Thấm nhuần bản chất khoa học và cách mạng của Chủ nghĩa Mác
C. Mác, ban đầu và trước hết là một nhà khoa học. Với tầm vóc khoa học cùng khuynh hướng thực tiễn và ý nghĩa triết học mà ông theo đuổi thì tầm vóc khoa học mà ông hướng tới, vươn tới không chỉ để giải thích thế giới mà còn để cải tạo thế giới C. Mác từ một nhà khoa học trở thành một nhà cách mạng.
(Baonghean) - C. Mác, ban đầu và trước hết là một nhà khoa học. Với tầm vóc khoa học cùng khuynh hướng thực tiễn và ý nghĩa triết học mà ông theo đuổi thì tầm vóc khoa học mà ông hướng tới, vươn tới không chỉ để giải thích thế giới mà còn để cải tạo thế giới C. Mác từ một nhà khoa học trở thành một nhà cách mạng.
Ngay từ năm 1927, trong cuốn “Đường Kách mệnh” Nguyễn Ái Quốc (Hồ Chí Minh) đã viết:
“Cách mệnh là phá cái cũ đổi ra cái mới, phá cái xấu, đổi ra cái tốt. Thí dụ: Ông Galilê là khoa học cách mệnh… Ông Stephen Xông là cơ khí cách mệnh… Ông ĐắcUyn là cách vật cách mệnh… Ông Các Mác là kinh tế học cách mệnh…(*)
Còn Lê nin trong tác phẩm “C. Mác và học thuyết của ông” đã viết: C. Mác là người kế tục chính đáng của tất cả những gì tốt đẹp nhất mà nhân loại đã sáng tạo ra ở thế kỷ XIX: Triết học Đức, kinh tế chính trị học Anh, chủ nghĩa xã hội Pháp”… “Học thuyết Mác là toàn năng bởi vì nó đúng đắn. Nó đầy đủ và hài hòa…” (**)
Là nhà khoa học, Mác đã kế tục (tiếp nhận – phê phán – bổ sung…) Chủ nghĩa duy vật Phơbách và phép biện chứng Hêghen để xây dựng nên Chủ nghĩa duy vật biện chứng.
Tiếp tục đưa duy vật biện chứng vào nghiên cứu lịch sử xã hội loài người để xây dựng nên Chủ nghĩa duy vật lịch sử. Từ 2 cơ sở ấy để có Triết học Mác hoàn chỉnh.
Lại cũng là nhà khoa học C. Mác với triết học của mình nghiên cứu một cách sâu sắc nhất Chủ nghĩa tư bản kế tục với tinh thần phê phán các lý luận kinh tế chính trị của các nhà khoa học Anh để sáng tạo ra học thuyết kinh tế, chính trị C. Mác.
Sau khi đã có những kết luận khoa học về sự ra đời, sự phát triển, về bản chất và xu hướng tất yếu của chủ nghĩa tư bản C. Mác đã xây dựng học thuyết chủ nghĩa xã hội khoa học, thay thế cho luận thuyết chủ nghĩa xã hội không tưởng của các nhà khoa học về chủ nghĩa xã hội của nước Pháp.
Triết học Mác, kinh tế chính trị học Mác và Chủ nghĩa xã hội khoa học của C. Mác là ba nguồn gốc và ba bộ phận hợp thành của Chủ nghĩa Mác. Từ đó, để nhận thức rằng: Học thuyết Mác hay Chủ nghĩa Mác đầu tiên và trước hết là một học thuyết khoa học mang bản chất khoa học và tầm vóc khoa học. Và vì nó mang bản chất khoa học ở tầm vóc của đỉnh cao khoa học của nhân loại (chí ít cho đến đầu thế kỷ XX) nên đồng thời: đây là học thuyết cách mạng. Bản chất khoa học của học thuyết Mác, của chủ nghĩa Mác là ở chỗ: coi bản thân lịch sử là một bộ phận thực của lịch sử tự nhiên của sự sinh thành từ tự nhiên đến con người. Bản chất khoa học (hay tính) quyết định bản chất cách mạng (hay tính) của một học thuyết, dù đó là trong khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật hay khoa học xã hội.
Một nhà khoa học – Michel Vadéc, sau khi đã dành ra 15 năm để đọc các tác phẩm, các trước tác, và tất cả những gì mà C. Mác để lại bằng đúng nguyên bản và bằng đúng ngôn ngữ mà C. Mác viết (không qua bản dịch) đã viết rằng: "Bằng cách nói khác, chúng ta sẽ nói rằng sức mạnh của tư tưởng Mác bắt nguồn từ sự thực là nó thiết lập thường xuyên một sự nhất trí giữa tầm vóc khoa học, khuynh hướng thực tiễn và ý nghĩa triết học của nó... Ở đấy tựa như có ba trục chính mà mỗi đề xuất của Mác đều xoay quanh đó (***). Và Michel Vadéc viết tiếp: "Đó chính là tầm cỡ khoa học chủ nghĩa Mác mà rất ít người Mác – xít đã biết hoặc đã có thể bảo toàn bằng cách giữ lại trí tuệ bách khoa mở rộng của Mác và tiếp tục nỗ lực của ông...".(***)
Trong lịch sử tư tưởng của nhân loại, có lẽ có rất ít học thuyết nào có một số phận "ba chìm bảy nổi" như học thuyết khoa học và cách mạng của Mác. Đặc biệt, sau tổn thất hết sức nặng nề và to lớn của phong trào công đoàn và công nhân toàn thế giới những năm cuối thập niên 90 – thế kỷ XX, các nhà tư tưởng, các học giả tư sản đã thổi bùng lên bản đại hợp xướng chống chủ nghĩa Mác với điệp khúc: Chủ nghĩa Mác đã lỗi thời! Chủ nghĩa Mác đã lỗi thời! Người ta lấy sự tan rã của Liên Xô và sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội ở các nước Đông Âu làm minh chứng cho sự lỗi thời của chủ nghĩa Mác. Trong làn sóng xô bờ và ầm ĩ của bản đại hợp xướng ấy vẫn có và luôn có những tiếng nói để lý giải cho tổn thất của phong trào cộng sản và công nhân thế giới.
Họ cho rằng: Tổn thất ấy là hậu quả tất yếu của những người tự xưng là học trò của Mác, nhưng lại hoàn toàn không nhận thức được bản chất khoa học của chủ nghĩa Mác và nhất là không thực hành trong thực tiễn việc xây dựng xã hội mới như một quá trình lịch sử tự nhiên mà nó phải tuân theo. Những tiếng nói ấy là kết quả của việc nhận thức lại chủ nghĩa Mác đúng tinh thần khoa học và ở tầm cỡ khoa học. Những tiếng nói ấy, khẳng định rằng: Mác là nhà tư tưởng của thế kỷ XXI, Mác nhà tư tưởng của cái có thể: Cái có thể khách quan, tất yếu. Những tiếng nói này không phải là của các nhà khoa học mang danh Cộng sản. Họ chỉ nhận mình là những người đi tìm sự thật ẩn chứa trong tầng sâu những tư tưởng của Mác. Cái sự thật mà không ít người hoặc là cố tình xuyên tạc hoặc là bị ngộ nhận.
Lịch sử nhân loại hàng chục năm cuối của thế kỷ XX và hơn chục năm đầu của thế kỷ XXI đã và còn tiếp tục minh chứng cho tính khoa học và trong các luận điểm của Mác về tiến trình lịch sử tự nhiên của xã hội loài người. Rằng, các quy luật chi phối những phương thức sản xuất TBCN cũng như các quy luật chi phối những phương thức sản xuất trước đó đều là quá độ, tạm thời. Rằng: Chủ nghĩa tư bản đã và có thể còn tiếp tục đưa trình độ phát triển của loài người lên những tầm cao mới, song không vì thế mà có thể tuyệt nhiên cho rằng nó là đỉnh cao nhất của văn minh nhân loại, là thể chế hoàn hảo nhất không thể vượt qua, là sẽ tồn tại vĩnh viễn. Rằng: Với tiến trình lịch sử - tự nhiên xã hội loài người sớm muộn sẽ bước lên một nấc thang mới mà con người với tư cách tập thể là tác nhân chính của lịch sử và họ sẽ dự phần ngày càng lớn trong quá trình lịch sử ấy một cách (cũng dẫn đầu) có ý thức và tự nguyện.
Bản chất khoa học của Chủ nghĩa Mác – của học thuyết Mác, tạo nên sức sống mãnh liệt của chính nó. Cứ sau mỗi lần, những ai đó cố tình xuyên tạc nó, phủ nhận nó, muốn chôn sống nó, thì chính nó lại có thêm sức sống, lại càng tỏa sáng, lại tiếp tục soi sáng con đường đi tới tất yếu của lịch sử nhân loại.
Với kho tàng tư tưởng mang bản chất khoa học và cách mạng của mình, Mác trở thành người khai sáng cho một thời đại "thay cho xã hội tư sản cũ, với những giai cấp và đối kháng giai cấp của nó, xuất hiện một "liên hiệp" trong đó sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của mọi người". (Tuyên ngôn Đảng Cộng sản).
Có những người đến với Mác, nghiên cứu tìm hiểu chủ nghĩa Mác với khát vọng khoa học và có thể họ dừng lại ở đó, mà không chuyển thành người cách mạng.
Còn những người cách mạng, đến với Mác bằng lý trí và tình cảm cách mạng thì nhất thiết phải có tinh thần khoa học, thái độ khoa học, tri thức và trí tuệ khoa học, không như thế sẽ không thể là người cách mạng theo chủ nghĩa Mác. Xin nhắc lại điều mà Lê nin đã nói: "...Không có tri thức, không có chủ nghĩa xã hội". Sự khẳng định này của Lê nin chính là để thêm một lần khẳng định bản chất khoa học và cùng với đó là bản chất cách mạng của Chủ nghĩa Mác.
Chủ nghĩa xã hội – kế sau đó là chủ nghĩa cộng sản không phải là phát kiến của Mác. Từ rất xa xưa loài người đã nói về một "thế giới đại đồng". Chúa Jêsu – Đức Phật Thích ca mâu ni đã hình dung theo cách của các Ngài về một thiên đường, một cõi niết bàn. Các nhà tư tưởng nước Pháp đầu thế kỷ XIX, đã hình dung và thí nghiệm mô hình xã hội cộng sản. Tất cả được gói lại trong phạm trù "Chủ nghĩa xã hội không tưởng".
C. Mác, vượt lên trên tất cả những tư tưởng ấy về chủ nghĩa xã hội bằng tầm vóc khoa học của mình để đưa ra lý luận về chủ nghĩa xã hội khoa học.
Chủ nghĩa xã hội mà Đảng ta, nhân dân ta đang hướng tới, đang từng bước, từng bước thực hiện, với những "chiếc cầu nhỏ" (như lời Lê nin) chỉ có thể là, chỉ duy nhất là Chủ nghĩa xã hội khoa học – Chủ nghĩa xã hội theo học thuyết Mác – theo hệ tư tưởng Mác.
Giai cấp công nhân – những người cách mạng muốn gánh vác thành công sứ mệnh lịch sử của mình, không chỉ cần lý trí cách mạng, ý chí cách mạng, tình cảm cách mạng mà còn rất cần tinh thần khoa học, ý thức khoa học, tri thức và trí tuệ khoa học.
Lê nin đòi hỏi những người cộng sản phải thâu tóm được mọi tinh hoa của trí tuệ nhân loại; Chủ tịch Hồ Chí Minh nói "Đảng ta là đạo đức là văn minh"; Cương lĩnh của Đảng ta chỉ rõ Đảng ta phải ra sức nâng cao trình độ trí tuệ, bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức và năng lực lãnh đạo chính là nhờ ý nghĩa đó.
Nhận thức sâu sắc bản chất khoa học – cùng với đó là bản chất khoa học của Chủ nghĩa Mác, từ đó để hành động mang tính khoa học (hay gọi là theo quy luật khách quan) là vấn đề mang tính lý luận sâu sắc và cũng là vấn đề mang tính thực tiễn cấp thiết hiện nay của mỗi cán bộ, đảng viên và của toàn Đảng ta.
-------------------
(*) Đường Kách mệnh – Hồ Chí Minh toàn tập. Tập 2, trang 263.
(**) Chú dẫn chương kết luận – Sách "Mác - nhà tư tưởng của cái có thể". Viện thông tin KH&XH, trang 351.
(***) Sách đã dẫn. Trang 331-332-333.
Trương Công Anh