Thắp sáng niềm tin cho trẻ mồ côi
(Baonghean) - Mỗi đứa trẻ một số phận, nhiều em không may mắn phải sống trong cảnh mồ côi cả cha lẫn mẹ. Thiếu vắng tình thương ruột thịt đã dần hình thành trong các em những tính cách giống nhau: bi quan, mặc cảm, nỗi ám ảnh khi phải sống trong một gia đình không trọn vẹn. Nhiều em đã vượt qua nỗi đau, sự bất hạnh để vươn tới thực hiện ước mơ, trở thành người có ích cho xã hội.
Hai chị em Hằng, Lường vượt qua hoàn cảnh học tập tốt. |
Trượt dài trong mặc cảm
Sinh năm 1993 tại bản Khe Nằn, xã Chiêu Lưu (Kỳ Sơn), Lô Thị Dịu sớm phải chịu cảnh mồ côi cha khi chưa tròn 3 tuổi. Sáu năm sau, mẹ Dịu vì dính vào tội “mua bán trái phép chất ma túy” bị kết án 20 năm tù. Dịu cùng đứa em trai trở thành trẻ mồ côi từ ngày ấy. Ngày mẹ vào tù, chị em Dịu được bà Lô Thị Thành (em ruột của mẹ) đưa về cưu mang. Năm 16 tuổi, nghe tin nhiều phụ nữ trong bản lấy chồng Trung Quốc, được ăn no mặc đẹp, có cuộc sống giàu sang, lại có tiền gửi về cho gia đình, Lô Thị Dịu chủ động tìm gặp Vi Thị Năm (ngụ cùng bản), nhờ Năm đưa sang Trung Quốc để lấy chồng và được Năm đồng ý. Qua biên giới, Vi Thị Năm đã bán Dịu cho một người đàn ông ngoại quốc với giá 30 triệu VNĐ. Dịu trở thành nạn nhân của bọn buôn bán trẻ em ở tuổi 16.
Còn với Phạm Quốc Nam (Quỳnh Lưu), vừa mới sinh ra đã là đứa trẻ không cha. Cũng như hai người chị của Nam, họ chưa một lần nhìn thấy mặt cha mình. Khi Nam 8 tháng tuổi, mẹ đem em cho một gia đình hiếm con ở địa phương khác nuôi dưỡng. Nam lớn lên trong vòng tay của cha mẹ nuôi mà cứ ngỡ đó là những người ruột thịt của mình. Cũng từ đó, Nam không một lần được gặp lại mẹ đẻ. Bí mật ấy được người lớn giấu kín cho đến khi cậu 14 tuổi. Nghe người ta xì xào về mối quan hệ của gia đình, mới đầu em bức xúc, nhưng sau dần lại tỏ ra nghi ngờ. Biết không thể dấu mãi chuyện nên cha mẹ nuôi của Nam đã nói ra sự thật.
Nam hận bố mẹ nuôi vì cho rằng họ là những người lừa dối, hận mẹ đẻ vì đã nhẫn tâm vứt bỏ giọt máu của mình. Nam mặc cảm vì cho rằng mình chỉ là một đứa con hoang được người ta cưu mang. Cũng từ đó, cậu thường xuyên bỏ học, bỏ nhà ra đi. 15 tuổi, Nam đã biết đến rượu bia, thuốc lá, tụ tập với nhóm bụi đời và bỏ học. Rồi Nam đi bụi, sống vật vờ nay đây mai đó, những đồng tiền lấy trộm của bố mẹ nuôi cũng theo đó mà cạn dần. Không có tiền tiêu xài, ăn nhậu, Nam đã kiếm tiền bằng cách ăn trộm. Trong một lần trộm xe máy của người lạ, Nam bị phát hiện và bị bắt khi vừa bước vào tuổi 16.
Điểm tựa tình thương
Thế nhưng, cũng có rất nhiều em mồ côi đã biết vượt qua hoàn cảnh, vươn lên trong cuộc sống. Như em Hồ Xuân Hải (SN 2003), trú tại khối Trung Định, phường Hưng Dũng (TP Vinh). Chúng tôi tìm đến nhà em vào một buổi chiều muộn. Căn nhà cấp 4 nằm thu mình trong con hẻm nhỏ, Hải đang cặm cụi giúp bà nội nhặt rau chuẩn bị cho bữa cơm chiều. Trước đây, Hải từng có một gia đình trọn vẹn theo đúng nghĩa, nhưng gia đình ấy đã bị khuyết đi một nửa khi em lên 3 tuổi. Năm 2006, do mâu thuẫn gia đình, mẹ Hải đã chọn cái chết bằng cách treo cổ tự tử. Đến năm 2011, bố ra đi trong một vụ tai nạn giao thông khi đang trên đường từ Nam Đàn về thăm gia đình. Hải trở thành đứa trẻ mồ côi. Từ ngày bố mẹ mất, Hải được bà nội Hoàng Thị Châu (60 tuổi) đưa về nuôi nấng, chăm sóc. Thương bà, Hải cố gắng học tập, ngoan ngoãn vâng lời bà và thầy cô ở trường, luôn lễ phép với mọi người xung quanh. Hiện tại, Hồ Xuân Hải là học sinh lớp 5 Trường Tiểu học Trường Thi. Trong suốt nhiều năm học, Hải luôn đạt học sinh tiên tiến, được thầy yêu, bạn mến.
Bà Châu (bà nội của Hải) tâm sự: “Gia đình neo người, chỉ có hai bà cháu. Năm ngoái, vì tình hình sức khỏe ngày càng già yếu, sợ lúc mình nằm xuống sẽ không có người chăm sóc cháu nên đã làm đơn gửi Hải vào Làng SOS (trường dành cho trẻ mồ côi) và được xét duyệt nhưng Hải đã từ chối với lý do: “Cháu mà đi thì đến lúc bà ốm, ai sẽ múc nước cho bà. Bà cho cháu ở nhà để những lúc bà ốm, còn có cháu bên cạnh”.
Cũng giống như Hải, hai chị em Nguyễn Thị Hằng (SN 2003) và Nguyễn Cảnh Lường (SN 2005), trú tại xóm 13, xã Quỳnh Tân (Quỳnh Lưu) vẫn ngày đêm sống trong nỗi nhớ khôn nguôi về cha mẹ mình. Bi kịch xảy ra cách đây đã hơn nửa năm, do mâu thuẫn gia đình, người cha là Nguyễn Cảnh Linh đã nhẫn tâm đoạt mạng người mẹ bằng những nhát búa oan nghiệt. Chị Nguyễn Thị Hiệp ra đi để lại hai đứa trẻ thơ cho mẹ già gần 60 tuổi chăm sóc. Hai chị em Hằng phải đối diện là nỗi đau mất mẹ, xấu hổ khi cha ngồi tù. Nhưng không vì vậy mà chị em Hằng sa sút việc học hành. Hiện tại, Nguyễn Thị Hằng đang là học sinh lớp 5, Nguyễn Cảnh Lường đang theo học lớp 3 của Trường Tiểu học Quỳnh Tân A (Quỳnh Lưu). Suốt nhiều năm liền, Hằng và Lượng luôn đạt học sinh giỏi của lớp, của trường. Đó cũng là thành quả duy nhất mà hai chị em đã cố gắng để thực hiện nguyện vọng của bà ngoại.
Để những đứa trẻ có số phận không may mắn được phát triển bình thường, hòa nhập với cuộc sống, trước hết, các cấp ban, ngành cần quan tâm, tạo ra những môi trường phù hợp để các em có thể phát triển một cách lành mạnh. Bên cạnh đó, rất cần sự đồng cảm, sẻ chia của những người xung quanh. Thay vì kỳ thị, hãy dang rộng vòng tay để các em vượt qua tuổi thơ bất hạnh, trở thành người có ích.
Bài, ảnh: Hoàng Hải