Thành công của “tay” thợ mộc táo bạo
(Baonghean) - Xuất thân từ một gia đình nghèo khó, giáo dân Đậu Thành trú quán tại xã Diễn Thịnh (Diễn Châu) vượt lên tạo lập một cơ sở lớn chuyên kinh doanh, sản xuất đồ mộc, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.
Đậu Thành sinh năm 1972 trong một gia đình có tới 9 người con. Lớn lên Thành làm nghề thợ cưa xẻ, thợ mộc ở khắp các huyện Quỳ Hợp, Quỳ Châu. Vốn khéo tay, lại hay học hỏi, nên tay nghề của anh ngày càng cao. Năm 1996, bằng lưng vốn tiết kiệm, Thành quyết định mở một cơ sở mộc tại quê. Sản phẩm mộc của anh đóng ra vừa bền, đẹp, giá cả lại hợp lý, nên đều được khách hàng ưa chuộng.
Sau những năm tháng lăn lộn, tích luỹ kinh nghiệm, năm 2003 anh mạnh dạn mở rộng thêm cơ sở sản xuất đồ mộc với diện tích 1000m2 được đầu tư trên 4 tỷ đồng với các máy móc thiết bị hiện đại, như: máy bào, máy cưa, máy chạy ván sàn, lò sấy khô gỗ… Riêng cơ sở này tạo việc làm cho trên 20 lao động. Xưởng bắt đầu sản xuất các sản phẩm mộc cao cấp và chiếm lĩnh thị trường trong nước như Hà Tĩnh, Thanh Hoá, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh… Để thuận tiện cho việc giao dịch, Thành còn xây dựng thêm một “siêu thị” giới thiệu và quảng bá sản phẩm ngay tại nhà riêng, luôn thu hút đông người đến xem hàng, ô tô các nơi về bốc hàng nhộn nhịp.
Cơ sở sản xuất đồ mộc của anh Đậu Thành.
Anh Thành cho biết: Những đồng tiền lãi thu được từ kinh doanh đồ mộc tôi không “bỏ vào dạ dày” mà tiếp tục đầu tư tái tạo. Năm 2012, tôi xây dựng thêm một xưởng mộc nữa với quy mô rộng trên 1000m2 ngay tại địa phương, với 2 khu nhà xưởng rộng trên 2000m2, tổng trị giá đầu tư trên 7 tỷ đồng.
Đến cơ sở này chúng tôi thật sự choáng ngợp, bởi cơ man chất chồng là những đống gỗ lim, đinh hương, sến… đều được mua hợp pháp từ Lào và Myanmar. Tại đây sản xuất những tấm phản nguyên khối gỗ đinh hương với chiều rộng gần 3m, trị giá từ 400-600 triệu đồng/bộ, thậm chí có bộ trị giá gần 1 tỷ đồng, chủ yếu làm theo đơn đặt hàng.
Anh Thành cho biết thêm: Cơ sở tạo việc làm cho trên 30 lao động, trong đó có 1 tổ khoảng 10 lao động luôn làm theo đơn đặt hàng ở khắp các vùng miền chuyên làm nhà sàn, đóng khung hộc cửa, cầu thang, tủ bát, lát sàn gỗ… Họ từng làm nhà gỗ ở xã Diễn Bình trị giá trên 2 tỷ đồng. Nhờ đảm bảo uy tín, nên khách hàng ngày một đông. Ngoài kinh doanh đồ mộc mỗi năm doanh thu trên 10 tỷ đồng, Thành còn đầu tư nhập gỗ từ Lào về rồi xuất đi thị trường Trung Quốc.
Từ hai bàn tay trắng, Đậu Thành hiện đã có 1 siêu thị giới thiệu sản phẩm đồ mộc và 2 xưởng mộc lớn, tạo việc làm cho trên 60 lao động địa phương với mức thu nhập trên 5 triệu đồng/người/tháng, nạp ngân sách Nhà nước hàng trăm triệu đồng. Ngoài làm ăn giỏi, hàng năm Đậu Thành còn trích hàng chục triệu đồng để làm công tác từ thiện.
Văn Trường