Thanh Chương: Khắc phục sự cố lúa giống C.ưu đa hệ số 1
(Baonghean) - Theo phản ánh của một số người dân tại các xã Thanh Hưng, Thanh Lâm, Thanh An... (Thanh Chương), vừa qua họ đã mua giống lúa lai C.ưu đa hệ số 1 trên địa bàn về ngâm ủ mạ gieo cấy vụ xuân, nhưng kết quả nảy mầm thấp dẫn đến cây mạ nhỏ, yếu, thậm chí có hộ dân ngâm ủ không nảy mầm...
Chị Lê Thị Hợi ở xóm 7, xã Thanh Hưng cho biết: Các vụ trước tôi thường sản xuất giống khang dân. Vụ xuân 2013 thấy ruộng kế bên của hộ chị Nguyễn Bích Thủy cấy giống C.ưu đa hệ số 1 năng suất vượt trội hơn hẳn lúa thuần, đạt 3,5 tạ/sào nên năm nay tôi lên thẳng Trạm Giống cây trồng huyện mua 9kg giống lúa này. Nhưng sau 3 ngày ngâm ủ, tỷ lệ nảy mầm không đến 50%, số còn lại bị thâm đen không nảy mầm được". Còn ông Nguyễn Văn Hương A ở xóm Tân Sơn - là một trong những hộ dân ngâm ủ giống C.ưu đa hệ số 1 đầu tiên ở xã Thanh Lâm trình bày: "Giống má gì mà lạ kỳ. Ngâm đúng ngày, vớt đúng thời điểm mà không thấy nảy mầm gì cả. Hoảng quá, tôi đưa giống ra phơi khô, sau đó chà rửa thật sạch rồi ngâm ủ tiếp theo đúng bản hướng dẫn kỹ thuật của xã phát cho. Để ráng thêm đến 5 ngày hạt giống vẫn trơ trơ, số hạt nảy mầm thưa thớt, chỉ được khoảng 15%, lúa bị thâm đen và bốc mùi hôi chua vì ngâm quá lâu"...
Theo ông Đặng Văn Hạnh - Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh Lâm: Ngày 3/1 xã đã tiếp nhận 3,2 tấn giống lúa C.ưu đa hệ số 1 về cung ứng cho bà con nông dân sản xuất trên diện tích 310 ha trong vụ xuân 2014. Đến ngoài mùng 10/1 thì người dân bắt đầu tiến hành ngâm ủ lúa giống và đã có 723 kg không nảy mầm, nếu có thì tỷ lệ đạt rất thấp, khoảng 30%... Xóm Tân Sơn là đơn vị đầu tiên phát hiện giống này nảy mầm với tỉ lệ rất thấp, vì theo thông lệ xóm này thường tiến hành ngâm ủ giống trước vài ngày so với lịch thời vụ bởi diện tích ruộng phèn chua nhiều hơn so với các xóm khác. Khi giao lúa giống, mỗi hộ dân đều được nhận một bản phô tô quy trình ngâm ủ giống lúa lai và cách che phủ ni lon cho mạ xuân nên không thể là do bà con làm không đúng quy trình kỹ thuật. Sau khi nhận được phản ánh của người dân, chúng tôi báo cáo sự việc lên huyện, cùng trong ngày đã có cán bộ phòng Nông nghiệp, Trạm Giống cây trồng về kiểm tra và có hướng xử lý kịp thời là thu hồi số lúa giống kém chất lượng và có kế hoạch cấp lại 1.949 kg giống cho bà con kịp thời sản xuất mùa vụ.
Ông Phan Đình Hà - Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương cho biết: Bước vào lịch thời vụ, ngoài ngày 10/1/2014 một số xã đã ngâm ủ giống lúa, trong đó giống C.ưu đa hệ số 1 đã phát hiện tỷ lệ mọc mầm kém, mạ nhỏ, yếu. Ngay sau khi nhận được thông tin, UBND huyện đã phối hợp với Trạm Giống cây trồng, UBND các xã đi kiểm tra xác minh. Qua kiểm tra cho thấy lô giống C.ưu đa hệ số 1 với số lượng 7,8 tấn cung ứng cho các xã Thanh Lâm, Thanh Tùng, Thanh Mai, Thanh An, Thanh Hưng, Thanh Đồng do Công ty CP Giống cây trồng Nghệ An cung ứng tỷ lệ nảy mầm thấp, không đạt yêu cầu. Trước tình hình đó, ngày 14/1 huyện đã yêu cầu 6 xã trên dừng ngay việc ngâm ủ để đưa mẫu kiểm tra. Đồng thời huyện đã có công điện khẩn chỉ đạo những đơn vị cơ cấu và đã nhận giống lúa lai C.ưu đa hệ số 1 do Trạm Giống cây trồng huyện cung ứng nếu chưa ngâm ủ thì tạm dừng ngay và lấy mẫu ngâm ủ thử để kiểm tra; khi thấy tỷ lệ nảy mầm trên 80%, rễ phát triển tốt thì tiến hành ngâm ủ, gieo mạ đại trà. Nếu thấy tỷ lệ nảy mầm thấp, rễ kém phát triển phải báo với đơn vị cung ứng để có biện pháp xử lý. Những xã đã ngâm ủ và gieo mạ thì kiểm tra tỷ lệ % mạ đạt yêu cầu, thiếu mạ phải bổ sung ngay. Việc chuyển sang giống khác hoặc gieo mạ bổ sung trước hết sử dụng các giống lúa lai có tên trong đề án sản xuất vụ xuân 2014 của huyện, nếu thiếu mới chuyển sang giống lúa lai khác. Khi không có giống lúa lai nữa mới chuyển sang lúa thuần...
Bà con nông dân huyện Thanh Chương cấy lúa vụ Xuân 2014. |
“Giống lúa C.ưu đa hệ số 1 đã được công nhận giống quốc gia. Đây là giống lúa lai 3 dòng do Trung Quốc sản xuất được phân phối qua Công ty TNHH Nông nghiệp Á Thái. Tuy mới là năm thứ 3 có mặt trên đồng ruộng Thanh Chương nhưng giống này được người dân tin dùng bởi với năng suất và chất lượng khả quan, đạt trên 65 tạ/ha, cá biệt có địa phương đạt 70 tạ/ ha, và giống này chống chịu sâu bệnh khá, đặc biệt là bệnh đạo ôn. Qua tìm hiểu bước đầu, lô hàng 7,8 tấn có thể trong quá trình vận chuyển từ nước ngoài về đã bị ẩm dẫn đến hạt giống chuyển hóa lượng đường, biến đổi chất nên "mất sức", nảy mầm kém" - Ông Phan Đình Hà cho biết thêm.
Trong sản xuất nông nghiệp, lúa giống là một trong những yếu tố quan trọng quyết định đến năng suất và chất lượng hạt gạo. Xác định được điều đó, trước mỗi mùa vụ, nông dân đều rất quan tâm đến việc nên gieo cấy giống lúa gì và đơn vị cung ứng giống của huyện là Trạm Giống cây trồng cũng đã có sự chuẩn bị chu đáo về nguồn giống để cung ứng cho bà con nông dân. Nhưng, đã xảy ra tình trạng nông dân một số xã mua phải lúa giống không nảy mầm. Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Huấn - Kế toán Trạm Giống cây trồng Thanh Chương cũng cho hay: "Lô hàng nhập về đầu vụ bao giờ trạm cũng lấy mẫu ngâm ủ xem tỷ lệ có đạt tiêu chuẩn mới cho phép xuất giống. Riêng lô giống C.ưu đa hệ số 1 cung ứng cho 6 xã nói trên nảy mầm kém có thể do một số bao giống trong việc bảo quản không được tốt. Trong quá trình bốc xếp, vận chuyển không khí lọt vào nên giống bị yếu. Hiện Công ty CP Giống cây trồng Nghệ An đã làm việc với chính quyền các xã trên cơ sở đảm bảo lợi ích của người dân, bằng cách thu hồi lại hết lượng giống kém chất lượng đã xuất kho và hoàn trả hoặc cấp đổi giống khác cho bà con".
Theo kế hoạch sản xuất vụ xuân 2014, tổng diện tích gieo trồng của Thanh Chương là 14.200 ha, trong đó cây lúa là 8.000 ha cơ cấu giống lúa lai Nhị ưu 986 và giống C.ưu đa hệ số 1 là chủ lực; các giống Kinh sở ưu 1588, ZZD 001, ZZD 004 sẽ dần thay thế những giống lúa lai khác để từng bước nhân rộng. Ngay sau khi sự cố xảy ra, Công ty CP Giống cây trồng Nghệ An đã về làm việc trực tiếp với dân, có kế hoạch cấp lại giống C.ưu đa hệ số 1 hoặc đổi sang giống khác nằm trong đề án sản xuất của huyện theo nguyện vọng của bà con. Theo đó, xã Thanh Lâm đã được cấp đổi lại 1.900 kg, xã Thanh Đồng bổ sung 18 kg giống lúa C.ưu đa hệ số 1; xã Thanh Hưng trả lại cho đơn vị cung ứng 230 kg giống lúa C.ưu đa hệ số 1, mua giống lúa lai Kinh sở ưu 1588 để khắc phục; xã Thanh An cấp bổ sung 300 kg giống lúa lai bằng tiền mặt để khắc phục (xã đã mua giống lúa lai ZZD 001, ZZD 004 cấp cho những hộ dân bị ảnh hưởng kịp thời gieo mạ đúng thời vụ)... Trong thời gian ngắn, các địa phương nhanh chóng khắc phục, và đã cơ bản thay thế giống C.ưu đa hệ số 1 bị sự cố trên bằng các giống khác bảo đảm yêu cầu lịch thời vụ cũng như chất lượng giống. Tùy theo nhu cầu của người dân, Trạm Giống cây trồng cung ứng kịp thời để bà con đủ giống cấy hết diện tích. Tính đến thời điểm này, 8.000 ha lúa xuân của huyện Thanh Chương cơ bản đã khép kín.
Đây không phải là lần đầu người dân "dính" giống lúa kém chất lượng trên địa bàn tỉnh ta. Cũng trong vụ xuân 2014 không riêng gì huyện Thanh Chương, HTX CP Nông nghiệp Nam Giang (Nam Đàn) nhập 500 kg giống lúa thuần Vật tư NA2 nguyên chủng của Cty CP Vật tư nông nghiệp cũng đã có 100 kg tỷ lệ nảy mầm dưới 55%. Tại xã Nam Cát, 500 kg giống Vật tư NA2 tỷ lệ nảy mầm chỉ đạt dưới 35%. Nhớ lại vụ xuân 2010, bà con nông dân các huyện Đô Lương, Hưng Nguyên, Nam Đàn đã mua phải giống lúa AC5 nguyên chủng "có vấn đề" do Công ty CP Nông nghiệp Đại Nam chào bán... Qua những sự cố về lúa giống ở các địa phương thời gian qua, cần siết chặt hơn nữa việc quản lý chất lượng giống lúa trước thực trạng sản xuất, cung ứng giống kiểu “trăm hoa đua nở” như hiện nay. Các cơ quan chức năng cần kiểm tra hồ sơ hợp đồng mua bán giống, có biện pháp xử lý với số giống kém chất lượng đúng pháp luật. Đây cũng là bài học trong công tác quản lý và cung ứng giống của các doanh nghiệp và cơ quan quản lý chuyên ngành trên địa bàn tỉnh.
Ngọc Anh