Tháng Bảy của những tấm lòng tri ân

(Baonghean) - Không biết tự bao giờ, những ngày cuối tháng Bảy đã trở thành thời điểm lắng đọng của bao tấm lòng tri ân và tưởng nhớ. Những địa danh Nghệ An, Quảng Trị..., những cái tên đường 9 Nam Lào, nghĩa trang Trường Sơn, nghĩa trang hữu nghị Việt- Lào... vang lên như đồng vọng của quá khứ và hiện tại. 
Năm nào cũng vậy, khi tia nắng mùa hè bước vào ngày cao điểm, khi những đợt gió Tây Nam thốc hơi nóng qua dãy Trường Sơn thì dường như cũng gợi đến một miền ký ức không thể nguôi ngoai. Đó chính là dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7). Trên thế giới có lẽ không nhiều quốc gia có ngày đặc biệt để tôn vinh những giá trị cao đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và dành riêng phút giây thiêng liêng để tưởng niệm cho những đau thương mất mát của đất nước, tri ân những con người xả thân vì chân lý của dân tộc và thời đại. Chính vì vậy, cứ đến cuối tháng Bảy, từng đoàn, từng đoàn người từ khắp nơi lại tìm về đất trời Quảng Trị để được sống lại những cảm xúc bâng khuâng, nhớ thương của lòng mình trên mảnh đất đỏ lửa từng bị cày xới bởi ngàn vạn đạn bom. Cũng như nhiều năm trước, năm nay các đồng chí lãnh đạo tỉnh Nghệ An lại tổ chức các hoạt động về nguồn, tri ân các anh hùng, liệt sỹ, gia đình chính sách và những người có công với cách mạng. Và thêm một lần nữa chúng tôi lại đồng hành trên tuyến đường Hồ Chí Minh hướng về vùng đất Trị - Thiên, nơi đang yên nghỉ của hàng vạn anh hùng, liệt sỹ. 
Nghĩa trang liệt sỹ quốc gia đường 9 nằm ở phía Tây của Thành phố Đông Hà (Quảng Trị), trên tuyến Quốc lộ 9 - nơi đang yên nghỉ của gần 10.000 liệt sỹ hy sinh trên các chiến trường Quảng Trị, Nam Lào. Chúng tôi có mặt tại Nghĩa trang đường 9 vào lúc 7h. Những tưởng mình sẽ là người đến sớm nhất, nhưng lúc này trong khuôn viên nghĩa trang đã có nhiều đoàn đang thực hiện nghi lễ dâng hương, tưởng niệm. Họ là những cựu chiến binh đến từ tỉnh Phú Thọ; là cán bộ, đoàn viên của Bộ Công an; là những cán bộ, chiến sỹ Công an Thành phố Đông Hà...Tất cả tề tựu trong yên lặng dưới chân tượng đài tưởng niệm. Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia đường 9 vừa hoàn thành việc nâng cấp tôn tạo vào ngày 12 tháng 7 năm nay. Trong làn khói hương lan tỏa, đồng chí Nguyễn Xuân Đường, Chủ tịch UBND tỉnh thay mặt đoàn công tác đến từ tỉnh Nghệ An thỉnh 9 tiếng chuông ngân lên trong buổi sáng trời trong vắt ở Nghĩa trang. Dường như đó là nỗi tiếc thương thầm kín, lòng ngưỡng vọng gửi đến những người con quê hương đã lựa chọn nỗi mất mát, thiệt thòi về phía mình để đất nước bình an. Tại Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia đường 9 hiện là nơi an nghỉ vĩnh hằng của 275 liệt sỹ quê hương Nghệ An. Trong bài điếu do ông Đặng Cao Thắng - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH đọc có đoạn: Nơi an nghỉ của các liệt sỹ tuy xa quê hương nhưng luôn được cán bộ, nhân dân tỉnh Quảng Trị, Ban Quản lý Nghĩa trang đường 9 thay mặt nhân dân cả nước chăm lo, hương khói. Cán bộ, nhân dân tỉnh nhà không bao giờ quên các anh, các chị, những cống hiến của các liệt sỹ mãi là giá trị cao đẹp, trường tồn cùng sự phát triển của quê hương. 
Trong 2 cuộc kháng chiến cứu nước thế kỷ XX, Nghệ An là tỉnh có nhiều cống hiến lớn lao cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Hàng vạn người con ưu tú của xứ Nghệ đã có mặt khắp các chiến trường, chiến đấu và ngã xuống vì tiếng gọi thiêng liêng của lịch sử dân tộc. Đến nay toàn tỉnh có trên 45.000 liệt sỹ, 50.000 thương binh, bệnh binh và trên 11.000 người được hưởng chính sách như bệnh binh, 879 Bà Mẹ Việt Nam anh hùng... Đến Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn, ông Nguyễn Văn Ánh - Phó Ban Quản lý nghĩa trang cho hay, trong số 64 tỉnh, thành của cả nước, Nghệ An là địa phương có số liệt sỹ đông nhất, gồm 1.297 liệt sỹ trong tổng số 10.236 phần mộ đang được chăm nom hương khói tại đây. Những con số ấy dù đã được nghe nhiều lần nhưng dường như mỗi lần nhắc đến ai cũng cảm giác nhói buốt xen lẫn tự hào. niềm tự hào về sự xả thân đầy trách nhiệm và nghĩa khí như cốt cách ngàn năm của các thế hệ người Hoan Châu.
Sau khi hoàn thành các nghi lễ dâng hoa, dâng hương tại Đài tưởng niệm trung tâm Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn, dường như ai cũng muốn thật nhanh để về bên khu mộ của liệt sỹ Nghệ An. Lễ vật dâng lên thật đơn giản, có cặp bánh chưng, mâm hoa quả, bánh kẹo, lại có cả những chiếc gương, cái lược và mấy bao thuốc lá... Trong màn sương khói, vị Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An không nói gì, ông chạm nhẹ bàn tay lên tấm bia khắc dòng chữ “Tổ quốc ghi công” và đi đến bên từng ngôi mộ. Các anh, các chị nằm đó, 1.297 số phận và cũng chừng ấy cuộc đời giữa nắng gió của Trường Sơn. Những thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, bộ đội Trường Sơn tất cả như cùng sum họp, quy tụ trong những phút giây chiến trường ngưng tiếng súng. Khi các anh ra đi phơi phới tuổi thanh xuân của những mười tám, đôi mươi. Nay không gian như ngừng lặng, còn thời gian dội về dồn dập chân bước hành quân với những lồng ngực căng khát vọng. Bất chợt trong nghĩa trang ai đó đọc mấy vần thơ dù rất khẽ nhưng vẫn lan mềm trong gió “...Đất nghèo nuôi những anh hùng/ Chìm trong máu lửa lại vùng đứng lên/ Đạp quân thù xuống đất đen/ Súng gươm vứt bỏ lại hiền như xưa...”.
Những câu thơ mềm mại nhưng tỏa ra khí chất của những người anh hùng, của thời đại anh hùng dường như đã trở thành điều được nhiều người liên tưởng đến trong những ngày cuối tháng Bảy này. Không chỉ ở mảnh đất thiêng Quảng Trị, mà quê hương của Bác Hồ kính yêu - vùng đất đỏ anh hùng, sự tri ân cũng đằm sâu trong tâm tưởng. Trong khuôn viên mênh mông của Khu di tích lịch sử Truông Bồn, bầu không khí tưởng niệm dường như bao trùm tất thảy. Trong buổi sáng 26/7, đoàn đại biểu Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam tỉnh Nghệ An do đồng chí Lê Xuân Đại - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh dẫn đầu đã hòa vào dòng người dường như bất tận, có mặt tại Khu di tích lịch sử Truông Bồn. Hoạt động này đã thành thông lệ đẹp hàng năm, tỏ bày sự tri ân sâu sắc trước những cống hiến lớn lao của một thế hệ cho bầu trời xanh hòa bình đất nước. 
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Truông Bồn trở thành một tọa độ lửa, mục tiêu ném bom dữ dội của đế quốc Mỹ nhằm ngăn chặn chi viện của miền Bắc cho chiến trường miền Nam. Ghi chép lịch sử đã để lại cho thế hệ sau những con số biết nói: trong tổng số gần 19.000 quả bom các loại, tên lửa và rốc két kẻ thù trút xuống khu vực này thì phần lớn chúng ném vào trọng điểm Truông Bồn, biến nơi đây thành một bãi trắng hoang tàn, hàng ngàn héc ta rừng bị tiêu hủy, 211 làng dọc tuyến đường 15A bị tàn phá. Tại đây, hơn 1.240 cán bộ, chiến sỹ bộ đội, dân quân tự vệ, TNXP, công nhân ngành Giao thông hy sinh, trong đó có 372 chiến sỹ TNXP; xã Mỹ Sơn và xã Nhân Sơn, huyện Đô Lương hơn 100 người chết và bị thương. Đặc biệt, ngày 31/10/1968, loạt bom ném xuống Truông Bồn đã làm 13 chiến sỹ thuộc Đại đội 317 TNXP Nghệ An hy sinh khi đang làm nhiệm vụ. Tuổi thanh xuân của cả thế hệ đã hòa vào đất, đá, cỏ, cây, để rồi trường tồn cùng độc lập, tự do của Tổ quốc. 
Trong không gian trầm mặc ấy, vẫn là những nghi lễ dường như đã trở nên quen thuộc, thế nhưng xúc cảm thiêng liêng trước không gian đặc biệt bao giờ cũng vẹn nguyên. Lẵng hoa tươi thắm và những nén hương thơm mà đồng chí Lê Xuân Đại cùng các đại biểu trong đoàn thành kính dâng lên anh linh các anh hùng, liệt sỹ là biểu tượng của tấm lòng tri ân, tưởng nhớ. Phảng phất thấy những đôi bàn tay khẽ run, ánh mắt của nhiều người thoáng khép lại trong mờ ảo của nén tâm hương. Không phải là lần đầu tiên đến với khu di tích, cũng không phải là lần đầu tiên được nghe về những huyền thoại bất tử nơi đây, nhưng khi câu chuyện bi tráng được thuyết minh viên cất lên lần nữa, thì vẫn là những tấm lòng rưng rưng cảm thức. Và 9 tiếng chuông thỉnh nguyện được đồng chí Lê Xuân Đại - Phó Chủ tịch UBND tỉnh thay mặt đoàn đại biểu gióng lên, âm vang trong không gian thênh thang của khu di tích. Bất giác, ai cũng ngước nhìn lên cao xanh vời vợi, để soi mình trong những đồng vọng của lịch sử chưa xa.
Những cảm xúc thiêng liêng ấy hiện hữu trong tất thảy người dân đến với nơi đây trong những ngày cuối tháng Bảy này. Buổi sáng nay, cùng với đoàn đại biểu của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ tỉnh, có sự có mặt của hàng trăm người dân quê hương Xô viết anh hùng. Nổi bật trong dòng người là đoàn quân nhân của xã Thọ Thành, huyện Yên Thành, lặng lẽ, chậm rãi di chuyển giữa các lối đi thênh thang của khu di tích, ngắm thật lâu các bức phù điêu, nhân tượng. Bà Lê Thị Hồng, 57 tuổi, thành viên của đoàn quân nhân xã Thọ Thành dễ gây ấn tượng với người đối diện bởi những cảm xúc hiện hữu trên nét mặt. “Xúc động lắm! Tôi vẫn thường kể cho mấy đứa cháu nghe về cuộc kháng chiến của dân tộc, mà không thể thiếu câu chuyện về mảnh đất Truông Bồn, về các TNXP. Năm nào xã tôi cũng tổ chức đi, mà năm sau lại thấy khang trang hơn năm trước, phấn khởi quá chú ạ!”- bà Hồng tâm sự nhỏ nhẹ, chân thành.
Đoàn viên, thanh niên thắp nến tri ân các Anh hùng liệt sỹ trước tượng đài tại Nghĩa trang hữu nghị Việt - Lào. Ảnh: Minh Quân
Đoàn viên, thanh niên thắp nến tri ân các Anh hùng liệt sỹ trước tượng đài tại Nghĩa trang hữu nghị Việt - Lào. Ảnh: Minh Quân
Hành trình về nguồn trong ngày 26/7 của đoàn đại biểu Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam tỉnh Nghệ An còn in dấu địa chỉ Nghĩa trang quốc tế Việt- Lào tại huyện Anh Sơn. Nghĩa trang tọa lạc trên khuôn viên rộng gần 7 ha, là nghĩa trang lớn nhất quy tập mộ liệt sỹ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam từng tham gia chiến đấu và hy sinh tại Lào. Đây cũng là nghĩa trang duy nhất của Việt Nam mang tên hai quốc gia, hai dân tộc. Được xây dựng từ năm 1976, đến năm 1982, với tình cảm uống nước nhớ nguồn, Đảng và Nhà nước ta đã quyết định đưa toàn bộ hài cốt liệt sỹ hy sinh ở nước bạn Lào về nước, quy tập tại Nghĩa trang liệt sỹ Việt - Lào. Tính từ khi xây dựng cho đến nay, nghĩa trang đã tiếp nhận và chăm sóc gần hơn 1 vạn hài cốt các liệt sỹ hy sinh trên chiến trường nước bạn Lào về đây an nghỉ. Có mặt trong không gian này mới cảm nhận được, dường như nhịp sống ồn ã của thời hiện đại đã tạm lùi đâu đó rất xa, chỉ còn lại lòng tiếc thương vô bờ bến. Đoàn đại biểu tỉnh do đồng chí Lê Xuân Đại dẫn đầu cùng các đồng chí lãnh đạo huyện Anh Sơn đã dâng hương, dâng hoa tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và anh linh các anh hùng, liệt sỹ. Nén tâm hương được thắp lên như nhịp cầu nối hai miền tâm thức. Đảng và Nhà nước sẽ mãi ghi nhớ, tôn vinh sự cống hiến của các anh, đồng thời xin hứa phấn đấu xây dựng quê hương Nghệ An, đất nước ngày một giàu mạnh, văn minh, xứng đáng với sự hy sinh anh dũng của các anh.
Xúc động đứng cạnh bên đoàn đại biểu của tỉnh, có một người đàn ông lặng lẽ ngắm nhìn quang cảnh nghĩa trang quốc tế. Đó là anh Hồ Công Ngà (Diễn Trung, Diễn Châu), là cháu của liệt sỹ Hồ Công Vượng, hiện mộ phần đang ấm cúng quây quần trong khu nghĩa trang này. Qua dòng tâm sự nghẹn ngào, câu chuyện về gia đình anh và tình cảm với liệt sỹ Hồ Công Vượng được chắp nối thành lời. “Năm nào gia đình tôi cũng đến nghĩa trang thắp hương cho chú Vượng và đồng đội. Mọi năm, khi chưa có điều kiện thì đi xe máy, còn năm nay, 20 người anh em nội ngoại thuê một chuyến xe để về nguồn. Chú hy sinh ở Lào tháng 10/1971. Lúc đó chú vừa mới cưới vợ, chưa có con. Tôi là cháu ruột nên thờ phụng chú. Cảm giác đến nghĩa trang như được gần gũi chú thêm, ấm áp lắm!”- anh Ngà chia sẻ.
Tháng Bảy năm nay, chuyến đi của đoàn đại biểu tỉnh Nghệ An lại ghi dấu một địa chỉ mới, đó là gia đình Trung úy Nguyễn Công Hợi, sinh năm 1983, tại xã Tam Hợp, huyện Quỳ Hợp. Đồng chí Nguyễn Công Hợi là một trong những quân nhân đã hy sinh trong vụ tai nạn máy bay tại Hà Nội vào ngày 7/7/2014. Đồng chí Lê Xuân Đại - Phó Chủ tịch UBND tỉnh và các đồng chí trong đoàn đã thắp hương kính viếng hương hồn của liệt sỹ Nguyễn Công Hợi; thăm hỏi, động viên, tặng quà gia đình. 
Để khắc phục nỗi đau do chiến tranh gây ra, những năm qua Đảng và Nhà nước đã thực hiện nhiều chủ trương, chính sách quan trọng. Ở Nghệ An, với những nỗ lực của tỉnh, đã có 98% gia đình chính sách có cuộc sống tương đương hoặc cao hơn mức bình quân chung của khu dân cư trên địa bàn. Năm 2013 tỉnh đã xây dựng được 18,5 tỷ đồng Quỹ “Đền ơn, đáp nghĩa”, 6 tháng đầu năm 2014 đã huy động đạt gần 7 tỷ đồng. Đã có 274 ngôi nhà tình nghĩa được xây dựng trong năm 2013, ngành LĐ-TB&XH tỉnh cũng đã hoàn thành 954 ngôi nhà khác theo tinh thần Quyết định 22/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng. 
Đó là những con số mà tỉnh Nghệ An đã nỗ lực thực hiện để từng bước xoa dịu và hàn gắn vết thương do chiến tranh để lại. Và như trong bút tích để lại tại Nghĩa trang liệt sỹ quốc gia Trường Sơn, đồng chí Nguyễn Xuân Đường đã viết: Đã trở thành truyền thống hằng năm, năm nay nhân dịp kỷ niệm 67 năm ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2014), Tỉnh ủy - HĐND - UBND - UBMTTQ tỉnh cùng với các ngành và lực lượng lượng vũ trang tỉnh Nghệ An tổ chức dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và các liệt sỹ đang yên nghỉ tại Nghĩa trang liệt sỹ quốc gia Trường Sơn. Thay mặt Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà chúng tôi hứa sẽ phấn đấu để đưa tỉnh nhà ngày càng đoàn kết, phát triển. Xin kính cẩn trước các liệt sỹ!
Đào Tuấn - Thành Duy

tin mới

Tháng Công nhân 2024: Phát huy sức mạnh "Đoàn kết công nhân"

Phát huy sức mạnh đoàn kết trong Tháng Công nhân 2024

(Baonghean.vn) - Với chủ đề "Đoàn kết công nhân - Triển khai nghị quyết", Tháng Công nhân của Công đoàn Nghệ An đã được xây dựng với nhiều hoạt động sáng tạo khác biệt, khẳng định vai trò của tổ chức và vị thế của giai cấp công nhân.

Những câu chuyện hào hùng về một thời để nhớ…

Những câu chuyện hào hùng về một thời để nhớ…

(Baonghean.vn) - Chiến tranh đã lùi xa nhưng ký ức về những năm tháng hào hùng của một thời hoa lửa vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí những người lính năm nào. Nhớ về tình đồng đội là động lực để họ viết tiếp bản hùng ca trên chặng đường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn hiện nay.

Các CLB dân ca ví, giặm ở Nghệ An 'đi tắt đón đầu' khi tiếp cận chính sách hỗ trợ

Các CLB dân ca ví, giặm ở Nghệ An 'đi tắt đón đầu' khi tiếp cận chính sách hỗ trợ

(Baonghean.vn) - Nghị quyết 29/ 2021/NQ – HĐND, ngày 09/12/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định chính sách hỗ trợ đối với nghệ nhân, CLB trong lĩnh vực di sản văn hoá phi vật thể được ban hành như một "bầu nước mát" đối với những người hoạt động trong các CLB dân ca trên địa bàn tỉnh.

Bản đồ

Hướng về các ngày lễ lớn của dân tộc, thế hệ trẻ gửi nhiều thông điệp về tình yêu đất nước

(Baonghean.vn) - Những ngày tháng Tư lịch sử, đất nước hướng về các ngày lễ trọng đại: Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, những hình ảnh hào hùng đó một lần nữa lại được thế hệ trẻ tái hiện với nhiều thông điệp ý nghĩa.

Có một miền xanh Diên Lãm

Có một miền xanh Diên Lãm

(Baonghean.vn) - Thăm rừng bản Hốc, cá mát khe Cướm, làng bản bên những ruộng bậc thang, những cây thị, cây xoài cổ thụ nghìn năm..., nhưng ấn tượng nhất trong chúng tôi vẫn là màu xanh của Diên Lãm, thấy nơi đây xứng để gọi là miền xanh.