Thành công từ mô hình Câu lạc bộ 'Gia đình hạnh phúc'
(Baonghean) - Được thành lập từ năm 2013, câu lạc bộ “Gia đình hạnh phúc” ở xã Quỳnh Yên, huyện Quỳnh Lưu đã mang lại hiệu quả tích cực trong công tác DS - KHHGĐ. Với những hoạt động thiết thực, CLB còn góp phần hạn chế tình trạng bạo lực gia đình, gắn kết yêu thương giữa các thành viên trong gia đình và gắn kết gia đình với cộng đồng.
Sinh hoạt CLB “Gia đình hạnh phúc” ở xã Sơn Hải (Quỳnh Lưu). Ảnh: P.V |
Xã Quỳnh Yên là xã đặc thù có gần 9.000 nhân khẩu, địa bàn dân cư rộng phân bố thành 2 khu vực cách biệt nhau. Với điều kiện thực tế của mình, đây cũng là địa phương gặp nhiều khó khăn trong vận động, tuyên truyền người dân thực hiện tốt chính sách dân số.
Theo chị Hồ Thị Hồng - viên chức dân số kiêm Chủ nhiệm CLB "Gia đình hạnh phúc" xã Quỳnh Yên chia sẻ: "Khi mới thành lập, câu lạc bộ gặp nhiều khó khăn trong việc vận động các cặp vợ chồng tham gia sinh hoạt. Bởi phần lớn người dân ở đây đều làm nông nghiệp nên nhiều người còn nặng tư tưởng trọng nam, khinh nữ và luôn muốn đẻ nhiều con, sinh con trai để nối dõi tông đường...".
Đi vào hoạt động, Ban chủ nhiệm và thành viên nòng cốt CLB đã rất quan tâm đến việc thường xuyên gặp gỡ các cặp vợ chồng mới kết hôn để tuyên truyền về ý nghĩa của việc sinh ít, giãn khoảng cách phù hợp giữa các lần sinh để chăm sóc con tốt hơn.
Đặc biệt, đối với các cặp vợ chồng sinh con một bề là gái, câu lạc bộ đã phân công từng thành viên phụ trách, theo dõi, kịp thời nắm bắt tâm tư tình cảm. Nếu phát hiện cặp vợ chồng nào phát sinh tâm lý muốn sinh thêm con thứ 3, câu lạc bộ sẽ phối hợp cán bộ của các ban, ngành, đoàn thể tư vấn, vận động và phân tích để họ thấy được những hệ lụy của việc sinh nhiều con.
Từ cách tuyên truyền, vận động gần gũi, dễ hiểu, dễ nhớ, đã giúp nhiều cặp vợ chồng ý thức hơn về gánh nặng sinh nhiều con và ý nghĩa quan trọng của việc thực hiện sinh đẻ có kế hoạch để xây dựng gia đình hạnh phúc. Các hủ tục và tư tưởng trọng nam, khinh nữ dần được loại bỏ và nam giới ngày càng chia sẻ nhiều hơn với phụ nữ trong mọi công việc.
Nhiều chị em đã tâm sự, trước đây họ rất ngại khi nói đến những vấn đề liên quan đến sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình; nhưng nay nhờ tham gia CLB, họ có thể thoải mái trao đổi những thông tin về việc sử dụng các biện pháp tránh thai, cách đối nhân xử thế trong gia đình.
Với nhiều hoạt động thiết thực, đáp ứng được yêu cầu xây dựng gia đình hạnh phúc, là nơi sinh hoạt có ích của các chị, các mẹ, số lượng thành viên tham gia vào CLB ngày càng nhiều. Ban đầu chỉ có 50 người tham gia, nhưng đến nay con số thành viên đã lên tới 150 người.
Với phương châm “Xây dựng gia đình hạnh phúc, thôn xóm yên bình, văn minh, tiến bộ”, những năm qua, các thành viên trong Ban chủ nhiệm CLB đã đến từng hộ gia đình trong xã để tuyên truyền về công tác DS-KHHGĐ, chăm sóc sức khỏe sinh sản, Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng chống bạo lực gia đình, mất cân bằng giới tính khi sinh...
Mỗi quý, CLB tổ chức sinh hoạt một lần tại nhà văn hóa của xã. Trong buổi sinh hoạt, các nội dung về chính sách DS-KHHGĐ sẽ được chuyển tải đến hội viên, các thành viên tham gia sẽ được tìm hiểu về trách nhiệm của gia đình và cộng đồng đối với lứa tuổi vị thành niên, thanh niên để có biện pháp chia sẻ với con cái, giúp con em có hành động đúng trong chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS), an toàn SKSS để có hạnh phúc…
Các thành viên tham gia sinh hoạt CLB đều được vận động sinh đẻ có kế hoạch, sinh 2 con để nuôi dạy con tốt và xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng.
Cùng với việc tuyên truyền, vận động thực hiện tốt chính sách dân số, các thành viên còn chia sẻ những kinh nghiệm trong chăn nuôi, trồng trọt, phát triển kinh tế gia đình, cách chăm lo, nuôi dạy con cái chăm ngoan, học giỏi, thành đạt trong cuộc sống.
Nhiều cặp vợ chồng là thành viên trong CLB gia đình hạnh phúc có kinh tế phát triển, các con học tập tốt, tiêu biểu như gia đình anh chị Bùi Trần Trung và Hồ Thị Nga (xóm 2). Bản thân anh Trung xuất thân trong gia đình đông con. Trước đây do kinh tế khó khăn, vợ chồng anh chị đã tự thân vận động chăm chỉ làm ăn. Qua tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm anh chị mạnh dạn trồng rau với số lượng lớn đem lại hiệu quả kinh tế cho gia đình.
Đến nay, ngoài cuộc sống ổn định, hai con của anh Trung và chị Nga đều học giỏi, hiếu thuận và thành đạt. Hay gia đình chị Hồ Thị Mai, ở xóm 1, chăm chỉ chăn nuôi lợn, gà, phát triển kinh tế nông nghiệp nuôi 2 con học đại học nay có việc làm ổn định.
Tham gia sinh hoạt CLB, các thành viên còn chia sẻ những niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống để cùng động viên, khích lệ nhau vượt qua khó khăn. Hàng năm, CLB cũng xây dựng quỹ để kịp thời thăm hỏi những gia đình có việc hiếu, hỉ, ốm đau.
Đến nay, 100% số cặp vợ chồng ở độ tuổi sinh đẻ trong CLB đều thực hiện các biện pháp tránh thai an toàn. Nhận thức của nhân dân xã Quỳnh Yên về công tác DS- KHHGĐ có nhiều chuyển biến tích cực, người dân chấp nhận mô hình gia đình ít con và hạnh phúc.
Đặc biệt, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên trên 56% (năm 2012) đã giảm xuống còn 40.7% (năm 2016). Trong đó năm 2016 có 2 xóm không có người sinh con thứ 3 trở lên (xóm 1 và xóm 4). Hàng năm, có từ 20 - 30 ca đặt dụng cụ tử cung. Các biện pháp tránh thai phi lâm sàng từ 15% (năm 2013) tăng lên 25% (năm 2016).
Ngoài tuyên truyền những vấn đề liên quan đến cuộc sống gia đình, CLB còn là nơi để các thành viên chia sẻ kinh nghiệm của bản thân về cách giữ gìn hạnh phúc gia đình, nuôi dạy con, sống có văn hóa, yêu thương nhau, có trách nhiệm với gia đình hơn, đồng thời xây dựng mối đoàn kết tình làng nghĩa xóm, tạo điều kiện cho người phụ nữ thực hiện tốt hơn vai trò làm mẹ, làm vợ.
Chị Lê Thị Hoài, thành viên CLB chia sẻ rằng, từ khi tham gia vào CLB, chị có thêm nhiều kiến thức về xây dựng gia đình hạnh phúc và rút ra nhiều kinh nghiệm bổ ích cho bản thân. Từ đó ứng dụng có hiệu quả vào cuộc sống gia đình, biết lựa lời để nói giúp vợ chồng hiểu nhau hơn. Chị cũng khuyên chồng cùng tham gia sinh hoạt trong câu lạc bộ để vợ chồng cùng nhau tiến bộ.
Ông Hoàng Đình Tùng - Giám đốc Trung tâm Dân số - KHHGĐ huyện Quỳnh Lưu cho biết: “Các CLB "Gia đình hạnh phúc" được thành lập ở các xã được thụ hưởng Kế hoạch tổ chức truyền thông và chăm sóc SKSS ở vùng đặc thù, vùng đặc biệt khó khăn là mô hình hoạt động rất hiệu quả, thu hút sự quan tâm và tham gia của đông đảo các thành viên. Thiết nghĩ, đây là mô hình hay và có ý nghĩa đối với công tác truyền thông, vận động về DS - KHHGĐ và chúng tôi sẽ cố gắng xin chủ trương để nhân rộng trong thời gian tới”. |
Được khuyến khích chăm lo xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, những thành viên trong CLB đã phát huy được các giá trị tốt đẹp, loại bỏ những tập tục lạc hậu, phụ nữ được coi trọng, không còn tình trạng bất bình đẳng giới, luôn đề cao sự yêu thương và chia sẻ trong việc giữ gìn hạnh phúc gia đình. Có thể khẳng định, "Gia đình hạnh phúc" là mô hình rất có hiệu quả trong thực hiện chính sách DS-KHHGĐ cần được nhân rộng.
Lê Thị Ngọc Hà
(Phó Phòng Truyền thông - Giáo dục)
TIN LIÊN QUAN |
---|