Thế mới là cuộc sống
(Baonghean) - Lệ thường, cứ hết một năm, người ta lại tiến hành bình chọn những sự kiện tiêu biểu trong một ngành, một lĩnh vực nào đó và rộng ra là cả một quốc gia. Đó là những sự việc lớn, nổi bật, thu hút được sự quan tâm của cả cộng đồng. Thông thường, khi bình chọn sự kiện tiêu biểu là người ta bình chọn những sự việc có tính chất mới, tiến bộ, tốt đẹp. Nhưng như thế là chưa đầy đủ, chưa toàn diện và chưa công bằng.
Nói chưa công bằng, vì lẽ trong cuộc sống cái xấu, cái dở luôn song hành cùng cái tốt, cái hay. Có những sự việc tốt đẹp tiêu biểu, nổi bật thì cũng có những cái xấu, cái dở nổi bật, tiêu biểu. Không thể và thật không nên bình chọn sự kiện tiêu biểu cho mặt này mà lại không bình chọn cho mặt kia. Mà nên công bằng, bình chọn cho cả hai mặt tốt và xấu, hay và dở. Vì để sau đó, cái tốt đẹp thì tập trung nhân lên, cái dở, xấu thì cố gắng loại bỏ, tạo động lực cho sự phát triển. Chẳng hạn như nước Mỹ có giải OSCAR danh tiếng để tôn vinh những hạng mục trong tác phẩm điện ảnh hay thì ngược lại, có giải Mâm Xôi Vàng để trao cho những tác phẩm điện ảnh, các vai diễn và các hạng mục khác liên quan đến điện ảnh được coi là dở nhất trong năm. Nhờ đó, mà điện ảnh Mỹ phát triển và hay nổi tiếng nhất thế giới.
Vì thế, chúng ta cũng nên tiến hành bình chọn những sự kiện tiêu biểu dở nhất trong năm để cho mọi việc trở trên tốt đẹp và hoàn hảo hơn. Nếu vậy, thì trong lĩnh vực y tế, sự kiện tiêu biểu dở nhất trong năm có lẽ là việc tiêm nhầm. Mới đây nhất là vụ tiêm nhầm ở Trạm Y tế xã Tương Giang, Thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, thay vì tiêm vắc-xin AT phòng uốn ván, trong suốt buổi sáng 20/12 năm ngoái, ông Phó trạm trưởng lại tiêm vắc-xin DPT ngừa bạch hầu, ho gà và uốn ván cho 31 thai phụ có thai từ 14 đến 32 tuần. Còn hồi tháng 10 là vụ tiêm nhầm nước cất thay cho vắc-xin ngừa sởi - rubella cho 60 trẻ Trường Mầm non Sao Mai, phường 3, TP. Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Cũng may là không để lại hậu quả nặng nề như vụ tiêm nhầm ở huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị năm 2013.
Nhưng cứ nghĩ, nếu nhầm phải thứ khác gây hại, thì 31 thai phụ sẽ nhân đôi lên là thành 62 mạng người. Thử hỏi, còn có sự khủng khiếp nào bằng. Đây là sự kiện hy hữu trong ngành Y tế rất hiếm khi xảy ra. Vì lẽ, theo giới chuyên môn thì theo quy định, trước khi tiêm thuốc hay vắc-xin, nhân viên y tế phải thực hiện đúng nguyên tắc “3 tra, 5 đối”. “3 tra” là kiểm tra tên tuổi bệnh nhân, tên thuốc và liều lượng thuốc. “5 đối” là đối chiếu số buồng, giường hoặc địa chỉ bệnh nhân, đơn thuốc, nhãn thuốc, thời gian dùng thuốc và chất lượng thuốc. Nếu nhân viên y tế thực hiện nghiêm túc quy trình này thì không thể có chuyện tiêm nhầm, ngay cả khi thuốc và vắc-xin được để chung trong một tủ bảo quản. Thế nhưng, quy định nằm lòng ấy vẫn bị các nhân viên y tế bỏ quên. Dĩ nhiên, sau những sự cố như vậy, ngành Y tế lại tổ chức kiểm tra, rà soát rồi xử lý kỷ luật những người có liên quan đến sai phạm. Nhưng như thế vẫn chẳng khiến cho ai yên lòng cả. Cả xã hội lại thấp thỏm, lo lắng, mỗi khi mũi tiêm rút ra khỏi vỏ lại chẳng khác nào thanh gươm.
Còn trong lĩnh vực xây dựng, chắc chắn sự kiện tiêu biểu sẽ là những sự việc cùng chung một chữ sập. Nổi tiếng nhất là vụ sập hầm Thủy điện Đạ Dâng - Đa chomo ở Lâm Đồng, khiến 12 công nhân suýt nữa bị chôn sống cách đây chưa lâu. Tiếp đó là vụ sập cột chống, đứt cáp cẩu khiến bó sắt văng ra làm chết một người đi đường và ba người khác bị thương ngày 6/11/2014 tại Dự án đường sát trên cao tuyến Hà Đông - Cát Linh ở Thủ đô Hà Nội. Đến ngày 28/12 vừa rồi lại xảy ra vụ sập giàn giáo cũng ở tại công trình đó, cách vụ tai nạn cũ mấy trăm mét. Rất may, chiếc ta-xi chở bốn người đã thoát chết trong gang tấc. Cũng như các vụ tiêm nhầm, các vụ sập trong ngành Xây dựng cũng xuất phát từ sự tắc trách, cẩu thả, không tuân thủ đầy đủ các quy định của ngành về an toàn lao động. Tóm lại, là tiêm nhầm hay sập thì đều là những hành vi thiếu chuyên nghiệp, thiếu ý thức và coi thường tính mạng con người.
Ở lĩnh vực giáo dục, chắc hẳn giải “Mâm Xôi Vàng” sẽ thuộc về sự kiện đổi mới thi cử. Cho đến hôm nay, chỉ còn rất ít thời gian nữa là bước vào mùa thi mà chuyện thi cử của các thì sinh vẫn như một mớ bòng bòng. Càng đổi mới càng rối. Khiến không ít người bực mình thốt lên là cách đổi mới hay nhất ở ngành Giáo dục có lẽ là không làm gì cả. Còn ở các ngành, các lĩnh vực khác cũng không hiếm những việc, những chuyện dở tệ, xấu tệ khó có thể liệt kê hết ra ở đây, mà phải cần tới một cuộc bình chọn rộng rãi của cả cộng đồng.
Thật ra, chẳng hay ho gì khi kết thúc năm cũ, bước vào năm mới lại phải lôi những chuyện xấu, chuyện dở, chuyện tệ hại ra mà bình chọn việc nào xấu nhất, dở nhất, tệ nhất để trao giải kiểu “Mâm Xôi Vàng”. Nhưng vì, xưa nay người ta cứ mải đi bình chọn những sự kiện tiêu biểu theo chiều hướng chủ đạo là những việc hay, việc đẹp, to lớn, hoành tráng để rồi tự đắc, vỗ tay tán thưởng với nhau theo kiểu “tôi phục anh quá, mà thấy anh cũng có vẻ phục tôi” hay là tự hào “tôi phục tôi quá”. Mà quên bẵng đi là trong thực tế vẫn còn nhiều việc, nhiều chuyện xảy ra thời gian gần đây ta hay nói là “bức xúc, nổi cộm” không những chưa được giải quyết triệt để, mà còn có chiều hướng gia tăng. Để rồi, những “bức xúc, nổi cộm” tồn tại và kéo dài năm này sang năm khác chẳng biết bao giờ mới khắc phục được. Bước tiến của đất nước, của dân tộc ta vì thế mà chậm lại. Thôi thì, hãy cứ bình, cứ chọn những sự kiện tiêu biểu trong năm. Nhưng nhớ là phải bình chọn trung thực, công bằng có đủ cả dở, hay, tốt, xấu. Vì như thế, mới chính là cuộc sống!
Duy Hương