Tháo gỡ khó khăn cho hoạt động của dự án xi măng Sông Lam
(Baonghean.vn) - Chiều 13/1, UBND tỉnh Nghệ An đã có buổi làm việc với Công ty TNHH Hoàng Phát The Vissai về các dự án Tập đoàn The Vissai đầu tư trên địa bàn tỉnh.
Toàn cảnh buổi làm việc. Ảnh: Thu Huyền |
Dự buổi làm việc có đồng chí Nguyễn Đắc Vinh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Nguyễn Xuân Đường - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Huỳnh Thanh Điền - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện Bộ Tư lệnh Quân khu 4 và một số sở ban, ngành cấp tỉnh; các huyện Đô Lương, Nghi Lộc, Tân Kỳ, Yên Thành và lãnh đạo Tập đoàn The Vissai.
Theo báo cáo của Công ty CP Xi măng Sông Lam, Nhà máy xi măng Sông Lam đã chính thức vận hành 2 dây chuyền sản xuất cho ra sản phẩm với công suất đạt trên 12.000 tấn clinker/ngày.
Trạm nghiền xi măng Nghi Thiết được thiết kế 3 dây chuyền nghiền xi công suất 300 tấn/giờ mỗi dây chuyền. Hiện nay dây chuyền 1 đã được đưa vào vận hành, dây chuyền 2 đang lắp đặt với mục tiêu đưa vào sản xuất cuối Quý I/2018.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đường phát biểu đề nghị các sở, ngành liên quan tạo điều kiện thuận lợi cho nhà máy xi măng Sông Lam hoạt động đúng công suất thiết kế của giai đoạn 1. Ảnh: Thu Huyền |
Hiện nay Công ty đang thi công mở đường chuyên dùng cấp liệu cho Trạm nghiền từ đầu tuyến đường dân sinh mới mở vào xóm Hải Thịnh đến khu vực phễu nhập liệu và kho chứa liệu.
Đối với Cảng biển quốc tế Vissai (xã Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc),Công ty đã hoàn thành xây dựng bến chính và cầu dẫn, hệ thống băng tải xuất nhập hàng, nạo vét tuyến luồng, lắp đặt hệ thống báo hiệu đảm bảo an toàn cảng biển và chính thức công bố cảng đón tàu biển quốc tế 7 vạn tấn.
Ông Nguyễn Ngọc Oánh - Chủ tịch HĐQT Công ty CP xi măng phát biểu nêu những vướng mắc trong hoạt động của nhà máy. Ảnh: Thu Huyền |
Đến nay, Công ty Cổ phần xi măng Sông Lam tạo việc làm cho 1.205 người; thu nhập bình quân trên 7 triệu đồng/người; nộp vào ngân sách nhà nước hơn 563 tỷ đồng.
Chia sẻ một số khó khăn trong quá trình sản xuất, ông Nguyễn Ngọc Oánh - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Xi măng Sông Lam cho biết:Hiện nay, Nhà máy xi măng Sông Lam đã đi vào sản xuất nhưng chưa chủ động được nguyên liệu vì còn vướng Kho K41 và bãi hủy nổ nên chưa được bàn giao đầy đủ mặt bằng mỏ đá nguyên liệu dẫn đến việc khai thác mỏ đá vôi của Công ty còn khó khăn, ảnh hưởng nhiều đến sản lượng và chất lượng sản phẩm của nhà máy.
Ngoài ra, mỏ đá sétđã được cấp Giấy phép khai thác với diện tích 48ha tại xã Bài Sơn và xã Văn Sơn, huyện Đô Lương nhưng Công ty cũng chưa tiến hành khai thác được do chưa được bàn giao mặt bằng để khai thác.
Đồng chí Ngọc Kim Nam - Chủ tịch UBND huyện Đô Lương phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Thu Huyền |
Công ty cũng đề nghị bổ sung quy hoạch 4 mỏ: Mỏ đá vôi mở rộng tại xã Bài Sơn, Đô Lương với diện tích 64,51 ha; Mỏ Sét mở rộng tại xã Bài Sơn, Đô Lương và xã Thịnh Thành, huyện Yên Thành diện tích 194ha; Mỏ Sét cao Silic tại xã Hội Sơn và xã Hoa Sơn, huyện Anh Sơn với diện tích 6,95ha và Mỏ Laterit tại xã Đại Sơn, Đô Lương diện tích 10,47ha. Đồng thời, để ổn định nguồn nguyên liệu đá vôi cung cấp cho nhà máy trong thời gian tới và lâu dài, Công ty đã có văn bản xin bổ sung quy hoạch mỏ đá vôi tại xã Tân Long, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An với diện tích 140ha…
Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đắc Vinh yêu cầu các sở, ngành cần quan tâm để đảm bảo nguyên liệu cho nhà máy xi măng Sông Lam hoạt động đúng công suất thiết kế của giai đoạn 1. Quá trình vận hành, về phía doanh nghiệp cần có giải pháp ổn định cuộc sống, môi trường cho người dân sống gần khu vực nhà máy; Giám sát việc xe vận chuyển xi măng nhằm đảm bảo ATGT trên tuyến đường N5.
Dây chuyền trạm nghiền thứ 2 đã hoàn thành và đang vận hành thử. Ảnh: Nguyên Nguyên |
Kết luận buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đường ghi nhận đánh giá cao sự vào cuộc của các sở ngành, địa phương cũng như Quân khu 4 đối với dự án của Tập đoàn, đảm bảo tiến độ thi công dự án. Sau thời gian ngắn đi vào hoạt động, các dự án của tập đoàn đã đóng góp ngân sách cũng như tạo việc làm cho người dân trên địa bàn.
Về một số vướng mắc trong quá trình hoạt động của giai đoạn 1, đề nghị các sở ngành, chính quyền địa phương liên quan vào cuộc, quyết liệt xử lý, đảm bảo mặt bằng, nguyên liệu, mở đường... tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoàn thiện các hạng mục của giai đoạn 1.
Về triển khai giai đoạn 2, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị chủ đầu tư có văn bản trình BTV Tỉnh ủy để các sở ngành xem xét, thực hiện. Tỉnh sẽ tạo điều kiện tốt nhất để doanh nghiệp đầu tư giai đoạn 2 của dự án xi măng Sông Lam.