(Baonghean.vn) - Cùng Báo Nghệ An Điện tử điểm lại những sự kiện nổi bật nhất trong vòng 7 ngày qua.
1. Tai nạn thảm khốc chìm tàu ở Trung Quốc, hơn 400 người chết
Ngày 2/6 vừa qua, tàu Ngôi sao phương Đông của Trung Quốc chở 450 người gặp lốc xoáy lớn và bị lật úp tại huyện Giám Lệ, sông Trường Giang, tỉnh Hồ Bắc.
|
Hình ảnh tàu Ngôi sao phương Đông trước khi bắt đầu chuyến đi định mệnh. Tàu Ngôi sao phương Đông có 4 tầng, dài 76,5 m, rộng 11 m, có thể chở tối đa 534 người, CCTV cho hay. Tàu được đóng năm 1994, thuộc sở hữu của Tập đoàn Vận tải phương Đông Trùng Khánh, chuyên khai thác các tuyến du lịch sông Trường Giang, khu vực Tam Hiệp. Nguồn: CCTV |
|
Hình ảnh được Nhật báo Hồ Bắc ghi lại ngay trước khi con tàu bị lật úp. Nguồn: Hồ Bắc Nhật báo. |
|
Ngay lập tức, công tác cứu hộ cứu nạn cũng như trục vớt con tàu đã được tiến hành. Trong ảnh là đội cứu hộ đang triển khai thuyền cứu hộ đến hiện trường tai nạn. Nguồn: Xinhua |
|
Thợ lặn đã được điều động để tìm các nạn nhân đang bị mắc kẹt với hy vọng tìm được người còn sống sót. Tuy nhiên, đến thời điểm này chỉ mới có hơn 10 người sống sót. Nguồn: Junbao |
|
Đội cứu hộ đã phải cắt cả thân tàu để vào bên trong tìm kiếm người sống sót. Nguồn: Hồ Bắc Nhật báo |
|
Sau nhiều nỗ lực, cuối cùng đội cứu hộ cũng nâng được con tàu Ngôi sao phương Đông lên, hôm 5/6 vừa qua. Nguồn: News.cn |
|
Thống kê cho biết, khoảng 431 người chết, hơn 11 người mất tích.Những người đau khổ nhất chắc hẳn phải là người nhà của các nạn nhân. Quá đau đớn, họ đã cố gắng phá hàng rào cảnh sát để tiến tới hiện trường. Nguồn: Reuters |
|
Giọt nước mắt đau thương của người ở lại. Nguồn: Reuters |
2. Căng thẳng Mỹ - Trung tại về vấn đề Biển Đông
Tại Hội nghị Shangri-La vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter công khai chỉ trích hành động xây đắp đảo của Trung Quốc tại Biển Đông, đồng thời khẳng định rằng, Mỹ sẽ điều máy bay và tàu hoạt động tại bất cứ nơi nào mà luật quốc tế cho phép. Trong khi đó Trung Quốc tuyên bố việc tiếp cận quá gần các bãi đá mà Bắc Kinh đang chiếm đóng là hành động khiêu khích.
|
Đô đốc Tôn Kiến Quốc (trái) và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter tại đối thoại Shangri La cuối tuần qua. Nguồn: Reuters |
Tuy nhiên, phía Trung Quốc dường như không e ngại các tuyên bố của ông Carter. Đô đốc Tôn Kiến Quốc, phó tổng tham mưu trưởng Trung Quốc, tiếp tục bao biện cho hành động xây đắp đảo trái phép của nước này tại Biển Đông. Thậm chí một đại diện của Trung Quốc, đại tá Triệu Hiểu Trác, còn cho rằng "lời lẽ của ông Carter không cứng rắn" như dự đoán.
Không lâu sau đối thoại Shangri La, Bộ trưởng Ashton Carter đã có các cuộc làm việc với một số nước châu Á, trong đó có Việt Nam, chủ yếu bàn về những giải pháp mới về vấn đề Biển Đông
|
Ông Carter hôm 4/6 cùng Ngoại trưởng Ấn Độ Sushma Swaraj và Cố vấn an ninh quốc gia Ajit Doval nhấn mạnh sự cần thiết của việc đảm bảo ổn định ở Biển Đông, nêu cao tầm quan trọng của tự do hàng hải và quyền khai thác dầu ở đây. Nguồn: Economic Times |
|
Trước đó, ông Carter cũng đã có cuộc làm việc với người đồng cấp bên phía Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh. |
3. Cuộc chiến chống IS có nhiều chuyển biến
Trong tuần qua, cuộc chiến chống IS đã có nhiều diễn biến mới. Những cuộc giao tranh chủ yếu vẫn diễn ra xung quanh Ramadi, một trong những thành phố quan trọng của Iraq mà IS đã chiếm được ít nhiều.
|
Phiến quân IS diễu hành sau khi chiến thắng một lữ đoàn quân đội Iraq trên đường phố Ramadi. Nguồn: Telegraph |
|
Bên cạnh đó, IS còn chiếm được nhiều chiến lợi phẩm, trong đó có xe bọc thép Humvee, một trong những phương tiện tốt nhất của Iraq. Thông báo mới nhất từ IS cho hay họ đã chiếm được 2300 xe Humvee sau khi chiếm được thành phố Mosul. Nguồn: Reuters |
Tuy nhiên cũng có những tin tích cực. Mới đây Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Binken đã cho biết hơn 10.000 chiến binh Nhà nước Hồi giáo bị tiêu diệt từ khi liên minh quốc tế khởi động chiến dịch không kích nhóm khủng bố này. "Chúng tôi đã nhìn thấy rất nhiều tổn thất bên trong Daesh kể từ khi chiến dịch không kích bắt đầu", Reuters dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao MỹAntony Blinken hôm qua, sử dụng tên theo tiếng Arab của Nhà nước Hồi giáo (IS). Ông cũng thêm rằng số lượng tay súng cực đoan bị tiêu diệt lên đến hơn 10.000 tên.
|
Các tay súng dòng Shiite cùng Liên quân Quốc tế do Mỹ dẫn đầu không kích, tiêu diệt một nhà máy sản xuất bom xe của IS hồi giữa tuần. Nguồn: Reuters |
4. Ông Sepp Blatter từ chức chủ tịch FIFA
Đây là một trong những thông tin gây xôn xao nhất trong tuần qua. "Vì sao tôi phải từ chức? Làm vậy thì thành ra tôi thừa nhận tôi đã làm sai", Sepp Blatter tuần trước nói. Nhưng 4 ngày sau khi tái đắc cử, chủ tịch FIFA ủng hộ Nga đăng cai World Cup lại rời bỏ chiếc ghế quyền lực trong sự ngỡ ngàng của Moscow.
|
Ngày 2/6/2015: Chủ tịch FIFA Sepp Blatter tuyên bố từ chức, chấm dứt 17 năm "cai trị" cơ quan bóng đá quyền lực nhất thế giới. Trước đó một ngày, Tổng thư ký FIFA, Jerome Valcke, cũng bị cáo buộc thanh toán 10 triệu đô la Mỹ cho Chủ tịch CONCACAF Jack Warner năm 2008 để đổi lấy phiếu bầu cho Nam Phi đăng cai World Cup 2010. Khoản thanh toán này bị cơ quan điều tra Mỹ xác nhận là hối lộ. Nguồn: Getty Images |
Đối với Nga, sự ra đi của Blatter là một tin xấu. Cựu chủ tịch FIFA luôn đứng về phía Moscow khi một số nước phương Tây chỉ trích việc Nga giành quyền đăng cai World Cup 2018 cách đây 4 năm. Tháng trước, ông từ chối đề nghị từ 13 thượng nghị sĩ Mỹ về việc tước quyền đăng cai của Nga.
|
Sepp Blatter (trái) và Tổng thống Nga Putin trong lễ trao quyền đăng cai World Cup 2018 cho Nga hồi tháng 7/2014. Nguồn: AP |
Theo tờ Daily Mail, dù đã đích thân tuyên bố trong buổi họp báo hôm 2/6 về quyết định sẽ thôi giữ cương vị Chủ tịch FIFA nhưng mới đây Sepp Blatter đã bất ngờ tuyên bố rằng ông sẽ vẫn tiếp tục ở lại cơ quan quyền lực nhất của bóng đá thế giới cho đến tháng 2 năm 2016 – thời điểm thích hợp nhất để tiến hành một cuộc bầu cử cho chức vụ Chủ tịch mới.
Lý giải cho quyết định được xem là “cố đấm ăn xôi” này của mình, vị Chủ tịch 79 tuổi chia sẻ rằng bởi ông đã có tình cảm gắn bó đặc biệt với khoảng 400 nhân viên tại trụ sở của FIFA ở Zurich (Thụy Sĩ) suốt thời gian dài và sẽ cần có thời gian để giải quyết giúp họ những vấn đề còn tồn tại trước khi mình ra đi.
Nhật Minh (Tổng hợp)