Tháng 7 về, mong nhớ các anh

27/07/2012 20:02

Trong những ngày tháng 7,  chúng tôi có dịp tìm về hậu phương của những người lính hải quân đã ngã xuống vì sự toàn vẹn của biển đảo quê hương. Gần 25 năm trôi qua, hình ảnh các anh vẫn vẹn nguyên trong tâm trí của người mẹ già, người vợ thủy chung - những người mẹ, người vợ đã hiến dâng cho Tổ quốc những đứa con, những người chồng yêu quý để bảo vệ đất trời, biển đảo quê hương.

(Baonghean)- Trong những ngày tháng 7, chúng tôi có dịp tìm về hậu phương của những người lính hải quân đã ngã xuống vì sự toàn vẹn của biển đảo quê hương. Gần 25 năm trôi qua, hình ảnh các anh vẫn vẹn nguyên trong tâm trí của người mẹ già, người vợ thủy chung - những người mẹ, người vợ đã hiến dâng cho Tổ quốc những đứa con, những người chồng yêu quý để bảo vệ đất trời, biển đảo quê hương.

Mẹ mãi đợi con về

Trở lại Yên Thành, tôi tìm đến nhà mẹ của liệt sỹ Trường Sa - Cao Đình Lương ở xóm 5, xã Trung Thành. Trong ký ức mẹ, liệt sỹ Cao Đình Lương là người hiền lành, lại rất tài hoa, đàn ca rất giỏi. Học xong lớp 7, anh được tuyển vào Đoàn dân ca Nghệ Tĩnh, nhưng anh lại quyết định nhập ngũ, tham gia vào lực lượng Hải quân đóng quân ở Hải Phòng.



Ngày anh lên đường nhập ngũ mới chỉ 17 tuổi, cái tuổi mà mẹ Thìn nói: “Nó còn dại lắm! Chưa biết chi mô”. Nước mắt lại trào ra trên gương mặt của người mẹ già năm nay đã 85 tuổi khi mẹ kể cho chúng tôi nghe về chuyện tình còn dang dở của anh. “Năm 1986, nó về phép, gia đình giục lấy vợ nhưng nó không chịu, sợ đời lính nơi sa trường còn hiểm nguy chưa biết thế nào, lấy về lại làm khổ người ta”. Đây cũng là lần cuối cùng anh Lương về phép và cũng là lần cuối cùng mẹ được ôm đứa con đứt ruột sinh ra vào lòng trước khi anh chuyển vào Khánh Hòa và hy sinh ở đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa.

Kỷ vật còn lại về anh vỏn vẹn là tấm ảnh chân dung trong bộ quân phục Hải quân. Nhìn ảnh con, mẹ nghẹn ngào nấc lên từng lời, ngày xưa nhà nghèo, mẹ không đủ gạo nấu cho con ăn. Bây giờ, cuộc sống no đủ rồi thì con không còn nữa. Nhà có 10 đứa con thì trước đó đã có 4 người đi bộ đội, 1 người đi TNXP, 2 người đi văn công, anh trai Cao Đình Cựu cũng đã hy sinh năm 1971 ở chiến trường miền Nam. Nên anh Lương không nhất thiết phải nhập ngũ nhưng anh vẫn quyết chọn con đường binh nghiệp. “Đã vào bộ đội thì xác định gian nan, hy sinh. Mẹ vẫn thường động viên nó yên tâm công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Thậm chí, hôm bố nó mất, nó cũng không thể về nhìn mặt bố lần cuối vì nhiệm vụ của người lính”.

Qua làn sóng phát thanh, gia đình nhận được tin anh hy sinh. “Lúc đó, đài phát thanh đọc tên liệt sỹ hy sinh là Vũ Đình Lương. Mẹ cứ hy vọng điều này là sự thật, đó không phải là con mẹ, Cao Đình Lương mới là tên con mẹ”. Nhưng rồi, giấy báo tử cũng chuyển về cho gia đình, mẹ suy sụp hoàn toàn, con trai mẹ đã hy sinh ở tuổi 21, độ tuổi mà đời người mới chỉ bắt đầu với bao viễn cảnh tươi sáng.

Tuổi tác không làm trí nhớ mẹ mờ đi, tất cả những kỷ niệm về anh vẫn sống mãi trong lòng mẹ. Nhưng trong sâu thẳm, tôi biết mẹ còn chất chứa một nỗi niềm, đó chính là hài cốt con trai mẹ. “Năm 2011, Bộ Tư lệnh Hải quân có về lấy mẫu gen để xác định hài cốt liệt sỹ nhưng vẫn chưa tìm thấy. Chỉ mong mẹ còn được đón con trở về, rứa là mãn nguyện, cũng là ước muốn lớn nhất của đời mẹ”.

Chiếc xe đạp kỷ niệm

Đã hơn 24 năm trôi qua, mẹ Hồ Thị Khuyên - mẹ của liệt sỹ Nguyễn Tất Nam ở xóm 7, xã Thượng Sơn, huyện Đô Lương - một trong số 64 liệt sỹ hy sinh ở quần đảo Trường Sa, vẫn giữ chiếc xe đạp anh gửi về với nỗi nhớ đau đáu khôn nguôi.



Liệt sỹ Nguyễn Tất Nam là một trong số 8 người con của mảnh đất xứ Nghệ đã anh dũng hy sinh trong trận hải chiến ngày 14/3/1988 để bảo vệ quần đảo Trường Sa. Khi nhắc đến người con đã hy sinh, những kỷ niệm về ngày đầu lên đường nhập ngũ của cậu con trai lại hiện về trong ký ức mẹ: “Tui có 5 người con, thằng Nam là con cả. Ở nhà nó siêng năng, chăm chỉ, thương yêu các em lắm. Vừa đủ 18 tuổi là nó xung phong đi bộ đội, ngày nó lên đường cứ động viên tôi là con làm nhiệm vụ xong sẽ về nuôi em thay mẹ...”. Tạm biệt mẹ và những đứa em thơ, tháng 2/1985, anh Nguyễn Tất Nam lên đường nhập ngũ và được lệnh cử chiến đấu trên tàu HQ 604 - Hải đội 1 - Lữ đoàn 125 Hải quân. Trước khi lên tàu, Nam chỉ kịp gửi về chiếc xe đạp Liên Xô cũ mà anh sử dụng trong thời gian ở quân ngũ cùng một ít đồ đạc và viết mấy chữ ngắn ngủi dặn dò: “Con chiến đấu ở ngoài đảo nên chắc không dùng đến chiếc xe đạp này nữa đâu mẹ ạ, con gửi về cho các em con có cái xe đạp để tập đi, chắc bọn chúng sẽ thích lắm mẹ nhỉ”.

Thế nhưng đó cũng là lời nhắn cuối cùng mà anh gửi về gia đình. Trong trận hải chiến ngày 14/3/1988 bảo vệ quần đảo Trường Sa, anh Nam đã vĩnh viễn ra đi khi tuổi mới đôi mươi cùng với 63 đồng đội của mình. Ngày Bộ Tư lệnh Hải quân gửi thư thăm hỏi tới các gia đình có chiến sỹ bị mất tích, mẹ Khuyên vẫn hy vọng đứa con trai mình còn sống và bị bọn địch bắt giam. Giấu những giọt nước mắt trong lòng, ngày đêm mẹ luôn mong ngóng sẽ có một “phép màu” nào đó để mình được gặp lại con. Thế nhưng, đau đớn thay khi danh sách 9 người bị địch bắt giam không có tên con trai mẹ. Tin anh hy sinh ở đảo Gạc Ma báo về nhà, chân tay mẹ như rụng rời. “Ba năm đi chiến đấu mà nó chưa một lần được về thăm nhà, ngày nó hy sinh cũng chỉ còn 3 tháng nữa là nó xuất ngũ, thế mà…”, mẹ Khuyên bùi ngùi. Hai mươi tư năm trôi qua, thời gian không phải là dài nhưng cũng đủ cho con người ta lãng quên nhiều thứ. Thế nhưng, đã 24 năm, chiếc xe đạp được mẹ gìn giữ cẩn thận như một kỷ vật vô giá trong nhà. Đã ở tuổi “xưa nay hiếm”, mẹ Khuyên chỉ có một mong muốn là tìm được phần thi thể của anh để đưa về quê an táng, thờ cúng.

Nỗi lòng người vợ

Trong một ngôi nhà nhỏ ở xóm 2, xã Diễn Nguyên, huyện Diễn Châu, gần 25 năm qua thiếu vắng hình bóng của người chồng, người cha trong gia đình. Có một người phụ nữ đã tảo tần thay chồng nuôi hai con bằng tình thương của cả cha và mẹ. Đó là chị Trần Thị Ninh (SN 1963), vợ liệt sỹ Trường Sa - Phan Huy Sơn. Hai anh chị cùng tuổi, học cùng trường làng rồi nên duyên vợ chồng ở cái tuổi đôi mươi. Hạnh phúc của đôi vợ chồng trẻ được nuôi dưỡng bằng những cánh thư từ biển đảo xa xôi nối với đất liền chất đầy nhớ mong và bao hy vọng cho tương lai phía trước. Bởi, anh nhập ngũ, học Quân y rồi nhận nhiệm vụ tại đảo Song Tử Tây, quần đảo Trường Sa. Ngày anh đi, con trai đầu lòng đang còn trong bụng mẹ và giờ Hà (tên con trai) đã 28 tuổi. Hạnh phúc tưởng chừng như thế là trọn vẹn, đâu ngờ Hà sinh ra bị thiểu năng trí tuệ. Người vợ trẻ một mình vất vả nuôi con trong bao gian khó của thời kỳ bao cấp. “Thằng Hà không lớn lên nổi, mỗi ngày chỉ biết ăn ba bữa rồi nằm ọ ọe cho đến hết ngày”, chị Ninh nước mắt lưng tròng.



“Năm 1987, anh về phép, quà lính đảo là mấy chiếc vỏ ốc xinh xinh anh kỳ công làm thành những chiếc móc chìa khóa. Vợ chồng gặp nhau mừng mừng, tủi tủi. Cũng nhờ lần về phép đó mà có con bé Trang bây giờ”. Cả anh và chị cũng không ngờ đây cũng chính là lần cuối cùng cả gia đình được đoàn tụ bên nhau. Anh nhận được lệnh trở về đơn vị khi còn 3 ngày nữa mới hết phép và hoàn toàn không biết vợ đang mang trong mình sinh linh bé nhỏ thứ 2.

Ngày 14/3/1988, nghe tin trên đài phát thanh về trận chiến ở đảo Gạc Ma và có thông báo danh sách liệt sỹ hy sinh. Tim chị thắt lại, nỗi sợ hãi chiếm hết tâm trí, chị chỉ còn biết ôm hai đứa con nhỏ vào lòng mà khóc, mà hy vọng có sự nhầm lẫn hay may mắn nào đó. Hy vọng chỉ thực sự tắt trong tâm tưởng chị khi xã tổ chức lễ truy điệu cho liệt sỹ Phan Huy Sơn. Trước nỗi đau quá lớn, chị hoàn toàn suy sụp nhưng cũng chính lúc này, đọc lại những dòng thư chứa chan tình cảm, bao điều dặn dò “cố gắng nuôi con thay anh”. Chị gượng dậy, bắt đầu hành trình đầy vất vả khi đôi vai gầy gánh vác thêm cả tình thương, trách nhiệm của người cha đã khuất của các con chị.

Gần 25 năm trôi qua, giờ đây trong ngôi nhà nhỏ được xây dựng bằng tiền nội ngoại giúp đỡ và 15 triệu đồng của Hải quân trao tặng, Hà vẫn vậy, có lớn mà không có khôn do căn bệnh quái ác. Cái Trang giờ đã trở thành thiếu nữ, giúp đỡ được mẹ việc nhà, chăm sóc cho anh trai và chăm chỉ ôn luyện mong một ngày được khoác lên mình chiếc áo blouse trắng để nối nghiệp bố. Còn chị Ninh, từ ngày được tin chồng hy sinh cũng một mực ở vậy nuôi con, bao nhiêu khó khăn, cực nhọc hằn lên khuôn mặt nay đã sạm đi giữa miền đất gió Lào sau những giờ quần quật với 4 sào ruộng. “Những lúc cảm thấy đuối sức, cần một nơi dựa dẫm, tui lại lấy thư anh ra đọc, rồi ôm mấy bộ quân phục của anh mà khóc. Anh hy sinh đã mấy chục năm mà vẫn chưa tìm thấy hài cốt, làm sao để đưa anh về đoàn tụ được với mẹ con tui đây” - chị Ninh day dứt.


Thành Duy - Doãn Hòa

Mới nhất
x
Tháng 7 về, mong nhớ các anh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO