Thanh Liên: Xây dựng lò đốt rác tại nhà

19/12/2014 10:52

(Baonghean) - Trong 2 năm qua, xã Thanh Liên, huyện Thanh Chương có chủ trương vận động, khuyến khích người dân xử lý rác thải tại gia, bằng cách xây dựng lò đốt rác thủ công. Lò được thiết kế đơn giản, kinh phí ít, nên được người dân đồng tình hưởng ứng thực hiện…

Về xã Thanh Liên, đi qua những cánh đồng, thỉnh thoảng xuất hiện những cái cống bằng xi măng dựng đứng ở bờ vùng, bờ thửa hoặc bên lề đường nội đồng. Tại các trường học, trụ sở UBND xã, nhà văn hóa xóm… đều có những cái thùng được xây trong góc khuất. Đó chính là những cái lò đốt rác thải thủ công do các đơn vị đầu tư xây dựng.

Ông Phan Bá Ngọc – Chủ tịch UBND xã, cho biết: Trong 19 tiêu chí xây dựng NTM, có tiêu chí về môi trường, xử lý rác thải sinh hoạt, rất khó thực hiện, bởi nhiều lý do. Theo quy định, nếu xây dựng điểm thu gom, xử lý rác thải tập trung của xã, phải cách xa khu dân cư 3 km và tránh xa đầu nguồn nước. Như vậy, với địa phương bán sơn địa như Thanh Liên thì không thể có địa điểm phù hợp. Thực tế đó khiến công tác xử lý môi trường của địa phương gặp rất nhiều khó khăn. Trong cái thế tưởng chừng bế tắc đó, qua kênh báo chí, đã có một số địa phương trong nước vận động nhân dân xây lò đốt rác với quy mô gia đình và nhóm hộ, mang lại hiệu quả cao trong bảo vệ môi trường. Đầu năm 2013, Đảng ủy, chính quyền địa phương ra chủ trương xây dựng lò đốt rác từ ngoài đồng đến các đơn vị, cơ quan, gia đình. Trước hết, xã ưu tiên xây dựng lò đốt rác trên các cánh đồng và các đơn vị trường học, trạm y tế, trụ sở UBND xã… nếu có hiệu quả thiết thực, sẽ nhân đến từng hộ gia đình. Trên các cánh đồng, qua mỗi vụ thu hoạch, lượng rác thải nông nghiệp rất nhiều, trong khi ý thức của người dân chưa cao, còn tùy tiện sau khi sử dụng xong thuốc bảo vệ thực vật, hoặc các nông cụ khác, nên rác thải vứt bừa bãi, ảnh hưởng đến môi trường nước, thậm chí dẫm phải vật cứng mỗi khi lội chân xuống ruộng.

Lò đốt rác của gia đình ông Trần Văn Hòa, xóm 8 Liên Châu.
Lò đốt rác của gia đình ông Trần Văn Hòa, xóm 8 Liên Châu.

Sau khi có lò đốt rác tại các cánh đồng, rác thải được người dân tự nguyện thu gom về một chỗ, ruộng đồng sạch sẽ. Từ đó, xã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân đầu tư xây dựng lò đốt rác tại gia, quy mô mỗi hộ xây 1 lò. Gia đình nào đăng ký xây lò, được xã hỗ trợ 50 nghìn đồng. Với gia đình, lò đốt rác được thiết kế 2 ngăn. Một ngăn đựng các loại rác thải phải xử lý, một ngăn đựng các chai lọ bằng nhựa, nhôm… có thể tái chế để tận dụng bán phế thải. Ngăn đốt rác thải được thiết kế rộng chừng 1m2, từ đáy lên khoảng 30cm xây gờ để gác tấm lưới bằng thép. Lưới thép được sử dụng loại thép phi 6, sau khi đốt xong, lượng tro rơi xuống đáy lò. Lò cũng được lợp tấm prôximăng tránh nước mưa. Chỉ trong một thời gian ngắn, hàng trăm hộ trong xã tự nguyện đăng ký xây dựng lò đốt rác tại vườn nhà. Cho đến thời điểm này, toàn xã đã xây được 1.113 lò đốt rác, chiếm trên 50% số hộ trong xã.

Đến gia đình ông Trần Văn Hòa, xóm 8 - Liên Châu, chúng tôi thấy ở góc vườn có một chiếc lò đốt rác, tuy chưa hoàn thiện, nhưng đã có thể đưa vào sử dụng. Ông Hòa, cho biết: Những gia đình xung quanh xây lò hết rồi, thấy hiệu quả thiết thực, tôi cũng xây theo như người ta. Đáng lẽ lò được thiết kế 2 ngăn, nhưng gia đình tận dụng bao tải để đựng các loại phế thải có thể tái chế, như lon bia, chai lọ bằng nhựa... gom bán đồng nát. Chiếc lò này được xây vuông viên 1 m, cao 80 cm, từ đáy lên khoảng 30 cm, xây cái gờ để đặt tấm lưới bằng thép. Phía trên được lớp tấm prôximăng, không cho nước mưa vào lò. Chi phí để xây dựng chiếc lò này chỉ cần 50 kg xi măng, 150 viên gạch táp lô, một ít cát và 1 ngày công. Vợ ông Hòa, nói mỗi ngày đi chợ về, biết bao nhiêu là túi ni lông đựng thức ăn, trước đây cứ vứt bừa bãi, chó, mèo tha lung tung, hễ ra vườn là thấy bao bóng, mất vệ sinh, ô nhiễm môi trường. Bây giờ có lò đốt rác, các loại rác thải có thể cháy được, như túi ni lon, vỏ trứng, giấy vệ sinh… cho vào đây, khi nào thấy nhiều là đốt.

Cách sử dụng lò đốt rác rất đơn giản. Khi có rác, người dân chỉ cần bỏ vào lò, kể cả túi ni lon, chất cao su và các chất thải rắn khác. Khi lò đầy rác, chỉ cần một ít củi, hoặc lá khô để dưới tấm lưới sắt, châm lửa, rác sẽ từ từ cháy hết. Bằng cách đốt như vậy, các loại rác khó phân hủy trong môi trường tự nhiên, như túi ni lon, lốp cao su, đế giày dép… cháy thành than. Cái ưu điểm lớn nhất của lò đốt rác tại gia là những người già, trẻ em đều tự làm sạch cho gia đình mình, lối xóm mà không cần nhiều thời gian, công sức, hình thành ý thức bảo vệ môi trường chung…

Ông Phan Bá Ngọc cho biết thêm: Cái được sau khi xã phát động phong trào xây dựng lò đốt rác tại gia là ý thức trách nhiệm của mỗi người dân về bảo vệ môi trường được nâng lên, từ đó đã hạn chế rất nhiều tình trạng rác thải vứt bừa bãi trong các ngõ làng, nơi công cộng. Xã Thanh Liên phấn đấu đến hết năm 2015, có 100% số hộ có lò đốt rác tại gia. Để đạt được mục tiêu đó, vừa qua, xã đã đề nghị huyện hỗ trợ kinh phí để tiếp tục khuyến khích cho các hộ dân còn lại xây dựng lò đốt rác.

Video clip lò đốt rác tại nhà ở Thanh Liên (Thanh Chương):

Xuân Hoàng

Mới nhất
x
Thanh Liên: Xây dựng lò đốt rác tại nhà
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO