Thắng lợi của những người có lương tri đã ủng hộ sự nghiệp chính nghĩa của Việt Nam

27/01/2013 15:48

Tô Hồng Hải – Ủy viên BTV, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.

Tô Hồng Hải – Ủy viên BTV, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.

(Baonghean) - Nhân kỷ niệm 40 năm ký kết Hiệp định Paris về Việt Nam, đồng chí Nguyễn Thị Bình - nguyên Phó Chủ tịch nước, nguyên Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, đã có nhận định rất sâu sắc: “Đó là thắng lợi lịch sử trọng đại của nhân dân Việt Nam và cũng là của tất cả những người có lương tri trên thế giới đã ủng hộ sự nghiệp chính nghĩa của nhân dân Việt Nam”.

Với bản thân tôi, nhận định đó đã gợi nhớ lại những tình cảm vô cùng cao đẹp mà những người dân Nga, bạn bè các nước đã chia sẻ và chung vui với chúng tôi cách đây đúng 40 năm về trước, khi tôi đang còn là một lưu học sinh tại Nga.

Còn nhớ, khi đó, tôi đang là sinh viên năm thứ 2 Học viện Kỹ thuật Lâm nghiệp ở thành phố Lêningrát, Liên xô cũ, bây giờ là thành phố Saint-Peterspurg (Nga). Chúng tôi đang vào thời điểm được hưởng kỳ nghỉ đông 2 tuần do thời tiết quá lạnh, chỗ chúng tôi ở lúc đó nhiệt độ khoảng từ -150C đến -200C (hàng năm học sinh và sinh viên Nga có kỳ nghỉ hè và kỳ nghỉ đông).

Sáng sớm ngày 28/1/1973, vì trời lạnh nên chúng tôi thức dậy muộn, chưa hiểu ra chuyện gì thì đã có khoảng mươi cựu chiến binh Nga những người thường ngày vẫn quen biết chúng tôi, vào ký túc xá ngồi chờ sẵn. Vừa thấy chúng tôi mở cửa, các cựu chiến binh đã vồn vã reo lên: “Hiệp định Paris ký rồi! Việt Nam chiến thắng! Liên Xô chiến thắng! Chủ nghĩa xã hội chiến thắng!”. Những cựu chiến binh không giấu cảm xúc vui mừng, đến bắt chặt tay và lắc mạnh, rưng rưng xúc động nhắc đi nhắc lại: “Hiệp định Paris ký rồi! Việt Nam chiến thắng! Liên Xô chiến thắng! Chủ nghĩa xã hội chiến thắng!”. Lúc đó, ở độ tuổi 19-20, thấy những bác cựu chiến binh cao tuổi, tốt bụng, hân hoan báo tin và hồ hởi chúc mừng, chúng tôi vừa ngạc nhiên, vừa rất cảm kích. Các cựu chiến binh mỗi người mang theo một chai Vodka ủ sẵn trong áo choàng, vào phòng, rót rượu mời chúng tôi cùng uống mỗi người một cốc nhỏ, theo phong tục địa phương khi có niềm vui lớn. Trên khuôn mặt những người cựu chiến binh già giãn ra những nụ cười rạng rỡ, phấn khích. Sau đó, chúng tôi được biết các cựu chiến binh theo dõi thời sự trên kênh ti vi và biết được Hiệp định Paris chính thức được ký kết vào ngày 27/1/1973, họ chỉ mong trời sáng để đến ký túc xá chúc mừng những sinh viên Việt Nam.

Ngày hôm đó, tôi cùng hai người bạn lưu học sinh Việt Nam ăn mừng bằng cách cách rủ nhau ra ga tàu điện ngầm để đến Cửa hàng Bách hóa Tổng hợp ở trung tâm thành phố Lêningrát, cách học viện chúng tôi khoảng 20 km. Trên đường đến ga tàu điện ngầm, gặp ai cũng được bắt tay, chúc mừng Việt Nam. Khi chúng tôi đến gần ga tàu điện ngầm thì một chiếc xe taxi dừng lại, anh lái xe hạ kính và hỏi đi đâu, chúng tôi bảo đến Cửa hàng Bách hóa Tổng hợp, anh lái xe khoát tay bảo lên xe. Chuyện đi taxi với sinh viên chúng tôi là một việc xa xỉ, một thoáng ngần ngại, rồi chúng tôi cũng lên taxi. Khi đến cửa hàng bách hóa tổng hợp, taxi dừng lại, chúng tôi trả tiền, anh lái xe nheo mắt cười, khoát tay và nói “Hiệp định Paris ký rồi, chúng ta chiến thắng, khỏi trả tiền, coi như tớ chiêu đãi ba cậu!”.

Sau hai tuần nghỉ đông, chúng tôi trở lại giảng đường. Một cảnh tượng chưa từng thấy đối với tôi, đó là các bạn cùng lớp đều chạy đến chúc mừng. Lớp tôi có 27 sinh viên, chỉ mình tôi người Việt, lúc đó cả bạn trai, bạn gái, đều đến ôm hôn chúc mừng nồng nhiệt: Việt Nam thắng Mỹ rồi, Chúng ta thắng Mỹ rồi! Tiết học đầu tiên sau kỳ nghỉ đông là môn Hóa học, cô giáo XvetLanna bước vào lớp, câu đầu tiên cô lên lớp là: “Hôm nay, cả lớp chúng ta chúc mừng bạn Hải, chúc mừng chiến thắng của Việt Nam và của chúng ta!”. Trưa hôm đó, chúng tôi xếp hàng đi ăn cơm. Tôi nhớ trong nhà ăn của trường, hôm đó, ai cũng có ý nhường chỗ cho chúng tôi – những lưu học sinh Việt Nam, được nhận khẩu phần trước. Các bạn người Nga, người các nước khác đều dành cho chúng tôi những ánh mắt, những cái bắt tay, những câu nói chia sẻ niềm vui rất chân thành.

Với tôi, những năm tháng lưu học sinh còn có một kỷ niệm khó quên nữa, đó là vào năm 1975, khi chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử toàn thắng, ngày 30/4/1975, ở phương xa chúng tôi đã sống trong tâm trạng mừng vui không tả xiết, suốt đêm không ngủ được vì bạn bè Nga và các nước đến chúc mừng, nhảy múa suốt đêm đến sáng. Những người cựu chiến binh sống gần ký túc xá lại đến chúc mừng chúng tôi. Nhưng tôi cảm nhận lần này mức độ vui mừng của các cựu chiến binh có phần nào đó không bằng năm 1973. Tôi đem băn khoăn này hỏi một bác cựu chiến binh có nhà ở gần ký túc xá mà tôi vẫn thường đến chơi, thì được bác cho biết: “Hiệp định Paris 1973 bọn tao mừng hơn chứ! Thắng thằng đế quốc Mỹ mới khó, mới là điều chúng tao mừng không tả nổi. Còn đã thắng được đế quốc Mỹ rồi thì chuyện thắng thằng Ngụy là đương nhiên, chỉ còn là vấn đề thời gian”.

40 năm đã đi qua, nhớ lại, chúng tôi không thể nào quên những ngày tháng được đất nước tạo điều kiện cho mình đi học tập ở những môi trường đào tạo rất tốt. Đồng thời không khỏi cảm động trước tình cảm của những người bạn ở nước Nga xa xôi, của bạn bè lưu học sinh các nước đã thông tin cho chúng tôi biết Hiệp định Paris đã ký kết, đã chung vui cùng với chúng tôi. Thậm chí, qua niềm vui của họ, chúng tôi mới cảm nhận hết được tầm vóc, ý nghĩa lớn lao của Hiệp định Paris ngày 27/1/1973. Thực sự đó là chiến thắng chung, niềm vui chung của những người có lương tri đã ủng hộ cuộc chiến tranh chính nghĩa của dân tộc Việt Nam.

Thắng lợi của những người có lương tri đã ủng hộ sự nghiệp chính nghĩa của Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO