Thanh Chương: Được mùa cam Tết

22/01/2013 21:59

(Baonghean) Năm nay, những người trồng cam ở Thanh Chương phấn khởi vì cam được giá nhất là lứa cam chín muộn phục vụ thị trường dịp Tết Nguyên đán Quý Tỵ. Cam Thanh Chương tập trung nhiều ở Tổng đội TNXP - XDKT2, Tổng đội TNXP - XDKT 5 và một số xã khác trong huyện….

Trong lây phây mưa phùn và cái lạnh buốt giá của thời tiết vùng núi, chúng tôi vào thăm những vườn cam của gia đình đội viên các đội sản xuất thuộc tổng đội TNXP2- XDKT đóng trên địa bàn xã Thanh Đức (Thanh Chương). Gia đình anh Hồ Viết Cương- đội viên đội 3/2 (Tổng đội TNXP 2 có trên 400 gốc cam, bao gồm cả cam Vân Du, cam Sông Con và cam Valencia. Hiện tại, trong vườn còn có khoảng 5 tạ cam chín muộn phục vụ thị trường Tết Nguyên đán.

Dẫn chúng tôi vào vườn cam chín mọng, lúc lỉu quả đang chờ thu hoạch, anh Cương phấn khởi cho biết: “So với năm ngoái thì giá cam năm nay cao hơn. Năm ngoái gia đình tôi thu hoạch từ cam được 170 triệu đồng, năm nay từ đầu vụ đến thời điểm hiện tại được khoảng 250 triệu đồng, riêng cam Tết đã được đặt cọc hết với giá 40 nghìn đồng/kg…”. Đội sản xuất 3/2 có 50 hộ, trong đó có 20 hộ đội viên trồng cam với diện tích khoảng 30 ha. Bước đầu trồng, các hộ đội viên được tổng đội hỗ trợ 50% tiền giống và tập huấn khoa học kỹ thuật. Nhiều năm nay, cây cam đã đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình đội viên đặc biệt là trong dịp Tết.

Gia đình chị Phan Thị Hoan có hơn 300 gốc cam chanh, hàng năm cho thu nhập hơn 100 triệu đồng. Năm nay, ngoài số bán từ đầu vụ, hiện tại gia đình chị vẫn còn 3 tấn cam chanh chín muộn phục vụ Tết. Theo chị Hoan, nếu mối hàng nào không đặt trước 1 tháng thì không mua được cam. Nhà nào có vườn cam đẹp, năng suất cao coi như là trúng lớn. Đặc biệt cam bù có khi được mua với giá 50 nghìn đồng/kg. Tuy nhiên, người trồng cũng lo canh cánh khi những ngày rét đậm rét hại nhiều quả cam bị rụng, thối do sương muối dày đặc, nhiệt độ không ổn định...

Nhiều hộ đội viên cho biết, nếu tính về năng suất thì cam Vân Du, Sông Con hơn nhưng về chất lượng thì cam Valencia tuy trái nhỏ và sưa quả hơn, nhưng lại có vị ngọt đậm đà hơn. Ông Phan Văn Ngôn - Tổng đội trưởng Tổng đội TNXP 2, cho hay: Hiện tổng đội có khoảng 40 ha cam chanh, cam bù và cam Valencia tập trung ở đội sản xuất 3/2 và 15/7. Người trồng cam không phải lo lắng về đầu ra bởi cam được mua tại vườn với giá bình quân 25 -30 nghìn đồng/kg, riêng cam tết bán với giá 40-50 nghìn đồng/kg. Tuy nhiên, số lượng cam phục vụ Tết hiện cũng không còn nhiều. Hiện nay, mỗi nhà còn 5-7 tạ, chủ yếu là cam Valencia và cam bù giống Hương Sơn (Hà Tĩnh). Năm nay, giá trị từ cây cam chiếm khoảng 30% thu nhập của đơn vị.





Vườn cam chín muộn phục vụ Tết của đội viên Tổng đội TNXP2- XDKT. Ảnh: K.L - V.H

Từ lâu, cam của các tổng đội TNXP- XDKT trên địa bàn huyện Thanh Chương đã trở thành thương hiệu được khách hàng ưa chuộng. Tổng đội trưởng Tổng đội TNXP 5 đóng tại xã Thanh Hà và Thanh Thủy, Hoàng Văn Đông cho biết: Chất đất ở khe Đượm rất thích hợp để trồng cam, đặc biệt là giống cam bù. Hiện nay, tổng đội tập trung trồng cam ở đội số 2 với 50 hộ đội viên tham gia, diện tích khoảng 30 ha, bình quân mỗi năm đưa ra thị trường dịp Tết khoảng 30 tấn cả cam bù lẫn cam chanh. Trong đó, nhiều hộ có thu nhập 50 - 60 triệu tiền cam tết mỗi năm như hộ anh Trần Anh Tuấn, Trần Văn Nho…

Còn đối với nhiều hộ dân xã Thanh Nho (Thanh Chương), năm nay, cây cam đã đem lại mức thu nhập cao. Điển hình như hộ ông Nguyễn Văn Kỷ cũng ở xóm 10 có tới 2ha trồng cam cho năng suất bình quân 2 - 2,5 tấn, doanh thu 70 triệu đồng/ha. Gia đình anh chị Cao Chí Lượng - Trần Thị Lai cũng ở xóm 10 có 400 gốc cam bù và cam chanh, năm nay cho thu nhập trên 100 triệu đồng. “Giá cam bình thường bán tại gốc dao động từ 30-40 nghìn đồng/kg còn cam tết đã được thương lái đặt cọc với giá 50 nghìn đồng/kg nhưng cũng không có mà bán, cả vườn may chỉ còn vài tạ” - chị Lai cho hay. Thanh Nho cũng là đơn vị được Hội Liên hiệp Thanh niên huyện chọn triển khai mô hình trồng 1.600 gốc cam sạch bệnh. Đây là giống cam quả to, mỏng vỏ, có giá trị cao, được chọn tạo và nhân giống từ Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm rau hoa quả Gia Lâm - Viện Nghiên cứu rau quả T.Ư, được nhiều khách hàng ưa chuộng.

Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Thanh Chương, ông Lê Đình Thanh cho hay: “Hiện tại, diện tích trồng cam trên địa bàn huyện khoảng 90 ha, tập trung ở Thanh Nho, Thanh Đức, Thanh Thủy… với hàng chục mô hình trồng cam phục vụ Tết, mỗi mô hình thu lãi hàng trăm triệu đồng/năm. Bên cạnh duy trì, phát triển giống cam bù truyền thống, huyện có nhiều cơ chế chính sách hợp lý nhằm giúp đỡ các địa phương nhân rộng, phát triển các mô hình trồng cam cho năng suất cao, chất lượng tốt. Vụ mùa cam tết năm nay, người trồng cam huyện Thanh Chương phấn khởi hơn, vui mừng hơn bởi cam bán được giá, mang lại hiệu quả kinh tế cao”.


Gia Huy

Mới nhất

x
Thanh Chương: Được mùa cam Tết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO