ở 2 quốc gia này. Chính phủ các nước đều đang nỗ lực tìm tiếng nói chung với phe đối lập. Dư luận trong các quốc gia này cũng như quốc tế đang rất quan tâm đến những diễn biến tiếp theo. Thái Lan và Ukraine vẫn đang ở trong những vòng xoáy chưa có lối thoát?
Cảnh Nam