Thanh Chương: Phát triển mô hình chăn nuôi gà an toàn sinh học

28/01/2015 15:51

(Baonghean) - Việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, mà cụ thể là mô hình chăn nuôi gà an toàn sinh học đã và đang giải quyết phần nào lo lắng của người dân. Với địa thế phù hợp cho phát triển chăn nuôi gà theo hướng trang trại, gia trại, huyện Thanh Chương đã mạnh dạn đưa mô hình chăn nuôi gà an toàn sinh học vào ứng dụng và bước đầu đã có hiệu quả.

Từ tháng 9/2014, xã Đồng Văn là 1 trong 10 xã thuộc huyện Thanh Chương được lựa chọn thực hiện mô hình chăn nuôi gà an toàn sinh học. Có 5 hộ tham gia mô hình chăn nuôi gà an toàn sinh học với 3.500 con gà giống được Nhà nước hỗ trợ 30% kinh phí thức ăn và thuốc thú y. Đánh giá kết quả bước đầu của mô hình chăn nuôi gà sinh học an toàn, bà Nguyễn Thị Liên - cán bộ nông nghiệp xã Đồng Văn nói: “Các hộ tham gia mô hình được xã, huyện tập huấn KHKT. Đến nay, đàn gà nuôi được 3 tháng, trọng lượng trung bình 1,5kg, các gia đình đã bắt đầu xuất bán”.

Chăn nuôi gà an toàn sinh học tại xã Thanh Lĩnh (Thanh Chương).
Chăn nuôi gà an toàn sinh học tại xã Thanh Lĩnh (Thanh Chương).

Chăn nuôi theo mô hình an toàn sinh học, gà được nuôi bằng cám vào giai đoạn 1 tháng đầu, thời gian sau thì cho ăn bằng các thức ăn như ngô, lúa, đậu đỗ, rau xanh. Gà là một trong số con vật nhạy cảm, nên tuyệt đối không cho gà ăn thức ăn bị ôi mốc, nhiễm nấm, thối rữa; bà con có thể sử dụng thức ăn công nghiệp hoặc tận dụng các phụ phế phẩm công nông nghiệp, sao cho đảm bảo các thành phần: năng lượng, đạm, khoáng và vitamin.

Đối với gà thả vườn thì vấn đề khoáng và vitamin không quan trọng bằng gà nuôi nhốt, vì chúng sẽ tự tìm kiếm theo nhu cầu của cơ thể. Ngoài ra người dân có thể nuôi thêm giun đất là nguồn cung cấp đạm cho gà. Đối với thời gian cho ăn phải cho gà ăn tự do suốt quá trình nuôi, để đèn ban đêm cho gà ăn càng nhiều càng tốt.

Một trong những điều người nuôi gà được khuyến cáo lưu ý là công tác vệ sinh phòng bệnh, trong quá trình nuôi cần đảm bảo cho gà “ăn sạch, ở sạch, uống sạch”. Nền chuồng và vườn thả phải luôn khô ráo, sạch sẽ, không để ao tù nước đọng trong khu vườn thả. Các chất độn chuồng thường được sử dụng như trấu, mùn bào (gỗ) sạch, để một lớp dày từ 5-10cm, được phun sát trùng trước khi sử dụng. Công tác tiêm phòng, kiểm soát ra vào của gà trong vùng được tiến hành nghiêm ngặt nhằm giảm thiểu nguy cơ xuất hiện dịch bệnh.

Tại gia trại của ông Phạm Viết Hạnh ở xóm Luân Hòa, xã Đồng Văn, gần 1.000 con gà được nuôi thả trong khu chăn nuôi quanh vườn, ông chia sẻ: “Nuôi gà an toàn sinh học tất cả mọi người đều phải áp dụng khoa học kỹ thuật, phi khoa học là thất bại. Phải đảm bảo vệ sinh phải sạch sẽ theo đúng hướng dẫn kỹ thuật”.

Hiện nay, mô hình chăn nuôi gà an toàn sinh học đã được thực hiện ở nhiều xã ở huyện Thanh Chương. Hộ bà Lê Thị Lan, ở Thôn Thượng, xã Thanh Lĩnh đang thực hiện mô hình chăn nuôi gà thả đồi theo hướng an toàn sinh học. Gia đình bà đã có gần 15 năm kinh nghiệm chăn nuôi gà; hiện gia đình đang có hơn 500 con gà ri, gà Đông Tảo đã 3 tháng nuôi theo hình thức thả đồi, đạt trọng lượng mỗi con trên 1,5 kg; tính theo giá bán tại vườn từ 80.000 - 100.000 đồng/kg, là có nguồn thu nhập đáng kể.

Từ khi áp dụng chăn nuôi theo mô hình an toàn sinh học, việc sử dụng các chất liệu sinh học để lót chuồng đã phần nào đảm bảo vệ sinh chuồng trại cũng như giảm công lao động cho gia đình. Bà Lê Thị Lan chia sẻ: “Đăng ký tham gia mô hình chăn nuôi gà an toàn sinh học, gia đình được nhận thuốc, học hỏi kiến thức chăn nuôi theo hình thức này. Thực hiện mô hình này tôi thấy hiệu quả mà sạch sẽ, đỡ công, giảm được dịch bệnh”.

Chăn nuôi gà theo hướng hàng hóa đồng nghĩa với việc đảm bảo về số lượng cũng như chất lượng sản phẩm. Ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi đã giúp người dân yên tâm mở rộng sản xuất. Có thể nói, với cách thức chăn nuôi gà an toàn sinh học, người chăn nuôi huyện Thanh Chương đang tiến gần hơn với nền nông nghiệp sạch, dần khẳng định thương hiệu gà Thanh Chương trên thị trường.

Khâu chọn giống gà ban đầu đóng vai trò quan trọng, theo các chuyên gia thì đối với gà nuôi lấy thịt có thể chọn giống gà Tàu vàng, gà Đông Tảo, gà nòi, gà Tam Hoàng, gà Lương Phượng... còn nuôi gà lấy trứng thương phẩm thì các giống gà đẻ nhiều như gà Tàu vàng, gà Tam Hoàng, gà BT1, gà ri... Bà con cần lưu ý đối với chọn gà con làm giống là nên chọn gà con càng đồng đều về trọng lượng càng tốt, chọn những con nhanh, mắt sáng, lông bông, bụng gọn, chân mập. Tránh chọn những con gà khô chân, vẹo mỏ, khoèo chân, hở rốn, xệ bụng, lỗ huyệt bết lông, cánh xệ, có vòng thâm đen quanh rốn.

Vinh Thảo

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất
x
Thanh Chương: Phát triển mô hình chăn nuôi gà an toàn sinh học
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO