Thay đổi mô hình để công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng có hiệu quả hơn

04/06/2012 18:14

(Baonghean) - Sau khi kết thúc Hội nghị T.Ư 5 (khóa XI), Ban Chấp hành Trung ương đã ra thông báo kết luận về 4 vấn đề: tổng kết, sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992; chính sách pháp luật về đất đai; về công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí và cuối cùng là vấn đề về chính sách xã hội và tiền lương đến năm 2020.

(Baonghean) - Sau khi kết thúc Hội nghị T.Ư 5 (khóa XI), Ban Chấp hành Trung ương đã ra thông báo kết luận về 4 vấn đề: tổng kết, sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992; chính sách pháp luật về đất đai; về công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí và cuối cùng là vấn đề về chính sách xã hội và tiền lương đến năm 2020.


Tại hội nghị T.Ư 5 (khóa XI), bên cạnh việc đánh giá kết quả 5 năm thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng (PCTN) đã có một số chuyển biến tích cực, Ban Chấp hành Trung ương cũng thẳng thắn thừa nhận công tác đấu tranh PCTN vẫn chưa đạt yêu cầu đề ra. Chính vì vậy, Bộ Chính trị và BCH Trung ương qua bàn bạc, thảo luận đã đi đến 2 quyết định là thành lập Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN trực thuộc Bộ Chính trị do Tổng Bí thư làm Trưởng ban; lập lại Ban Nội chính Trung ương để vừa thực hiện chức năng một ban Đảng, đồng thời là cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo T.Ư về PCTN; không thành lập Ban chỉ đạo tỉnh, thành phố về PCTN; tỉnh ủy, thành ủy trực tiếp lãnh đạo công tác PCTN...


Với kết luận trên, về cơ bản, nhiệm vụ đấu tranh PCTN, lãng phí sẽ không thay đổi lớn (thậm chí còn được tăng cường hơn) nhưng trách nhiệm sẽ được chuyển từ chính quyền (Thủ tướng, chủ tịch UBND các cấp là Trưởng Ban chỉ đạo) sang Cơ quan đảng (Tổng Bí thư và Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy).


Điều này ban đầu cũng gây ra những băn khoăn nhất định rằng khi cơ quan Đảng trực tiếp chống tham nhũng thì có bao biện, làm thay cơ quan chức năng? Tuy nhiên, đúng như vai trò đã được Hiến pháp quy định là Đảng lãnh đạo trực tiếp và toàn diện xã hội. Đối với công tác PCTN, Đảng không làm thay mà sẽ lãnh đạo trực tiếp và thực thi nhiệm vụ sẽ do một lực lượng chuyên trách có thẩm quyền và năng lực để tiến hành.


Có thể nói, khi thông tin được nêu ra, nhiều người đã tự hỏi liệu với những thay đổi này, công tác PCTN có còn được tiếp tục và trong thời gian quyết tâm của Đảng ta trong cuộc chiến với tệ nạn tham nhũng lãng phí sẽ như thế nào? Nhân sự kiện này, chúng tôi đã có trao đổi với một số thành viên Ban chỉ đạo PCTN tỉnh thì được biết: Trước hết, phải khẳng định quyết tâm của Đảng trong đấu tranh PCTN không hề thay đổi. Tuy nhiên, để công tác đấu tranh PCTN có hiệu quả hơn phải có thay đổi về phương pháp tổ chức. Việc thay đổi nhằm mục đích để công tác này được tổ chức bài bản, nghiêm túc hơn, đúng như Nghị quyết T.Ư 4 mà Nghị quyết T.Ư 5 (khóa XI) là bước triển khai kế tiếp.


Sở dĩ phải thay đổi mô hình cơ quan thường trực Ban chỉ đạo PCTN là vì, qua thực tế thi hành Luật PCTN cũng như trao đổi, thảo luận, các đại biểu đều nhận thấy, việc trao nhiệm vụ Trưởng Ban chỉ đạo PCTN cho Thủ tướng Chính phủ (ở T.Ư) hay Chủ tịch UBND tỉnh (ở cấp tỉnh) bên cạnh thuận lợi thì còn một số hạn chế và bất ổn về mặt cơ chế, đó là khi chính các cơ quan quản lý nhà nước là những cơ quan nắm nguồn lực về tài sản, dự án, tài chính... dễ phát sinh tham nhũng tiêu cực mà lại được giao quyền thanh tra, điều tra PCTN. Điều này dẫn đến tình trạng "vừa đá bóng vừa thổi còi" đã phần nào làm giảm tính độc lập, minh bạch trong đấu tranh PCTN.


Lý do thứ 2 dẫn đến sự thay đổi đó là mô hình lập Ban chỉ đạo PCTN các cấp, qua một thời gian tổ chức triển khai đã không phát huy được vai trò như mong muốn. Văn phòng Ban chỉ đạo PCTN các cấp chỉ làm vai trò của một cơ quan thường trực tổng hợp, đôn đốc các vụ việc tham nhũng, lãng phí; không có thẩm quyền và năng lực để thực hiện điều tra, khởi tố. Việc điều tra, khởi tố, xét xử tội phạm tham nhũng, lãng phí là do cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện.


Với riêng cấp tỉnh, câu hỏi đặt ra là với những thay đổi về mô hình tổ chức như trên, sắp tới nhiệm vụ đấu tranh PCTN sẽ được thực hiện như thế nào? Qua tìm hiểu chúng tôi được biết: Yêu cầu, nhiệm vụ trong PCTN sẽ không thay đổi và tiếp tục được tăng cường. Sau Thông báo kết luận của Hội nghị T.Ư 5 vừa qua, sắp tới Bộ Chính trị sẽ có quyết định việc thành lập Ban chỉ đạo PCTN Trung ương quy định cụ thể hơn về thành phần và cơ chế hoạt động. Tiếp đó, theo hướng dẫn của Bộ Chính trị, các tỉnh, thành ủy mà trực tiếp là đồng chí Bí thư sẽ lãnh đạo sắp xếp lại mô hình, nhiệm vụ và thành phần của cơ quan chuyên trách về PCTN cùng với việc thành lập lại Ban Nội chính trực thuộc tỉnh ủy.


Đại diện Văn phòng Ban chỉ đạo tỉnh về PCTN cho biết: Trên cơ sở chủ trương kết luận của Nghị quyết Trung ương 5, thời gian tới, cùng với việc ban hành các quy định để chuyển đổi mô hình tổ chức từ cấp Trung ương đến cơ sở, nhiệm vụ đấu tranh PCTN sẽ vẫn được tiếp tục tăng cường; thậm chí với những điểm mới như tinh thần Nghị quyết T.Ư 4 và 5 (khóa XI) nêu ra thì quần chúng nhân dân và báo chí sẽ có vai trò ngày càng lớn hơn trong đấu tranh PCTN.


Nguyễn Hải

Thay đổi mô hình để công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng có hiệu quả hơn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO