Thế giới tuần qua: Buồn vui lẫn lộn, được mất đan xen

19/07/2015 08:21

(Baonghean) - Tuần qua, thế giới chứng kiến nhiều cơn biến động lớn, vui có nhưng buồn cũng có. Bên cạnh những sự kiện đáng ăn mừng như đạt thỏa thuận hạt nhân “lịch sử” với Iran hay xứ sở thần thoại thông qua dự luật cải cách theo yêu cầu của bộ ba chủ nợ, cơ bản đưa Hy Lạp thoát khỏi kịch bản xấu Grexit hồi đầu tuần, không khí tang tóc lại bao trùm những ngày cuối tuần khi hành vi khủng bố tàn bạo cướp đi sinh mệnh của những người vô tội tại nhiều quốc gia.

Đạt được những sự đồng thuận lớn

Sau 12 năm chờ đợi mỏi mòn, giai đoạn đàm phán kéo dài 18 ngày gần đây giữa Iran và nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc và Đức) đã đạt được thỏa thuận cuối cùng về vấn đề hạt nhân gây tranh cãi, mang lại một cái kết “đẹp như mơ” cho những người yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Thật vậy, sau những lần liên tiếp trì hoãn thời hạn chót, khi dư luận tiếp tục suy đoán rằng những cuộc đàm phán dai dẳng, thậm chí thâu đêm suốt sáng giữa các bên khó lòng sớm đi đến thỏa hiệp thì ngày 14/7 vừa qua đã đi vào lịch sử, chứng kiến những chướng ngại cuối cùng trên bàn đàm phán được tháo gỡ, kết thúc hơn một thập kỷ giằng co về hồ sơ hạt nhân Iran. Theo đó, Iran sẽ thu hẹp chương trình làm giàu urani để đổi lấy việc từng bước dỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế và tài chính của Liên hợp quốc và phương Tây áp đặt lên nước này.

 Một góc hiện trường vụ đánh bom đẫm máu tại Iraq hôm 17/7. Ảnh: AFP
Một góc hiện trường vụ đánh bom đẫm máu tại Iraq hôm 17/7. Ảnh: AFP

Nhìn chung, thỏa thuận mang tính bước ngoặt này được giới chính khách và dư luận thế giới đánh giá cao và ghi nhận những nỗ lực của các bên nhằm chốt lại vấn đề đau đầu về các chương trình hạt nhân của Iran. Theo hãng thông tấn AFP, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố thế giới “thở phào nhẹ nhõm” sau khi thỏa thuận này được công bố. Trong khi đó, đại diện “người trong cuộc” - Tổng thống Iran Hassan Rouhani cho biết bản thỏa thuận đã “mở ra chân trời mới” cho nước này khi giải quyết thành công “cuộc khủng hoảng không cần thiết”.

Song bên cạnh những “mỹ từ” của phương Tây hay chính giới Iran, Israel lại là nước chỉ trích nặng nề nhất về bản thỏa thuận này khi Thủ tướng Benjamin Netanyahu gọi đó là “sai lầm lịch sử”. Chưa hết, Thứ trưởng Ngoại giao Tzipi Hotovely của nước này lại gán cho nó cụm từ “sự đầu hàng của phương Tây trước trục ma quỷ do Iran đứng đầu”. Mới đây hơn, Thủ lĩnh cao tuổi của Hồi giáo ở Iran Ali Khamenei tuyên bố đất nước này sẽ không cúi đầu trước Mỹ dù đạt thỏa thuận về các chương trình hạt nhân. Trong bài phát biểu nhân dịp kết thúc tháng ăn chay Ramadan hôm 17/7, vị lãnh đạo tinh thần tối cao này thẳng thừng tuyên bố: “Người Mỹ nói rằng họ ngăn Iran sở hữu vũ khí hạt nhân. Họ biết đó không phải sự thật. Chúng tôi có một luật lệ tôn giáo, theo đó các vũ khí hạt nhân bị cấm theo luật Hồi giáo. Việc này chẳng có liên quan gì đến các đàm phán hạt nhân”.

Trong một diễn biến khác, với 229 phiếu thuận, 64 phiếu chống và 6 phiếu trắng, Quốc hội Hy Lạp sáng 16/7 đã thông qua dự luật cải cách nghiêm ngặt theo yêu cầu của các chủ nợ để đổi lấy gói cứu trợ thứ 3 trị giá 86 tỷ euro (tương đường 94 tỷ USD). Theo đó, đòi hỏi tăng thuế, xem xét lại các khoản lương hưu và cam kết tư nhân hóa là những yêu cầu từ phía bộ ba chủ nợ đối với đất nước Hy Lạp. Đây là sự tiến triển được đánh giá giúp Hy Lạp phần nào giảm bớt sức ép và gánh nặng, vẫn thành công trụ lại trong Khu vực đồng euro và “dễ thở” hơn khi được rót thêm tiền. Tuy nhiên, sự kiện này đã gây chia rẽ sâu sắc ngay cả trong nội bộ đảng cấp tiến cánh tả Syriza cầm quyền của Thủ tướng Alexis Tsipras, khi những người đã và đang nắm giữ các cương vị quan trọng lại bỏ phiếu chống hoặc phiếu trắng về dự luật cải cách, trong đó có cựu Bộ trưởng Tài chính Yanis Varoufakis và Bộ trưởng Năng lượng Panagiotis Lafazanis. Và như để chứng minh khả năng kiểm soát nội các của mình, hôm 17/7 vị thủ tướng sinh năm 1974 này đã cách chức một số thành phần phản đối thực thi các cải cách mà họ cho là hết sức khắc nghiệt này.

Thế giới chưa im tiếng bom đạn

Tuần qua, thế giới tưởng niệm 1 năm ngày mất của những nạn nhân xấu số trong vụ tai nạn máy bay MH17, và nguyên nhân gây ra cái chết oan uổng của những hành khách vô tội vẫn chưa được làm sáng tỏ. Nỗi đau như nhân lên khi liên tiếp những ngày qua đã xảy ra các vụ xả súng và đánh bom, có vụ việc con số thương vong lên tới hàng trăm người. Hôm 17/7, cả nước Mỹ chấn động trước thông tin 2 cơ sở quân sự tại bang Tennessee bị một tay súng điên cuồng nã đạn, cướp đi sinh mạng 4 lính thủy đánh bộ. Tổng thống Obama cho biết Cục điều tra liên bang (FBI) sẽ nhanh chóng điều tra để sớm đưa ra câu trả lời về vụ việc. Trong khi đó, tờ Wall Street Journal đưa tin nghi phạm xả súng Muhammad Youssef Abdulazeez đã sống khoảng 7 tháng tại Jordan vào năm ngoái. CNN cũng dẫn lời bạn bè của Abdulazeez nhận định dường như hắn đã “thay tâm đổi tính” sau khi trở về từ Trung Đông và “tự cô lập mình” vài tháng đầu sau chuyến đi: “Abdulazeez không còn thân thiết với bạn bè như trước, chắc chắn đã có điều gì đó xảy ra khi Abdulazeez ở nước ngoài”. Các cơ quan chức năng tuyên bố đang xem xét chủ nghĩa khủng bố có phải là động cơ của vụ xả súng hay không và đang nghiên cứu những chuyến đi trước đây của kẻ sát hại 4 quân nhân này.

Cùng ngày, khi các tín đồ Hồi giáo đang vui hưởng lễ Eid Al Fitr, đánh dấu kết thúc tháng ăn chay Ramadan thì vụ đánh bom xe đẫm máu tại khu chợ thuộc tỉnh Diyala, cách thủ đô của Iraq 30 km về phía Đông, làm chết hơn 100 dân thường, càng đau lòng hơn khi trong số này có tới 15 trẻ em. Tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã tuyên bố nhận trách nhiệm về vụ việc này, khẳng định đó là hành động trả đũa nhắm vào người Shiite. Vụ đánh bom gây sát thương lớn do chiếc xe của những kẻ khủng bố chứa tới 3 tấn thuốc nổ, hiện trường hỗn loạn với nhiều tòa nhà sụp đổ và nhiều mảnh thi thể vương vãi khắp nơi. Nỗi đau không gì tả xiết đã thổi bùng ngọn lửa giận dữ và căm hờn trong dân chúng, các địa điểm công cộng đã bị cấm hoạt động trong những ngày tới để tránh tái diễn thảm kịch tương tự.

Tội ác vẫn chưa dừng lại, đến ngày 18/7 ít nhất 13 người khác đã thiệt mạng khi nhóm Hồi giáo cực đoan Boko Haram cài chất nổ lên người 3 bé gái và kích hoạt từ xa những quả “bom người” tại một khu vực thường xuyên xảy ra các vụ tấn công ở Nigeria. Những kẻ mất nhân tính này thường xuyên sử dụng trẻ em để thực hiện các vụ đánh bom, và trong vòng 5 năm trở lại đây chúng đã khiến khoảng 15.000 người thiệt mạng, 1,5 triệu người rơi vào cảnh “màn trời chiếu đất”. Những hành động của Boko Haram như để minh chứng cho lời thề trung thành với IS. Trước những hành vi khủng bố vô nhân đạo này, sẽ không có gì đáng ngạc nhiên nếu trong thời gian tới chống chủ nghĩa khủng bố trở thành tâm điểm trong chương trình nghị sự của nhiều quốc gia trên toàn cầu.

Phú Bình

Mới nhất
x
Thế giới tuần qua: Buồn vui lẫn lộn, được mất đan xen
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO