Thêm một người lính Trường Sa quê Nghệ An ngã xuống ở biển khơi
Không phải cứ chiến tranh bom rơi đạn nổ mới có sự mất mát hi sinh, mà ngay giữa thời bình nơi tiền tiêu tổ quốc, vẫn có những chiến sĩ đã anh dũng ngã xuống vào lòng biển mẹ, trong khi làm nhiệm vụ tuần tra bảo vệ đảo.
Trung úy Phan Văn Hạnh hi sinh tại đảo Tốc Tan C quần đảo Trường Sa vào ngày cận Tết Giáp Ngọ là một mất mát lớn cho gia đình và đồng đội. Tên anh được khắc ghi vào lịch sử Vùng 4 Hải quân.
8 giờ sáng ngày 18/1, Trung úy Phan Văn Hạnh và đồng đội nhận nhiệm vụ tuần tra bảo vệ quanh đảo Tốc Tan C trên xuồng máy. Khi ra khỏi rạn san hô ngầm, xuồng của anh chạy quanh đảo kiểm tra đường biên, thì bất ngờ gặp phải luồng sóng lừng cuồn cuộn từ đại dương. Mặc dù đã cố gắng điều khiển xuồng, nhưng gió quá lớn, luồng xoáy chảy mạnh làm chiếc xuồng lật úp
Trung úy Phan Văn Hạnh trong một ca gác tại đảo Tốc Tan C. |
Ngay sau khi Trung úy Hạnh hi sinh, đồng đội đã đưa thi thể anh vào đảo Tốc Tan C rồi chuyển theo tàu hải quân về cảng Nhơn Trạch, Đồng Nai. Lãnh đạo Vùng 4 và đồng đội đón anh về Bệnh viện 175 Bộ quốc Phòng và làm lễ truy điệu tại đây. Theo nguyện vọng của gia đình, thi thể trung úy Hạnh được chuyển bằng xe đông lạnh đặc biệt, an táng tại quê nhà tại Nghệ An ngày 22/1.
Trung úy Phan Văn Hạnh sinh năm 1981, quê Nghệ An, thuộc Lữ đoàn 146, Bộ tư lệnh Vùng 4 Hải quân. Trung úy Hạnh nhập ngũ năm 2002 và đã có hơn 5 tháng làm việc trên đảo. Anh hi sinh tròn tuổi 33. Hiện Phòng chính sách Hải quân đang hoàn tất hồ sơ đề nghị Bộ quốc phòng công nhận Liệt sĩ cho Trung úy Phan Văn Hạnh.
Tốc Tan là một trong những đảo chìm thuộc quần đảo Trường Sa, có chiều dài khoảng 20km, rộng khoảng 7km, diện tích trung bình 75km2. Hải quân Việt Nam đã xây dựng trên thềm san hô của cụm bãi đá phía Tây 3 nhà lâu bền: Một nhà ở thềm san hô phía Tây Bắc (nhà B); một nhà ở thềm san hô phía Bắc (nhà C) và một nhà ở thềm san hô phía Đông Nam (nhà A).
Theo.dantri.com