Thêm hai giống ngô biến đổi gene được cấp giấy an toàn sinh học

08/11/2014 17:33

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cấp giấy chứng nhận an toàn sinh học cho hai giống ngô biến đổi gene, sau khi công nhận giống đầu tiên vào tháng 8 vừa qua.

Hai giống ngô là GA21 của công ty TNHH Syngenta Việt Nam và NK603 của công ty TNHH Dekalb Việt Nam (Monsanto) đều có có đặc tính chống chịu thuốc trừ cỏ.

Ngô biến đổi gene đang được nhiều người sử dụng. Ảnh: T.V
Ngô biến đổi gene đang được nhiều người sử dụng. Ảnh: T.V

Bộ Tài nguyên đưa ra quyết định cấp giấy chứng nhận an toàn sinh học cho hai giống ngô trên sau quá trình đánh giá, thẩm định hồ sơ đăng ký. Các hồ sơ được xem xét, đánh giá kỹ lưỡng bởi các nhà khoa học trong Tổ chuyên gia, những người có chuyên môn, kinh nghiệm trong các lĩnh vực có liên quan và Hội đồng an toàn sinh học với các thành viên là đại diện của bộ ngành.

Tổ chức được cấp giấy chứng nhận phải tổ chức quản lý, giám sát an toàn sinh học và mỗi năm một lần phải báo cáo bằng văn bản về thời gian, địa điểm và diện tích đã phóng thích ngô biến đổi gene để gửi tới Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Trước khi được cấp giấy chứng nhận an toàn sinh học tại Việt Nam, ngô biến đổi gene NK603 đã được 11 quốc gia phê chuẩn và GA21 được 9 quốc gia cấp phép phóng thích vào môi trường; trong đó có các nước phát triển như Mỹ, Canada.

Cuối tháng 8, Bộ Tài nguyên đã cấp giấy chứng nhận cho ngô biến đổi gene đầu tiên là MON 89034. Trước đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm và thức ăn chăn nuôi cho ngô biến đổi gene NK603, MON 89034, GA21 và MIR162.

Việc ba giống ngô biến đổi gene được cấp phép đồng nghĩa Việt Nam có thể đưa loại ngô này vào trồng trọt mà không cần bất kỳ biện pháp quản lý an toàn sinh học nào. Nhưng để thực sự thương mại hóa, các giống ngô vẫn cần được Bộ Nông nghiệp công nhận và đưa vào danh mục giống cây trồng được phép sản xuất kinh doanh.

Theo vnexpress

Mới nhất

x
Thêm hai giống ngô biến đổi gene được cấp giấy an toàn sinh học
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO