Đằng sau căng thẳng mới trong quan hệ Trung - Ấn

(Baonghean) - Trung Quốc và Ấn Độ chưa từng bắn một viên đạn nào qua biên giới và cũng không có xung đột hạng nặng (từ 1975), dù vẫn có không ít các vụ va chạm và xô xát lẻ tẻ. Thế nhưng những ngày qua, với hàng loạt động thái của cả hai bên, từ việc cả hai tăng quân cho đến việc Trung Quốc dường như đang có dấu hiệu mở rộng căn cứ không quân ở khu vực biên giới hai nước làm cho nguy cơ một cuộc xung đột nghiêm trọng mới trong giai đoạn hiện nay!

Rắc rối trên nóc nhà thế giới

Căng thẳng giữa Ấn Độ và Trung Quốc liên tục gia tăng ở các khu vực Ladakh và Sikkim dọc ranh giới Đường kiểm soát thực tế (LAC) những ngày qua. Nhìn lại từ đầu tháng, hàng trăm binh sĩ hai nước đã đụng độ gần hồ Pangong, phía Đông Ladakh hôm 5/5. Tiếp đó, khoảng 150 binh sĩ hai bên cũng tham gia một vụ xung đột khác ở đèo Naku La tại Bắc Sikkim vào ngày 9/5. Ngay sau khi binh sĩ hai bên đối đầu bạo lực, hai nước đã liên tục triển khai thêm quân cũng như gia tăng sự hiện diện. Theo con số chưa đầy đủ, Trung Quốc có thể đã đưa gần 5.000 binh sĩ tới gần khu vực biên giới tranh chấp ở Ladakh, trong khi Ấn Độ cũng điều nhiều quân tiếp viện đến khu vực này.

Đài truyền hình New Delhi (NDTV) của Ấn Độ mới đây đã công bố các hình ảnh vệ tinh được cho là dự án xây dựng quy mô lớn của Trung Quốc tại căn cứ không quân Ngari Gunsa ở Tây Tạng. Ảnh: NDTV
Đài truyền hình New Delhi (NDTV) của Ấn Độ mới đây đã công bố các hình ảnh vệ tinh được cho là dự án xây dựng quy mô lớn của Trung Quốc tại căn cứ không quân Ngari Gunsa ở Tây Tạng. Ảnh: NDTV

Chưa hết, Đài Truyền hình New Delhi (NDTV) của Ấn Độ mới đây đã công bố các hình ảnh vệ tinh được cho là dự án xây dựng quy mô lớn của Trung Quốc tại căn cứ không quân Ngari Gunsa ở phía tây Tây Tạng, chỉ cách hồ Pangong, khu vực biên giới đã xảy ra va chạm giữa binh lính hai nước hồi đầu tháng khoảng 200 km. Cần nhắc lại, vị trí của căn cứ không quân này vô cùng trọng yếu, khi nằm gần ranh giới Đường kiểm soát thực tế (LAC). Giới quan sát nhận định, sân bay này không chỉ phục vụ các chuyến bay dân sự mà còn phục vụ lực lượng quân đội Trung Quốc. Việc mở rộng sẽ cho phép Trung Quốc tiếp nhận thêm nhiều máy bay đến căn cứ của Bắc Kinh tại khu vực này.

Ngược lại, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng cáo buộc Lục quân Ấn Độ đang cản trở các cuộc tuần tra và hoạt động bình thường của lực lượng biên phòng Trung Quốc. Trong bối cảnh căng thẳng biên giới với Trung Quốc leo thang, Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi mới đây đã phải triệu tập cuộc họp với các tướng lĩnh quân đội để thảo luận việc đối phó với các thách thức an ninh bên ngoài. Dù khẳng định chương trình nghị sự của cuộc họp là thảo luận cải cách quân sự và tăng cường sức chiến đấu của quân đội Ấn Độ, nhưng các nguồn tin quân sự cho biết, ông Modi đã được báo cáo về căng thẳng với Trung Quốc tại khu vực Ladakh.

Binh sĩ Trung Quốc và Ấn Độ tại Đường kiểm soát thực tế (LAC). Ảnh: PTI
Binh sĩ Trung Quốc và Ấn Độ tại Đường kiểm soát thực tế (LAC). Ảnh: PTI

Bối cảnh mới

Trong bối cảnh biên giới Trung Quốc - Ấn Độ đến nay vẫn chưa được phân định rõ ràng, những vụ xung đột và xâm phạm lãnh thổ đều bắt nguồn từ cách hai bên có nhận thức khác nhau về phạm vi lãnh thổ của mỗi bên. Cuộc chiến toàn diện năm 1962 nổ ra cũng do nguyên nhân sâu xa này. Kể từ đó đến nay, dư luận cũng không quá ngạc nhiên với các vụ giao tranh nhỏ lẻ ở khu vực biên giới tranh chấp giữa hai bên. Bởi thế, động thái gia tăng hiện diện, rầm rộ củng cố cơ sở hạ tầng của Trung Quốc thời gian gần đây cũng như mức độ căng thẳng tăng cao chưa từng thấy tại nhiều địa điểm ở phía Đông khu vực Ladakh, đã khiến dư luận đặc biệt quan tâm.

Hầu hết các nhà quan sát đều chờ đợi một số thông tin nào đó liên quan đến Ấn Độ trong cuộc họp báo của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị bên lề kỳ họp Quốc hội Trung Quốc đang diễn ra. Thế nhưng, cuộc họp kéo dài 100 phút lại chẳng hề có chút đề cập nào đến các xung đột hiện nay với New Delhi. Taylor Fravel, Giáo sư Quan hệ Quốc tế tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) của Mỹ và là tác giả của hai cuốn sách lớn về các vấn đề tranh chấp lãnh thổ của Trung Quốc, chiến lược quân sự của nước này bình luận, động thái của Bắc Kinh rất khó giải mã, đặc biệt là trong trường hợp không có bất kỳ tuyên bố chính thức nào từ chính quyền Trung Quốc. Theo giới quan sát, lời giải thích đơn giản nhất có lẽ là do Trung Quốc đang đáp trả các động thái của Ấn Độ gần đây cũng đang củng cố và xây dựng cơ sở hạ tầng ở khu vực Ladakh. Nhiều nguồn thông tin cho rằng, Trung Quốc rất tức giận với việc Ấn Độ hoàn thành xây dựng con đường dài 25 km nối Depsang nối với thung lũng Gallewan và đèo Karakoram.

Trung Quốc - Ấn Độ: mối quan hệ vừa cạnh tranh vừa hợp tác. Ảnh: The week
Trung Quốc - Ấn Độ: mối quan hệ vừa cạnh tranh vừa hợp tác. Ảnh: The week

Ở góc độ khác, chuyên gia Ashok Kantha, cựu đại sứ Ấn Độ tại Trung Quốc trong giai đoạn 2014 - 2016 bình luận, đã có sự thay đổi lớn liên quan đến hành vi và quy mô các động thái của Trung Quốc ở khu vực biên giới nhằm gây sức ép và cô lập Ấn Độ. Về phần mình, trước các tính toán mới của Trung Quốc, chính quyền Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi có hai lựa chọn: Một là cứng rắn đáp trả như đề xuất của các quan điểm diều hâu trong nước; Hai là tìm kiếm các cuộc đàm phán và thỏa thuận phù hợp cho cả hai bên. Tất nhiên, ai cũng hiểu xung đột với cả hai nước trong giai đoạn gồng mình chống dịch hiện nay là “hạ sách”. Trong khi, cả Ấn Độ và Trung Quốc đều có những lợi ích chiến lược cần tận dụng từ đối phương. Nếu như Ấn Độ là thị trường tiềm năng cứu cánh cho nền kinh tế Trung Quốc thì Bắc Kinh lại đóng vai trò quan trọng trong chính sách cân bằng đối ngoại của New Delhi. Bởi thế, mặc dù các động thái gia tăng căng thẳng hiện nay giữa hai nước sẽ gây ra nhiều nguy cơ bất ổn, giao tranh là điều không tránh khỏi; nhưng một kịch bản xung đột đẫm máu sẽ khó có thể xảy ra!

tin mới

 Tướng Cương: Sẽ xảy ra cuộc chiến tổng lực nếu Tel Aviv đáp trả

Tướng Cương: Sẽ xảy ra cuộc chiến tổng lực giữa Iran - Israel nếu Tel Aviv đáp trả vụ tấn công 13/4

(Baonghean.vn) - Bình luận về khả năng có một cuộc chiến tổng lực và toàn diện giữa Iran - Israel sau sự kiện 13/4, PGS.TS. Thiếu tướng Lê Văn Cương - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Bộ Công an cho rằng, cuộc chiến sẽ bùng lên nếu Israel có các hành động đáp trả vào các căn cứ của Iran.

Đức tính toán gì khi đưa quân tới biên giới Nga?

Đức tính toán gì khi đưa quân tới biên giới Nga?

(Baonghean.vn) - Lần đầu tiên kể từ năm 1945, Đức đưa vài nghìn binh lính tiến sát tới biên giới Nga. Bộ trưởng Quốc phòng Đức gọi những gì đang diễn ra là “một ngày tuyệt vời đối với Quân đội Đức”. Lữ đoàn Đức này đi đâu, và sẽ gây ra mối đe dọa nghiêm trọng nào đối với lợi ích của Nga?

Cựu Giám đốc tình báo đối ngoại Pháp: Nga - Ukraine sẽ đi đến hòa bình nhờ ông Trump

Cựu Giám đốc tình báo đối ngoại Pháp: Nga - Ukraine sẽ đi đến hòa bình nhờ ông Trump

(Baonghean.vn) - Cựu Giám đốc Tổng cục An ninh Đối ngoại Pháp Alain Jouillet cho biết, nếu Nga và Ukraine không thể đạt được thỏa thuận trong những tháng tới, do áp lực từ các thế lực bên ngoài, thì một thỏa thuận ngừng bắn sẽ đạt được sau khi ông Donald Trump trở lại nắm quyền.

Cựu chuyên gia Lầu Năm Góc: Phương Tây 'đánh mất' sự ủy nhiệm của người dân Ukraine giao cho Tổng thống Zelensky

Cựu chuyên gia Lầu Năm Góc: Phương Tây 'đánh mất' sự ủy nhiệm của người dân Ukraine giao cho Tổng thống Zelensky

(Baonghean.vn) - Cựu chuyên gia phân tích của Lầu Năm Góc, Trung úy Không quân Mỹ đã nghỉ hưu Karen Kwiatkowski cho rằng, phương Tây đã đánh mất sự ủy nhiệm của người dân Ukraine giao phó cho Tổng thống Volodymyr Zelensky trong cuộc bầu cử tổng thống 5 năm trước đó.