Thành phố Vinh gắn đào tạo nghề với sử dụng lao động
(Baonghean) - Qua giám sát của Đoàn Giám sát HĐND TP.Vinh cho thấy: Trong những năm qua, cùng với sự phát triển và mở rộng khu đô thị mới, xây dựng các công trình giao thông, các công trình phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn đã, đang đặt ra cho thành phố những áp lực về công tác đào tạo, chuyển đổi ngành nghề và giải quyết việc làm cho người lao động, nhất là đối tượng bị thu hồi đất.
Thành phố Vinhxác định rõ những mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp về đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho từng giai đoạn, từng năm. Các cơ quan, đơn vị chức năng và các xã, phường triển khai nhiều chương trình, trong đó đáng chú ý là triển khai thực hiện chương trình vay vốn tín dụng ưu đãi, tư vấn giới thiệu việc làm và xuất khẩu lao động, nhất là đối với con em gia đình chính sách, người có công.
Chỉ đạo mạng lưới đào tạo, tư vấn nghề, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động, nâng cao về chỉ tiêu và có chất lượng đào tạo nghề. Từ năm 2006 - 2011, thành phố đã đào tạo khoảng 1,5 vạn lao động có trình độ nghề từ sơ cấp, cao đẳng đến đại học, với 3 ngành nghề chính: ngành Xây dựng, ngành Kinh doanh dịch vụ, ngành Nông - lâm - ngư nghiệp. Đồng thời tập trung gắn đào tạo, tư vấn với giải quyết việc làm, tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo chiếm 55 - 75%.
Tuy nhiên, mặc dù trên địa bàn thành phố có nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh nhưng tỷ lệ con em thành phố được tuyển dụng vào làm đạt thấp. Số lao động tham gia xuất khẩu chưa nhiều. Việc tìm ngành nghề thu hút lao động không cao, chủ yếu người lao động tự tìm kiếm việc làm.
Để công tác đào tạo, giải quyết việc làm trên địa bàn Thành phố Vinh thời gian tới đạt kết quả và hiệu quả cao hơn, Đoàn Giám sát HĐND Thành phố Vinh đã có kiến nghị: Đối với các cơ sở đào tạo, tư vấn và giải quyết việc làm, nhất là Trường trung cấp nghề kinh tế - kỹ thuật - công nghiệp thành phố cần nâng cao chất lượng đào tạo nghề và lựa chọn những ngành, nghề phù hợp với lao động như: điện dân dụng, điện lạnh, sửa chữa...
Mở rộng liên thông, liên kết, tuyên truyền, quảng bá, tiếp cận đối tượng có nhu cầu học nghề, gắn với giải quyết việc làm. Đặc biệt, cần quan tâm tạo điều kiện để thu hút số lao động trên địa bàn thành phố, con em nông dân bị thu hồi đất để đào tạo chuyển đổi ngành nghề. Về phía chính quyền và các phòng chuyên môn của thành phố, cần chủ động rà soát nguồn lực lao động trên địa bàn, từ đó đề ra giải pháp và hướng giải quyết việc làm cho người lao động.
Tăng cường hoạt động xuất khẩu lao động để tăng số người đi lao động ở nước ngoài. Đẩy mạnh công tác huy động các nguồn lực, vay vốn xóa đói, giảm nghèo, đồng thời tranh thủ các cơ chế đầu tư, nhất là giải quyết việc làm cho con em nông dân khi bị thu hồi đất chuyển đổi nghề nghiệp, nhằm nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo và tỷ lệ có việc làm sau đào tạo, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, đẩy lùi các tiêu cực và tệ nạn phát sinh.