Thế giới "xoay quanh" mối quan hệ Trung - Mỹ

28/09/2015 08:15

(Baonghean) - Thế giới tuần qua hướng sự chú ý nhiều nhất đến chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình - một điều không lấy làm khó hiểu, khi mà ngoài những nội dung làm việc chính thức giữa hai vị lãnh đạo cao nhất, sự kiện này “kéo theo” những động thái “vệ tinh” tác động đến thế giới.

Thứ Ba, ngày 22 tháng 9 và cũng là ngày đầu tiên trong hành trình công du đến Mỹ của Chủ tịch Trung Quốc, một tập đoàn Trung Quốc đã ký kết hợp đồng đặt mua 300 chiếc máy bay Boeing của Mỹ, tin đưa bởi một hãng thông tấn chính thức của Trung Quốc. Được biết, đây là một trong những đơn hàng lớn nhất mà ngành vận tải hàng không ghi nhận trong những năm trở lại đây. Đồng thời, tờ nhật báo Nhân Dân Trung Quốc cũng đưa tin về việc ICBC Leasing - một hãng cho thuê máy bay - đã quyết định mua 30 chiếc máy bay tầm trung 737-800NG.

Ông Tập Cận Bình và ông Obama trong buổi họp báo chung tại Nhà Trắng. Ảnh: Reuters
Ông Tập Cận Bình và ông Obama trong buổi họp báo chung tại Nhà Trắng. Ảnh: Reuters

Truyền thông Trung Quốc cũng cho biết, Boeing đã đạt được một thoả thuận hợp tác để mở một nhà máy xử lý bề mặt vật liệu dành cho loại máy bay tầm trung B737 ở Zhoushan thuộc tỉnh Zhejiang. Nếu như thông tin này chính xác thì đây sẽ là nhà máy đầu tiên kiểu này ở ngoài lãnh thổ Mỹ và là một động thái trong chiến lược mới của Boeing. Trung Quốc vốn luôn được xem là thị trường quan trọng mà Boeing và đối thủ đến từ châu Âu Airbus không ngừng cạnh tranh. Từ năm 2008, Airbus đã mở một dây chuyền lắp ráp cho máy bay tầm trung A320 ở Tianjin và chuẩn bị mở thêm một trung tâm xử lý bề mặt vật liệu chuyên dụng cho nội thất bên trong máy bay hạng lớn A330.

Theo tính toán của Boeing thì Trung Quốc sẽ cần thêm khoảng 6.330 máy bay dân dụng mới trong vòng 20 năm tới, tương đương với giá trị lên đến 950 tỷ đô la - một món hời mà chắc chắn cả Airbus và Boeing sẽ không dễ dàng bỏ qua. Đó là lý do vì sao 2 ông lớn trong lĩnh vực hàng không đều đang ráo riết chạy đua đến Trung Quốc và cạnh tranh thị phần một cách quyết liệt. Vậy thì chắc chắn chuyến đi thăm Mỹ lần này của ông Tập là một cơ hội xúc tiến lớn cho Boeing vào thị trường đại lục. Hơn nữa, ông Tập Cận Bình bắt đầu chuyến thăm bằng việc tiếp xúc với giới doanh nghiệp công nghệ cao tại bang Seattle, thay vì ngay lập tức hội đàm với Tổng thống Obama tại Washington.

Tuy mục đích chính của ông Tập là thông qua giới doanh nhân, rút ngắn khoảng cách và sự nghi kỵ đối với xã hội và chính giới Mỹ, nhưng đồng thời cũng sẽ không bỏ qua những lợi ích kinh tế trực tiếp có thể đạt được mà không vướng bận nhiều đến chính trị và ngoại giao - vấn đề vốn vẫn được cho là nhạy cảm giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới. Ngay cả khi ông Tập không trực tiếp có mặt trong cuộc giao dịch nói trên thì sự trùng hợp về thời gian này cũng khó có thể xem là một sự tình cờ thuần tuý.

Trong khi đó, thứ Năm, ngày 24 tháng 9, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Pháp Jean-Yves le Drian tuyên bố “Vấn đề quan trọng hàng đầu đối với lực lượng vũ trang của chúng ta hiện nay là gia nhập vào cuộc chiến số”. Tuyên bố này được đưa ra tại cuộc hội thảo tổ chức tại Trường quân sự, với sự tham dự của 20 “tư lệnh cuộc chiến mạng” nước ngoài, trong đó có cả các đồng minh của Maghreb và vùng Vịnh.

Đô đốc Arnaud Coustilliere khẳng định: “Có 2 chủ đề mà chúng ta cần phải giải quyết cùng nhau, đó là IS và các băng đảng mafia Nga”. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Anh Michael Fallon khẳng định Anh đang chuẩn bị điều chỉnh, đổi mới chiến lược quốc phòng an ninh và “đầu tư mạnh mẽ vào khả năng phòng vệ số”. Đồng thời, hai nước Anh và Pháp cũng tuyên bố thắt chặt hợp tác trong lĩnh vực tình báo và an ninh mạng.

Sở dĩ không gian số trở thành một vấn đề tâm điểm như vậy là bởi đây cũng là một trong số những phương thức, không gian truyền bá và hoạt động của các tổ chức tội phạm, khủng bố, cực đoan. Nhưng nếu biết vận dụng không gian này thì đây cũng chính là khe hở để tấn công vào các phần tử nói trên. Ví dụ cụ thể nhất là hiện nay, hoạt động tình báo, tấn công số luôn nắm vai trò “tiên phong”, “do thám” dẫn đường cho các đợt tấn công trên thực địa, trước khi các máy bay Mirage 200 ném bom vào các cứ điểm của IS thì hệ thống máy tính của tổ chức này đã bị xâm nhập trước đó.

Trước tình hình ngày càng phức tạp ở Trung Đông, đặc biệt là điểm nóng Syria đang tăng nhiệt những ngày gần đây với sự can thiệp gia tăng của Nga thì việc phương Tây họp bàn với nhau về cách thức, chiến lược, giải pháp mới là điều hoàn toàn dễ hiểu. Nhưng đồng thời, một vấn đề khác khiến các nước lo ngại là an toàn bảo mật thông tin quốc gia trước các phần tử, tổ chức phi chính phủ và thậm chí là các quốc gia khác. Châu Âu và Mỹ từng căng thẳng với nhau khi những hồ sơ lưu trữ thông tin đánh cắp bị Edward Snowden - một cựu nhân viên của CIA - tiết lộ cho cả thế giới. Gần đây nhất, đến lượt Mỹ trở thành nạn nhân của tội phạm số - một nhóm hacker Trung Quốc, được cho là có sự dính líu đến chính quyền Bắc Kinh.

Rõ ràng, bị tấn công trên không gian số là cơn ác mộng đối với mọi quốc gia, bởi vậy khi lãnh đạo hai nước Mỹ và Trung Quốc gặp nhau ngày 25 tháng 9 vừa qua, với chủ đề an ninh mạng đặt lên hàng đầu trong hồ sơ nghị sự thì tất cả đều hướng sự chú ý về đây. Tuy nhiên, đến nay thì những thông tin công bố chính thức về những thoả thuận mà hai bên đạt được trong vấn đề an ninh mạng vẫn chưa cụ thể, để lại một dấu chấm hỏi cho giới quan sát: liệu họ không đạt được thoả thuận đáng kể nào hay là họ thoả thuận với nhau mà không công khai với thế giới?

Cuối cùng, một sự kiện trong nội bộ chính trường Mỹ diễn ra vào thời điểm khép lại chuyến công du của ông Tập: Chủ tịch Hạ viện Mỹ John Boehner từ chức sau nhiều tháng đối diện với sự chống đối của cánh phải đảng Cộng hoà. Đây là dấu hiệu rõ rệt nhất cho thấy nội bộ đảng này đang lục đục và đi đến hồi “tan đàn xẻ nghé”.

Sở dĩ có sự mâu thuẫn nội đảng này là do những thoả thuận đã đạt được với phía Dân chủ với mục đích đảm bảo sự vận hành của nhà nước liên bang. Trong khi đó, cánh phải thiểu số do đảng Freedom caucus đại diện lại cho rằng ông John Boehner chưa làm tròn trách nhiệm bảo vệ cho các giá trị bảo thủ. Thực tế, nhóm thiểu số này đã nhiều lần tìm cách “lật đổ” người đứng đầu Hạ viện vào tháng 1 năm 2015 và mới đây nhất là tháng 9 vừa qua. Mặc dù đều không thành công nhưng sự chia rẽ nội bộ này đã “tiếp sức” cho các ứng viên khác trong cuộc chạy đua đến Nhà Trắng vào năm 2016 như Donald Trump, Ben Carson hay Carly Fiorina.

“Giọt nước tràn ly” khi các tổ chức liên bang sẽ phải ngừng hoạt động nếu như kinh phí cho năm tới không được Nghị viện Mỹ thông qua. Đây cũng là cái cớ để cánh phải trong đảng Cộng hoà đe doạ người đứng đầu Hạ viện, người có chiều hướng đứng về phía Mitch McConnell - người đứng đầu đa số trong Thượng viện - cho rằng cuộc tranh luận về các giá trị bảo thủ nên tạm gác lại để đảm bảo sự vận hành của nhà nước liên bang không bị gián đoạn.

Như vậy là rời khỏi ghế đứng đầu Hạ viện, John Boehner cũng buộc phải từ bỏ vị trị đại biểu bang Ohio mà ông đã đảm nhiệm liên tục trong vòng 20 năm qua. Quyết định từ chức được đưa ra một ngày sau khi Giáo hoàng Francis đến thăm và phát biểu trước Nghị viện Mỹ. Một sự thay đổi đáng kể trong chính giới Mỹ chắc chắn sẽ được Trung Quốc quan tâm dõi theo khi mà mục tiêu lớn nhất lãnh đạo đại lục đặt ra là thiết lập được mối quan hệ “nước lớn kiểu mới với Mỹ”. Trong khi Tổng thống dân chủ Obama được cho là khá cởi mở hợp tác thì sự nghi kỵ, ác cảm của đảng Cộng hoà với Trung Quốc vẫn là một bức tường không dễ gì vượt qua. Bởi vậy, từ nay đến năm 2016 khi cuộc bầu cử Tổng thống diễn ra, chắc chắn Trung Quốc sẽ không bỏ qua những biến động trong nội bộ chính giới Mỹ.

Thục Anh

(Theo Le monde)

Mới nhất

x
Thế giới "xoay quanh" mối quan hệ Trung - Mỹ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO