Tháo gỡ vướng mắc sau 1 năm thực hiện thí điểm Bảo hiểm nông nghiệp

15/08/2012 11:11

(Baonghean) Thực hiện Quyết định 315/QĐ-TTg ngày 1/3/2011 của Thủ tướng Chính phủ, Nghệ An là một trong 231 địa phương của cả nước được chọn thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) với 2 loại sản phẩm là cây lúa và gia súc.

Tỉnh đã chọn 3 huyện Yên Thành, Quỳnh Lưu, Diễn Châu để thực hiện bảo hiểm cho cây lúa và 9 xã thuộc 3 huyện Thanh Chương, Đô Lương và Tương Dương thực hiện bảo hiểm trên quy mô toàn xã với các loại vật nuôi là trâu, bò và lợn. Qua 1 năm thực hiện, Nghệ An đang là một trong những địa phương đi đầu trong thí điểm BHNN.

Kết quả đạt được rất khả quan: Có 50.633 hộ nông dân ở 3 huyện thí điểm tham gia bảo hiểm cây lúa, trong đó vụ đông xuân có 22.021 hộ tham gia, hè thu có 28.611 hộ tham gia. Về vật nuôi có 1.394 hộ thuộc 9 xã tham gia. Tổng số phí bảo hiểm lên đến hơn 16,205 tỷ đồng.



Kiểm tra phát triển của cây lúa tại Nam Đàn.

Qua các kênh tuyên truyền, người nông dân đã nhận thức đầy đủ về ý nghĩa của việc bảo hiểm. Bà con đã tham gia bảo hiểm với ý thức đầy trách nhiệm. Ông Hồng Cường ở xã Long Thành huyện Yên Thành cho biết: Nhà ông thuộc diện bình thường nhưng vẫn tham gia bảo hiểm 8 sào lúa.

Ông tham gia với tâm lý không phải chờ đợi đền bù của Nhà nước, mà để an tâm đầu tư sản xuất, nâng cao năng suất cho lúa. Phí bảo hiểm 8 sào lúa, ông phải nộp 40% bằng 400.000 đ, nếu bị thiệt hại do thiên tai ông sẽ nhận được số tiền bảo hiểm chi trả là trên 7 triệu đồng. Nếu đầu tư tốt thì năng suất của 8 sào lúa sẽ vượt 400.000 đ mà ông bỏ ra mua bảo hiểm.

Với tâm lý đó, trong xóm ông có nhiều hộ đã tự giác tham gia. Nếu như vụ hè thu chỉ có 300 hộ tham gia thì đến vụ đông xuân đã có 700 hộ . Yên Thành đang là địa phương dẫn đầu về phong trào tham gia bảo hiểm cây lúa. Toàn huyện có 39/39 xã tham gia với 18.622 hộ (cả 2 vụ). Trong đó số hộ nghèo 16.773 hộ, cận nghèo 1.124 hộ, hộ bình thường 765 hộ. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Sĩ Hưng - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết. Khi có chủ trương thực hiện thí điểm bảo hiểm cây lúa, các ban ngành đã vào cuộc một cách tích cực.

Kết quả là 100% số xã ,100% số đối tượng nghèo, cận nghèo đã tham gia. Tuy nhiên, đối tượng bình thường tham gia còn ít. Vì đối tượng này tỷ lệ hỗ trợ phí bảo hiểm thấp nên bà con chưa mặn mà. Mặt khác ông Hưng còn đề nghị cách xác định mất mùa phải cụ thể hơn cho từng xứ đồng, từng xóm, nếu được tính đến hộ (đây là việc làm khó nhưng tính sát như thế mới phù hợp). Cần tăng cường tuyên truyền cho các hộ bình thường tham gia. Nên kéo dài thời gian thử nghiệm lên 3 năm, đến 2014. Cần có chính sách hỗ trợ kinh phí cho ban chỉ đạo của huyện, xã.

Ông Lê Hữu Kiện - Chủ nhiệm Hợp tác xã Đại Liên (Quỳnh Xuân) chia sẻ: Hiện nay cách tính năng suất bình quân để chi trả bảo hiểm còn theo năng suất bình quân toàn xã là chưa hợp lý. Đề nghị tính theo vùng từ 4- 5ha. Khi tính giá trị đền bù cần căn cứ theo thực tế của từng địa phương. Mặt khác, hộ nông dân tham gia bảo hiểm là khách hàng nên cần có chế độ chăm sóc như các loại đối tượng khác.

Nếu như bảo hiểm cây lúa được bà con đón nhận một cách tích cực thì bảo hiểm vật nuôi được bà con tiếp nhận một cách dè dặt. Năm 2012, chỉ có 1.394 hộ tham gia với 3.421 con trâu bò, lợn. Đây là một con số khá khiêm tốn với tổng đàn tại 3 địa phương được chọn làm thí điểm. Lý giải nguyên nhân trên, tại Hội nghị đánh giá 1 năm triển khai bảo hiểm, một cán bộ của huyện Đô Lương cho biết: Đối với trâu bò, lợn nái có thời gian nuôi dài thì bà con đồng tình, đối với lợn thịt thời gian nuôi ngắn nên bà con nông dân chưa mặn mà. Phạm vi bảo hiểm vật nuôi còn quá hẹp chỉ thực hiện ở loại bệnh là lở mồm, long móng. Cần mở rộng phạm vi bảo hiểm sang các nhóm bệnh nguy hiểm khác. Theo quy định, tỷ lệ 10% trên đàn gia súc bị bệnh mới được công bố dịch. Tỷ lệ này sẽ gây thiệt thòi cho người tham gia ở vùng có dịch dưới 10%.

Sau 1 năm thực hiện thí điểm BHNN đã cho thấy đây là chính sách lớn của Nhà nước hợp với lòng dân, được người nông dân quan tâm. Nhưng vẫn còn những vướng mắc cần tháo gỡ, điều chỉnh cho sát hợp với thực tế.


Công Sáng

Mới nhất
x
Tháo gỡ vướng mắc sau 1 năm thực hiện thí điểm Bảo hiểm nông nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO