Thảo luận về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi)
Nhiều ý kiến cho rằng, dự thảo luật cần quy định rõ thêm những ưu đãi, cơ chế để khắc phục những hạn chế về nhà ở xã hội.
Tiếp tục phiên họp thứ 26, chiều 10/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào dự án Luật Nhà ở (sửa đổi). Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chủ trì phiên họp.
Theo dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), trách nhiệm phát triển nhà ở trước hết thuộc về Nhà nước và Nhà nước có chính sách, kế hoạch bố trí nguồn để chủ động đầu tư cho các chương trình nhà ở quốc gia nhằm hỗ trợ cải thiện nhà ở cho các đối tượng khó khăn về nhà ở. Đa số các đại biểu tán thành với quy định này, bởi như vậy là thể hiện rõ tính định hướng xã hội chủ nghĩa trong phát triển nhà ở của Đảng và Nhà nước.
Tuy nhiên, Dự thảo Luật cần làm rõ khái niệm về phát triển nhà ở xã hội và quy định cụ thể hơn để đảm bảo đúng đối tượng khó khăn về nhà ở và có thu nhập thấp được hưởng chế độ, chính sách khi mua nhà. Bên cạnh đó, các đại biểu cho rằng, Dự thảo Luật cần có các chính sách khuyến khích phát triển nhà ở xã hội để người dân có nhà ở, cũng như phù hợp với Hiến pháp mới về quyền con người, quyền công dân.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng giải trình Luật Nhà ở (sửa đổi) |
Chủ nhiệm Ủy ban Dân nguyện của Quốc hội Nguyễn Đức Hiền đề nghị cần tạo cơ chế, chính sách động bộ để thu hút chủ đầu tư các chủ đầu tư các dự án kinh doanh bất động sản tham gia nhiều hơn và để người dân được thụ hưởng nhiều hơn các phúc lợi xã hội. Ngoài ra, đề nghị trong dự thảo luật cần quy định rõ thêm những ưu đãi, cơ chế để khắc phục những hạn chế về nhà ở xã hội thời gian qua. Bên cạnh đó, Nhà nước cần có cơ chế đầu tư như hàng năm trích ngân sách phát triển nhà ở tổng thể, trong đó có nhà ở xã hội”.
Một số ý kiến tán thành với định hướng mở rộng cho phép người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam có quyền sở hữu nhà ở. Tuy nhiên, Dự án luật cần quy định điều kiện chặt chẽ hơn nhằm bảo đảm lợi ích quốc gia, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh, đặc biệt là tại địa bàn, khu vực trọng yếu.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Nguyễn Kim Khoa đồng ý mở rộng đối với người nước ngoài sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Nhưng đối với Việt Nam định cư ở nước ngoài với tư cách là người nước ngoài phải có quy định khác để theo quan điểm chính sách đối ngoại và Hiến pháp mới. Đối với người nước ngoài và người không quốc tịch cần phân loại. Người nước ngoài đang tạm trú tại Việt Nam và có đủ điều kiện thì xem xét thì có thể cho trường trú và được quyền có nhà ở.
Thay mặt Ban soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng tiếp thu đầy đủ các ý kiến đóng góp của các đại biểu, trong đó làm rõ khái niệm “nhà ở truyền thống”, “nhà ở xã hội” để tạo thuận lợi cho việc quản lý về kiến trúc, quy hoạch nhà ở. Dự thảo Luật sẽ bổ sung cơ chế, quy định chặt chẽ đối với Quỹ phát triển nhà ở xã hội, cũng như làm rõ thêm quyền chuyển quyền sở hữu nhà ở./.
Theo VOV