Tháo gỡ "rào cản" trong chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên

21/03/2011 11:28

Theo khảo sát tại Trung tâm CSSKSS tỉnh thì số ca đến nạo hút thai của các bà mẹ dưới 15 tuổi từ năm 2000-2005 tại Trung tâm chiếm 1,36% tổng các số ca đến xin chấm dứt thai kì. Tỷ lệ này các phòng khám sản phụ khoa tư nhân thì hơn nhiều. Mang thai khi còn đang ở lứa tuổi vị thành niên dẫn đến phải sinh con ngoài ý muốn hoặc nạo hút gây tổn thương lớn đến tinh thần, nhiều em mắc bệnh trầm cảm, thậm chí vĩnh viễn mất khả năng làm mẹ.

Theo khảo sát tại Trung tâm CSSKSS tỉnh thì số ca đến nạo hút thai của các bà mẹ dưới 15 tuổi từ năm 2000-2005 tại Trung tâm chiếm 1,36% tổng các số ca đến xin chấm dứt thai kì. Tỷ lệ này các phòng khám sản phụ khoa tư nhân thì hơn nhiều. Mang thai khi còn đang ở lứa tuổi vị thành niên dẫn đến phải sinh con ngoài ý muốn hoặc nạo hút gây tổn thương lớn đến tinh thần, nhiều em mắc bệnh trầm cảm, thậm chí vĩnh viễn mất khả năng làm mẹ.


Nhiều năm công tác tại Trung tâm CSSKSS tỉnh, Trưởng khoa CSSKSS vị thành niên, bác sỹ chuyên khoa 1 Hoàng Thị Thu đã có hàng trăm lần tư vấn cho những bà mẹ dưới 18 tuổi. Có trường hợp bé gái mới 13 tuổi ở Yên Thành đến với Trung tâm xin được phá khi thai đã 12 tuần. Người " bảo lãnh" cho em là cô giáo chủ nhiệm. Chính cô giáo là người đã phát hiện ra "dấu hiệu khác thường" của học trò.

Một em gái khác, vốn là học sinh khá giỏi của Trường H.T.K (TP Vinh) được mẹ dẫn đến Trung tâm. Sau khi được biết con gái đang mang thai tới tuần thứ 25 và các bác sỹ khuyên không thể phá bỏ mà nên để em sinh con thì người mẹ đã bị sốc và ngất ngay tại phòng khám. Sau này, em gái phải xin tạm nghỉ học để...làm mẹ.

Tại một phòng khám phụ khoa tư nhân ở TP.Vinh


Một em học sinh khác đang học lớp 9 ở Kỳ Sơn được bà ngoại đưa xuống Trung tâm khi đã mang thai tới tuần thứ 29. Em " yêu" một cậu bạn cùng trường và khi thấy bụng to thì em đã dùng khăn nịt chặt nên không bị ai phát hiện ra suốt một thời gian dài. Trường hợp này các bác sỹ cũng phải tư vấn để em sinh con vì tuổi thai đã quá lớn.


Cũng theo bác sỹ Thu thì có nhiều em đến đây xin được " giải quyết" đến lần thứ 2, thứ 3. Có nhiều em vẫn còn mặc đồng phục của trường học và hồn nhiên trả lời các câu hỏi của bác sỹ về chuyện em học ở đâu, bao nhiêu tuổi, quan hệ với ai trong thời gian bao lâu


Thạc sỹ, bác sỹ Phạm Vĩnh Hùng- Phó trưởng khoa Thăm dò chức năng Bệnh viện Hữu nghị đa khoa tỉnh) cho biết: Hàng ngày, khoa tiếp nhận siêu âm không ít những trường hợp sản phụ ở tuổi "ăn chưa no, lo chưa tới". Thực tế các trường hợp nạo phá thai trên địa bàn này sẽ tìm đến địa bàn khác hoặc đến các cơ sở y tế tư nhân để giải quyết cho "kín đáo", đặc biệt là với những ca thai còn nhỏ tuổi (dưới 7 tuần) thì các phòng khám sản tư nhân có thể đảm nhận được. Hơn thế, hiện đã có phương pháp phá thai nội khoa(bằng uống thuốc). Nhiều em đã tự ý tìm đến biện pháp này để giải quyết hậu quả, được các nhà thuốc bán vô tư, thậm chí còn chỉ dẫn.


Việc các em tự ý mua thuốc phá thai ở các cơ sở y tế tư nhân cũng như rỉ tai nhau về các " kinh nghiệm" tránh thai và phá thai đều mang tới những hậu quả khôn lường. Hiện nay, điều nguy hại nhất đang có nguy cơ tăng cao là những biến chứng sau khi các em tự ý mua thuốc phá thai. Nhiều em đến bệnh viện khi thai sảy dở dang, băng huyết.


Theo bác sỹ Nguyễn Bá Tân- Giám đốc TT CSSKSS tỉnh, khi triển khai nhiều dự án liên quan đến SKSS VTN, rào cản lớn nhất mà Trung tâm gặp phải là thái độ không hợp tác của các bậc phụ huynh nói riêng và người lớn nói chung. Họ không đồng ý cho con em mình tiếp xúc với những kiến thức về SKSS và quan niệm đó là " vẽ đường cho hươu chạy".

Việc thành lập các câu lạc bộ VTN tại các trường học, xin một vài tiết học trong tháng để tuyên truyền về giới tính và sức khỏe ban đầu cũng không gặp được sự đồng thuận của các thầy cô giáo quản lí. Có cô giáo còn trả lời thẳng thắn: Việc học ở trường đã quá sức với các em rồi và không thể sắp xếp thời gian cho những việc khác nữa. Bên cạnh đó là sự thiếu quan tâm của các bậc phụ huynh đến con em mình.


Đã đến lúc chúng ta phải nhìn nhận đúng thực tế để thay đổi những quan niệm làm nên "rào cản" trong việc CSSKSS cho trẻ vị thành niên. Đã 3 năm nay, Nghệ An triển khai dự án SKSS của Bộ Y tế, trong đó có tiểu phần CSSKSS cho vị thành niên và thanh niên.

Bên cạnh đó dự án "Đảm bảo hậu cần, dịch vụ KHHGĐ và cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho trẻ em" tập trung rất lớn cho việc truyền thông để nâng cao nhận thức cho trẻ VTN để các em hiểu, nhận biết, đề phòng và tự chăm sóc cho mình.

Trong 2 năm qua, với kinh phí năm 2009 là 100 triệu đồng, năm 2010 là 114 triệu đồng thì dự án đã thực hiện đào tạo giảng viên tuyến tỉnh cho 2 bác sỹ; duy trì 4 câu lạc bộ VTN tại Trung tâm CSSKSS tỉnh, Trường THCS Lê Mao, Trạm Y tế Phường Hà Huy Tập, Trạm Y tế Phường Bến Thủy (đều ở T.P Vinh), duy trì 2 điểm cung cấp dịch vụ CSSKSS -KHHGĐ cho lứa tuổi VTN-TN; tổ chức 32 lớp ( năm 2009), 58 lớp (năm 2010) tư vấn trực tiếp về SKSS VTN với hơn 3000 học sinh, sinh viên tham gia; tổ chức khám SKSS cho TN-VTN miễn phí tại Trung tâm. Từ các hoạt động này, nhận thức về CSSK của các em cũng như người lớn đã được nâng cao rất nhiều.

Nhiều trường học đầu tiên còn rất khó khăn trong tiếp nhận vấn đề đã dần có những thay đổi. Có trường, các thầy cô làm công tác quản lý như Trường THCS Lê Mao (T.P Vinh), Trường THCS Hưng Thịnh, Hưng Nguyên, Trường DTNT tỉnh...đều đã chủ động mời cán bộ, nhân viên tư vấn đến nói chuyện ngoài giờ với các em học sinh về vấn đề giới tính, SKSS.

Qua các buổi sinh hoạt CLB, các buổi nói chuyện này, các em từ chỗ rụt rè đã vô cùng cởi mở và có rất nhiều câu hỏi, thắc mắc đặt ra. Từ đây mới thấy nhu cầu được biết, được hiểu về SKSS của các em là rất lớn. Chăm sóc, quan tâm đến lứa tuổi này rất cần sự đồng cảm, sẻ chia. Bố mẹ, thầy cô và những người thân phải là những người bạn để các em nhận thức đúng vấn đề về sức khỏe sinh sản.


P.T.V

Tháo gỡ "rào cản" trong chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO