Thăm Nhà lưu niệm đồng chí Phan Đăng Lưu

28/04/2012 14:59

(Baonghean.vn) - Tôi đến thăm Nhà lưu niệm đồng chí Phan Đăng Lưu ở xã Hoa Thành, huyện Yên Thành vào sáng tháng 4, nắng ấm. Bà con chòm xóm đang tỉa rào, vun cây, chăm sóc ao cá... chuẩn bị kỷ niệm 110 năm ngày sinh Nhà cách mạng tiền bối, Ủy viên Trung ương Đảng cộng sản Đông Dương.

Ngôi nhà gia đình đồng chí đơn sơ với những hiện vật: Bức hoành phi, khay cổ, tủ gỗ, rương gỗ đựng sách báo, thạp sành đựng gạo, ấm tích đựng ước vối, sập gỗ... Tất cả hiện lên cuộc đời dung dị đồng chí Phan Đăng Lưu, chiến sỹ cách mạng kiên trung.




Phan Đăng Lưu sinh 5/5/1902, ông ngoại đỗ cử nhân, triều đình mời ra làm quan hai lần nhưng cụ từ chối. Khi có Chiếu cần vương của vua Hàm Nghi, cụ hưởng ứng cuộc khởi nghĩa của Nguyễn Xuân Ôn và Lê Doãn Nhã. Cụ thân sinh Phan Đăng Lưu cũng đã từng đi theo cuộc khởi nghĩa chống Pháp của cụ Chu Trạc.



Phan Đăng Lưu và căn nhà của cụ

Thuở nhỏ Phan Đăng Lưu theo học chữ Hán và đã đi thi hương trường Nghệ nhưng không đậu, Anh xin vào học trường tiểu học Vinh. Được nghe các thầy giáo bàn luận "Văn minh của nước Pháp", Anh nhận thấy thực dân Pháp lập ra trường không phải để khai hóa cho người Việt Nam, mà cốt biến thanh niên phục vụ cho chính sách cai trị của chúng.

Tốt nghiệp tiểu học, Phan Đăng Lưu thi vào trường Canh Nông thực hành ở Tuyên Quang, làm nhân viên tập sự tại Sở Canh nông Bắc Kỳ, trại nuôi tằm Thanh Ba (Phú Thọ) rồi về Sở Canh nông Nghệ An. Anh bắt liên lạc với các thầy giáo trong Hội Phục Việt, tích cực tham gia hoạt động yêu nước ở Vinh và ký tên vào bản yêu sách đòi thực dân Pháp trả tự do cho nhà chí sỹ yêu nước Phan Bội Châu. Thấy rõ những hoạt động cách mạng của Anh, tháng 3/1926 Sở Canh Nông đổi anh về Trại chăn tằm Diễn Châu, rồi về Trại sản xuất trứng tằm ở Bình Định. Anh đấu tranh với giám đốc người Pháp là Pa-ru-đê yêu cầu trứng tằm phải được kiểm nghiệm, bảo đảm kỹ thuật cho ra lứa trứng tốt. Phan Đăng Lưu chống lại việc làm gian dối của tên giám đốc. Gu-bê giám đốc Sở Canh nông Trung Kỳ bực tức trước thái độ chống chế của anh, anh thẳng thắn trả lời chúng: Hành động của tôi chỉ có một mục đích là bảo vệ quyền lợi cho đồng bào tôi và bảo vệ danh dự của tôi, vì thế tôi là đối tượng thù ghét của các ông.

Tháng 4/1927 khâm sứ Trung Kỳ lại quyết định đổi Anh vào làm việc tại Trạm canh-ky-na thượng Đồng Nai. Chưa đầy hai tháng sau, chúng nhận được báo cáo của tên Ru-lơ, phó kỹ sư Sở Canh nông, phụ trách trạm nghiên cứu canh-ky-na, yêu cầu rút Phan Đăng Lưu khỏi trạm canh-ky-na, để hắn đến đây không những vô ích mà còn có hại. Ngày 30/5/1927, Khâm sứ Trung Kỳ ra quyết định thải hồi Phan Đăng Lưu vì thường xuyên chống đối và có hành vi vô kỷ luật liên tiếp với người Pháp. Nhận được quyết định, Phan Đăng Lưu về Nghệ An giữa lúc Hội Phục Việt đang chuyển hướng hoạt động theo đường lối Hội Việt Nam cách mạng thanh niên. Tháng 2/1928 Anh được kết nạp vào Hội Phục Việt (đã đổi thành Hội Hưng Nam) cùng thầy giáo Trần Văn Tăng hoạt động gây dựng hội ở Yên Thành. Sau đó Tổng bộ cử anh vào Huế phụ trách "Quan hải tùng thư" - cơ quan xuất bản sách báo tiến bộ của Hội Hưng Nam.

Tổng bộ Tân Việt cử Phan Đăng Lưu và Hà Huy Tập sang Quảng Châu để tìm hiểu thái độ của Tổng bộ Hội Thanh Niên về vấn đề hợp nhất hai tổ chức. Do không bắt được liên lạc, nên tháng 5/1929 Phan Đăng Lưu phải về nước. Khi về đến Hải Phòng, đồng chí bị mật thám bắt được đem giam ở nhà lao Vinh. Thực dân Pháp và phong kiến Nam Triều xử Phan Đăng Lưu và 60 đảng viên Tân Việt 3 năm tù, đày đi nhà lao Buôn Mê Thuột. Tại đây Anh và các bạn tù bí mật ra tờ báo tường "Doãn đê tuấn báo", sau đổi là Buôn Sê Vích, nhằm tuyên truyền giáo dục anh em đoàn kết, giữ vững tinh thần cách mạng. Năm 1933 nhân có một số đảng viên người Nghệ được tha, Phan Đăng Lưu gửi về quê một bài báo tố cáo chế độ hà khắc nhà tù thực dân Pháp ở Buôn Mê Thuột. Thực dân Pháp truy tìm "Ra quyết định số 860 - C được khâm sứ chuẩn y, ngày 28/7/1933 kết án Phan Đăng Lưu thêm 5 năm tù vì tội tố cáo nặc danh sai và có dụng ý xấu”.(*) Năm 1936 phong trào đòi quyền tự do dân chủ và đòi thả tù chính trị dấy lên ở Pháp và Đông Dương, thực dân Pháp buộc phải thả một số tù chính trị, trong đó có Phan Đăng Lưu. Tháng 8/1936 Phan Đăng Lưu được Đảng chỉ định vào Ban chấp hành lâm thời Xứ ủy Trung Kỳ, phụ trách phong trào đấu tranh công khai và hợp pháp.

Khi phái đoàn Gô-Đa sang điều tra tình hình Đông Dương, thực hiện chủ trương của Đảng, đồng chí tham gia thành lập Ban trù bị Đông Dương, đại hội ở Huế để thu thập nguyện vọng trao đổi với đoàn. Đồng chí dẫn đầu Đoàn đại biểu đưa 32 yêu sách cho ông Gô-Đa đòi quyền tự do, cơm áo, hòa bình. Là một người yêu nước chân chính, Phan Đăng Lưu đứng ra tranh cử trong cuộc bầu cử Viện dân biểu Trung Kỳ. Đồng chí cùng một số trí thức mua lại tên báo Sông Hương của tư nhân, chuyển thành "Sông Hương tục bản" - tờ báo của những người cách mạng. Ngày 19/6/1937 Sông Hương tục bản ra mắt bạn đọc, sau 4 tháng phục vụ nhiệm vụ chính trị, đến 10/1937 Sông Hương tục bản ra số cuối cùng rồi tự đóng cửa. Sau đó Phan Đăng Lưu lại chủ trì ra tờ báo khác của Đảng.

Tháng 11/1939 đồng chí Phan Đăng Lưu được bổ sung vào Ban chấp hành Trung ương Đảng, chỉ đạo phong trào Nam Kỳ. Tháng 7/1940 Xứ ủy Nam Kỳ chủ trương khởi nghĩa Nam Kỳ. Đồng chí ra Bắc họp Hội nghị Trung ương lần thứ 7 và báo cáo Trung ương chủ trương khởi nghĩa. Nhận thấy điều kiện chưa chín muồi, Trung ương Đảng quyết định hoãn cuộc khởi nghĩa và giao cho Phan Đăng Lưu về truyền đạt chủ trương cho Xứ ủy Nam Kỳ.

Về đến Sài Gòn thì đồng chí bị mật thám bắt vào 7 giờ tối ngày 22/11/1940. Sáng hôm sau khởi nghĩa vẫn bùng nổ theo kế hoạch đã định trước của Xứ uỷ Nam Kỳ.(**) cuộc khởi nghĩa bị dìm trong biển máu. Ngày 3/3/1941 Tòa án binh Sài Gòn kết án tử hình Phan Đăng Lưu và đem vào giam ở xà lim án chém.

Trong những ngày bị giam cầm ở xà lim, cho đến phút cuối cùng ra trường bắn, đồng chí vẫn giữ vững khí tiết cộng sản.

Đối với huyện Yên Thành, ảnh hưởng của Phan Đăng Lưu với phong trào cách mạng quê hương rất lớn. Đồng chí là một trong những người gieo hạt giống đầu tiên, chuẩn bị thành lập Đảng bộ huyện. Tấm gương hy sinh anh dũng của đồng chí có tác dụng giáo dục, động viên những người đương thời và thế hệ hôm nay phấn đấu vươn lên hoàn thành sự nghiệp đổi mới trên quê lúa Yên Thành giàu truyền thống nhân văn.


(*)-Hồ sơ mật thám Pháp số 2237 (Phan Đăng Lưu – A.69991) lưu ở Bảo tàng xô viết Nghệ Tĩnh.

(**)-Nghệ An những tấm gương cộng sản. Tập 1 (Ban sử Đảng Nghệ An) NXB Nghệ An 1998 trang 104.


Phan Xuân Thành

Thăm Nhà lưu niệm đồng chí Phan Đăng Lưu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO