Thắm đỏ những mùa hoa

03/09/2014 16:45

(Baonghean) - Lên Kỳ Sơn mùa này, đỉnh núi biếc xanh đang đội trên đầu những vầng sương mây mát mẻ. Mùa thu đang sang. Chuyến xe khách lên Kỳ Sơn có nhiều thầy cô từ miền xuôi ngược đường lên rừng để chuẩn bị cho năm học mới 2014 -2015... Họ chính là những người gieo hạt tri thức, chăm bẵm để có những mùa hoa trạng nguyên thắm đỏ…

Học sinh Trường THCS DTNT Kỳ Sơn hưởng ứng Ngày Đọc sách 21/4.
Học sinh Trường THCS DTNT Kỳ Sơn hưởng ứng Ngày Đọc sách 21/4.

Là một giáo viên công tác ở đây ngót chục năm và có thâm niên chủ nhiệm nội trú 7 năm, tôi không thể quên những thế hệ học trò như bông hoa rừng ngây thơ, hiền ngoan ấy. Các em đến trường khi ăn không đủ no, mặc không đủ ấm, chưa bao giờ dám viết lên trang giấy cuộc đời mình hai chữ “ước mơ”. Còn nhớ lời một giáo viên nói về học trò miền núi trong chua xót, rằng “khi tầm nhìn không vượt qua ngọn núi thì làm sao mà bước chân đến đỉnh được”. Nhưng thật may, tương lai của xứ đại ngàn đang được đánh thức bằng những thế hệ học sinh khát khao vươn lên, giống như loài hoa trên rừng vào mùa nở rộ để kết trái ngọt lành.

Đã từ rất lâu, quan niệm “con gái học rồi lấy chồng là con người ta” đã chôn vùi biết bao mơ ước của nhiều học sinh nữ. Có những em chưa kịp bước qua tuổi mới lớn đã “theo chồng bỏ cuộc chơi”, để rồi phải gánh vác chuyện gia đình. Chuyện Vi Su Ny ở bản Cù, xã Chiêu Lưu là một ví dụ. Bố mẹ chia tay, một mình mẹ nuôi mấy chị em quá vất vả, Su Ny lớn hơn, nên mẹ quyết định cho em nghỉ học lấy chồng. Su Ny khóc lên khóc xuống với thầy chủ nhiệm không biết bao lần. Em gần như không dám về nhà ngay cả những dịp lễ vì sợ sẽ không còn cơ hội trở lại lớp học. Cũng may em học khá, lại được hưởng chế độ hỗ trợ học sinh miền núi, lại nhận được sự động viên của thầy, cô nên em không nản lòng. Em luôn tự nhủ mình cố gắng và cố gắng. Giờ Su Ny đã là cô sinh viên năm 3 của Trường Đại học Y khoa Vinh. “Người Kỳ Sơn còn vắt được mồ hôi cho hạt nảy mầm trên đỉnh núi cheo leo, em cũng là người Kỳ Sơn, nhất định em sẽ gieo được cuộc đời mình thành một cây xanh tươi tốt” - những lời của Su Ny khiến lòng tôi dịu lại mỗi khi nghĩ đến những nhọc nhằn, cay đắng mà em đã trải qua.

Còn cô sinh viên của Trường Đại học Văn hóa Lữ Thị Hồng ở bản Na Loi xã Na Loi gặp lại tôi sau bao năm vẫn chưa hết ngượng ngùng: “Ngày đó nếu không có thầy giúp đỡ thì có lẽ giờ này em đã con bế con bồng...”. Khác hẳn Su Ny, Hồng là một bông hoa dại mọc giữa chốn đại ngàn. Vẻ đẹp tinh khôi của cô gái tuổi 15 khiến bao chàng trai mất ăn mất ngủ đêm đêm. Cha mẹ em quyết định gả em cho gia đình giàu có. Đến mùa xuân, Hồng không trở lại trường, nhà trai cũng đang ngấp nghé bắt vợ cho con trai của họ. Cũng may, cha của chàng trai làm cán bộ xã, thầy cô phải nói mãi mới “cứu” được Hồng thoát khỏi nạn tảo hôn. Nghị lực vươn lên, những khát khao cháy bỏng về một cuộc sống tốt đẹp hơn đã thôi thúc các em vượt qua khó khăn, tiếp tục hành trình tri thức…

Chính sách hỗ trợ của Nhà nước dành cho học sinh dân tộc thiểu số đã đem lại cho các em niềm tin, hy vọng về sự đổi thay trong tương lai. Phụ huynh mừng, các em vui và thầy cô hạnh phúc. Em Ven Văn Khăm (bản Khánh Thành – Nậm Cắn – Kỳ Sơn) cho biết: “Em ước mơ sau này sẽ trở thành người giáo viên về dạy chữ cho dân bản, ở bản em nhiều người không biết chữ, cả bố mẹ em cũng vậy.” Còn em Vi Văn May (bản Piêng Phô - Phà Đánh) thì tự tin khẳng định: “Em đang cố gắng học tập thật tốt, sau này nhất định sẽ trở thành một luật sư giỏi”...

Giờ đây các thế hệ học trò của miền núi cao Kỳ Sơn đang nối tiếp nhau bước những bước đi vững chãi trên con đường mà mình mơ ước. Người gieo hạt tảo tần sẽ đến ngày hái quả,các thế hệ học trò Kỳ Sơn đang mang lại nhiều sáng tươi trong mỗi nụ cười cho những người làm cha làm mẹ. Chị Hờ Y Xia (Nậm Càn – Kỳ Sơn) chờ lấy giấy báo nhập trường cho các con ở bưu điện huyện không giấu nổi niềm vui sướng. Chị chia sẻ bằng tiếng Kinh còn chưa sõi: “Con trai đầu của mình năm nay nó vào đại học, còn đứa con gái thứ hai thì được vào trường nội trú của tỉnh”. Anh Hờ Chống Nhìa (bản Tiền Tiêu - Nậm Cắn) rất vui sướng vì 4 đứa con của anh đều chăm ngoan, học giỏi. Hai cô gái đầu đều học đại học Y, cậu con trai học Học viện Biên phòng, cô út đang học văn hóa. Hy vọng của anh là “sau này con về bản chữa bệnh cứu người và bảo vệ biên giới vì Tổ quốc rất cần những người con như thế”.

Thầy Nguyễn Cảnh Hoạt – Phó Phòng Giáo dục và Đào tạo Kỳ Sơn vui mừng cho biết: Năm học 2013 - 2014, Kỳ Sơn có số học sinh đậu học sinh giỏi tỉnh cao nhất kể từ trước đến nay với nhiều giải cao, có 183 em đạt học sinh giỏi cấp huyện khối 6,7,8; 54 học sinh đậu Cấp III Nội trú tỉnh, có nhiều tân sinh viên ĐH - CĐ chính quy trên 20 điểm, tỷ lệ đến trường của học sinh mầm non, tiểu học, cấp 2 tăng so với những năm trước... Đó là kết quả rất đáng ghi nhận.

Có lẽ, đúng như lời cô giáo Trần Thị Châu - Nhà giáo ưu tú, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Dân tộc nội trú Kỳ Sơn chia sẻ: “Những thế hệ học trò đã níu giữ được bước chân của người gieo chữ neo lại mảnh đất nhiều khổ ải này. Nếu các em không “lớn lên” trên con đường học vấn thì những người mang trọng trách gieo chữ như chúng tôi sẽ áy náy biết nhường nào”.

Rời xứ đại ngàn khi nắng chiều vắt lưng chừng núi, lẫn giữa màu thẫm xanh của rừng là sắc thắm đỏ của loài hoa trạng nguyên đang bùng lên rực rỡ. Các em cũng như những bông hoa trạng nguyên rực rỡ kia, được chăm sóc, nuôi dưỡng bởi những người cha, người mẹ tảo tần và sự tận tụy của các thầy cô giáo…

Bài, ảnh: Bạch Ngọc

Mới nhất
x
Thắm đỏ những mùa hoa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO