Thăm thẳm rừng xanh
(Baonghean) - Tháng Chạp, mưa phùn dườn dượt còn gió mùa đông bắc thì thổi thông thống. Chùa Nàng Hương ngự trên sườn núi Tượng Sơn cách làng con sông Lam và một cánh đồng hẹp khô ráo, quang đãng. Hoa đại rụng trắng mấy dãy sân gạch rêu phong.
Chùa vắng khách, chỉ mỗi tôi và chị Hoài. Phải đến gần chục năm, nay hai chị em mới ở cạnh nhau. Chị chăm chăm nhìn tôi, cái nhìn thật lạ, hút hoẵm. Bỗng chị thở dài, cúi nhanh xuống, sẽ sàng nhặt những bông hoa đại rụng bỏ vào giỏ tre màu nâu sẫm. Chị nói, mỗi ngày một giỏ đầy. Tôi hỏi, nhặt cất làm chi? Chị cười buồn, nói là chẳng để làm chi cả, nhưng lâu rồi, mấy năm rồi nhặt vậy, thành quen. Tôi không hỏi gì thêm. Tiếng giỏ tre miết trên sân gạch lạt xạt khiến bầu yên tĩnh bốn phía chung quanh thêm vẻ bí ẩn.
Ngày chị lên chùa, tôi còn ở chiến trường. Hết giặc tôi về, mẹ tôi nói, giọng buồn không chịu được, chị Hoài đi tu rồi. Tôi không tin vào tai mình. Mẹ tôi lén lau nước mắt, giọng gần như những tiếng thì thào: Bom rơi trúng vào nhà, chẳng còn ai chờ nó về. Anh Ninh (anh em sinh đôi với tôi, giống tôi như hai giọt nước) cũng nằm lại trong rừng không về. Nó lẻ loi, nó cô đơn quá mà. Tội nghiệp, đi đông, về tây, bom đạn chừa ra mà phận làm vậy ? Hôm ấy, tôi thập thững lên núi Tượng Sơn. Thấy chị mặc bộ quần áo nhà chùa rộng thùng thình, lòng tôi nhói đau, chợt nhớ dáng vẻ chị ngày xưa. Ngày xưa chị thon thả, xinh đẹp, nhanh nhẹn làm sao. Tôi vét hết lời trong gan ruột bàn chị hoàn tục. Chị nhìn những ngón tay của mình đặt hờ trên cái mõ gỗ nói, chú cho chị yên... Cõi trần có bao nhiêu nẻo. Xong, bỏ tôi đứng lại một mình, đi vào điện thờ...
Lần này gặp chị, tôi không nhắc chuyện cũ, không nói gì về anh Ninh. Chị thì im lặng nhìn vào mắt tôi, rất lâu rồi hỏi, bao giờ chú đưa anh Ninh về ? Tôi lúng túng nhìn vào thăm thẳm rừng xanh chưa biết trả lời ra sao thì cánh cửa lim đã nặng nề khép lại sau lưng áo màu vàng của chị. Tôi rùng mình, dón chân giữa những bông đại trắng đi ra cổng, xuôi theo con đường mấp mô bậc đá xuống sông Lam. Cữ nước cường, sông mênh mông. Hoa bần tung nhuỵ như những cái kim khâu đỏ màu máu bay lăm răm khắp nơi. Bến đò có ba bậc đá, rêu viền chung quanh, ngọn rêu vật vờ trong nước xanh nom buồn thiu. Người chèo đò là chị Ngọc, đi Thanh niên xung phong cùng đợt, chiến đấu trong cùng một đơn vị với chị Hoài. Nghe kể, chị Hoài bỏ làng lên chùa được một năm thì chị Ngọc bỏ nhà xuống sông, thay mẹ chèo đò ngang. Ba khoang thuyền có một khoang được che chắn kín đáo làm nơi ăn, ngủ cho chị. Một lần, chị Ngọc nói với tôi, bao nhiêu là người đến luỵ tôi để sang sông, cơ mà đến nay vẫn không có thằng đàn ông nào ở lại thuyền. Lặng một lúc chị nói tiếp, chị Hoài của chú làm ni cô nhưng cái trí, cái tâm để cả nơi anh Ninh. Rồi thì nó cũng cởi áo nhà chùa đi thôi. Mà thế mới phải chứ. Chị cười, tiếng cười nghe sao mà đắng đót.
Tôi đứng ở bậc đá thứ hai. Chị Ngọc ở bờ bên kia, quay thuyền. Khuôn ngực ngồn ngộn, phập phồng của chị bặn lên tay chèo. Mũi thuyền cập bậc đá thứ ba, khựng lại. Chị gác chèo lên mạn thuyền, găm sào tre rồi đứng chạng chân trên sạp gỗ, ưỡn cái bụng lùm lùm, vui vẻ nói với tôi là đã có một người đàn ông ở lại trên thuyền mấy ngày đêm. Tôi hỏi, người nào tốt số vậy? Chị chớp chớp mắt nói người ấy đi rồi, đi luôn. Tôi nhìn chị không giấu nổi ngạc nhiên. Đi luôn là sao? Người ta có vợ có con, ấm êm. Mình giữ họ lại đâu được. Tôi hiểu, lòng chạnh buồn. Chị nói, áp tết, chị sẽ lên chùa nhờ sư Hoài cầu an. Tôi nói, mồng 5 tết mới lễ cơ mà. Chị bảo, biết thế nhưng chị lên trước để có thời giờ cùng chị Hoài ôn chuyện xưa cũ. Chị bát mạnh thuyền, ngửa mặt nhìn đâu đó giữa khoảng không, nói, nay lên chùa không còn phải lủi thủi một mình nữa mà hai mẹ con, hai mẹ con nhé... Tôi nói, mừng cho chị nhiều. Nói xong thì chạnh buồn, nhớ chị Hoài se sắt.
Chị Ngọc nhìn tôi, bỗng nói, giọng như trách cứ, chú và anh Ninh giống nhau quá thể. Lặng một lúc lại nói rừng Trường Sơn mênh mông làm vậy, biết anh Ninh ở chỗ nào, hở trời ?
Tôi bỗng thấy lòng buồn nẫu và cảm thấy thăm thẳm bốn phía chung quanh. Con thuyền đến giữa sông, gió nhẹ, không có sóng nhưng chẳng biết vì sao nó cứ chòng chành, chòng chành...
...Gần Tết thì trời hửng nắng. Mờ sáng ngày hai ba, tôi về nhà. Mẹ tôi đang ngồi têm trầu trên chiếc chõng tre kê trên thềm, thấy tôi bà hỏi, về để cúng ông Táo à ? Tôi đáp, phải. Bà trầm ngâm một lúc rồi bỗng nói, Tết nhất xong, con xin nghỉ phép vô trong nớ tìm kiếm để đưa anh Ninh về. Giọng mẹ tôi trĩu nặng. Tôi cắn môi, ôm đôi vai gầy của mẹ. Mẹ nói, con lên chùa hỏi sư Hoài có cầu biết được gì về anh Ninh không ? Tôi im lặng, khoé mắt cay cay. Thay áo quần xong, tôi đến bến đò. Không thấy thuyền chị Ngọc đâu. Tôi ngồi xuống bãi cỏ đẫm sương nhìn ba bậc đá vật vờ rêu dưới những làn hơi nước mỏng tang như khói. Sau lưng tôi là làng, trước mặt tôi là núi Tượng Sơn và chùa Nàng Hương, xa hơn nữa là rừng, thăm thẳm, bạt ngàn rừng xanh. Tất cả bần thần chìm vào im lặng. Có cái gì đó câm nín, nóng hổi, lan toả. Một nỗi hồi hộp mơ hồ ám ảnh tôi. Tôi lịm mười ngón tay vào cỏ và nghe đâu đó giọng con gái bồng bềnh, bồng bềnh...
Dân làng, phần đông là các ông, các bà đổ ra bến đò. Họ chen chân trên ba bậc đá, trên bãi cỏ bầm giập, chờ thuyền sang sông để lên chùa. Tiếng cười nói ồn ào, tiếng sóng vỗ lách tách trong dãy dứa dại, còn trên thinh không, rời rạc tiếng vạc ăn đêm về muộn. Một lúc sau, từ sau khúc ngoặt dòng sông, thuyền chị Ngọc hiện ra, dập duềnh cập bến. Dân làng bíu áo nhau lên thuyền. Đến lượt tôi, chị Ngọc nói, chờ chuyến sau. Khách lên hết bờ bên kia, chị quay lại với tôi. Khuôn mặt chị rờ rỡ. Chị nói, giọng vui như hồi nào khoe với tôi chị có thai, rằng sư Hoài đi khỏi chùa Nàng Hương rồi. Tôi hỏi, đi đâu? Chị không trả lời, một tay gạt chèo, một tay chỉ vào rừng Trường Sơn xanh mờ phía Tây.
Tôi nhìn con thuyền đang sang sông.
Đức Ban