Thanh Chương: Khai thác tiềm năng ao hồ nuôi cá

15/01/2015 17:33

(Baonghean) - Được Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện hỗ trợ vốn vay ưu đãi từ dự án nuôi trồng thủy sản, hiện đã có nhiều hộ dân trên địa bàn Thị trấn Dùng (Thanh Chương) khai thác tốt tiềm năng ao hồ sẵn có để nuôi cá, kết hợp phát triển đàn lợn. Việc xây dựng mô hình kinh tế tổng hợp vườn ao chuồng (VAC) bước đầu đã khẳng định hiệu quả.

Dự án phát triển nuôi trồng thủy sản được Huyện hội triển khai thực hiện từ tháng 7/2013, nhằm khuyến khích người dân địa phương phát triển mạnh phong trào chăn nuôi thủy sản, chủ yếu là nuôi cá để khai thác tốt tiềm năng ao hồ sẵn có của các gia đình, từ đó giúp họ giải quyết việc làm, tăng thêm nguồn thu nhập. Đối tượng vay ưu tiên cho các hộ nghèo, cận nghèo và để nguồn vốn thực sự phát huy hiệu quả còn có thêm tiêu chí là hộ được vay phải có diện tích mặt nước trên 1000m2, đang trong độ tuổi lao động, kết hợp phát triển kinh tế trang trại. Tổng số vốn hỗ trợ là 80 triệu đồng, phân bổ cho 10 hộ dân vay, với lãi suất 0,65%/năm, thời hạn vay là 18 tháng. Sau khi đi khảo sát, kiểm tra thực tế nhận thấy khu vực Thị trấn Dùng có nhiều tiềm năng ao hồ thuận lợi cho việc nuôi thả cá nên Hội LHPN huyện đã quyết định hỗ trợ người dân địa phương vay vốn để phát triển kinh tế.

Ao cá của gia đình chị Ngũ Thị Hoa (ở khối 6).
Ao cá của gia đình chị Ngũ Thị Hoa (ở khối 6).

Chị Nguyễn Thị Ngọc Điệp, Chủ tịch Hội LHPN thị trấn cho biết: Để nguồn vốn vay phát huy được hiệu quả và đến đúng đối tượng thì việc đầu tiên là chỉ đạo các chi hội cơ sở tổ chức họp dân triển khai chủ trương. Tiếp đó, dựa vào tiêu chí lập danh sách những hộ dân có nhu cầu vay vốn. Trước thời điểm giải ngân, cán bộ phụ nữ huyện xuống tận từng nhà để thẩm định, trên cơ sở đó lựa chọn ra được 4 chi hội đủ điều kiện được hỗ trợ vốn vay là các chị hội 13, 14, 15 và chi hội 6. Qua thời gian triển khai thực hiện, đánh giá chung là mô hình đang phát huy hiệu quả tốt, hộ nào cũng có thu nhập cao từ nuôi cá. Đặc biệt có nhiều chủ hộ đã vươn lên làm giàu từ việc kết hợp chăn nuôi lợn, từ đó mở ra một hướng đi mới để phát triển kinh tế ở địa phương.

Chúng tôi đến thăm gia đình chị Ngũ Thị Hoa, ở khối 6, một trong những hộ dân phát huy hiệu quả nguồn vốn vay để xây dựng mô hình kinh tế tổng hợp. Chị vui vẻ cho biết, sau khi có thêm vốn gia đình đã đầu tư mua cá giống về thả, chủ yếu là các loại: trắm, gáy, mè, trôi và rô phi. Cùng với đó là làm hầm biogas để xử lý chất thải chăn nuôi thành nguồn thức ăn cung cấp cho cá hằng ngày. Quan sát thấy, cách bố trí trang trại của nhà chị Hoa rất khoa học, trên cùng một diện tích vườn, phía trên bờ là dãy chuồng trại nuôi lợn với tổng đàn gần 40 con, xung quanh được rào chắn cẩn thận bằng lưới thép B40. Cách đó không xa là diện tích ao nuôi cá được ngăn bờ thành 4 ô thửa, tiện cho việc quản lý, chăm sóc.

Chị Hoa cho biết thêm, để đàn cá sinh trưởng phát triển tốt thì kỹ thuật nuôi trồng là một yếu tố đóng vai trò rất quan trọng. Thứ nhất, về môi trường ao, nên đảm bảo diện tích từ 100m2 trở lên, độ sâu tốt nhất 1-1,5m nước và có lớp bùn dày từ 15-25cm. Bề mặt ao phải thông thoáng, bờ ao không bị rò rỉ và cao hơn mực nước từ 0,4-0,5m; có cống tiêu thoát nước thuận tiện. Khâu tiếp theo, là phải tẩy dọn ao trước khi đưa cá vào nuôi bằng cách bón vôi khắp đáy ao để diệt các mầm bệnh gây hại. Sau tẩy vôi 3 ngày, bón lót bằng việc rải đều khắp ao từ 20-30 kg phân chuồng và 50 kg lá phân xanh. Tiếp đó, lấy nước vào ao ngập từ 0,3-0,4m rồi ngâm 5-7 ngày, vớt hết bã phân xanh. Lưu ý khi lọc nước vào ao, phải có lưới để đề phòng cá tạp xâm nhập. Thứ hai, khi chọn con giống về nuôi thả phải đảm bảo yêu cầu cá khỏe mạnh, vây vẩy hoàn chỉnh, cá sáng con, đều con, không còi cọc. Thứ ba, nguồn thức ăn xanh cung cấp cho cá hằng ngày bao gồm các loại cỏ, lá chuối, lá sắn và ngoài ra cần bổ sung thêm cám gạo, cám ngô, hàng tuần bón thêm từ 10-15 kg phân chuồng. Sau thời gian nuôi từ 5-6 tháng, có thể đánh tỉa số cá lớn và thả bù cá giống để tăng năng suất.

Đối với hộ chị Trần Thị Thủy, ở khối 15, hiện nay vợ chồng đang nuôi cá trên diện tích đất đấu thầu của Thị trấn theo thời hạn 5 năm. Chị cho hay, trước đây khu vực này vốn là đất trồng lúa, bị chuột cắn phá nên người dân quanh vùng bỏ hoang không làm. Nhà nằm liền kề tiện cho việc trông coi, bảo vệ nên làm đơn nhận thầu khoanh nuôi cá. Mỗi năm làm 1 vụ lúa, 2 vụ cá cũng giúp anh chị dành dụm tiền xây dựng được ngôi nhà mới khang trang như hiện nay. “Từ hiệu quả ban đầu, tôi thấy với lãi suất vay như bây giờ thì người nuôi trồng thu được lời cao hơn vì cá dễ nuôi mà lại không tốn công chăm sóc. Thời gian tới, gia đình sẽ kết hợp nuôi cả lợn để tăng thêm thu nhập”, chị Thủy tâm sự.

Hiện nay, nhiều chi hội trên địa bàn Thị trấn đã hoàn thành xong công tác dồn điền, đổi thửa, mong muốn được hỗ trợ vốn vay để nuôi thả cá như đã triển khai thực hiện, góp phần vươn lên làm giàu ngay trên chính đồng đất của quê hương mình.

Văn Đăng

Mới nhất
x
Thanh Chương: Khai thác tiềm năng ao hồ nuôi cá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO