Thêm cơ hội sang Nhật Bản cho điều dưỡng, hộ lý
Cục Quản lý lao động ngoài nước thuộc Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội vừa thông báo tuyển chọn ứng viên điều dưỡng viên, hộ lý đã có chứng chỉ năng lực tiếng Nhật N1 hoặc N2 để sang làm việc tại Nhật Bản vào năm 2014 mà không cần phải theo học một khóa tiếng Nhật bắt buộc nữa.
Các ứng viên điều dưỡng viên, hộ lý trong buổi khai giảng khóa đào tạo tiếng Nhật. (Ảnh: Hồng Kiều/Vietnam+) |
Trước đó, theo chương trình tuyển điều dưỡng, hộ lý sang làm việc tại Nhật Bản EPA, những ứng viên điều dưỡng, hộ lý muốn sang Nhật làm việc dù đã có chứng chỉ năng lực tiếng Nhật N3 vẫn bắt buộc phải theo học một khóa tiếng Nhật trong vòng 12 tháng do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và phía Nhật Bản tổ chức. Khóa học này hoàn toàn miễn phí học phí, chi phí ăn ở, sinh hoạt.
Những lao động đã có chứng chỉ năng lực tiếng Nhật N1 hoặc N2 sẽ được sang Nhật Bản vừa học vừa làm với thời gian tối đa 3 năm đối với ứng viên điều dưỡng và tối đa 4 năm đối với ứng viên hộ lý (mỗi năm gia hạn một lần).
Trong thời gian tại Nhật Bản, các ứng viên được phép dự kỳ thi cấp Chứng chỉ quốc gia Nhật Bản về điều dưỡng viên và hộ lý, nếu đỗ chứng chỉ này sẽ được phép ở lại làm việc dài hạn.
Lương điều dưỡng tại Nhật Bản sẽ từ khoảng 130.000-140.000 yen/tháng (tương đương 28-30 triệu đồng/tháng), còn đối với hộ lý là 140.000-150.000 yên/tháng (tương đương 30-33 triệu đồng/tháng).
Ứng viên nộp hồ sơ chương trình điều dưỡng viên Việt Nam sang làm việc tại Nhật Bản có thể liên hệ trực tiếp với Cục Quản lý lao động ngoài nước hoặc qua đường bưu điện theo địa chỉ: số 41B, Lý Thái Tổ, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Thời gian nộp hồ sơ từ ngày 25/10 đến 20/11/2013.
Cục Quản lý lao động ngoài nước sẽ thông báo danh sách những người đạt yêu cầu và không đạt yêu cầu dự tuyển trên trang thông tin điện tử của Cục Quản lý lao động ngoài nước (www.dolab.gov.vn) và gửi danh sách này theo địa chỉ mà người đăng ký cung cấp.
Cục Quản lý lao động ngoài nước là đầu mối duy nhất tiếp nhận hồ sơ đăng ký và triển khai chương trình cùng với đầu mối phía Nhật Bản. Không có công ty xuất khẩu lao động hay bất kỳ cá nhân nào được cấp phép thực hiện chương trình này./.
Theo Vietnam+