Thay đổi chính sách an ninh hàng không sau vụ tai nạn A320
(Baonghean) - Ngay sau khi các nhà điều tra công bố nguyên nhân vụ tai nạn A320 của hãng hàng không Germanwings là do viên phi công phụ ngăn phi công chính quay lại buồng lái trước khi hạ độ cao đột ngột của chiếc A320, nhiều hãng hàng không trên thế giới lập tức thay đổi chính sách an ninh của mình.
Canada được xem là nước có phản ứng nhanh nhất sau vụ tai nạn A320. Ngay hôm 26/3, sau khi có những giả thiết về việc phi công phụ là nguyên nhân dẫn đến vụ tai nạn máy bay thảm khốc, chính quyền Canada lập tức bắt buộc các hãng hàng không trong nước luôn duy trì sự có mặt của cả 2 viên phi công trong buồng lái. Sau đó, 2 hãng hàng không của Canada là Air Transat và Air Canada đã thông qua quyết định trên.
Canada buộc các hãng hàng không duy trì sự có mặt của cả 2 viên phi công trong buồng lái. Ảnh: Reuters |
Tại châu Âu, hãng hàng không giá rẻ EasyJet của Anh vừa công bố sự thay đổi về chính sách bay ngay trong ngày 27/3. Theo EasyJet, sau khi tham khảo tư vấn của Cơ quan hàng không dân dụng Vương quốc Anh, hãng này sẽ cho một tiếp viên hoặc một quản lý vào buồng lái nếu như 1 trong 2 phi công vắng mặt.
Liên đoàn Hiệp hội Vận tải Hàng không của Đức cũng dự định sẽ đưa ra quy định về việc luôn duy trì 2 phi công trong buồng lái. Hãng Norwegian Shuttle của Na Uy và Iceland Icelandair hiện đang chờ sự chấp nhận của Cơ quan hàng không dân dụng Na Uy về một thỏa thuận tương tự.
Các hãng hàng không khác của châu Âu tiếp tục xem xét việc đưa ra biện pháp cho phép một người khác có mặt tại buồng lái khi 1 trong 2 viên phi công vắng mặt. Tuy nhiên, các hãng hàng không này vẫn đang chờ đợi các nhà điều tra Pháp đưa ra kết quả cuối cùng trước khi quyết định chính thức. Tính đến thời điểm hiện tại, có tất cả 3 hãng hàng không đã áp dụng quy tắc trên bao gồm: Finnair của Phần Lan, hãng hàng không giá rẻ Ryanair của Ireland và Iberia của Tây Ban Nha.
Được biết, cho tới thời điểm này, các quy định của Cơ quan An toàn Hàng không châu Âu không yêu cầu một thành viên phi hành đoàn thay thế cho phi công khi 1 trong số 2 người này rời khỏi buồng lái. Các quy định này yêu cầu phi công ở trong buồn lái trong suốt chuyến bay nhưng 1 trong số họ vẫn có thể vắng khi có nhu cầu sinh lý.
Về phía Mỹ, kể từ sau vụ khủng bố 11/9, nước này đã cho áp dụng quy tắc trên đối với các chuyến bay của mình. Theo Cơ quan quản lý các hãng hàng không Mỹ (FAA), FAA quy định luôn phải có 1 phi công chính và phi công phụ trong buồng lái khi cất cánh và hạ cánh. Một trong số họ có thể không có mặt trong trường hợp “thực hiện các thao tác với phi hành đoàn hoặc khi có nhu cầu sinh lý”. Lúc một phi công vắng mặt, FAA yêu cầu luôn phải có một thành viên của phi hành đoàn có mặt thay thế trong buồng lái và cửa buồng lái sẽ luôn được khóa cho đến khi phi công kia trở về.
Chu Thanh
(Theo Le Monde 27/3)