Thế giới tuần qua: Thế giới trên bàn đàm phán

26/04/2015 07:40

(Baonghean) - Được lựa chọn là phương thức phổ biến nhất (dù chưa chắc đã hiệu quả nhất) để giải quyết tranh chấp hay bàn về một vấn đề, lợi ích, mục tiêu chung, bàn đàm phán đã trở thành nơi phản ánh lại bộ mặt và sự vận động của thế giới từng ngày, từng giờ. Thế giới tuần qua đã chứng kiến một sự nóng lên trong “khí quyển” chính trị, bằng chứng là những vòng đàm phán mang tính lịch sử và thời sự mà cả hành tinh cùng dõi theo…

Đàm phán về hạt nhân Iran khởi động trở lại

Thứ 4 ngày 22/4, vòng đàm phán về chương trình hạt nhân Iran mở trở lại tại Viên, Áo - ba tuần sau khi các bên đàm phán đạt được thoả thuận tạm thời tại Lausanne (Thụy Sỹ). Vòng đàm phán lần này đặt ra những mục tiêu và vấn đề cụ thể hơn, chuẩn bị cho hiệp ước cuối cùng dự định ký kết vào cuối tháng 6 tới đây.

Các đại diện Nhóm P5+1 và quan chức Liên minh châu Âu trong phiên họp trước đàm phán với Iran tại Lausanne. Nguồn: AFP/TTXVN
Các đại diện Nhóm P5+1 và quan chức Liên minh châu Âu trong phiên họp trước đàm phán với Iran tại Lausanne. Nguồn: AFP/TTXVN

Như vậy là “cuộc chạy đua marathon” trên bàn ngoại giao lại mở ra một lần nữa, bắt đầu một tiến trình sẽ kéo dài trong vòng 2 tháng để giải quyết dứt điểm những câu hỏi còn bỏ ngỏ trong thoả thuận thống nhất tại Lausanne vào ngày 2/4 vừa qua. Sức ép và sự căng thẳng của vòng đàm phán lần này dường như còn tăng lên gấp bội. Phương Tây muốn “khoá chặt” Iran vào những ràng buộc để ngăn chặn quốc gia này chế tạo vũ khí hạt nhân. Về phía người Iran, mục tiêu lớn nhất của họ là đạt được sự bảo đảm dỡ bỏ nhanh chóng lệnh cấm vận quốc tế đang làm tê liệt nền kinh tế này.

Với những mục tiêu cụ thể hơn vòng đàm phán trước như vậy thì không có gì khó hiểu khi không khí căng thẳng tăng lên đột biến trong những ngày vừa qua, không chỉ trên chính trường quốc tế mà ngay trong nội bộ mỗi quốc gia. Ở Mỹ, Tổng thống Obama đã phải nhượng bộ, chấp thuận quyền được thông qua của Nghị viện đối với hiệp ước cuối cùng. Đối với tập thể các quốc gia áp dụng lệnh cấm vận, việc Nga huỷ cấm vận và chuẩn bị trao tên lửa đối không S-300 cho Iran đã gây ra sự ngạc nhiên, gần như một tin “sét đánh”. Còn ở Tehran, Lãnh tụ tối cao Ali Khamenei tuyên bố rằng cách nhìn nhận của ông đối với thoả thuận Lausanne không giống với quan điểm của Mỹ. Trước ngày khởi động trở lại bàn đàm phán ở Viên, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Iran Mohammad Javad Zarif đã có bài phát biểu đăng trên tờ New York Times, trong đó ông nói: “Đã đến lúc Mỹ và các đồng minh phương Tây phải lựa chọn giữa sự hợp tác hay sự đối đầu”.

Nhắc lại một chút về thoả thuận tại Lausanne, bất chấp nhiều vấn đề còn bị bỏ ngỏ, đây là cột mốc đánh dấu một bước tiến không thể phủ nhận trong hồ sơ hạt nhân Iran sau hơn một thập niên đàm phán thất bại. Ba điểm mấu chốt của thoả thuận này là: các hoạt động hạt nhân của Iran sẽ cực kỳ bị hạn chế trong vòng ít nhất là 10 năm; các biện pháp kiểm soát sẽ được tăng cường để đảm bảo Tehran giữ đúng cam kết; cộng đồng quốc tế dỡ bỏ lệnh cấm vận đối với Iran. Tuy nhiên, đi sâu vào từng vấn đề, lại có những điều khoản cụ thể về phương thức triển khai cần phải tiếp tục được thảo luận. Đó chính là lúc mà các bên liên quan bắt đầu bất đồng quan điểm rõ rệt.

Đối với việc cắt giảm hoạt động hạt nhân Iran, thoả thuận Lausanne quy định Iran sẽ phải giảm thiểu hoạt động làm giàu uranium và sản xuất plutonium - hai phương thức chủ yếu để chế tạo vũ khí hạt nhân. Theo đó, số lượng máy ly tâm hạt nhân cho phép làm giàu uranium sẽ bị cắt giảm từ 19.000 xuống còn 5.060. Tuy nhiên, trong văn bản của người Iran thì con số cắt giảm trữ lượng uranium giàu sẵn có từ trước không được quy định cụ thể, trong khi con số này đuợc người Mỹ định lượng là giảm xuống còn 300kg trong vòng 15 năm. Hoặc, Tehran không đề cập đến việc dỡ bỏ lò phản ứng Arak - vốn dùng để sản xuất plutonium, trong khi Washington khẳng định rằng trung tâm của lò phản ứng sẽ bị phá huỷ.

Bên cạnh những vấn đề mang tính kỹ thuật nói trên, còn phải xét đến những “điểm thuộc lĩnh vực chính trị” cần phải làm sáng tỏ. Đó là nhịp độ dỡ bỏ cấm vận và việc tiếp cận các cứ điểm quân sự mà phương Tây nghi ngờ có liên quan đến chương trình nghiên cứu hạt nhân Iran. Tướng Hossein Salami - lãnh đạo cấp cao của quân đội Những người bảo vệ cho cách mạng - đã thẳng thừng tuyên bố: “Iran sẽ không bao giờ trở thành thiên đường cho gián điệp”. Đồng thời, Iran cũng yêu cầu phương Tây dỡ bỏ tức thì lệnh cấm vận ngay khi thoả thuận cuối cùng được ký kết. Yêu cầu này bị phản đối, thay vào đó là đề nghị dỡ bỏ dần dần kể từ sau khi có sự xác nhận của AIEA - tổ chức được uỷ nhiệm giám sát hoạt động hạt nhân tại Iran - rằng quốc gia này tuân thủ các cam kết của hiệp ước.

Theo ước lượng của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry thì quá trình này sẽ mất khoảng một năm để có thể dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận lên Iran. Tất nhiên, tuyên bố như vậy trước thềm cuộc đàm phán lịch sử thứ hai có lẽ không phải là điều khôn ngoan nhất mà “anh cả” của chính trường thế giới nên làm. Vậy nên ngày 17/4 vừa qua, Tổng thống Mỹ đã “để ngỏ” một cánh cửa rộng mở đối với tiến trình đàm phán khi tuyên bố “những vòng đàm phán có tính đột phá” có khả năng sẽ dỡ bỏ được chướng ngại này. Tuy nhiên, ông cũng không quên “răn đe” Iran bằng lời cảnh cáo sẽ áp dụng một quy trình cho phép khởi động trở lại chương trình cấm vận nếu Iran có dấu hiệu vi phạm các điều khoản hiệp ước.

Châu Âu đau đầu trước bài toán nhập cư

Thứ 5 ngày 23/4, lãnh đạo các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu đã có cuộc họp bất thường tại Brussels để cùng tìm ra một giải pháp dứt điểm cho những tấn thảm kịch trên biển Địa Trung Hải. Mới đây nhất ngày 18/4, một thuyền chở 850 người di cư trái phép đã bị lật ở phía Nam đảo Lampedusa của Italia - hồi chuông báo động về tình trạng di cư trái phép xuyên châu lục mà châu Âu là điểm đến thường xuyên.

Khoảng 111 người nhập cư chờ được cứu trên thuyền sau khi trải qua con đường ’địa ngục’ dài 48 hải lý ngoài khơi Malta. (Nguồn: Reuters)
Khoảng 111 người nhập cư chờ được cứu trên thuyền sau khi trải qua con đường ’địa ngục’ dài 48 hải lý ngoài khơi Malta. (Nguồn: Reuters)

Tuy nhiên, cuộc họp này vẫn không đưa ra được những giải pháp mang tính dài hơi cho vấn đề nhập cư, mà chỉ đi đến một kết luận tương đối cụ thể: chiến dịch bảo vệ biên giới “Triton” do Liên minh châu Âu phát động từ năm 2014 và do hãng Frontex đảm nhận thực hiện sẽ được đẩy mạnh. Nhiều quốc gia, trong đó có Pháp, Đức, Bỉ, Latvia,…, đã quyết định sẽ cung cấp cho Frontex những trang thiết bị mới. Tổng thống Pháp Francois Hollande tuyên bố sẽ gửi đến một tàu tuần tra, một tàu kéo biển sâu, các máy bay theo dõi và tăng gấp đôi số lượng nhân sự chuyên gia tham gia chương trình. Trước đó, Pháp đã huy động hai tàu thuỷ và một máy bay tham gia chiến dịch Triton.

Dù không tham gia vào chiến dịch nhưng Vương quốc Anh cũng hứa sẽ gửi đến hai tàu tuần tra và ba máy bay trực thăng có trang bị rada dò tìm. Đặc biệt, HMS-Bulwark, một trong những chiến hạm chủ chốt của Hạm đội Hoàng gia cũng sẽ được điều động. Thủ tướng Anh David Cameron tuyên bố: nếu một trong số những con tàu này bắt gặp những người nhập cư trái phép, họ sẽ được cập bến tại quốc gia gần nhất - tất nhiên chỉ có thể là Italia. Tuyên bố này cho thấy thái độ kiên quyết của Thủ tướng Anh đối với vấn đề nhập cư, dù ông này đang trong chiến dịch bầu cử đầy căng thẳng. Thủ tướng Italia Matteo Renzi đồng tình với phương án của ông Cameron và cũng là kết luận chung của cuộc họp: sau tất cả những tấn thảm kịch trên biển Địa Trung Hải do nhập cư trái phép thì đã đến lúc phải tìm ra một giải pháp thực sự nhân văn, đồng thời phải đảm bảo vấn đề an toàn.

Như vậy, chi phí cho chiến dịch Triton dự kiến sẽ phải tăng từ 2,9 thành 9 triệu euro mỗi tháng. Cũng có những ý kiến cân nhắc việc áp dụng trở lại chương trình “Mare Nostrum” - một chương trình cứu hộ do Italia độc lập triển khai và đã bị dừng vào năm 2004. Về mặt nhân văn, chương trình này gây nhiều tranh cãi nhưng về hiệu quả, có một sự thật được ghi nhận là từ khi “Triton” được phát động, thay thế “Mare Nostrum”, lượng người tìm cách vượt biên trái phép đã tăng lên đến 160%. Cuối cùng, cuộc họp kết luận tạm thời không thay đổi điều khoản hoạt động của Triton và khu vực triển khai chiến dịch này vẫn sẽ được giới hạn trong khoảng 55km tính từ các bờ biển châu Âu trở ra.

Tuy nhiên Uỷ ban châu Âu khẳng định rằng các tàu của Frontex vẫn sẽ được phép hoạt động ở “các khu vực lân cận” và thậm chí là ở vùng nước sâu. Một mục tiêu khác mà Uỷ ban đặt ra là tịch thu và phá huỷ các thuyền nhỏ mà mạng lưới đưa người nhập cư trái phép sử dụng cũng gây ra nhiều tranh cãi. Bởi, điều này đi ngược lại với luật pháp quốc tế: EU đang tìm cách đạt được sự chấp thuận từ Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Tổng thống Pháp Francois Hollande cho biết sẽ đề cập đến vấn đề này với Tổng thống Nga Vladimir Putin nhân chuyến thăm Armenia.

Ông hy vọng thuyết phục được Nga không đưa ra ý kiến phủ quyết trước Hội đồng Bảo an - điều mà Nga đã từng làm khi liên quan đến các đề xuất can thiệp vào Libya. Bất chấp ý kiến của Nga về vấn đề này là như thế nào đi chăng nữa, chắc chắn sẽ mất rất nhiều thời gian để có được sự thông qua của Liên Hợp Quốc và Liên minh EU sẽ phải nhanh chóng tìm ra những giải pháp thay thế tạm thời.

Có vẻ như ngay cả điều đó cũng là cả một câu hỏi hóc búa đối với Liên minh EU khi mà các quốc gia thành viên vẫn chưa tìm đuợc tiếng nói chung. Những chương trình như “Dublin II” - bắt buộc quốc gia đón nhận người nhập cư phải tự mình xử lý hồ sơ hay “dự án phi công” cho phép 5.000 người Syria tị nạn tại các trại tập trung được phép nhập cư vào một quốc gia thành viên của EU đều đang giẫm chân tại chỗ. Trong khi Thủ tướng Anh cho rằng việc phân chia dựa trên tinh thần tự nguyện thì Đức và các Nghị sỹ phái Bảo thủ của Nghị viện châu Âu lại ủng hộ việc áp dụng định mức bắt buộc. Điều duy nhất có thể chắc chắn là càng kéo dài thời gian, sự công kích của dư luận và sức ép đối với EU sẽ càng lớn, mà trước mắt là cuộc hội đàm ngày 29/4 tới đây đang chờ đợi một lời giải thích từ Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk.

Thục Anh

Theo Le monde

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Thế giới tuần qua: Thế giới trên bàn đàm phán
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO