Thế giới tuần qua: Thế giới và những chuyển động

(Baonghean) - Bức tranh thế giới luôn được vẽ nên từ những mảnh ghép lớn, nhỏ. Từng có thời kỳ người ta nói về một thế giới lưỡng cực, với đỉnh điểm là cuộc chiến tranh lạnh giữa Mỹ và Liên bang Nga. Rồi lại đến một thời kỳ đa cực mà bản đồ quyền lực được phân bố lại, với những thế lực mới xuất hiện. Lợi ích chung, lợi ích riêng - đó là những động cơ hình thành và tan rã các nhóm, cực. Đó cũng chính là nguyên lý giải thích cho sự chuyển động không ngừng của thế giới này.
Mỹ và Cuba nối lại "tình láng giềng"
Thứ Tư ngày 17/12, Tổng thống Mỹ Barack Obama và  Chủ tịch Cuba Raul Castro đồng thời lên tiếng xác nhận bình thường hóa quan hệ hai nước - chính thức chấm dứt cuộc chiến tranh lạnh lâu nay giữa hai quốc gia láng giềng kể từ năm 1961. 
"Chúng ta sẽ bắt đầu một chương mới của các quốc gia châu Mỹ. Mặc dù chỉ cách nhau vài cây số, nhưng tồn tại một rào cản tâm lý chia cắt chúng ta. Mỹ vẫn có quan hệ với Trung Quốc và Việt Nam - những quốc gia theo Chủ nghĩa Cộng sản. Vì vậy, tôi muốn xem xét lại mối quan hệ với Cuba", Tổng thống Obama tuyên bố. Và để kết thúc bài diễn văn của mình, ông cũng nói bằng tiếng Tây Ban Nha: "Tất cả chúng ta đều là người Bắc Mỹ" ("Todos somos Americanos"). 
Tổng thống Mỹ Obama tuyên bố thay đổi chính sách với Cuba sau nửa thế kỷ cấm vận
Tổng thống Mỹ Obama tuyên bố thay đổi chính sách với Cuba sau nửa thế kỷ cấm vận
Việc bình thường hóa mối quan hệ giữa hai nước không chỉ đơn giản là những lời tuyên bố suông. Cụ thể, Mỹ sẽ "mở lại một đại sứ quán ở Havana" và cấm vận kinh tế được ban bố từ năm 1962 sẽ được Thượng viện Mỹ xem xét lại. Nhà Trắng mong muốn bỏ lệnh cấm vận trước năm 2017 - khi mà Tổng thống Obama chính thức hết nhiệm kỳ. Mục đích của lệnh cấm vận này là để làm suy yếu chính quyền được dựng lên tại Cuba từ sau cách mạng năm 1959, dựa trên việc Mỹ là thị trường xuất khẩu chủ yếu của nền kinh tế Cuba. Tuy nhiên, hàng thập kỷ đã trôi qua và lệnh cấm vận vẫn không đem lại hiệu quả như mong đợi. Chính Tổng thống Obama cũng phải thừa nhận: "Các lệnh cấm vận đem lại hiệu quả tương đối hạn chế, chính sách cô lập đã không có tác dụng". Ngoài ra, trong tiến trình bình thường hóa quan hệ, rất có thể Tổng thống Mỹ sẽ đến thăm Cuba và ngược lại, Mỹ cũng sẵn sàng tiếp đón Chủ tịch Raul Castro trong một ngày không xa - người phát ngôn của Nhà Trắng cho biết. 
Về phía Cuba, Chủ tịch Raul Castro cho biết: "Chúng tôi đã quyến định thiết lập lại mối quan hệ với Mỹ", đồng thời ông cũng đề cao "cuộc đàm thoại diễn ra trong sự tôn trọng và những nỗ lực đến từ hai phía để tiến tới mối quan hệ bình thường". Ông cũng khẳng định, mấu chốt của tiến trình này sẽ nằm ở việc dỡ bỏ cấm vận. Ông cho rằng: "Chúng ta có nhiều điểm khác biệt về tư tưởng dân chủ và quyền con người, nhưng chúng tôi sẵn sàng thảo luận". 
Trên thực tế, những cuộc thảo luận giữa những người đứng đầu hai nước đã diễn ra trong nhiều tháng nay trước khi đi đến kết luận cuối cùng và công khai với dư luận. Dù vậy, trước khi thông tin này được công bố, thì hãng tin Associated Press và tờ New York Times đã đưa tin về việc Mỹ có thể sẽ giảm nhẹ các lệnh cấm vận về du hành và thương mại đối với quốc đảo láng giềng, dẫn nguồn từ một vài quan chức Mỹ. Ngay trong buổi chiều ngày 17/12, cả hai phía đã phóng thích một số tù nhân chính trị, theo thỏa thuận giữa hai bên. 
Sự kiện được xem là cột mốc lịch sử đáng nhớ này đã đem lại nhiều ý kiến trái chiều. Trái với sự hân hoan của nhiều người dân Cuba trong nước, nhiều người Cuba tị nạn tại Mỹ cho rằng, vẫn còn quá sớm để tin tưởng vào một sự đổi mới đáng kể, ngay cả khi hai nước tuyên bố bình thường hóa quan hệ. Nên nhớ rằng, việc dỡ bỏ lệnh cấm vận thuộc thẩm quyền quyết định của Thượng viện và nhiều đảng viên Cộng hòa (cũng không ít đảng viên Dân chủ) đã công khai bày tỏ thái độ không đồng tình với quyết định của Tổng thống Mỹ. Họ cho rằng Mỹ đã nhượng bộ nhiều thứ chỉ để nhận lại rất ít. Nghị sỹ của bang Florida - Marco Rubio nhận xét: "Tôi tin rằng sau này người ta sẽ nhớ đến tuyên bố này như là một sai lầm thảm hại". Thông điệp từ những người phản đối đã rõ: Một bộ phận trong Thượng viện sẽ làm mọi cách để phủ quyết việc dỡ bỏ lệnh cấm vận. 
Một nhân vật tưởng như không mấy liên quan đến mối quan hệ Mỹ - Cuba nhưng hóa ra lại đóng vai trò không nhỏ trong việc đưa hai nước đi đến bình thường hóa quan hệ là Giáo hoàng Francois. Theo thông tin đăng tải trên tờ New York Times thì mùa hè vừa qua, Giáo hoàng đã gửi thư cho cả Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Cuba. Có lẽ không ai có thể nghĩ rằng, tôn giáo lại trở thành cây cầu gắn kết lại hai quốc gia có lịch sử lâu dài không êm ấm - điều mà nhiều nhà lãnh đạo đã không thể hiện thực hóa trong nhiều thập kỷ. 
Liên minh châu Âu trừng phạt Crimea để "dằn mặt" Nga
Thứ Năm ngày 18/12, Liên minh châu Âu thông qua những biện pháp trừng phạt mới đối với Crime với lý do "sát nhập bất hợp pháp vào Nga" của bán đảo vốn thuộc Ukraina này. Quyết định này được đưa ra ngay trước thềm hội nghị thượng đỉnh khối EU bàn về tương lai mối quan hệ với Nga. 
"Bắt đầu từ ngày 20/12, các đầu tư vào Crimea và Sebastopol chính thức bị cấm. Người châu Âu và các doanh nghiệp trong khối EU sẽ không được phép mua bất động sản hay chứng khoán tại Crimea, cung cấp nguồn tài chính cho các doanh nghiệp Crimea hay cung cấp các dịch vụ liên quan", liên minh châu Âu tuyên bố. Đặc biệt, kể từ ngày 20/3/2015, "các tàu thủy châu Âu sẽ không được chuyển tiếp tại các cảng thuộc bán đảo Crimea, trừ trường hợp khẩn cấp". Điều luật này có hiệu lực với "tất cả các tàu thuộc quyền sở hữu hoặc quyền kiểm soát của thuyền trưởng châu Âu hoặc treo cờ của quốc gia thành viên". Ngoài ra, EU cũng cấm xuất khẩu công nghệ và tài sản thuộc lĩnh vực vận tải, truyền thông, năng lượng; cấm khai thác và sản xuất dầu khí, khoáng sản. 
Ngay sau thông báo về lệnh cấm vận mới này, người chịu trách nhiệm về ngoại giao của EU - bà Federica Mogherini đã kêu gọi Tổng thống Nga Vladimir Putin thay đổi thái độ và nhận định rằng, cuộc khủng hoảng tài chính chưa từng có tiền lệ tại Nga "cũng không phải là một điều tốt lành" với châu Âu và phần còn lại của thế giới. Mỹ ngay sau đó đã bày tỏ sự đồng tình với EU bằng việc tuyên bố thắt chặt cấm vận với Crimea. 
"Tiền hô hậu ủng" là vậy, nhưng không một biện pháp mới nào nhắm trực tiếp vào Nga được thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh EU. Một sự "thương hại" đối với nước Nga đang chìm đắm trong cuộc khủng hoảng khi đồng rúp xuống đáy hay chính châu Âu cũng đã e dè vì sợ liên đới? Trên thực tế, nền kinh tế châu Âu đang không ở trong thời kỳ hoàng kim và những lệnh cấm vận đã ban hành trước đó với Nga cũng khiến châu Âu bị ảnh hưởng đáng kể. Đó là điều tất yếu khi mà Nga và châu Âu vốn có những ràng buộc, phụ thuộc lẫn nhau trong nhiều lĩnh vực. 
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có một tuần
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có một tuần "ác mộng" với khủng hoảng tài chính.
Nga và Triều Tiên - cuộc hội ngộ của những kẻ bị cô lập
Trước đó cùng ngày, trong một cuộc họp báo thường niên và sau những ngày ác mộng với đồng rúp Nga, Tổng thống Putin đã cố gắng trấn an người Nga về viễn cảnh thoát ra khỏi khủng hoảng trong một ngày không quá xa. Ông cho biết sẽ sử dụng những "biện pháp đã từng rất thành công năm 2008" để vực nước Nga đứng dậy sau một năm không mấy suôn sẻ khi quan hệ với phương Tây ngấp nghé bên bờ vực chiến tranh lạnh. Tuy nhiên, động thái "chỉ chó mắng mèo" mới đây nhất của EU cho thấy, có lẽ mối quan hệ này sẽ không thể đi xuống hơn nữa, mà hai bên chỉ tạo áp lực để đối phương phải thoái lui. 
Thứ Sáu, ngày 19/12, người phát ngôn của điện Kremlin - Dmitri Peskov xác nhận thông tin Tổng thống Nga Vladimir Putin gửi lời mời Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đến Nga dự kỷ niệm 70 năm Chiến thắng phát xít Đức - diễn ra vào ngày 9/5/2015. Nếu Chủ tịch Kim nhận lời, đây sẽ là chuyến công cu đầu tiên của ông ra nước ngoài kể từ sau khi ông kế nhiệm bố mình vào năm 2011. 
Đây không chỉ đơn giản là một lời mời xã giao thông thường, bởi ngày 9/5 là một ngày lễ có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với người Nga. trong ngày lễ mang đậm tinh thần dân tộc này, Mátxcơva sẽ được "chìm ngập" trong những dải băng thánh Georges màu đen và da cam - đồng thời cũng là biểu tượng cho sự ủng hộ đối với những phiến quân thân Nga ở Donbass. Lời mời được đưa ra sau chuyến thăm của ông Cho Ryong-hae - Thư ký ủy ban Trung ương của Đảng lao động Triền Tiên. Cho Ryong-hae được xem là người thân cận nhất với Kim Jong-un và là "đặc phái viên" mà nhà lãnh đạo trẻ tuổi gửi đến điện Kremlin, mang theo nhiều thông điệp quan trọng. Bên cạnh việc thắt chặt mối quan hệ song phương, tăng cường giao dịch thương mại hay bàn về "những vấn đề quốc tế liên quan đến lợi ích của hai bên", chuyến thăm của Cho Ryong-hae được cho là nhằm bày tỏ mong muốn hợp tác với Nga trong "giải quyết vấn đề tại bán đảo Triều Tiên". 
Trong bối cảnh mối quan hệ lạnh nhạt với phương Tây kể từ sau những lệnh cấm vận trừng phạt liên quan đến nội chiến Ukraina, Nga đang ráo riết tìm kiếm phát triển quan hệ với châu Á, trong đó có Trung Quốc, Ấn Độ và thậm chí là Triều Tiên - quốc gia mà Nga vẫn dõi theo một cách đề phòng vì vấn đề hạt nhân. Tuy nhiên mới đây nhất, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết, Triều Tiên đã "sẵn sàng để khởi động lại vô điều kiện đàm phán sáu bên" (Trung Quốc, Nga, Nhật, Mỹ và hai nước Triều Tiên). Cuộc đàm thoại về hạt nhân Bắc Triều Tiên này cho đến nay vẫn đang bị bỏ ngỏ và nếu đúng như Nga tuyên bố, thì có lẽ một trang mới sắp mở ra không chỉ cho mối quan hệ giữa Triều Tiên với Nga, mà còn với các quốc gia khác trong khu vực và trên thế giới. Tuy nhiên, với sự kiện Mỹ tuyên bố Triều Tiên đứng sau vụ tấn công vào Sony Pictures Entertainment, thì có lẽ mối quan hệ giữa Nga và Triều Tiên sẽ càng có lý do để thắt chặt hơn nữa. Một bên là Triều Tiên mâu thuẫn với Mỹ và mong muốn đa dạng hóa mối quan hệ đối tác, giảm phụ thuộc vào Trung Quốc, một bên là Nga đang bị phương Tây quay lưng và ngày càng suy yếu. Liệu chúng ta có sắp được chứng kiến một sự phân cực mới của thế giới? 
Thục Anh

tin mới

NATO – Nga: Cuộc chiến không khoan nhượng ở Ukraine

NATO – Nga: Cuộc chiến không khoan nhượng ở Ukraine

(Baonghean.vn) - Ngoại trưởng Ba Lan mới đây cho biết, việc binh lính NATO ở Ukraine là “điều bí mật mà ai cũng biết”. Tuy nhiên, NATO đang gặp nhiều khó khăn trong việc giúp Ukraine trụ vững trước đòn tiến công của Nga. NATO ngày càng cảm nhận rõ hơn về mối đe dọa trực tiếp.

Báo Mỹ: Ukraine không có vũ khí để chống 'bom thần kỳ' của Nga

Báo Mỹ: Ukraine không có vũ khí để chống 'bom thần kỳ' của Nga

(Baonghean.vn) - Theo Forbes, bom lượn KAB đã trở thành "vũ khí thần kỳ" thực sự của Nga. Trong khi đó, Lực lượng vũ trang Ukraine phàn nàn rằng, họ không có biện pháp nào đối phó. Có thể máy bay chiến đấu F-16 sẽ hỗ trợ Kiev, nhưng phải chờ đợi cho đến khi chúng xuất hiện đủ số lượng.

Chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine trở thành cuộc chiến Nga - phương Tây

Chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine trở thành cuộc chiến Nga - phương Tây

(Baonghean.vn) - “Chúng ta đang ở trong tình trạng chiến tranh” - lời khẳng định này của thư ký báo chí Tổng thống Nga, Dmitry Peskov gần như được hiểu là một sự thay đổi cơ bản trong cách tiếp cận của Điện Kremlin, không phải chỉ đánh giá xung đột ở Ukraine, mà cả tình hình ở Nga nói chung.

Quân đội Pháp có thực sự hành quân đến Ukraine?

Quân đội Pháp có thực sự hành quân đến Ukraine?

(Baonghean.vn) - Trong bối cảnh xung đột hiện nay, nếu 2.000 binh lính Pháp được cử đến Ukraine, sẽ chỉ như “một giọt nước trong đại dương”. Hơn nữa, nếu thực sự phương Tây nỗ lực muốn xoay chuyển tình hình, thì họ liệu có tuyên bố công khai và tích cực về việc gửi quân tới Ukraine như vậy?

Tướng Cương: IS có thể là 'công cụ' gây ra vụ khủng bố đẫm máu ở Nga

Tướng Cương: IS có thể là 'công cụ' gây ra vụ khủng bố đẫm máu ở Nga

(Baonghean.vn) - Vụ khủng bố đẫm máu tại nhà hát Crocus City Hall vùng ngoại ô Moskva tối 22/3 trở thành tâm điểm của dư luận thế giới. Liên quan vụ việc, PGS.TS. Thiếu tướng Lê Văn Cương – nguyên Viện trưởng Viện chiến lược Bộ Công an nêu quan điểm trong cuộc trả lời phỏng vấn Báo Nghệ An.

Bản tin quốc tế: Tất cả nghi phạm thực hiện vụ khủng bố ở ngoại ô Moskva đều là người nước ngoài

Bản tin quốc tế: Tất cả nghi phạm thực hiện vụ khủng bố ở ngoại ô Moskva đều là người nước ngoài

(Baonghean.vn) - Bản tin quốc tế hôm nay có những thông tin sau: Tất cả nghi phạm thực hiện vụ khủng bố ở Nga đều là người nước ngoài; Ukraine tập kích loạt tên lửa vào Crimea; Mỹ thông qua dự luật 1,2 nghìn tỷ USD ngăn chính phủ đóng cửa; Tổng Thư ký LHQ kêu gọi ngừng bắn tại Gaza.

Cựu cố vấn Lầu Năm Góc cho rằng tình báo phương Tây có thể liên quan đến vụ tấn công khủng bố ở Nga

Cựu cố vấn Lầu Năm Góc cho rằng tình báo phương Tây có thể liên quan đến vụ tấn công khủng bố ở Nga

(Baonghean.vn) - Cựu cố vấn Lầu Năm Góc, Đại tá đã nghỉ hưu Douglas McGregor cho rằng, các cơ quan tình báo phương Tây - CIA và MI6, có thể liên quan đến vụ tấn công khủng bố tại khu phức hợp Crocus ở ngoại ô Moskva, và những kẻ tấn công liên quan đến các phần tử chiến đấu ở phía Ukraine.

Mỹ và Nga thức tỉnh châu Âu về quốc phòng

Mỹ và Nga thức tỉnh châu Âu về quốc phòng

(Baonghean.vn) - Châu Âu như được thức tỉnh, sau một thời gian lơ là đầu tư phát triển quốc phòng, và bị phụ thuộc sâu sắc vào Mỹ. EU cố gắng chuẩn bị cho một tương lai, trong đó Tổng thống Putin, và rất có thể là ông Donald Trump sẽ đóng vai trò quan trọng.