Thầy thuốc và môi trường làm việc an toàn

24/02/2012 19:26

(Baonghean)- Bấy lâu nay, hai chữ Y Đức không chỉ được đặt ra như một vấn  đề cấp bách trong ngành Y tế mà còn được phân tích mổ xẻ trên nhiều diễn đàn khi đặt nó ở mối quan hệ với bệnh nhân trong cơ chế thị trường. Tuy nhiên, bên cạnh nỗi  đau người bệnh, cũng cần phải nhìn nhận đến “nỗi  đau” của thầy thuốc!.

(Baonghean)- Bấy lâu nay, hai chữ Y Đức không chỉ được đặt ra như một vấn đề cấp bách trong ngành Y tế mà còn được phân tích mổ xẻ trên nhiều diễn đàn khi đặt nó ở mối quan hệ với bệnh nhân trong cơ chế thị trường. Tuy nhiên, bên cạnh nỗi đau người bệnh, cũng cần phải nhìn nhận đến “nỗi đau” của thầy thuốc!.

Thực tế cho thấy, tại nhiều cơ sở y tế, các bác sỹ đang phải hoạt động trong môi trường rất không an toàn. Việc bác sỹ bị lăng mạ, thậm chí bị truy sát ngay trong lúc đang cứu chữa bệnh nhân vẫn hàng ngày, hàng giờ diễn ra, tiêu biểu như vụ bác sỹ Phạm Đức Giàu - tại Bệnh viện đa khoa Vũ Thư (Thái Bình) đã bị người nhà bệnh nhân tước đi sinh mạng ngay sau lúc bác sỹ này hết lòng cấp cứu người bệnh. Phòng thường trực cấp cứu của bệnh viện là phòng thường xuyên phải đối mặt với những áp lực từ phía bệnh nhân lớn nhất?!


Trước hết, phải nói rằng, người bệnh và người nhà bệnh nhân chưa thực sự hiểu và chia sẻ với công việc của người thầy thuốc. Tâm lý bệnh nhập viện thì ai cũng muốn mình được quan tâm, khám nhanh, khám trước, nhưng trong nguyên tắc nghề nghiệp, có những bệnh nhân cần trải qua quá trình theo dõi, chẩn đoán, hội chẩn để tìm ra phương án chữa bệnh hiệu quả nhất.

Đó là chưa kể khi cấp cứu hàng loạt, phải ưu tiên người bệnh nặng, khi cấp cứu hàng loạt do thảm họa thì phải ưu tiên người có khả năng sống trước. Bác sỹ cũng không phải là toàn năng để có thể biến một người bệnh hấp hối thành người mạnh khỏe.

Hơn thế, tại các phòng bệnh đòi hỏi yếu tố vô khuẩn cao, cần cách ly người bệnh thì người nhà bệnh nhân lại muốn kéo vào hàng đoàn, khi không được đồng ý, lại đặt câu hỏi nghi ngờ hoặc cho là cán bộ y tế gây khó dễ. Những đòi hỏi vô lý của người nhà bệnh nhân đã tạo nên áp lực lớn cho các thầy thuốc. Cách hiểu sai lệch của người bệnh đôi khi còn chính ở quan niệm “đổi chác” (có bao nhiêu tiền thì chữa được bệnh này). Chính vì thế, nhiều người đã tìm cách đưa phong bì cho thầy thuốc để rồi khi bị chối từ, lại cho rằng thầy thuốc khó tính, hay muốn đòi nhiều hơn nữa.


Đa số tình trạng quậy phá trong bệnh viện thường rơi vào nhóm tuổi trẻ, say rượu, cá biệt có những đối tượng... bất hảo. Có bác sỹ đặt ra so sánh, người điều khiển phương tiện giao thông mà có hơi men thì bị phạt, cấm điều khiển phương tiện, nhưng nếu những người này vào dọa nạt tại viện thì cũng chỉ biết… nhìn vậy. Những lúc như thế, thầy thuốc vừa làm việc vừa nơm nớp bảo toàn tính mạng cho chính mình!


Có thể thấy rằng, việc bảo đảm an toàn tại các cơ sở khám chữa bệnh hiện nay đang còn khoảng trống lớn. Các bệnh viện không còn cách nào khác đã phải dùng các biện pháp “tự bảo vệ” mình như thuê vệ sỹ, tăng cường bảo vệ. Tuy nhiên, những biện pháp trên cũng không thực sự giải quyết được vấn đề. Nghị quyết 46 của Bộ Chính trị đã khẳng định: “ Nghề y là một nghề đặc biệt, cần được tuyển chọn, đào tạo, sử dụng và đãi ngộ đặc biệt…”. Như vậy, bên cạnh việc lên án những hành vi gây áp lực, đe dọa tới đội ngũ thầy thuốc, cần phải tuyên truyền để người dân hiểu, sẻ chia với những người đang làm nhiệm vụ cao cả “ chữa bệnh cứu người”, đặc biệt cần sớm có một hành lang pháp lý cụ thể để bảo vệ họ.


Phạm Vinh

Mới nhất

x
Thầy thuốc và môi trường làm việc an toàn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO