Thành phố Vinh: Nhiều cơ chế hỗ trợ HTX phát triển

16/04/2013 14:24

(Baonghean) - Trên địa bàn TP.Vinh có 49 HTX, trong đó 24 HTX nông nghiệp và 25 HTX phi nông nghiệp. Theo đánh giá của thành phố, có 8 HTX đạt loại tốt, 12 HTX loại khá, 20 HTX trung bình và 9 HTX loại yếu. Những năm gần đây, thành phố có nhiều cơ chế chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế HTX. Song với điểm xuất phát thấp, năng lực hạn chế, khu vực HTX vẫn gặp nhiều khó khăn trong cơ chế thị trường...

Đối với loại hình HTX vận tải như HTX vận tải kinh doanh hành khách Nghệ An, HTX vận tải Bình Minh, lại càng khó khăn hơn trước áp lực cạnh tranh của hàng loạt đơn vị vận tải ra đời với phương tiện chất lượng cao. Thêm vào đó, giá xăng dầu điều chỉnh tăng, gây áp lực tăng giá vé, khó thu hút hành khách.

Ông Phan Hữu Mân- Chủ nhiệm HTX vận tải Bình Minh, chia sẻ: Giai đoạn khoảng từ năm 2008 trở về trước, HTX vận tải hoạt động còn “dễ thở”, lúc đó HTX có khoảng 180 đầu xe chạy các tuyến nội tỉnh và ngoại tỉnh, đem lại doanh thu đáng kể. Những năm gần đây hoạt động vận tải hành khách ngày càng khó khăn hơn, nguồn cung phương tiện vận tải thừa, trong khi nhu cầu đi lại của khách không tăng. Vừa qua, mặc dù giá xăng dầu điều chỉnh tăng, nhưng HTX vẫn chưa điều chỉnh tăng giá vé nhằm cạnh tranh thu hút khách. Trước nhiều áp lực cạnh tranh, nhiều tuyến hoạt động không hiệu quả buộc phải bán xe, đến nay HTX chỉ còn 134 đầu xe. Khó khăn nhất là các tuyến chạy nội tỉnh như tuyến Vinh - Đô Lương, Vinh - Thanh Chương, Vinh - Quỳnh Lưu, đều phải bán xe vì thua lỗ, không cạnh tranh nổi với xe buýt. Năm 2009, cả 3 tuyến trên có 37 xe chạy, nay đã phải bán 2/3 số xe, chỉ còn 12 chiếc.

Với ngành nghề chính là may thêu cờ, tranh thêu nghệ thuật, trang phục lễ hội… thì HTX may thêu Thống Nhất đang đối mặt với hàng loạt khó khăn. “Cả năm chỉ bán được khoảng hơn 30 bức tranh thêu nghệ thuật, số lượng cờ tiêu thụ cũng giảm mạnh. Do khó khăn, các cơ quan, doanh nghiệp đều cắt giảm chi tiêu, hạn chế tổ chức lễ hội, trang trí”, bà Nguyễn Thị Thuỷ - Chủ nhiệm HTX Thống Nhất cho biết.

Các HTX muốn tồn tại và phát triển trong giai đoạn hiện nay, đòi hỏi phải có phương án sản xuất kinh doanh, có khả năng thực hiện hiệu quả, tạo được niềm tin cho xã viên góp vốn. Đây là vấn đề rất khó khăn đối với Ban quản trị các HTX. Để giải quyết vấn đề này, thành phố đã giao trách nhiệm để các phòng liên quan hướng dẫn các Ban quản lý HTX từng nội dung cụ thể: nhất là việc lựa chọn phương án sản phẩm trên cơ sở nhu cầu, điều kiện, và lợi thế của HTX; trình tự các thủ tục về đất đai, tổ chức quản lý sản xuất, và hạch toán hiệu quả.

Đến nay có 45/49 HTX xây dựng được phương án sản xuất kinh doanh, trong đó có 17 dự án được đưa vào sản xuất, 16 dự án đang hoàn chỉnh bổ sung và 12 dự án không khả thi. Có 34 HTX từ sản xuất thuần nông, nhỏ lẻ, manh mún, nay đã có phương án mở rộng sản xuất đa ngành nghề như kinh doanh nhà hàng, sản xuất vật liệu xây dựng, sản xuất tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ thức ăn chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng thuỷ sản, tín dụng nội bộ… và đã xuất hiện một số phương án liên kết hợp tác, góp vốn đầu tư, bước đầu ổn định như HTX Quyết Thành, Thành Đô, Hưng Hòa 2, Phong Phú…



Sản xuất bột đá trắng tại HTX Quyết Thành (Khu CN nhỏ Nghi Phú).

Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo Phòng Kinh tế UBND TP.Vinh, cho biết: Nhịp độ tăng trưởng của HTX không những thấp mà còn có xu hướng giảm trong suốt thời gian dài, tiềm lực của các HTX cũng yếu và hiệu quả thấp. Điển hình là tốc độ tăng trưởng vốn thấp lại bấp bênh. Tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng khu vực kinh tế tập thể giai đoạn 2006- 2012 chỉ đạt bình quân 4,13%, thấp xa so với mức tăng trưởng bình quân thành phố: 15,7%, và của khu vực kinh tế tư nhân: 15,2%. Quy mô HTX còn nhỏ bé, hiệu quả hoạt động thấp, kéo dài nhiều năm.

Việc huy động vốn góp xã viên còn hạn chế, nguồn vốn của HTX đã ít, lại được đầu tư chủ yếu cho tài sản cố định nên rất thiếu vốn lưu động, khả năng bảo tồn vẫn thấp. Nhiều HTX đang phải đối mặt với công nghệ, thiết bị lạc hậu, trình độ quản lý thấp, kết quả sản xuất kinh doanh thấp, không có tích lũy. Việc làm, lao động cho HTX không ổn định, mang tính thời vụ. Ở một số HTX phi nông nghiệp còn dựa vào nguồn cho thuê đất và ki-ốt là chủ yếu.

UBND thành phố đã ban hành cơ chế đào tạo, khuyến khích thu hút đội ngũ cán bộ trẻ, tâm huyết, năng động và an tâm làm việc lâu dài đối với các HTX để hình thành đội ngũ cán bộ quản lý HTX sau này. Ngân sách thành phố hỗ trợ thêm thu nhập cho cán bộ đại học, cao đẳng về làm việc tại HTX trong năm đầu. Hỗ trợ ngân sách đào tạo cán bộ đại học của HTX từ nguồn tại chỗ. Hàng năm, thông qua kế hoạch khuyến công, khuyến nông, Ngân hàng chính sách xã hội, nhiều HTX và bà con xã viên đã được hỗ trợ về vay vốn đầu tư thiết bị sản xuất, đào tạo nghề cho người lao động, đầu tư đổi mới công nghệ, áp dụng các tiến bộ KTKT vào sản xuất. Tham quan học tập, xây dựng các mô hình trong sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thuỷ sản... Đặc biệt năm 2008, thành phố đã thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển HTX. Qua 4 năm triển khai thực hiện đã giải ngân hỗ trợ với số tiền 5,7 tỷ đồng cho 9 HTX với 12 dự án vay vốn. Ngoài ra, ngân sách nhà nước đã hỗ trợ hàng tỷ đồng cho bà con nông dân khôi phục lại sản xuất do thiên tai, dịch bệnh gây ra.

Mới nhất

x
Thành phố Vinh: Nhiều cơ chế hỗ trợ HTX phát triển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO