Thanh Chương: Tăng nguồn vốn cho vay hộ nghèo vùng tái định cư

20/08/2012 20:51

Để giúp bà con 2 xã Khu tái định cư Thuỷ điện bản Vẽ ổn định cuộc sống, thoát nghèo nhanh, Ngân hàng CSXH tỉnh đã ưu tiên tăng nguồn vốn cho  vay hộ nghèo UBND huyện Thanh Chương cũng chỉ đạo các phòng, ban tăng cường hỗ trợ, giúp đỡ bà con về kỹ thuật, phương thức sản xuất để nguồn vốn vay sử dụng an toàn, có hiệu quả…

(Baonghean) Để giúp bà con 2 xã Khu tái định cư Thuỷ điện bản Vẽ ổn định cuộc sống, thoát nghèo nhanh, Ngân hàng CSXH tỉnh đã ưu tiên tăng nguồn vốn cho vay hộ nghèo UBND huyện Thanh Chương cũng chỉ đạo các phòng, ban tăng cường hỗ trợ, giúp đỡ bà con về kỹ thuật, phương thức sản xuất để nguồn vốn vay sử dụng an toàn, có hiệu quả…

Đã hơn 6 năm, kể từ khi những hộ đầu tiên về nơi ở mới cũng ngần ấy thời gian bà con vùng tái định cư Thanh Chương trăn trở tìm những phương sách sinh tồn, song vẫn cứ loay hoay với cái đói, cái nghèo và không thoát được sự giao động“ ở” hay “về”. Để giúp bà con 2 xã tái định cư Thuỷ điện Bản Vẽ ổn định cuộc sống, tỉnh và các cấp đã có những chính sách linh hoạt, đặc thù cho bà con. Tuy nhiên, một thực tế là do đa phần bà con tái định cư vẫn còn tồn tại thói quen, khai thác những gì có sẵn của tự nhiên, hơn nữa do điều kiện đất đai vùng tái định cư cằn cỗi, xói mòn, thiếu nguồn vốn nên rất khó khăn để ổn định cuộc sống.



Mô hình liên kết hộ nghèo sản xuất gạch không nung tại bản Noòng, xã Ngọc Lâm

Như trên đã nói, để có giải pháp mạnh về vốn, mới rồi Ngân hàng CSXH tỉnh đã chỉ đạo Ngân hàng CSXH huyện Thanh Chương ưu tiên tăng cường giải ngân nguồn vốn cho vay hộ nghèo tại 2 xã Thanh Sơn và Ngọc Lâm với tổng nguồn vốn cho vay 5 tỷ đồng/ 8 tỷ vốn người nghèo của toàn huyện đợt này. Ông Lê Hữu Sửu- Giám đốc Ngân hàng CSXH Thanh Chương cho biết: “ Đến thời điểm này chúng tôi đã hoàn tất việc giải ngân nguồn vốn cho bà con tái định cư. Ngân hàng CSXH huyện đang tích cực phối hợp với các phòng, ban tập huấn cho bà con cách thức quản lý, sử dụng nguồn vốn vay an toàn, hiệu quả”. Có thể nói, việc bà con nghèo vùng tái định cư Thuỷ điện Bản Vẽ tiếp cận nguồn vốn ưu đãi hộ nghèo của Chính phủ không phải chuyện lạ, nhưng việc nhiều bà con sử dụng nguồn vốn vay đó để xoá đói, giảm nghèo trên vùng đất mới cũng không còn là chuyện hiếm. Tại bản Tà Xiêng (xã Ngọc Lâm), gia đình anh Lô Văn Dần, cách đây 3 năm nhờ vay 10 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ nghèo, anh đã mạnh dạn đầu tư chăn nuôi lợn nái, lợn thịt, mua máy xay xát, buôn bán hàng tạp hoá…và giờ gia đình anh đã thoát nghèo, trở thành mô hình kinh tế hộ tổng hợp cho bà con học tập làm theo. Anh Dần cho biết, đầu năm sau anh sẽ trả vốn vay trước kỳ hạn cho ngân hàng. Tại bản Noòng mô hình liên kết hộ nghèo rất sáng tạo.

Đó là 3 hộ Vi Văn Hải, Vi Văn Tuấn và Vi Văn Thảo khi được vay vốn hộ nghèo đã gom lại, đầu tư thêm nguồn vốn sẵn có mua máy ép gạch, mở xưởng sản xuất gạch không nung. Mới đi vào hoạt động được 3 tháng nhưng xưởng sản xuất gạch không nung bản Noòng đã trở thành địa chỉ quen thuộc của bà con khi có nhu cầu mua vật liệu xây dựng… Phong trào bà con tái định cư vay vốn Ngân hàng CSXH xây dựng mô hình thoát nghèo bền vững còn lan toả mạnh tại xã Thanh Sơn, mô hình chăn nuôi lợn hiệu quả của chị Lương Thị Hiến, bản Kim Chương. Nhờ nguồn vốn vay hộ nghèo, chị Hiến đã tận dụng rau cỏ, hoa quả trong vườn, đầu tư chăn nuôi lợn nái, lợn thịt thịt, nuôi nhím mỗi năm xuất bán gần 2 tấn lợn thịt cho thu nhập hàng chục triệu đồng.

Chị Hương Chủ tịch Hội phụ nữ xã Thanh Sơn cho biết, tổng số dư nợ cho vay uỷ thác qua Hội Phụ nữ xã đến nay đạt trên 1,7 tỷ đồng với 4 món vay: vay hộ nghèo, vay hộ đặc biệt khó khăn, vay xuất khẩu lao động và cho vay HSSV. Để nguồn vốn vay Ngân hàng CSXH có hiệu quả, Hội phụ nữ xã đang chỉ đạo 6 tổ vay vốn thuộc 6 chi hội xây dựng mô hình xoá đói, giảm nghèo sử dụng nguồn vốn vay hiệu quả để các hộ hội viên học tập và làm theo.

Một thực tế nhận thấy rất rõ tại 2 xã tái định cư, mặc dù Ngân hàng CSXH đã tăng cường nguồn vốn cho vay đối với hộ nghèo, nhưng tỷ lệ hộ nghèo được thụ hưởng từ chương trình tín dụng này vẫn đạt thấp, mới chỉ đạt gần hơn 60 % số hộ nghèo toàn xã. Ví dụ xã Ngọc Lâm có 1.367 hộ, tỷ lệ hộ nghèo trên 87% (khoảng gần 1.200 hộ nghèo) nhưng số hộ được vay vốn mới chỉ có 677 hộ với dư nợ 5.992 triệu đồng, số chương trình tín dụng mới chỉ thực hiện được 5/8 chương trình. Sở dĩ có sự bất cập này, theo Bí thư Đảng uỷ xã Lương Quang Cảnh, là do các hộ chưa đủ điều kiện vay vốn mà chủ yếu là do đất đai chưa cụ thể, chưa được cấp giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất. Để nguồn vốn vay của bà con các hộ nghèo vùng tái định cư an toàn, phát huy hiệu quả, huyện Thanh Chương đã và đang chỉ đạo các phòng, ban liên quan tham gia hỗ trợ cho bà con như: Trạm Khuyến nông tập huấn kỹ thuật trồng các loại cây mới; các tổ chức đoàn thể hỗ trợ giống cây, giống con, phối hợp với Trung tâm Khuyến công tỉnh mở các lớp dệt thổ cẩm, mây tre đan…

Đặc biệt, huyện đang có kế hoạch là triển khai dự án trồng chè công nghiệp vùng tái định cư trên diện tích 543 ha. Sở Khoa học & Công nghệ cũng đang thí điểm triển khai đề tài “Tạo kế sinh nhai cho bà con tái định cư” như thí điểm trồng cây rễ hương vừa có chức năng chống sói mòn, tránh được sự phá hoại của trâu, bò vừa cho thu nhập cao; trồng cây trám đen ghép trên bờ lô, bở thửa; trồng rau sạch theo phương pháp an toàn… Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương, ông Nguyễn Văn Quế cho biết: Huyện tập trung đầu tư như vốn, khoa học kỹ thuật trên cơ sở những chương trình, dự án… để bà con 2 xã tái định cư thay đổi tư duy, cung cách làm ăn trên vùng đất, từ đó nhanh hoà nhập, ổn định cuộc sống.


Hữu Nghĩa

Mới nhất
x
x
Thanh Chương: Tăng nguồn vốn cho vay hộ nghèo vùng tái định cư
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO