Thế giới tuần qua: Tấm vé khứ hồi nào cho thế giới?

25/01/2015 09:15

(Baonghean) - Năm 2015 đã được dự báo là một năm mà những điểm nóng an ninh - chính trị - ngoại giao trên thế giới sẽ hạ nhiệt. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa có tín hiệu đáng mừng nào cho những mâu thuẫn, thậm chí các cực của thế giới đang có xu hướng dịch chuyển ra xa. Tất nhiên, chuyển động nào cũng có tính khứ hồi, vấn đề là phải đi xa đến đâu trước khi quay trở về?

(Baonghean) - Năm 2015 đã được dự báo là một năm mà những điểm nóng an ninh - chính trị - ngoại giao trên thế giới sẽ hạ nhiệt. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa có tín hiệu đáng mừng nào cho những mâu thuẫn, thậm chí các cực của thế giới đang có xu hướng dịch chuyển ra xa. Tất nhiên, chuyển động nào cũng có tính khứ hồi, vấn đề là phải đi xa đến đâu trước khi quay trở về?

Nhà nước Hồi giáo lại "gây thù chuốc oán"

Thứ Ba, ngày 20/1, nhà nước Hồi giáo IS đăng tải một đoạn video quay 2 con tin người Nhật và gửi thông điệp tống tiền đến Chính phủ Nhật Bản. Sự kiện diễn ra ngay giữa chuyến công du đến Trung Đông của Thủ tướng Nhật Shinzo Abe.

TIN LIÊN QUAN

Thủ tướng Nhật Shinzo Abe và Tổng thống Palestine Mahmoud Abbad ngày 20/1.
Thủ tướng Nhật Shinzo Abe và Tổng thống Palestine Mahmoud Abbad ngày 20/1.

Sau cuộc trao đổi với Tổng thống Palestine và ít giờ sau khi đoạn video được công bố, Thủ tướng Nhật đã quyết định kết thúc chuyến đi sớm hơn dự định và về nước vào thứ Tư, ngày 21/1. Trước khi khởi hành, ông cũng gửi lời đến các nhà lãnh đạo Ai Cập, Jordan và Thổ Nhĩ Kỳ, yêu cầu giúp đỡ trong việc giải thoát các con tin và khẳng định một lần nữa quyết tâm của Nhật Bản trong cuộc chiến chống khủng bố. Sự kiện bắt cóc tống tiền này là một tin xấu với dự định thúc đẩy mối quan hệ ngoại giao của Nhật và Trung Đông. Cụ thể, trong vòng 6 ngày ở Ai Cập, Jordan, Israel và Palestine, Thủ tướng Nhật đã ký kết nhiều thoả thuận hợp tác kinh tế và hỗ trợ phát triển. Đồng thời, ông Abe cũng hứa sẽ hỗ trợ các quốc gia trong liên minh chống IS khoản tiền lên đến 200 triệu đô la Mỹ (172 triệu euro).

Đây cũng chính là cơ sở để nhà nước Hồi giáo đưa ra yêu cầu tiền chuộc tương đương và đòi hỏi Nhật Bản phải nộp trong thời hạn 72 giờ. Chiến binh thánh chiến xuất hiện trong đoạn video đã cáo buộc Nhật Bản bắt tay với liên minh chống IS, chi tiền để lực lượng này "sát hại vợ con và phá huỷ nhà cửa của người Hồi giáo". Đáp lại, Tokyo khẳng định khoản viện trợ được sử dụng vào các mục đích "cứu trợ nhân đạo và xây dựng cơ sở hạ tầng", không liên quan gì đến vấn đề quân sự.

Đây không phải là lần đầu tiên Nhật là mục tiêu của các nhóm vũ trang cực đoan. Tháng 1/2013, 10 người Nhật thiệt mạng trong vụ tấn công vào khu phức hợp dầu khí In Amenas ở Algerie. Năm 2004, tại Iraq, 1 người Nhật bị chặt đầu bởi phong trào của Abou Moussab Al-Zarkaoui, tiền thân của nhà nước Hồi giáo. Cũng trong năm đó, 3 công dân Nhật Bản đã bị bắt cóc tại Iraq nhằm gây áp lực, yêu cầu Chính phủ Nhật thu hồi 550 thành viên của lực lượng tự vệ được điều động đến quốc gia này. Sau 1 tuần bị bắt giữ, các con tin đã được giải phóng còn Nhật thì khẳng định không chi bất kỳ khoản tiền chuộc nào.

Khó mà nói trước liệu lần này Nhật có trả tiền chuộc không. Trả lời phỏng vấn trong cuộc họp báo diễn ra vào thứ Ba, ngày 20/1 ở Israel, ông Abe chỉ tuyên bố: "Tính mạng của các con tin là ưu tiên hàng đầu". Còn các đồng minh của Nhật thì gây áp lực lên quốc gia này, yêu cầu Nhật không nhượng bộ, từ chối trả bất kỳ khoản tiền chuộc nào cho IS. Cảnh sát Nhật thì cho biết sẽ điều một nhóm chuyên gia trong lĩnh vực chống khủng bố đến Jordan.

Điều đáng nói là từ đầu cuộc chiến chống khủng bố đến nay, đây là lần đầu tiên một quốc gia châu Á liên quan trực tiếp đến chảo lửa Trung Đông này. Trong số 2 con tin bị bắt cóc, một là Kenji Goto - phóng viên của Independent Press, hãng thông tấn chuyên cung cấp các hình ảnh về Trung Đông cho Đài Truyền hình Nhật Bản. Đến Syria từ tháng 10/2014, người thân của Kenji Goto đã mất liên lạc với anh kể từ đó. Con tin thứ hai là Haruna Yukawa, bị bắt cóc hồi tháng 8/2014 sau khi gia nhập Mặt trận Hồi giáo - phong trào phiến loạn đối lập với IS ở Syria. Cho đến nay, mối liên quan chính thức và rõ ràng nhất giữa Nhật với Trung Đông chỉ gói gọn ở chuyến công du mới đây của ông Abe và những thoả thuận về hợp tác kinh tế, viện trợ nhân đạo. Thông tin duy nhất do tư lệnh lực lượng tự vệ Toshio Tamogami cung cấp hồi tháng 10 là có 9 công dân Nhật đang chiến đấu trong hàng ngũ của IS.

Tuy nhiên, Chính phủ Nhật không xác nhận thông tin này nên việc có hay không các công dân Nhật gia nhập tổ chức vũ trang cực đoan ở Trung Đông vẫn còn là một câu hỏi bỏ ngỏ. Tuy nhiên, điều mà người ta có thể chắc chắn là từ đây, Nhật sẽ có lý do và cũng là một nhu cầu cấp thiết phải dấn sâu hơn vào cuộc chiến chống khủng bố do liên minh quốc tế dẫn dắt. Pháp và Mỹ, hai đồng minh và cũng là hai thành viên chủ chốt của mặt trận này đã ngay lập tức gửi thông điệp ủng hộ Nhật Bản trong vụ bắt cóc tống tiền kể trên. Tuyên chiến với Nhật - một thế lực hùng mạnh vốn đang giữ khoảng cách đầy cẩn trọng với vấn đề Trung Đông, liệu có phải là một nước cờ khôn ngoan của nhà nước Hồi giáo?

Quân Đồng minh chiến thắng phát xít: chỉ còn là dĩ vãng

Thứ Tư, ngày 21/1, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố trước báo giới rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ không tham dự lễ kỷ niệm 70 năm Hồng quân giải phóng trại tập trung Auschwitz ở Ba Lan diễn ra vào ngày 27/1 tới đây.

"Họ đã không gửi lời mời chính thức đến Nga. Chỉ có một bức thư của giám đốc viện bảo tàng (đơn vị chủ quản tổ chức buổi lễ) thông qua đại sứ quán Nga, trong đó viết rằng "Các ngài có thể đến, và nếu có thì hãy cho biết chính xác thành phần tham dự". Với một lời mời như vậy, chúng tôi không thể hồi đáp được". Tuy nhiên, có vẻ như đây không phải là một động thái đặc biệt nhắm vào Nga, bởi không có lời mời chính thức nào được gửi đi bất cứ đâu và các nhà lãnh đạo châu Âu như Tổng thống Pháp Francois Hollande, Tổng thống Đức Joachim Gauck hay Tổng thống Ukraina Petro Poroshenko vẫn sẽ đến tham dự. Tổng cộng, lãnh đạo của 38 quốc gia sẽ có mặt dự buổi lễ.

Chung cuộc, Chánh Văn phòng Tổng thống Nga Sergei Ivanov sẽ là người đại diện Nga tham dự buổi lễ kỷ niệm. Đây cũng là một trong những nhân vật thuộc danh sách cấm vận của Mỹ. Điều này có ý nghĩa tượng trưng rất lớn cho bầu không khí chiến tranh lạnh mới giữa Nga và khối các nước phương Tây. Còn tại Nga, đây là lần đầu tiên chính phủ nước này trực tiếp đứng ra tổ chức lễ kỷ niệm - trước đây là việc của các đoàn thể. Cụ thể, một buổi triển lãm có quy mô cực kỳ lớn sẽ được tổ chức tại Mátxcơva với một bảo tàng dẫn người xem sống lại quá khứ của những thập kỷ trước.

Trên thực tế, lý do mà Nga đưa ra về lời mời thiếu tính ngoại giao có lẽ chỉ là thứ yếu. Thứ Tư, ngày 21/1, Ngoại trưởng Ba Lan Grzegorz Schetyna đã khẳng định rằng những giải phóng quân xô viết đầu tiên của trại tập trung là người Ukraina. Ngay trong buổi tối hôm đó, Ngoại trưởng Nga đã đáp trả hết sức mạnh mẽ: "Thật khó mà hình dung được một quan chức ở cấp này lại có thể thiếu hiểu biết như vậy. Một vài cá nhân cần phải ngừng ngay việc bóp méo lịch sử. Ám ảnh thù địch nước Nga đã đẩy họ đến chỗ thiếu tôn trọng với những người đã không tiếc mạng sống của mình để giải phóng châu Âu". Không chỉ nhắm vào Ba Lan, thông điệp này có lẽ còn hướng đến Thủ tướng Ukraina Arseni Iatseniouk khi ông này phát ngôn trên Truyền hình Đức ngày 8/1 về "cuộc xâm lăng Đức và Ukraina của quân Xô viết". Những phát biểu này đã làm dậy lên làn sóng cáo buộc và phản đối chủ nghĩa "duy tân lịch sử" ở Mátxcơva.

Bên cạnh đó, còn một lý do khác giải thích việc Tổng thống Nga không đích thân tham dự lễ kỷ niệm nơi mà đáng ra vai trò lịch sử của Nga là cực kỳ quan trọng này. Có lẽ là sự dè chừng và không mấy thiết tha di chuyển đến một đất nước thành viên của NATO, trong bối cảnh mối quan hệ giữa hai bên đang cực kỳ tồi tệ. Đồng thời, phải chăng đây cũng là lời tuyên chiến ngầm của Nga, sẵn sàng cho một cuộc chiến tranh lạnh mới khi mà những người đồng minh trong lịch sử đã không còn muốn gác bỏ bất đồng để ngồi lại cùng nhau trong những thời khắc trọng đại này.

Thục Anh

(Theo Le monde)

Mới nhất

x
Thế giới tuần qua: Tấm vé khứ hồi nào cho thế giới?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO