Thế giới tuần qua: Sức mạnh thế giới xuất phát từ mỗi cá nhân

09/11/2014 08:57

(Baonghean) - Tuần qua, tạp chí Forbes của Mỹ đã công bố danh sách 100 người quyền lực nhất thế giới năm 2014. Đó là sự vinh danh đối với những cá nhân có sức ảnh hưởng lớn đến sự vận động và phát triển của thế giới. Đó là sự nhìn nhận và công nhận của số đông đối với đóng góp của mỗi cá nhân. Có thể xây dựng, có thể huỷ diệt - điều cần ghi nhớ ở đây là sức mạnh của thế giới này xuất phát từ chính mỗi cá nhân.

(Baonghean) - Tuần qua, tạp chí Forbes của Mỹ đã công bố danh sách 100 người quyền lực nhất thế giới năm 2014. Đó là sự vinh danh đối với những cá nhân có sức ảnh hưởng lớn đến sự vận động và phát triển của thế giới. Đó là sự nhìn nhận và công nhận của số đông đối với đóng góp của mỗi cá nhân. Có thể xây dựng, có thể huỷ diệt - điều cần ghi nhớ ở đây là sức mạnh của thế giới này xuất phát từ chính mỗi cá nhân.

“Người đàn ông thép” mới của Washington

Chiến thắng của Đảng Cộng hoà trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ tuần qua đã mang đến chính trường Mỹ một nhân tố mới. Mitch McConnell - Nghị sỹ Thượng viện Cộng hoà và cũng là người đứng đầu đa số Thượng viện - được cho là đối thủ mới đe doạ quyền lực của Tổng thống Obama.

Mitch McConnell - người đàn ông quyền lực mới của Washington.
Mitch McConnell - người đàn ông quyền lực mới của Washington.

Năm nay 72 tuổi và là Nghị sỹ bang Kentucky kể từ năm 1984, Mitch McConnell với nụ cười móm mém đặc trưng đang đứng trước cơ hội trở thành một trong những người quyền lực nhất thế giới. Hay ít nhất là từ nay cho đến kỳ bầu cử Tổng thống năm 2016. Hiển nhiên McConnell sẽ gây cản trở đáng kể cho các động thái của Tổng thống Obama trong 2 năm cuối nhiệm kỳ. Trong tầm ngắm của nhân vật này đang có khoảng 10 dự luật "thúc đẩy tăng trưởng", nhằm cho phép xây dựng đường ống dẫn dầu Keystone XL giữa Canada và vịnh Mexico. Ngoài ra, còn có vấn đề tăng sản lượng khí đốt tự nhiên, hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và giảm bớt các quy định hành chính.

Sự nghiệp chính trị của McConnell bắt đầu vào năm 1964, cùng với các Nghị sỹ Cộng hoà như John Sherman Cooper và sau đó là Marlow Cook. Dưới thời Tổng thống thứ 38 Gerald Fold (1974 - 1977), ông giữ chức vụ cố vấn của Bộ trưởng Bộ Tư pháp trước khi được bầu làm thẩm phán tại bang Kentucky năm 1977. Tờ The Economist mô tả ông có "sức hấp dẫn của 1 con hàu" - xảo quyệt và hờ hững. Alec MacGillis - phóng viên tờ The New Republic thì viết rằng McConnel từng ủng hộ cho phong trào vì quyền công dân của Martin Luther Kinh trước khi trở thành một Đảng viên Cộng hoà cổ điển. Người ta phải thừa nhận là kể từ khi nắm vai trò lãnh đạo thiểu số Cộng hoà trong Thượng viện vào năm 2007, ông đã liên tục gây cản trở cho Tổng thống Obama. Ông chính là tác nhân dẫn đến chiến thắng của Đảng Cộng hoà tại kỳ bầu cử 2010 để giành lấy Hạ viện. Trong tờ New York Times, ứng viên dân chủ duy nhất của Kentucky là John Yarmuth gọi McConnell là "Tiger Woods của chính trường": rất tập trung vào mục tiêu của mình, đó là điều "khiến ông ấy trở nên xuất sắc". Chiến dịch vừa rồi của ông chống lại Obama mang dấu ấn của những hình dán với những khẩu hiệu rất dễ hiểu: "Coal. Guns. Freedom" ("Than. Súng. Tự do").

Mitch McConnell từng tuyên bố muốn điều hành Nghị viện theo cách mà Nghị sỹ dân chủ George Mitchell từng làm trong giai đoạn 1989 - 1995: "Nghị viện phải được điều hành theo cách cởi mở hơn thay vì bị chi phối bởi lực lượng đa số" như Nghị sỹ dân chủ Harry Reid từng làm cho đến thời điểm hiện tại. Ông này, ngay sau chiến thắng của Đảng Cộng hoà, đã gọi cho Mitch McConnell để gửi lời chúc mừng. Trên trang mạng cá nhân Twitter của mình, người đứng đầu phe dân chủ trong Thượng viện đã viết: "Thông điệp của cử tri đã rõ. Họ muốn chúng ta hợp tác cùng làm việc". Còn phải chờ xem Mitch McConnell nghĩ gì về điều này.

Hollande mất tín nhiệm, Sarkozy "thừa nước đục thả câu"

Thứ 5 ngày 6/11, Tổng thống Pháp Francois Hollande xuất hiện trên truyền hình Pháp trong chương trình "Đối mặt với người Pháp". Bốn khách mời đã được trực tiếp đối thoại với Tổng thống - chương trình nhằm mục đích dựng dậy sức ảnh hưởng của chủ nhân điện Elysées. Nỗ lực này đã phản tác dụng và chỉ khiến cho người Pháp càng củng cố khẳng định của mình: Francois Hollande đang thiếu hình tượng, sự đáng tin cậy và những kết quả thuyết phục.

Hy vọng ổn định và hàn gắn mối liên kết với nước Pháp, thuyết phục người dân về những thành quả mà chính sách cai trị nửa nhiệm kỳ qua mang lại của Francois Hollande đã thất bại thảm hại. Chiến lược đưa ra là xây dựng hình ảnh một vị Tổng thống biết lắng nghe, chia sẻ những khó khăn, lo lắng và kỳ vọng của người dân. Cố gắng đáp lại một cách cụ thể và thực tế. Một Tổng thống thành thực với những thất bại của mình, đặc biệt là trong vấn đề giải quyết nạn thất nghiệp. Cuối cùng là một Tổng thống luôn lên tiếng bảo vệ nước Pháp trước những chỉ trích. Tuy nhiên, nguy cơ của chiến lược này là trở thành một Tổng thống bình thường đến mức tầm thường. Rất thân thiện, nhưng thiếu thẩm quyền và chủ quyền như người Pháp vẫn mong đợi. Francois Hollande đã không tránh khỏi rủi ro này: muốn là người tập hợp và bảo hộ, ông xuất hiện như người không hề đem lại cảm giác đảm bảo chắc chắn. Đi qua nửa nhiệm kỳ và hiện mức độ được ủng hộ của Hollande đang giảm xuống mức kỷ lục và chưa nhìn thấy đáy. Trong khi người Pháp chờ đợi một sự chuyển biến mới, một bước đột phá trong chính sách cai trị, Hollande lại chỉ hứa hẹn những kết quả sẽ đạt được nhờ những chính sách đã và đang được áp dụng. Vô ích khi mà ai cũng nhận định được rằng chính sách đó không thể vực dậy nền kinh tế của Pháp một cách nhanh chóng.

Trái lại với sự bế tắc thụ động của Tổng thống đương nhiệm, cựu Tổng thống Sarkozy đang tỏ ra hăng hái hơn bao giờ hết trong chiến dịch vận động của mình. Một tháng rưỡi sau khi chính thức đặt chân trở lại chính trường, ứng viên Tổng thống của Liên minh vì phong trào quần chúng (UMP) đã có cuộc họp báo tại Porte de Versailles, Paris ngày 7/11 để "hà hơi tiếp sức" cho chiến dịch của mình. Trong vòng gần 1 tiếng đồng hồ, cựu Tổng thống đã có bài diễn văn đầy nhiệt huyết về lý tưởng cộng hoà. Theo ông, nền cộng hoà của Lamartine, Victor Hugo, Clemenceau và De Gaulle đang bị đe doạ bởi "nghìn vết rạn nhỏ tạo thành vết nứt gãy lớn". Trên thực tế, Sarkozy cơ bản trung thành với tinh thần của chiến dịch vận động năm 2012. Có lẽ ông hy vọng sự mất tín nhiệm của Hollande sẽ là cơ hội để người Pháp nhìn lại và nhận ra đâu mới là lựa chọn đúng đắn.

Những quyền lực trái dấu của năm

Abou Bakr al-Baghdadi, người đứng đầu Nhà nước Hồi giáo tự phong (IS) lần đầu tiên lọt top những nhân vật quyền lực nhất của năm do tạp chí Forbes bình chọn.

Abou Bakr al-Bagdadi ở Iraq hồi tháng 7 vừa qua.
Abou Bakr al-Bagdadi ở Iraq hồi tháng 7 vừa qua.

Xếp ở vị trí thứ 54 trong bảng xếp hạng, trong khi IS vừa nổi lên từ tháng 6 vừa qua, calif tự xưng người Iraq này cho thấy sức bành trướng không hình dung nổi của tổ chức Hồi giáo cực đoan Trung Đông. Bắt đầu cuộc chiến chống lại IS từ tháng 8, Mỹ đã tuyên bố treo thưởng 10 triệu đô la Mỹ cho ai bắt được Abou Bakr al-Baghdadi.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đứng đầu bảng xếp hạng. Đây là năm thứ 2 liên tiếp ông đánh bại Tổng thống Mỹ Barack Obama - người đành "ngậm ngùi" về đích thứ 2. Tạp chí Forbes đặt ra câu hỏi: "Vậy thì ai mới là người quyền lực hơn: người đứng đầu toàn quyền của một đất nước suy thoái và hiếu chiến hay nhà lãnh đạo bị còng tay của đất nước cai trị thế giới này?".

Chủ tịch nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình xếp thứ 3. Xếp thứ 4 là Giáo hoàng Francois. Xếp thứ 5 là Thủ tướng Đức Angela Merkel. Trong số 12 nhân vật lần đầu xuất hiện của bảng xếp hạng, có Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (vị trí thứ 15) và người sáng lập ra Tập đoàn Alibaba - cũng là người giàu nhất Trung Quốc - Jack Ma (vị trí thứ 30).

Trong danh sách này có 26 người Mỹ, 19 người châu Á trong đó 6 là người Trung Quốc. 36 trong số đó là Giám đốc điều hành của các tập đoàn hàng đầu thế giới và chỉ có 9 người là phụ nữ.

Thục Anh

(Theo Le monde)

Mới nhất

x
Thế giới tuần qua: Sức mạnh thế giới xuất phát từ mỗi cá nhân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO