Tháo gỡ vướng mắc trong giao đất lâm nghiệp

09/12/2013 14:35

(Baonghean) - Thực hiện giao đất lâm nghiệp cho các hộ dân thiếu đất sản xuất, UBND tỉnh sau khi đối thoại, lắng nghe kiến nghị từ các hộ đã chỉ đạo UBND các huyện khẩn trương tổ chức rà soát về tình trạng thiếu đất sản xuất của người dân để có kế hoạch giao đất. Tuy nhiên, việc bàn giao đất lâm nghiệp cho các hộ dân thiếu đất sản xuất hiện đang gặp một số vướng mắc cần tháo gỡ...

Một cánh rừng gần bản Na Pháy, xã Mường Nọc do Lâm trường Quế Phong quản lý.
Một cánh rừng gần bản Na Pháy, xã Mường Nọc do Lâm trường Quế Phong quản lý.

Từ năm 2011, sau nhiều lần kiến nghị, UBND tỉnh đã chỉ đạo các nông, lâm trường, Ban quản lý rừng phòng hộ rà soát, bóc tách để chuyển đổi hoặc trả một số diện tích rừng cho các huyện quản lý và tổ chức giao cho các hộ dân. Tổng cộng trong 3 năm lại đây, các nông, lâm trường và Ban quản lý rừng phòng hộ trả lại 9.969 ha, trong đó năm 2011: 31 ha, năm 2012 gần 5.500 ha; năm 2013, sau khi xảy ra việc người dân tự ý vào các khu đất của các lâm trường chặt phá, lấn chiếm đất, UBND tỉnh tiếp tục rà soát và có quyết định thu hồi gần 4.400 ha (Lâm trường Cô Ba gần 1.800 ha, Lâm trường Đồng Hợp 2.300 ha, Lâm trường Quế Phong 1.400 ha) để bàn giao cho các huyện tổ chức chia cho người dân sản xuất.

Thực tế việc bàn giao đất từ các nông, lâm trường sang UBND huyện đã hoàn tất. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này người dân vẫn chưa nhận được đất mà nguyên nhân do quy trình giải quyết thủ tục hồ sơ chậm. Trước sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh đẩy nhanh tiến độ giao đất cho nhân dân, một số huyện đã hợp đồng với các đơn vị tư vấn đo đạc. Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đã điều động, tăng cường cán bộ hỗ trợ đo đạc, hoàn tất thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với các huyện còn chậm.

Qua khảo sát thực tế, vướng mắc nhất trong quá trình giao đất lâm nghiệp đó là việc quản lý, sử dụng đất trước đây do một số nông, lâm trường sau khi được Nhà nước giao đất quá lỏng lẻo, không quản lý được hợp đồng giao khoán nên người dân sử dụng tuỳ tiện thậm chí làm nhà ở luôn trên đất sản xuất; có trường hợp khi công nhân nghỉ hưu hoặc đã chết không tiến hành thủ tục thanh lý hợp đồng giao khoán hoặc chuyển nhượng hay thừa kế. Hiện nay theo yêu cầu diện tích trả lại phải lập hồ sơ, khảo sát lại từ đầu, kiểm tra xem đất đã từng giao cho ai chưa thì mới ra quyết định thu hồi. Ngoài ra, diện tích do UBND các xã đang quản lý, diện tích đất rừng phòng hộ đã tạm giao cho các hộ, cá nhân quản lý trước đây nay chuyển sang đất rừng sản xuất một thời gian dài các huyện chưa quan tâm đến việc giao đất nên diện tích tồn đọng lớn vì vậy ảnh hưởng đến tiến độ giao đất. Cử tri Quỳ Châu và Quế Phong phản ánh: Phần lớn diện tích mà các nông, lâm trường và Ban quản lý rừng phòng hộ trả lại cho huyện để giao cho các hộ dân là diện tích đất rừng da báo, khó sản xuất hoặc ở xa và đi lại khó khăn, việc đo đạc và tổ chức giao trên thực địa không đơn giản chút nào. Ngoài ra để đo đạc và cấp giấy chứng nhận đất lâm nghiệp theo phương pháp, thiết bị hiện đại, mỗi huyện cần khoảng 20 tỷ đồng; nếu cả tỉnh thì số kinh phí hàng trăm tỷ đồng... Đây là nguồn kinh phí quá lớn trong điều kiện khó khăn của tỉnh và các huyện, vì vậy tỉnh chỉ đạo có nhân lực đến đâu thì làm đến đó và trước mắt phải tiến hành bằng thủ công (đo bằng dây), song phương pháp này lại cần rất nhiều nhân lực và đáng ngại là độ chính xác không cao nên dễ phát sinh tranh chấp sau này.

Ông Nguyễn Duy Hồng - Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường Quỳ Châu cho biết: Quỳ Châu còn 19.885 ha đất chưa giao hoặc mới tạm giao, để đẩy nhanh tiến độ giao đất huyện đã lập Ban chỉ đạo; sắp tới đoàn công tác sẽ xuống các xã để hướng dẫn, làm mẫu kê khai hồ sơ, thủ tục một vài bản, hết xã này thì chuyển sang xã khác theo phương thức cuốn chiếu; hồ sơ xong đến đâu thì tổ chức giao cho các hộ đến đó”. Từ thực tế gặp vướng mắc trong việc giao đất tại xã Châu Bình, ông Lê Văn Toan - Phó Chủ tịch UBND xã đề nghị: Châu Bình được huyện giao lại 1.130 ha tại 4 tiểu khu nhưng có tới 1.200 hộ đăng ký xin được giao đất. Do ai cũng muốn có đất nhưng nếu chia bình quân thì mỗi gia đình chỉ có chưa đầy 1 ha rừng, phần vì cách trở, diện tích quá nhỏ nên nhiều người không muốn nhận nhưng từ bỏ thì không đành vì không có chỗ nào khác nữa. Hiện nay xã đang cân nhắc và đề nghị với huyện và tỉnh phương án giao đất theo nhóm hộ, theo đó khoảng 10 hộ thì có 1 người đứng ra làm trưởng nhóm hộ thì đo đạc và giao đất sẽ dễ dàng và nhanh hơn.

Xuất phát từ tình hình trên, cùng với việc tăng cường tuyên truyền, các sở ngành, nhất là Sở Tài Nguyên - Môi trường và Sở Nông nghiệp & PTNT cần căn cứ trên tình hình thực tế để tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn tháo gỡ vướng mắc từ cơ sở để có phương án tốt nhất đẩy nhanh tiến độ giao đất cho dân.

Bài, ảnh: Nguyễn Hải

Mới nhất
x
Tháo gỡ vướng mắc trong giao đất lâm nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO