Thế giới tuần qua: Hòa bình - khát vọng và thông điệp

Mỹ Nga 13/09/2020 07:13

(Baonghean.vn) - Trung Quốc và Ấn Độ cáo buộc lẫn nhau về việc vi phạm nổ súng tại biên giới, sau cuộc xô xát đã diễn ra giữa binh lính hai bên kéo dài 3 tiếng hôm 7/9 ở gần Đường Kiểm soát Thực tế (LAC); Tổng thống Trump hoan nghênh việc ông được đề cử giải Nobel Hòa bình, gọi đó là “điều tuyệt vời nhất” cho nước Mỹ và cam kết thúc đẩy hòa bình thế giới. Hòa bình - đó là thông điệp nhiều ẩn ý được dư luận quan tâm trong tuần qua.

NGUY CƠ TÍNH TOÁN SAI LẦM

Sau 45 năm hòa bình, lần đầu tiên tiếng súng đã vang lên ở gần Đường Kiểm soát Thực tế (LAC) - đóng vai trò như biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ trên dãy Himalaya. Cả hai bên đã cáo buộc lẫn nhau về việc vi phạm thỏa thuận tránh dùng súng ở khu vực biên giới nhạy cảm. Động thái mới nhất này diễn ra trong bối cảnh căng thẳng ở khu vực biên giới vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt và hai bên đang tổ chức các cuộc đàm phán song phương tìm cách giảm leo thang.

Bộ Ngoại giao Ấn Độ tuyên bố các binh sĩ Trung Quốc cố gắng áp sát một tiền đồn của Ấn Độ dọc theo LAC và “bắn một phát súng chỉ thiên để thị uy”; đồng thời khẳng định binh sĩ nước này không vượt qua LAC hay thực hiện hành vi gây hấn đối với lực lượng Trung Quốc. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cáo buộc lính Ấn Độ “vượt biên bất hợp pháp” và “ngang nhiên nổ súng đe dọa lính biên phòng Trung Quốc đang tiếp cận họ”.

Quân đội Trung Quốc giăng biểu ngữ vỡi thông điệp tới Ấn Độ:
Quân đội Trung Quốc giăng biểu ngữ vỡi thông điệp tới Ấn Độ: "Bạn đã vượt qua biên giới, hãy quay trở lại". Ảnh: AP

Sự việc diễn ra chỉ sau vài ngày khi Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh và người đồng cấp Trung Quốc đồng ý hạ nhiệt căng thẳng sau các cuộc thảo luận thẳng thắn và sâu sắc. Derek Grossman, nhà phân tích quốc phòng cao cấp tại Tập đoàn RAND Corporation có trụ sở tại Washington cho rằng, nếu các báo cáo về phát súng chỉ thiên được bắn tại biên giới là đúng thì căng thẳng Trung - Ấn đang leo thang rõ ràng, bất chấp thỏa thuận song phương và nhiều cuộc đối thoại quân sự.

Thậm chí, nhiều nguồn tin cho biết, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không hài lòng và thất vọng với sự việc xảy ra với Ấn Độ, trong bối cảnh ông đang tìm cách nâng cao và xoay chuyển vị thế của Bắc Kinh.

“Trung Quốc luôn xem Ấn Độ là một nước bé hơn. Một tổn thất nhỏ ở biên giới, ngay cả khi chỉ mang tính biểu tượng chứ không phải tranh chấp lãnh thổ, cũng sẽ trở thành đòn tâm lý lớn và không thể chấp nhận được đối với sự tự tin và hình ảnh quốc tế của Trung Quốc”.

Derek Grossman - nhà phân tích quốc phòng cao cấp tại Tập đoàn RAND Corporation

Với những người theo đuổi chủ nghĩa dân tộc mạnh mẽ như Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Narendra Modi, biên giới đã trở thành vấn đề nổi bật chưa từng thấy trong nhiều năm qua. Cả hai bên đều coi các khu vực biên giới đang tranh chấp đóng vai trò quan trọng về mặt chiến lược. Đặc biệt sự cạnh tranh kinh tế ngày càng lớn đã làm gia tăng sự khác biệt về lãnh thổ và địa chiến lược, trong bối cảnh Trung Quốc đã vượt xa Ấn Độ về thặng dư thương mại.

Binh sĩ Ấn Độ có mặt ở khu vực biên giớ với Trung Quốc ở dãy Himalaya. Ảnh: DPA
Binh sĩ Ấn Độ có mặt ở khu vực biên giớ với Trung Quốc ở dãy Himalaya. Ảnh: DPA

Giới phân tích quân sự cho rằng, điều đáng lo ngại nhất, khi không bên nào chịu nhượng bộ và rút lực lượng trước, những tính toán sai lầm nhỏ trên dãy Himalaya có thể khiến New Delhi và Bắc Kinh sa vào xung đột lớn, nhất là khi 2 quốc gia cùng sở hữu vũ khí hạt nhân.

“Nếu ngoại giao thất bại, các cuộc nói chuyện sẽ diễn ra bằng tiếng súng. Đó là đỉnh điểm tất yếu của chuỗi căng thẳng đã diễn ra trong suốt 4 tháng qua. Mọi thứ đang leo thang nhanh chóng ngoài tầm kiểm soát, trừ khi có bước đột phá trong các cuộc đàm phán”.

Trung tướng DS Hooda - người đứng đầu Bộ chỉ huy phía Bắc của Quân đội Ấn Độ từ năm 2014 - 2016

TRANH CÃI GIẢI THƯỞNG DANH GIÁ

“Thật là vinh dự lớn khi được đề cử và tôi biết điều đó có ý nghĩa to lớn. Điều đó cho thấy chúng ta lúc nào cũng nỗ lực kiến tạo hòa bình, không phải gây chiến tranh” - Tổng thống Mỹ Donald Trump bày tỏ niềm hân hoan khi được nghị sĩ Na Uy Christian Tybring-Gjedde - Chủ tịch phái đoàn Na Uy tại Hội đồng nghị viện NATO, đề cử cho giải Nobel Hòa bình vì đã cố gắng kiến tạo hòa bình giữa các quốc gia nhiều hơn so với hầu hết ứng viên được đề cử.

Đặc biệt vai trò trung gian của ông Trump trong thỏa thuận hòa bình giữa Israel và Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE). Ngoài ra, một thành viên của Quốc hội Thụy Điển, ông Magnus Jacobsson cũng đã đề cử Tổng thống Trump cho giải Nobel Hòa bình năm 2021 nhờ các cuộc đàm phán về hợp tác kinh tế và thương mại.

Tổng thống Donald Trump được đề cử giải Nobel Hòa bình vì đã cố gắng kiến tạo hòa bình giữa các quốc gia, trong đó có thỏa thuận hòa bình giữa Israel và Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE)
Tổng thống Donald Trump được đề cử giải Nobel Hòa bình vì đã cố gắng kiến tạo hòa bình giữa các quốc gia, trong đó có thỏa thuận hòa bình giữa Israel và Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE).

Tổng thống Trump đã bày tỏ vui mừng và chia sẻ thông tin này trong ít nhất 17 tweet khác nhau trong vòng chưa đầy nửa giờ với gần 87 triệu người theo dõi trên Twitter. Khác với sự hân hoan đó, thông tin về đề cử này đã khiến người dùng mạng xã hội Twitter xôn xao, châm ngòi cho làn sóng tranh cãi. Nhiều người phản đối cho rằng, Nhà Trắng đang tập trung vào giải Nobel để kéo sự chú ý ra khỏi những báo cáo tiết lộ về cách xử lý của Tổng thống Trump đối với đại dịch. Một số ý kiến chế giễu sự vô lý của lời đề cử.

Uy tín của giải Nobel Hòa bình ngày càng giảm dần qua từng năm, với việc lựa chọn giải thưởng gây tranh cãi lớn trong cộng đồng quốc tế.

Các ý kiến bày tỏ, Tổng thống Trump đã làm gì để kiến tạo hòa bình, trong khi ông tác động tiêu cực đối với hòa bình thế giới như rút khỏi Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, Thỏa thuận hạt nhân Iran, phát động chiến tranh thương mại Mỹ-Trung. Những người phản đối cho rằng, đề cử này dường như đã đi chệch hướng khỏi trọng tâm của giải Nobel Hòa bình là trao cho những cá nhân xứng đáng. Do đó, uy tín của giải Nobel Hòa bình ngày càng giảm dần qua từng năm, với việc lựa chọn giải thưởng gây tranh cãi lớn trong cộng đồng quốc tế, và dường như đang trở thành công cụ cho “trò chơi chính trị phi lý”.

Đây không phải là lần đầu tiên Tổng thống Trump được đề cử cho giải thưởng Nobel hòa bình. Tybring-Gjedde cùng một nghị sĩ cánh hữu của Quốc hội Na Uy, đã đề cử ông Trump vào năm 2018 sau hội nghị thượng đỉnh với Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Singapore. Tuy nhiên, ông Trump đã không giành giải năm đó.

Tổng thống Mỹ Donald Trump tại sự kiện vận động tranh cử tại Winston-Salem, bang North Carolina, Mỹ ngày 8/9. Ảnh: Reuters
Tổng thống Donald Trump tại sự kiện vận động tranh cử tại Winston-Salem, bang North Carolina, Mỹ ngày 8/9. Ảnh: Reuters

Tổng thống Trump đã bày tỏ mong muốn được nhận giải thưởng Nobel Hòa bình trong suốt nhiệm kỳ tổng thống của mình. Tháng 9/2019, Tổng thống Trump đã phản đối Ủy ban Nobel Na Uy - cơ quan chịu trách nhiệm lựa chọn những người đoạt giải Hòa bình, sau khi khẳng định về khả năng vai trò trung gian trong một thỏa thuận hòa bình ở khu vực tranh chấp Kashmir giữa Ấn Độ và Pakistan.

Trump nói rằng, ông sẽ “nhận được giải Nobel cho rất nhiều điều nếu họ trao giải một cách công bằng, điều mà họ đã không làm được”, và lặp lại lời phàn nàn của ông khi Ủy ban từng trao giải Nobel cho tổng thống tiền nhiệm Barack Obama khi mới bắt đầu nhiệm kỳ năm 2009. Obama được trao tặng danh hiệu vì “những nỗ lực phi thường nhằm tăng cường ngoại giao quốc tế” và sự ủng hộ của ông đối với việc cắt giảm vũ khí hạt nhân. Ba tổng thống khác của Mỹ cũng từng đạt giải Nobel Hòa bình là Theodore Roosevelt, Woodrow Wilson và Jimmy Carter.

318 cá nhân và tổ chức đã được đề cử giải Noel Hòa bình năm 2021. Danh sách người được đề cử và người đề cử không được tiết lộ cho đến 50 năm sau đó. Tuy nhiên, việc được đề cử không đảm bảo cho Tổng thống Trump giành được giải.

Mới nhất
x
Thế giới tuần qua: Hòa bình - khát vọng và thông điệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO