Thăm rừng Đại tướng
(Baonghean) - Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chọn khu rừng già dưới chân núi Pú Đồn, xã Mường Phăng, huyện Điện Biên (Điện Biên) đặt Sở Chỉ huy chiến dịch. Tại đây, Đại tướng cùng Bộ tham mưu đã trực tiếp đưa ra những chỉ thị, mệnh lệnh quan trọng mang lại chiến thắng quyết định vào ngày 7/5/1954. 60 năm trôi qua, khu rừng già vẫn in đậm bóng hình Đại tướng huyền thoại và người dân Mường Phăng trìu mến đặt tên cho khu rừng là: “Rừng Đại tướng”.
(Baonghean) - Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chọn khu rừng già dưới chân núi Pú Đồn, xã Mường Phăng, huyện Điện Biên (Điện Biên) đặt Sở Chỉ huy chiến dịch. Tại đây, Đại tướng cùng Bộ tham mưu đã trực tiếp đưa ra những chỉ thị, mệnh lệnh quan trọng mang lại chiến thắng quyết định vào ngày 7/5/1954. 60 năm trôi qua, khu rừng già vẫn in đậm bóng hình Đại tướng huyền thoại và người dân Mường Phăng trìu mến đặt tên cho khu rừng là: “Rừng Đại tướng”.
Giản dị và đơn sơ
Xã Mường Phăng cách Thành phố Điện Biên Phủ 38 km đường bộ. Trong khung cảnh Tây Bắc nguyên sơ, con đường nhỏ xuyên rừng Đại tướng trở thành gạch nối kỳ diệu nối hiện tại với quá khứ cách đây 60 năm. Con suối nhỏ chảy róc rách dưới chân núi Pú Đồn dường như vẫn in bóng những ngày chiến dịch sôi động. Còn đó ngôi lán làm việc của Ban Thông tin, hầm tổng đài điện thoại, lán ngủ của điệp báo viên, lán ở và nơi làm việc của Trưởng ban Thông tin chiến dịch Hoàng Đạo Thúy. Đi vào sâu bên trong lán là hội trường – nơi diễn ra các cuộc họp do Đảng ủy, Bộ Chỉ huy triệu tập, bếp Hoàng Cầm… Tất cả đều đơn sơ và hết sức khiêm nhường trong khu rừng già được nhân dân Mường Phăng cẩn trọng gìn giữ, bảo vệ 60 năm nay.
![]() |
Lán ở và làm việc đơn sơ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ. |
Trong không gian đó, lán ở và làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp mộc mạc, giản dị. Ngôi nhà lợp bằng tranh, thưng bằng tre nứa, chia làm 2 buồng tựa lưng vào núi. Phía trong có một bộ bàn ghế làm việc, một chiếc giường tre. Sát bên lán có hầm dài 96 m nối thông sang lán làm việc của Tham mưu trưởng chiến dịch Hoàng Văn Thái. Chính trong chiếc lán ấy, Đại tướng đã có những quyết định mang tầm vóc thời đại, làm nên một Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Chúng tôi không thể diễn tả hết cảm xúc của mình khi được chứng kiến nơi làm việc của Đại tướng và hẳn trong tâm thức của những khách du lịch đã từng một lần tới đây đều mang trong mình cảm xúc như vậy.
Ông Chu Văn Kiệm – một CCB đến từ Bắc Cạn chia sẻ: “Đến tận đây mới thấy điều kiện chỉ huy, chiến đấu của bộ đội ta thiếu thốn hơn hẳn quân Pháp. Lán làm việc của Đại tướng hoàn toàn đối lập với hầm chỉ huy kiên cố, trang bị hiện đại của tướng Đờ Cát (chỉ huy quân đội Pháp tại Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ) ở cánh đồng Mường Thanh mà tôi đã đến xem. Dưới sự chỉ huy tài tình của Đại tướng, quân Pháp đã thất bại hoàn toàn, tướng Đờ Cát phải giơ tay đầu hàng. Thật khâm phục tinh thần chiến đấu dũng cảm kiên cường của bộ đội ta và tài chỉ huy, thao lược tài ba của Đại tướng cùng các đồng chí trong Bộ Chỉ huy chiến dịch”.
![]() |
Ngôi trường mang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở xã Mường Phăng |
Còn với những du khách quốc tế một lần đến với Điện Biên Phủ, đến với Mường Phăng, họ cũng có cái nhìn chân thực, đầy đủ hơn về nguyên nhân thất bại của quân Pháp ở Đông Dương trong một cuộc chiến mà truyền thông phương Tây thường ví von: “Châu chấu đá voi”; đồng thời, lý giải một cách sâu sắc, trọn vẹn về nguồn gốc sức mạnh của dân tộc Việt Nam. Đó chính là tấm lòng yêu nước nồng nàn, quyết tâm chiến đấu giành lại độc lập dân tộc, tự do và hạnh phúc cho nhân dân dẫu có phải vượt qua bao gian khó, hy sinh. Khi xem lán làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở Sở Chỉ huy chiến dịch, ông Mathieu Jean Paul cùng vợ là những du khách đến từ Pháp, không tránh khỏi cảm giác bất ngờ. “Đối với thế hệ của chúng tôi, Việt Nam có ảnh hưởng rất lớn và để lại ấn tượng đặc biệt. Bản thân tôi rất khâm phục tài năng của Tướng Giáp - một vị tướng tài không chỉ của Việt Nam mà cả thế giới. Khi đến thăm Điện Biên Phủ mấy ngày qua và Sở Chỉ huy chiến dịch, tôi thực sự ấn tượng. Trong điều kiện thiếu thốn và đơn sơ, vậy mà Tướng Giáp đã lãnh đạo quân đội Việt Minh đánh thắng đội quân thiện chiến, được trang bị hiện đại của nước Pháp”.
Có lẽ với những ý nghĩa gieo vào lòng người đó, Sở Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng đã trở thành biểu tượng của đỉnh cao trí tuệ quân sự và khí phách anh hùng bất khuất của dân tộc Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh. Và Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trở thành huyền thoại trong lòng dân tộc.
Sống mãi trong lòng dân
Ở Mường Phăng, hình ảnh vị đại tướng thiên tài nhưng rất đỗi giản dị, gần gũi mãi là ký ức sâu đậm trong tâm thức, tình cảm của bà con các dân tộc. Bất cứ người dân Mường Phăng nào mà chúng tôi gặp đều gọi Đại tướng bằng hai tiếng: “bác Giáp” gần gũi. Chúng tôi có dịp gặp gỡ với con cháu cụ Lò Văn Bóng, chiến sỹ du kích dân tộc Thái từng làm nhiệm vụ bảo vệ vòng ngoài cho Sở Chỉ huy chiến dịch cách đây 60 năm. Chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc, trong hàng chục năm liền cụ Bóng đã tự nguyện bảo vệ, coi sóc Sở chỉ huy chiến dịch mà không đòi hỏi bất cứ quyền lợi nào. Trong ngôi nhà sàn nhỏ ở bản Bua, xã Mường Phăng, ông Lò Văn Biên – con trai cụ Bóng chỉ cho chúng tôi xem bức ảnh cụ chụp chung với Đại tướng tại nhà riêng và bức ảnh cụ Bóng hội ngộ Đại tướng tại Mường Phăng. Tất cả đều được treo trang trọng bên cạnh bao nhiêu bằng khen, huân, huy chương ghi nhận cuộc đời hoạt động cách mạng của cụ Bóng. Bà Lò Thị Lanh – vợ cụ Bóng, từ ngày chồng qua đời đến nay, bà vẫn bảo quản chiếc đài cassette mà Đại tướng đã tặng gia đình một cách trân trọng. Đối với cả gia đình, chiếc đài là một báu vật vô giá dù nay cuộc sống khá giả hơn, trong nhà đã sắm sửa được các thiết bị nghe nhìn hiện đại. “Lúc ấy ở Mường Phăng chưa có điện nên bác Giáp tặng chiếc đài cho cụ nhà tôi nghe tin tức thời sự, ca nhạc. Cả nhà quý lắm”, ông Lò Văn Biên chia sẻ.
Sinh thời, Đại tướng dành sự quan tâm, tình cảm đặc biệt cho nhân dân xã Mường Phăng. Đó như là lời tri ân của người anh cả QĐND Việt Nam dành cho tấm lòng của người dân vùng rẻo cao Tây Bắc đã hết lòng che chở, giúp đỡ Sở Chỉ huy chiến dịch. Ông Lò Văn Thanh – Chủ tịch UBND xã Mường Phăng, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên chia sẻ: “Nhiều công trình trọng điểm trên địa bàn luôn in đậm dấu ấn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp như hồ chứa nước Loọng Luông 1, xây dựng trường học, đường giao thông… Vì vậy, mặc dù ở vùng sâu vùng xa nhưng Mường Phăng có những bước phát triển vững chắc, tốc độ xóa đói giảm nghèo nhanh. Tỷ lệ hộ nghèo đến cuối năm 2013 giảm xuống còn 26%. Cộng đồng các dân tộc Thái, Mông, Kinh sinh sống trên địa bàn đều ghi nhớ và biết ơn tình cảm Đại tướng dành cho Mường Phăng”. Mang trong mình tình cảm đặc biệt và sâu lắng được bồi đắp suốt 60 năm với Đại tướng nên thời khắc nghe tin Đại tướng từ trần, cả Mường Phăng chìm trong niềm tiếc thương vô hạn. Bà con đã tổ chức viếng Đại tướng tại khu di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ và cử đại diện về viếng Đại tướng tại số nhà 30 Hoàng Diệu, Hà Nội.
Tình cảm đặc biệt đó cũng là niềm tự hào thúc giục các thế hệ người Mường Phăng phấn đấu xây dựng quê hương ngày càng phát triển, xứng đáng với tình cảm của Đại tướng đã dành cho đất và người nơi đây. Đặc biệt là thế hệ trẻ - những mầm non tương lai của Mường Phăng, từ các cháu ở độ tuổi mầm non, tiểu học, THCS, các em đều rất tự hào khi những ngôi trường của mình được đổi tên thành Trường Võ Nguyên Giáp sau ngày Đại tướng từ trần. Em Cứ Thị Xuân, học sinh lớp 8A, Trường THCS Võ Nguyên Giáp, xã Mường Phăng chia sẻ: “Chúng em rất vinh dự khi sinh ra trên mảnh đất Mường Phăng và được học tập trong ngôi trường mang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đó là động lực để chúng em ra sức phấn đấu học tập, rèn luyện thành người có ích cho xã hội, góp phần xây dựng quê hương”.
Về với Mường Phăng, nơi ghi dấu mốc son chói lọi trong cuộc đời binh nghiệp lẫy lừng của người anh cả QĐND Việt Nam, bước chân trong rừng thiêng trầm mặc hay trong từng bản làng vùng cao, tất cả dường như vẫn in dấu bóng hình Đại tướng. Bởi với người Mường Phăng, không kỷ vật nào bằng tấm lòng, tình cảm vô hạn mà Đại tướng dành cho đất và người Mường Phăng, cũng như nghĩa tình hàng ngàn người dân Mường Phăng qua bao thế hệ sắt son dành cho Đại tướng huyền thoại: Võ Nguyên Giáp.
Bài, ảnh: Thành Duy – Đức Anh