"Tham gia mạng xã hội là quyền công dân của nhà báo!"

04/10/2015 10:52

Theo Thứ trưởng Bộ TT-TT Trương Minh Tuấn, luật không thể buộc nhà báo không tham gia trang mạng xã hội (MXH) đó là quyền công dân của họ. Nhưng nhà báo không được đưa lên MXH các thông tin tuyên truyền chống phá nhà nước, thông tin sai sự thật...

Tại phiên họp thứ 9 tổ chức ở Đà Nẵng vừa qua, Ủy ban Văn hóa – Giáo dục – Thanh niên – Thiếu niên & Nhi đồng của Quốc hội đã nhất trí biểu quyết thông qua báo cáo dự án Luật Báo chí (sửa đổi) để trình kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa 13 (dự kiến diễn ra vào tháng 11/2015) cho ý kiến.

Các đại biểu đồng nhất quan điểm, thông qua báo cáo nội dung dự thảo Luật Báo chí sửa đổi.
Các đại biểu đồng nhất quan điểm, thông qua báo cáo nội dung dự thảo Luật Báo chí sửa đổi.

Tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ TT-TT Trương Minh Tuấn cho hay, Điều 33 (sửa đổi, bổ sung) trong dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) về cơ bản giữ nguyên nhiều quy định của Điều 15 Luật hiện hành về quyền và nghĩa vụ của nhà báo, có sửa chữa một số câu chữ cho chính xác và đầy đủ, đồng thời đã bổ sung thêm nhà báo có nghĩa vụ tuân thủ quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo.

Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Quốc hội Vũ Hải (Phó Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam – VOV) nêu ý kiến liên quan đến trách nhiệm của nhà báo. Ông đặt vấn đề: “Gần đây, nhà báo đương nhiên khi làm báo thì người ta làm, thế nhưng trang mạng xã hội mà người ta tham gia thì mình quản lý như thế nào? Trách nhiệm nhà báo?”.

Ông Vũ Hải cũng phản ánh thêm: “Ở bên Đài (VOV) cũng có nhiều nhà báo, nhiều nhất là các báo ở trên các phương tiện chính thức của Đài thì không có vấn đề gì. Nhưng trên trang mạng xã hội thì khác, nhiều khi người ta trích dẫn các trang mạng…”.

Thứ trưởng Bộ TT-TT Trương Minh Tuấn trả lời ngay: “Cái này không thể quy định vào Luật mà đó là quy chế của từng cơ quan báo chí. Anh làm ở cơ quan báo chí tôi thì anh không được nêu cái này trên mạng xã hội, và không được nêu quan điểm trái với quan điểm của cơ quan báo chí tôi!!”.

Thứ trưởng Bộ TT-TT Trương Minh Tuấn:

Đối với trường hợp VOV, Thứ trưởng Trương Minh Tuấn nêu rõ: “Khi anh làm ở Đài Tiếng nói Việt Nam thì anh không được nêu quan điểm khác với Đài Tiếng nói Việt Nam trên một phương tiện truyền thông khác theo quy định của Đài. Còn nếu anh muốn nêu thì anh chuyển khỏi Đài. Đó là quy chế, quy định của từng cơ quan báo chí!”.

Ông Hoàng Hữu Lượng, Cục trưởng Cục Báo chí bổ sung: “Ở các nước đều làm như thế!”. Thứ trưởng Trương Minh Tuấn nói tiếp: “BBC có quy định như thế. Hôm qua tôi đã đọc cho một số anh nghe quy định của BBC về việc này!”.

Ông Vũ Hải - Phó Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam phát biểu trong buổi họp
Ông Vũ Hải - Phó Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam phát biểu trong buổi họp

Ông Vũ Hải nói: “Nhưng nếu quy định của Đài đối với báo chí mà đi ngược với các luật pháp khác nhiều khi không đơn giản, rất phiền cho những người quản lý báo chí!”. Ông Hoàng Hữu Lượng cho hay, theo kinh nghiệm của các nước, cơ quan báo chí đưa ra quy định và cho toàn thể phóng viên thảo luận. Nếu anh không có ý kiến khác, anh đồng ý với quy định đó của cơ quan báo chí thì anh phải chấp hành.

Có một đại biểu lên tiếng: “Đó (tham gia mạng xã hội – PV) là quyền công dân”. Thứ trưởng Bộ TT-TT Trương Minh Tuấn đồng tình và nói rõ thêm: “Nhà báo cũng là công dân. Luật không thể bắt nhà báo không được nêu trên mạng xã hội, vì đó là quyền công dân của người ta!”.

Theo điểm e, khoản 2, Điều 10 của dự thảo Luật báo chí (sửa đổi) về “Những nội dung và hành vi bị cấm trong hoạt động báo chí” thì “nghiêm cấm đăng, phát trên truyền thông xã hội, trang thông tin điện tử thông tin có tính chất báo chí vi phạm khoản 1 của Điều này (tuyên truyền chống phá nhà nước, gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc; tiết lộ bí mật; thông tin sai sự thật, xuyên tác, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; thông tin kích động bạo lực…).

Theo infonet

"Tham gia mạng xã hội là quyền công dân của nhà báo!"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO