Thế giới tuần qua: Sẽ còn nhiều thách thức!

22/03/2015 07:19

(Baonghean) - 18/3 vừa rồi là ngày kỷ niệm 1 năm Crimea sáp nhập Nga, cuộc sáp nhập được đánh giá mở ra chương mới cho một thế đa cực. Hệ quả của nó là sự đối đầu giữa Nga - phương Tây và Mỹ trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết; hay việc Thủ tướng Irael Benjamin Netanyahu thắng cử nhiệm kỳ thứ 4 với những chính sách diều hâu trong lĩnh vực ngoại giao và nạn bạo lực khủng bố đã tràn qua Tunisia - một quốc gia vốn được cho là bình yên ở “Lục địa đen” do không chịu ảnh hưởng của phong trào biểu tình lật đổ chính quyền do Mỹ cùng phương Tây đạo diễn đều là những sự kiện đáng chú ý trong tuần qua…

Sáp nhập Crimea - được và mất

Đến nay, sau 1 năm bán đảo Crimea trở về với đất mẹ Nga sau khi 2 triệu cư dân nơi đây tổ chức cuộc trưng cầu dân ý, gây ra cuộc đối đầu căng thẳng chưa từng thấy kể từ sau chiến tranh lạnh giữa Nga với các nước phương Tây và Mỹ.

Các lệnh trừng phạt liên tục được đưa ra nhằm gây sức ép lên nhau và phần thua thiệt từ các lệnh trừng phạt này thuộc về người Nga. Tuy nhiên, cái giá của việc lấy lại Crimea so với các lệnh trừng phạt theo giới quan sát thì “có thể chấp nhận được”.

Tổng thống Putin (giữa) trong lễ ký hiệp ước sáp nhập Crimea vào Nga ngày 18/3/2014. Ảnh: Getty Images AP
Tổng thống Putin (giữa) trong lễ ký hiệp ước sáp nhập Crimea vào Nga ngày 18/3/2014. Ảnh: Getty Images AP

Crimea là một phần lịch sử của nước Nga, trong chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, bán đảo này là địa điểm mà phát xít Đức ra sức đánh chiếm và cũng chính tại đây từng chứng kiến cuộc chiến vĩ đại của Hồng quân Liên Xô đánh tan cánh quân hùng mạnh của Hitler làm bàn đạp để từ đó mở rộng vùng giải phóng đóng góp quan trọng vào chiến dịch giải phóng Ukraine và trên phần lớn lãnh thổ châu Âu.

Ngày 19/2/1954, Đoàn chủ tịch Xô Viết tối cao của Liên Xô ban hành sắc lệnh cắt Crimea chuyển cho Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô viết Ukraina. Việc chuyển giao này được xem như là một "món quà" kỷ niệm 300 năm Ukraina trở thành một phần của Nga. Không chỉ là một phần lịch sử của Ukraine, Crimea là vị trí địa chính trị, địa chiến lược vô cùng quan trọng có ý nghĩa không chế đối với an ninh lãnh hải các nước nằm bên bờ biển Đen. Đây cũng là nơi Hạm đội biển Đen của Nga đóng quân với hơn 70% vũ khí, khí tài quân sự.

Cuộc khủng hoảng Ukraine nổ ra mà đỉnh điểm là biến cố Maidan lật đổ chính quyền Tổng thống Viktor Ianoukovitch do Mỹ đạo diễn dẫn đến nguy cơ vị trí địa chiến lược này sẽ rơi vào vùng kiểm soát của NATO.

Nếu vậy đây sẽ là hiểm họa khôn lường đối với an ninh nước Nga. Trong khi đó, cư dân trên bán đảo này đa số là người Nga nên họ cũng không ưa gì phương Tây và Mỹ nên luôn có tư tưởng muốn trở về “sống chung một mái nhà xưa” trên đất mẹ Nga. Và thế là sau cuộc trưng cầu dân ý vào ngày 16/3/2014, thể theo nguyện vọng của người dân trên bán đảo Crimea, Nga giang tay đón tiếp bán đảo này.

Tiếp quản Crimea, Nga không những đã đem lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho “những người con lưu lạc” mà còn chiếm trọn vị trí địa chính trị, địa chiến lược nhằm đảm an toàn, an ninh quốc gia trước các mối de dạo từ bên ngoài, mà cụ thể là NATO.

Trong nhiều năm qua, Khối hiệp ước Bắc Đại Tây Dương vẫn xem Nga là đối thủ và họ luôn muốn mở rộng lãnh thổ đến các nước thuộc không gian hậu Xô Viết nhằm khống chế Nga, nhất là trong lĩnh vực quốc phòng.

Bởi dù chiến tranh lạnh đã đi qua, nhưng quan điểm giữa Nga và NATO luôn có sự khác biệt, nhất là trong giải quyết các vấn đề, các điểm nóng trên thế giới.

Trong khi NATO mà đứng đầu là Mỹ luôn giữ lập trường cứng rắn, dùng sức mạnh quân sự để áp đặt ý muốn của mình thì Nga lại có quan điểm ngược lại.

Như vậy việc Moscow lấy được Crimea được đánh giá là một đòn đau giáng vào tham vọng kiềm chế Nga của NATO, qua đó tăng cường tầm ảnh hưởng của Nga trên trường quốc tế.

Thậm chí giới quan sát còn cho rằng, việc này đã chấm dứt một thế giới đơn cực, nơi các quốc gia yếu luôn bị áp đặt, chèn ép. Tuy nhiên, bất cứ tấm huy chương nào cũng có 2 mặt của nó, và mặt trái của tấm huy chương mang tên Crimea là một loạt những biện pháp bao vây, cô lập, cấm vận khiến nền kinh tế Nga rơi vào khủng hoảng trầm trọng, thậm chí có lúc bên bờ vực của sự phá sản.

Đồng Rup mất giá, các nhà đầu tư từ phương Tây vì không muốn rủi ro đã ào ạt rút vốn khỏi thị trường khiến đời sống người dân cực kỳ khó khăn do lạm phát gia tăng khiến giá cả tăng vọt… Và trong ngày kỷ niệm 1 năm Crimea là vùng lãnh thổ của Nga, Tổng thống V.Putin tuyên bố không trả lại Crimea, bất chấp các lệnh trừng phạt từ phương Tây chắc chắn sẽ làm gia tăng căng thẳng giữa 2 bên.

Mặc dù vậy, nếu nhìn vấn đề này theo con mắt của các nhà phân tích chiến lược thì việc Nga sáp nhập Crimea vẫn sẽ là một thắng lợi to lớn của Nga. Bởi nó không chỉ nâng cao khả năng bảo vệ đất nước trước các mối đe dọa mà còn khiến uy tín của Nga trên trường quốc tế được khẳng định.

Benjamin Netanyahu tái đắc cử: Chương mới trong quan hệ Mỹ - Israel

Từ lâu Mỹ và Israel được biết đến như là 2 đồng minh thân cận không gì có thể lay chuyển nổi, bởi ai cũng biết rằng cả Mỹ và Israel đều có các mối quan tâm chung. Đó là Mỹ cũng như Israel đều là “kẻ thù” của rất nhiều quốc gia hồi giáo tại khu vực Trung Đông.

Trong khi Mỹ muốn có Israel để làm điểm tựa giải quyết xung đột nếu xảy ra chiến tranh với các nước thuộc khu vực này, thì Israel cũng muốn dựa hơi Mỹ những mong trở thành cường quốc khu vực để áp đặt những gì mà nhà nước Do Thái muốn…

Điều đáng nói là trong việc giải quyết một số vấn đề căng thẳng hiện nay liên quan đến khu vực thì người đứng đầu 2 quốc gia có những quan điểm hoàn toàn trái ngược. Chẳng hạn như vấn đề hạt nhân Iran, trong khi Mỹ mà cụ thể là Tổng thống Barack Obama nhanh chóng kết thúc sự đối đầu với quốc gia Hồi giáo; hay như tiến trình hòa bình Trung Đông cũng được ông chủ Nhà Trắng giải quyết theo hướng hòa bình và xây dựng thì Thủ tướng Benjamin Netanyahu lại đưa ra những quan điểm trái ngược.

Benjamin Netanyahu tái đắc cử (Ảnh Internet)
Benjamin Netanyahu tái đắc cử (Ảnh Internet)

Nhiệm kỳ vừa qua, Thủ tướng Netanyahu luôn theo đuổi một chính sách ngoại giao cứng rắn. Tiến trình hòa bình Trung Đông tiếp tục gặp trở ngại. Israel tiếp tục thực hiện xây nhà định cư tại Bờ Tây và phong tỏa tiền thuế thu hộ của Palestine, bất chấp sự phản đối của cộng đồng quốc tế và sự quay lưng của một số cường quốc Tây Âu.

Ngay trước khi cuộc bầu cử diễn ra, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu hôm 16/3 còn khẳng định rằng, nếu ông đắc cử thì “sẽ không có nhà nước Palestine nữa.” Không những thế, chính quyền của Thủ tướng Netanyahu liên tục có những lời lẽ và hành động gây trở ngại đối với cuộc đàm phán về vấn đề hạt nhân Iran.

Với tư tưởng cứng rắn và bảo thủ của mình nếu thành công trong việc thành lập chính phủ liên minh, chắc chắn Thủ tướng Israel sẽ quyết tâm theo đuổi các chính sách ngoại giao mà ông đang thực hiện thời gian qua cho dù sẽ vấp phải sự phản đối của cộng đồng quốc tế.

Điều này làm những người đứng đầu Nhà Trắng hoàn toàn mất đi sự kiên nhẫn, sau khi có kết quả sơ bộ với phần thắng nghiêng về đương kim thủ tướng Benjamin Netanyahu, giới chức Mỹ liên tục phát đi thông điệp nhằm “nắm gân” nhà lãnh đạo diều hâu của đất nước Do Thái này. Trong đó có khả năng rút bỏ “sự che chắn” về ngoại giao đối với Israel tại Liên hợp quốc mà Washington đã theo đuổi trong nhiều thập kỷ qua.

Còn nhớ trước đây, mỗi khi Liên Hợp quốc tiến hành bỏ phiếu nhằm thông qua một dự luật nào đó chống lại Israel thì Mỹ luôn dùng quyền phủ quyết của mình làm chiếc ô để che chắn cho nhà nước Do Thái này. Vấn đề là tại sao Benjamin Netanyahu lại mạo hiểm như vậy? Chắc chắn rằng trong tính toán của mình, vị Thủ tướng này cho rằng người Mỹ sẽ không thể “bỏ” được Israel. Bởi khi đã xây dựng được một đồng minh truyền thống hùng mạnh ở Trung Đông, Mỹ chẳng dại gì mà quay lưng lại cả.

Nhưng nên nhớ rằng, thời điểm hiện tại, hình ảnh của Mỹ trong mắt các quốc gia khu vực Trung Đông không thể xấu hơn hình ảnh mà nhà nước Do Thái đã để lại, nếu P5+1 (trong đó có Mỹ) giải quyết ổn thỏa vấn đề hạt nhân Iran thì cũng có nghĩa “kẻ thù” của lớn nhất của Mỹ sẽ không còn nữa. Vì vậy nếu tiếp tục theo đuổi đường lối diều hâu cứng rắn, thì quan hệ của Mỹ và Israel sẽ càng lao dốc và Mỹ hoàn toàn có đủ cơ sở để không hợp tác với đất nước Do Thái này nữa.

Bóng đen IS đổ bộ đến Tunisia

Là một quốc gia không nằm ngoài tầm ảnh hưởng của phong trào “Mùa Xuân Arab” do phương Tây đạo diễn, gây ra vô số những bất ổn tại khu vực Trung Đông và Bắc Phi. Đầu tiên là sự sụp đổ của chế độ tư bản độc tài Hosni Mubarak ở Ai Cập, tiếp theo đến lượt Libya, Syria…

Thoạt đầu người ta những tưởng khi “Mùa Xuân Arab” càn quét qua sẽ hứa hẹn mở ra một kỷ nguyên mới trong nền chính trị của khu vực. Tuy nhiên, khi mà phong trao này đi qua, hậu quả để lại chỉ là sự bất ổn về chính trị, kinh tế, nội chiến và các tổ chức khủng bố mọc lên…

Riêng với Tunisia, quốc gia này dường như đã kết thúc “Mùa xuân Arab” không tệ hơn khi nó bắt đầu. Quốc gia Hồi giáo Sunni gồm 11 triệu dân này đã tránh được nội chiến và xoay xở để tạo ra các tổ chức dân chủ mà cho đến nay đã làm trung gian hòa giải các phe phái cạnh tranh và các hệ tư tưởng khác nhau. Các công thức của sự thành công tương đối của Tunisia có vẻ đơn giản: Giới hạn sự can thiệp của nước ngoài, tránh xa quan điểm chính trị bè phái và khuyến khích tất cả các bên thỏa hiệp.

Ảnh internet
Ảnh internet

Tuy nhiên, sau vụ khủng bố ngày 17/3 làm 22 người thiệt mạng ở đất nước được xem là ổn định nhất khu vực Trung Đông và Bắc Phi, người ta mới nhận ra rằng hệ quả của “Mùa xuân Arab” đã bắt đầu.

Với nền kinh tế chủ yếu đến từ ngành du lịch, việc tổ chức Nhà nước Hồi giáo IS đứng ra nhận trách nhiệm và gọi cuộc tấn công là “Giọt đầu tiên của cơn mưa” là tín hiệu báo động đỏ lên quốc gia này. Điều đặc biệt là vụ tấn công xảy ra ngay tại khu vực tòa nhà Quốc hội Tunisia - nơi được bảo vệ hết sức nghiêm ngặt, nơi các nghị sỹ Quốc hội nước này đang bàn thảo một đạo luật về chống khủng bố.

Như vậy, bóng đen IS đã tràn vào Tunisia, điều này sẽ là một thách thức không nhỏ cho liên quân chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo, bởi không những thu hẹp tầm ảnh hưởng của tổ chức này mà nó ngày càng bành trướng và mở rộng.

Cảnh Nam

Mới nhất

x
Thế giới tuần qua: Sẽ còn nhiều thách thức!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO