Thất bại mở ra 'đường sống' cho Thủ tướng Netanyahu và 21 ngày định mệnh của Israel
(Baonghean) - Đối thủ chính của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu vào giữa tuần này đã chính thức thừa nhận thất bại trong nỗ lực thành lập tân chính phủ, đồng nghĩa với việc đập tan hy vọng “lật đổ” nhà lãnh đạo đương nhiệm đã tại vị suốt nhiều năm qua.
Diễn biến này cũng đẩy đất nước Trung Đông tiệm cận hơn một cuộc bầu cử lần ba trong chưa đầy 1 năm - điều chưa từng có tiền lệ trong quá khứ.
Rối ren chính trường trong 21 ngày định mệnh
Thông báo được lãnh đạo đảng Xanh - Trắng trung dung Benny Gantz đưa ra đã kéo dài thêm thế tê liệt trên chính trường bủa vây đất nước Israel suốt năm nay.
Nhưng với đương kim Thủ tướng Netanyahu, báo chí phương Tây, trong đó có hãng thông tấn AP của Mỹ, nhận định thông tin này mở ra “đường sống” mới cho nhà lãnh đạo đang trong thế bế tắc, khi phải gắng gồng tại nhiệm trước khả năng đối diện với bản án dành cho các cáo buộc tham nhũng.
Ông Benny Gantz là cựu tướng lĩnh trong quân đội Israel. Ảnh: Reuters |
Ông Gantz là cựu tướng lĩnh trong quân đội Israel, nhận được đề nghị thành lập chính phủ cách đây 1 tháng, sau khi ông Netanyahu không thể tập hợp, hình thành một liên minh sau các cuộc bỏ phiếu không đi đến đâu hồi tháng 9.
Nhưng đến lượt mình, trong 4 tuần lễ đàm phán căng thẳng vừa qua, ông Gantz cũng không có khả năng tập trung được sự ủng hộ của 61 thành viên - tức đa số cần thiết trong 120 ghế tại Quốc hội Israel trước thời hạn chót là đêm 20/11.
Phát biểu trước báo giới, ông Gantz đã cáo buộc Thủ tướng Netanyahu đã phá hỏng những nỗ lực hòng thành lập một chính phủ thống nhất giữa các đảng phái của họ.
“Ông ta đáng lẽ nên dần chấp nhận thực tế rằng kết quả của các cuộc bầu cử đòi hỏi ông ta phải đàm phán trực tiếp, mà không có trở ngại hay rào cản nào". “Phần lớn người dân đã chọn một chính phủ thống nhất theo đường hướng tự do do đảng Xanh-Trắng lãnh đạo. Hầu hết người dân đã bỏ phiếu ủng hộ làm suy yếu sức mạnh của các phần tử cực đoan, và hầu hết người dân bỏ phiếu lựa chọn bước trên một con đường khác so với con đường của Netanyahu những năm gần đây”.
Theo luật Israel, Quốc hội nước này giờ sẽ bước vào giai đoạn 21 ngày, và bất kỳ nhà lập pháp nào cũng có thể tìm cách giành lấy 61 ghế rồi trở thành Thủ tướng. Điều đó, cũng có nghĩa là cả ông Gantz lẫn ông Netanyahu đều sẽ tiếp tục nỗ lực hòng tìm ra các đối tác liên minh và khám phá khả năng về một chính phủ liên kết.
Những cái tên ứng viên khác cũng có thể bất ngờ lộ diện. Nếu họ thất bại, Israel sẽ buộc phải tổ chức thêm một cuộc bầu cử khác vào tháng 3 tới.
Về phần mình, ông Gantz đã nói rằng đó là “21 ngày định mệnh mà nền dân chủ của Israel sẽ trải qua cuộc thử thách quan trọng nhất”, đồng thời cam kết nỗ lực tìm ra một đường hướng để đưa đất nước của mình “thoát khỏi tình trạng tê liệt tổng thể đang phải gánh chịu”.
Người ủng hộ ông Netanyahu giương cao áp phích ủng hộ ông. Ảnh: AFP |
Theo AP, đảng Xanh - Trắng của ông Gantz là đảng phái đông nhất trong Quốc hội, chiếm 34 ghế, nhỉnh hơn 1 ghế so với số ghế trong tay đảng Likud của ông Netanyahu, tức 2 nhân vật này nếu hợp lực có thể kiểm soát thế đa số.
Nhưng trên thực tế, trong nhiều tuần đàm phán, họ không thể thống nhất được các điều khoản của thỏa thuận chia sẻ quyền lực, bao gồm nội dung ai sẽ nắm quyền thủ tướng trước và điều gì sẽ xảy ra nếu ông Netanyahu bị tuyên án.
Các cuộc thăm dò dư luận chỉ ra rằng, nếu tổ chức cuộc bầu cử mới cũng sẽ đem lại các kết quả tương tự như cuộc bỏ phiếu không đem lại kết quả gì hồi tháng 9, phát tín hiệu dự đoán trước mắt sẽ là nhiều tháng bàn thảo, tranh luận dù khó đem lại điều gì chắc chắn.
Viễn cảnh chán chường?
Tuy nhiên, cuộc đua có thể bị tác động ít nhiều khi ông Netanyahu bị truy tố trong nhiều vụ án tham nhũng. Theo AFP, sau nhiều tháng đình chỉ, đến ngày 21/11, Thủ tướng tại nhiệm lâu nhất của Israel đã bị Tổng chưởng lý Avichai Mandelblit cáo buộc tội nhận hối lộ, gian dối và phá vỡ lòng tin.
Về mặt luật pháp, Netanyahu không nhất thiết phải từ chức thủ tướng, trừ trường hợp ông bị kết án, nhưng rõ ràng nhà lãnh đạo này đang đối diện với sức ép căng thẳng trên chính trường.
Hơn lúc nào hết, ông muốn tại nhiệm, giữ chặt chiếc ghế đang ngồi, để có thể chống lại các cáo buộc, có được quyền miễn trừ truy tố dành riêng cho thủ tướng từ Quốc hội.
Ông Avichai Mandelblit đã truy tố ông Netanyahu tội tham nhũng, động thái có thể chấm dứt sự nghiệp chính trị của vị thủ tướng tại nhiệm nhiều thập niên qua. Ảnh: AFP |
Những vết thương pháp lý của Netanyahu tuy có tăng lên, nhưng đảng Likud vẫn đứng sau “chống lưng” cho ông. Dù thế, không loại trừ khả năng chiều hướng này sẽ đổi nếu ông bị kết án chính thức, và khi đó ông có thể bắt đầu phải đối diện với những lời kêu gọi từ chức, tránh sang một bên.
Hiện chưa rõ bộ phận cử tri nằm ngoài “căn cứ” chính trị của ông sẽ có phản ứng ra sao trước khả năng nhà lãnh đạo của họ bị luận tội. Còn Gantz đã bác bỏ khả năng thiết lập quan hệ đối tác với Netanyahu, đúng thời điểm ông này đối diện với phiên tòa, và tuyên bố không phản đối “bắt tay” với Likud, nếu đảng này do người khác lãnh đạo.
Avigdor Lieberman - nhân vật được xem là “môi giới” quyền lực trong chính giới Israel, người mà cả Gantz lẫn Netanyahu đều không thể thiếu nếu muốn có thể thành lập chính phủ đa số, đã tuyên bố ông không hề ủng hộ cái tên nào trong 2 ứng viên này.
Lieberman chính là người đã từ chối liên minh của Netanyahu sau các cuộc bầu cử tháng 4, dẫn tới việc buộc phải tổ chức bầu cử lần 2 vào tháng 9. Cũng chính ông này đã hối thúc Gantz và Netanyahu thành lập chính phủ liên minh để thoát bế tắc, nhưng khi không đạt được điều này, Lieberman chỉ rõ đó là trách nhiệm của cả 2 người kia.
“Chẳng có khoảng cách nào đáng kể cả, chủ yếu chỉ là khác biệt cá nhân và xét cho cùng, thì giờ đây có vẻ như chúng ta đang hướng tới một cuộc bầu cử khác”, Lieberman nói.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và đối thủ Benny Gantz đến nay đều không thành lập được liên minh cầm quyền. Ảnh: AFP |
Dù vậy, cùng với nguy cơ Netanyahu bị kết án, thì các căng thẳng khu vực gia tăng cũng tiềm ẩn khả năng buộc các bên dù muốn dù không cũng phải thỏa hiệp.
Israel đã tiến hành một cuộc tấn công diện rộng nhằm vào các mục tiêu của Iran tại Syria vào sáng sớm 20/11, để đáp trả các vụ tấn công bằng rocket của đối phương.
Giới chức an ninh Israel giờ đây lo ngại Iran có thể trả đũa, châm ngòi bạo lực bùng phát chỉ khoảng 1 tuần sau cuộc chiến ác liệt giữa Israel với các tay súng do Iran hậu thuẫn ở dải Gaza. Trên một phông nền như vậy, viễn cảnh về một cuộc bầu cử khủng khiếp nữa sẽ đè nặng lên đôi vai vốn dĩ đã mỏi mệt của cử tri Israel.