Thâm nhập đại ngàn, 'thăm rừng' nguyên sinh

Đào Tuấn - Nhật Lân 11/02/2018 19:41

(Baonghean) - Đó là hành trình 3 ngày khi chúng tôi lên với đại ngàn biên giới vùng giáp ranh giữa huyện Tương Dương và huyện Kỳ Sơn (Nghệ An).

Đoàn có hơn 10 người, trưởng đoàn là ông Phạm Trọng Hoàng - Bí thư Huyện ủy Tương Dương, các thành viên còn lại là những cán bộ kiểm lâm có thâm niên gắn bó với công tác quản lý, bảo vệ rừng đầu nguồn, 2 chiến sỹ bộ đội biên phòng thuộc Đồn Biên phòng Tam Hợp (Tương Dương), 1 cán bộ Công an huyện.

Những gốc sa mu cổ thụ trên rừng phòng hộ xã Lưu Kiền (Tương Dương). Ảnh: Tuấn Lân
Những gốc sa mu cổ thụ trên rừng phòng hộ xã Lưu Kiền (Tương Dương). Ảnh chụp trong hành trình vào đại ngàn cuối tháng 9/2017. Ảnh : Hồ Phương

Tiết cuối thu, trời hãy còn vương nắng nhưng vào buổi sáng khá lạnh. Dẫu vậy tất cả các thành viên tỏ ra lạc quan trên chặng đầu tiên. Nhưng sự hứng khởi nhạt dần sau hơn 2 tiếng đồng hồ vượt rừng. Đường đi hoàn toàn không có, mọi người nối nhau tự tìm lối để đi. Rất may nhiều thành viên đã dạn dày kinh nghiệm đi rừng. Người giữ vai trò xác định hướng đi cũng như tìm cách cắt núi để đỡ mất sức là cán bộ kiểm lâm - anh Cao Anh Tú. Anh này người nhỏ nhưng nhanh nhẹn, lại hay nói, hay hát. Tú sinh năm 1981, quê huyện Đô Lương. Anh mới được điều chuyển về quản lý khu vực rừng phòng hộ địa bàn xã Lưu Kiền được vài tháng. Một mình Tú phải tham gia quản lý, bảo vệ toàn bộ rừng phòng hộ xã Lưu Kiền với diện tích 11.000ha. Theo cách nói của Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Tương Dương - Nguyễn Hữu Hiến thì Tú đang dùng “nửa người” để thực hiện nhiệm vụ tại đây. Bởi lẽ, anh còn phải phụ trách cả khu vực rừng phòng hộ xã Xá Lượng (Tương Dương). Trong khi đó, theo quy định của Chính phủ, mỗi cán bộ quản lý, bảo vệ rừng, tối đa chỉ phải thực hiện nhiệm vụ với 1.000ha.

Mở lối vượt qua vách núi. Ảnh: Hồ Phương
Mở lối vượt qua vách núi. Ảnh: Hồ Phương

Trên đường đi thi thoảng Tú dừng lại để mọi người vượt lên và sau từng quãng không hiểu làm cách nào mà anh vẫn tiếp tục dẫn đầu. Đôi khi, anh đưa cho chúng tôi mấy lá cây bảo ăn đỡ khát nước. Chúng tôi nghỉ chân chặng đầu tiên tại một mỏm núi hình yên ngựa. Quãng 2 giờ chiều nhưng sương mù đã phủ kín cả vùng rộng lớn. Mọi người sà xuống trên cây gỗ lớn đã đổ, gốc hoai mục. Ai nấy đều gỡ dép rọ dưới chân, cởi bỏ xà cạp để tìm vắt. Lúc này tôi mới để ý, cả quãng đường vừa qua người đứng đầu huyện Tương Dương - ông Phạm Trọng Hoàng không nói một lời nào. Dường như có một nỗi trầm tư ẩn sâu trong ánh mắt ông. Thực ra ông không nhất thiết phải tham gia hành trình gian nan này, nhưng ông vẫn quyết đi để tận mắt chứng kiến những cánh rừng nguyên sinh nơi đầu nguồn, để được trải nghiệm cái cuộc sống của những người làm công tác lâm nghiệp và hình dung rõ hơn sự khốc liệt, cam go của cuộc chiến giữ gìn, bảo vệ rừng mà ông là một thành viên trong đó.

Nướng gà chuẩn bị cho bữa tối. Ảnh: Hồ Phương
Nướng gà chuẩn bị cho bữa tối. Ảnh: Hồ Phương

Chuyện rừng bị chặt phá ở xã biên giới Tam Hợp được phát hiện hồi đầu năm 2017 chưa kịp xử lý xong thì lại xảy ra sự cố ở Lưu Kiền. Hóa ra việc được quản lý một vùng tài nguyên rộng lớn chẳng sung sướng gì. Trái lại ở đó các đối tượng tội phạm đêm ngày lăm le mưu tính chặt phá cho kỳ được gỗ quý vì giá trị mà chúng mang lại. Trong khi đó huyện Tương Dương có diện tích rừng và đất lâm nghiệp lớn nhất Nghệ An với 249.076,9 ha. Trong đó, rừng phòng hộ là 93.546,8 ha, rừng đặc dụng 39.530,8 ha và rừng sản xuất 115.999,3ha. Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Tương Dương - Nguyễn Hữu Hiến đã gần như khóc khi nói trong bất lực: “Tương Dương không chỉ là địa phương cấp huyện có diện tích rừng rộng nhất tỉnh mà là rộng nhất nước. Lực lượng kiểm lâm chúng tôi chỉ có 18 con người. Mỗi tháng anh em ở trong rừng từ 20-25 ngày, toàn người có gia đình ở xa nhưng hiếm khi có ngày nghỉ, các chế độ vẫn chưa tương xứng với trọng trách được giao”...

Phút nghỉ chân giữa rừng sâu biên giới.  Ảnh: Hồ Phương
Phút nghỉ chân giữa rừng sâu biên giới. Ảnh: Hồ Phương

Càng về chiều khí trời càng buốt, thi thoảng mọi người lại giật mình bởi tiếng hú của lũ linh trưởng vọng tới. Khoảng 16h30, đoàn dừng lại trên một vùng rừng khá bằng phẳng. Đây gần như là điểm dừng chân cố định của những người bảo vệ rừng tuyến biên giới Lưu Kiền. Không có thời gian nghỉ, chẳng ai bảo ai, mọi người tỏa ra tìm vật liệu làm lán. 4 đống lửa được nhóm lên 4 góc phía ngoài lán nhằm làm ấm không gian hẹp vì lúc này nhiệt độ chỉ trên dưới 100C. Anh cán bộ biên phòng giàu kinh nghiệm dùng lá cây tươi ủ vào lửa để tạo khói xua muỗi, côn trùng. Một bếp lửa khác được đốt lên ngay sát mép sàn. Mấy cán bộ kiểm lâm đưa thịt lợn và gà đã làm sạch nướng trên bếp củi rực than hồng. Anh cán bộ biên phòng lấy từ ba lô một nắm lá rừng còn đẫm nước, rồi cạy thịt hộp để chế biến nồi canh chua.

Một bữa cơm gọi là thịnh soạn, đậm chất núi rừng dọn ra. Tiếng nói cười rộn rã cả cánh rừng trong đêm tối. Ấy nhưng, mọi người chưa kịp thưởng thức thì bất chợt lũ mối vù vù lao tới. Có thể là hàng chục, hàng trăm nghìn con. Tiếng đập cánh ào ạt như thác. Ánh sáng của 6 ngọn đèn pin treo lửng giữa lán trong đêm tối đại ngàn đã thu hút chúng. Những con mối to bằng đầu đũa bu kín cả đĩa thức ăn, rơi tõm trong các tô canh và bát nhỏ, chén to. Sau vài phút lặng đi vì bất ngờ, hoảng hốt, ai đó nói lớn: “Tắt đèn pin. Tắt đèn pin. Nhanh”…

Sương đêm xuống dày hạt, nhiều người nhanh chóng chìm vào giấc sâu giữa đại ngàn thâm u sau một ngày vất vả. Có vài người trằn trọc không ngủ được. Cao Anh Tú lâu lâu lại trở dậy cho thêm củi vào bếp. Những bông hoa lửa có dịp nổ lách tách, vun lên giữa màn đêm đen kịt xen lẫn trong tiếng rú rích của thú ăn đêm.

Phút trầm tư trong cuộc hành trình. Ảnh: Hồ Phương
Phút trầm tư trong cuộc hành trình. Ảnh: Hồ Phương

Tôi tỉnh giấc vì tiếng hót vọng tới từ khoảng cách gần. “Vượn đấy” - Hiệp, một thành viên trong đoàn nói. Hiệp đang chuẩn bị bữa sáng trong lúc mọi người lục tục thức dậy. Sau bữa ăn vội, chúng tôi nai nịt gọn ghẽ để tiếp tục hành trình. Đích đến sẽ là Tiểu khu 681 trên vùng biên giới thuộc xã Lưu Kiền. Đây cũng là khu vực có sự phân bố của các loại lâm sản quý hiếm như: sa mu, pơ mu. Tôi không biết đoàn đã đi được bao nhiêu cây số, chỉ thấy đôi chân mình rời rã, đầu gối như muốn quỵ xuống. Có những vách núi leo mãi tưởng như chẳng bao giờ vượt qua, lại có những lối đi mà điểm bám chân chưa đến 10cm. Chúng tôi đi sát nhau, úp mặt, nằm bẹp ôm cả cơ thể vào vách núi dựng đứng để nhích từng bước một.

Rồi cả đoàn cũng đến được đích. Đó là vùng rừng nguyên sinh nằm trên độ cao từ 1.400 - 1.700 so với mực nước biển. Độ cao này là khu vực phân bố của loài sa mu, pơ mu. Có lẽ trên vùng khí hậu khắc nghiệt, quanh năm sương mù bao phủ, giá lạnh chỉ có loài cây họ thông này mới tồn tại được. Chúng tôi nhìn thấy những vạt rừng mọc dày pơ mu hàng trăm năm tuổi. Có những gốc cây cao đến ba, bốn chục mét, to bằng cả mười người ôm. Nhưng cũng có một vài gốc pơ mu cổ thụ bị lâm tặc lén lút đốn hạ từ lúc nào. Theo dấu vết để lại thì cây bị ngã từ 3-5 năm về trước. Gốc của chúng đã ruỗng mục và phủ lên một lớp tảo dày và vô số nấm mộc nhĩ. Có thân cây bị đốn nằm vắt ngang vực gác trên 2 mỏm núi. Vị trí chúng tôi đến là các khoảnh 14, 15, 16, 17 thuộc Tiểu khu 681. Từ đây đi sang đất Lào chỉ mất trên dưới 1 tiếng đồng hồ. Mãi đầu buổi chiều, sau khi các cán bộ kiểm lâm khảo sát lại, kiểm đếm và ghi chép một cách tỉ mỉ các thông số trên các khoảnh rừng chúng tôi mới bắt đầu rời điểm cao.

Trên chặng đường “hạ sơn” của ngày hôm sau, tôi đã thêm một lần được hiểu rõ hơn cái nghiệp rừng. Niềm vui đó, mồ hôi, nước mắt đó và nỗi đắng cay cũng có thể đến từ đó.

Mới nhất
x
Thâm nhập đại ngàn, 'thăm rừng' nguyên sinh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO