Thành lập các đội xung kích, tự quản

08/10/2012 17:00

(Baonghean) - Những năm gần đây, nạn bạo lực học đường gia tăng một cách đáng lo ngại. Bởi vậy, công tác đảm bảo an ninh trường học đang được ngành Giáo dục và các ngành chức năng liên quan đề ra nhiều giải pháp.

Thực trạng nhức nhối

Theo số liệu mới nhất, chỉ tính từ tháng 10/2011 đến tháng 9/2012, toàn tỉnh có đến 15 vụ học sinh đánh nhau và 5 vụ học sinh gây rối trật tự công cộng. Điều đáng ngạc nhiên là ở một ngôi trường miền núi như THPT Con Cuông, xảy ra 8 vụ (có 5 vụ gây rối trật tự công cộng và 3 vụ đánh nhau, trong đó có 3 vụ bị đuổi học 1 năm, hầu như đều do học sinh nữ gây ra). Trở về trước, theo báo cáo của Sở GD-ĐT Nghệ An, từ tháng 9/2009 đến 31/5/2011, trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã xảy ra 93 vụ xích mích, gây gổ, đánh nhau. Trong số này, có nhiều vụ việc đã đến mức nghiêm trọng, đáng báo động, mà đỉnh điểm là việc đã có 2 học sinh tử vong.

Việc học sinh vi phạm kỷ luật cũng không hẳn là bạo lực học đường, mà còn biến tướng thành rất nhiều dạng, trong đó có cả vi phạm pháp luật. Cách đây 1 năm, có một số học sinh THCS của TP. Vinh chuyên vào các siêu thị với “trò chơi” không giống ai: dùng dao nhỏ mang theo rạch nát quần áo, túi xách, đồ dùng... trong siêu thị. Lúc đầu, những người quản lý của siêu thị nhầm tưởng có kẻ phá hoại, sau một thời gian theo dõi, bắt quả tang, đến khi điều tra ra mới bật ngửa vì biết kẻ phá hoại chỉ là những học trò lớp 8, lớp 9. Khi bị xét hỏi, những người có chức trách cũng rất bất ngờ khi các em thản nhiên tuyên bố: “Đó chỉ là vì thích vậy thôi (!?)…

Đây cũng là một sự lệch lạc về nhận thức, về nhân cách của lứa tuổi mới lớn, muốn chứng tỏ, ghi “dấu ấn” mình bằng những hành động điên khùng. Hoặc gần đây, công an cũng đã bắt vụ 3 học sinh lớp 9 phá máy ATM của Ngân hàng Thương mại Sài Gòn trên đường Nguyễn Sỹ Sách vào đầu tháng 12/2011. Hành vi của cả 3 học sinh này rất chuyên nghiệp với kế hoạch, đồ nghề được chuẩn bị kỹ lưỡng. Khi bị lực lượng CSCĐ bắt quả tang, các em khai rằng, vì đọc được trên báo vụ khoan cắt máy ATM trộm được 1,3 tỷ đồng ở TP. Hồ Chí Minh nên học theo.



Học sinh Trường THPT Hà Huy Tập trước giờ vào lớp

Đi tìm giải pháp

Rõ ràng, thực trạng bạo lực học đường đã ở mức báo động nhưng các cơ quan liên quan vẫn chưa có một giải pháp triệt để. Nguyên nhân một phần bởi các em học sinh đang ở lứa tuổi vị thành niên, nên việc truy tố các em trước pháp luật chỉ thực hiện khi hậu quả xảy ra hết sức nghiêm trọng. Trong khi đó, quyền hạn cao nhất của nhà trường cũng chỉ đình chỉ học tập 1 năm đối với học sinh vi phạm. Tuy nhiên, hình thức này cũng là “cực chẳng đã”, bởi “đây là biện pháp không ai muốn, vì từ đó có khi mình mất luôn học sinh, hơn nữa thất học, ra ngoài đời ai dám chắc là học sinh đó không tiếp tục buông xuôi, trở thành tội phạm. Điều quan trọng là giáo dục để em đó biết nhận lỗi và phấn đấu” - một thầy giáo trong ngành chia sẻ.
Để đảm bảo công tác an ninh trường học, ngành Giáo dục Nghệ An xác định đây là nhiệm vụ chính trị và là nhiệm vụ thường xuyên. Ngay từ đầu năm học, Sở GD-ĐT đã chỉ đạo các phòng ban chuyên môn triển khai các văn bản về tận cơ sở. Bên cạnh đó, đã phối hợp với phòng PA83, Công an Nghệ An tổ chức giao ban định kỳ 6 tháng một lần về công tác an ninh trường học tại các trường ĐH, CĐ, THCN, hiện nay đã mở rộng đến cấp học THCS và THPT. Từ kế hoạch triển khai trên, Sở GD - ĐT đã yêu cầu hàng tháng, hàng quý các đơn vị đều phải có báo cáo về tình hình an ninh trường học (ANTH) của trường, để từ đó có biện pháp khắc phục và xử lý. Hiện tại, từ năm học 2012-2013, Sở GD-ĐT cũng đang đề nghị tổ chức Hội nghị giao ban về ANTH của toàn bộ các trường từ cấp tiểu học đến THPT với định kỳ 1 lần/năm. Theo đó, toàn tỉnh sẽ chia thành 5 cụm, mỗi năm sẽ do 1 huyện đăng cai luân phiên, cụm trưởng có nhiệm vụ nắm bắt tình hình của tất cả các trường trong cụm, phối hợp chặt chẽ với cơ quan công an các cấp.

Một giải pháp quan trọng là các trường tự bảo vệ chính mình và học trò bằng cách thuê bảo vệ, vệ sỹ, thành lập các đội xung kích, tự quản... Thầy Trần Duy Thành - Hiệu Phó Trường THPT Lê Viết Thuật cho biết: “Là trường nằm giáp ranh giữa 3 phường Trường Thi, Bến Thủy và Hưng Dũng, vốn có nhiều điểm nóng nên công tác ANTH luôn được đặt lên hàng đầu. Nhiều năm trước đây, do không có hàng rào, bảo vệ nên số thanh niên ngoài vào dọa dẫm, đánh đập học sinh thường xuyên xảy ra. Bởi vậy, từ năm 1993, chúng tôi đã thành lập tổ giám thị do 1 số giáo viên và ĐVTN tiên tiến làm nòng cốt có nhiệm vụ đảm bảo nền nếp kỷ cương và an ninh nhà trường. Cũng nhờ vậy mà 10 năm trở lại đây, trường được coi là đơn vị dẫn đầu thành phố về ANTH”.

Hiện tại, trong 25 trường THCS trên địa bàn thành phố, chỉ có chừng 3 trường thuê lực lượng vệ sỹ là THCS Hà Huy Tập, Lê Lợi và Quang Trung. Ông Hồ Xuân Đàn, một thành viên của nhóm vệ sỹ tại trường THCS Hà Huy Tập khẳng định: “Trước kia vẫn còn có hiện tượng đánh nhau giữa học sinh ngoài cổng trường, nhưng từ khi chúng tôi vào làm việc, những chuyện đó đã được anh em dẹp hết”.

Như vậy, bên cạnh các tổ tự quản, giám thị, Ban ANTH... thì lực lượng vệ sỹ cũng là một giải pháp tốt. Tuy nhiên, các trường không nhiều kinh phí nên chủ yếu thuê những người về hưu hoặc dân địa phương, đây đều là những người chưa có nghiệp vụ, có tuổi từ 40 trở lên, thậm chí có những người trên 60 tuổi. Tuy nhiên, những người này không có nghiệp vụ bảo vệ cũng như sức khỏe không còn đảm bảo. Hiện tại, Bộ GD-ĐT và Sở đang khuyến khích các trường thuê đội ngũ vệ sỹ chuyên nghiệp, qua trường lớp đào tạo nghiêm túc, để lực lượng này có thể thực sự đảm bảo an toàn cho nhà trường lẫn học sinh. Tuy nhiên, những vệ sỹ được thuê này cũng rất cần có công ty, đơn vị với tư cách pháp nhân, được bảo lãnh về mặt pháp lý. Tuy vậy, theo ông Nguyễn Trọng Hoàn - Phó Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT, cũng sẽ không nhiều trường đảm bảo được việc thuê vệ sỹ bởi chi phí cao nên khó cáng đáng nổi. Sở GD-ĐT cũng mong muốn các cơ quan chức năng (lực lương Công an) sẽ có những lớp tập huấn về nghiệp vụ, kiến thức tối thiểu cho lực lượng bảo vệ hiện tại ở các trường, cũng mong sẽ có nguồn kinh phí được Nhà nước cấp chi trả cho công tác bảo vệ.


Trần Hải

Mới nhất

x
Thành lập các đội xung kích, tự quản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO