Thêm nhiều tuyến đường nông thôn khang trang, sạch đẹp

13/08/2015 08:54

(Baonghean) - Phong trào xây dựng giao thông nông thôn được đông đảo người dân khắp các địa phương đồng tình ủng hộ và góp công sức, tiền của để biến những con đường đất chật hẹp, lầy lội thành những đường làng, ngõ xóm bê tông khang trang, sạch đẹp. Điều đó góp phần tích cực nâng cao chất lượng cuộc sống cho chính người dân các vùng nông thôn.

Khép kín hệ thống giao thông bằng đường bê tông

Những tuyến đường ở vùng trung tâm xã Nghĩa Hồng (Nghĩa Đàn) giờ đây được đổ bê tông kiên cố, khang trang được làm từ công sức của người dân nơi đây đã xóa đi cảnh lầy lội khó đi, đất đỏ dẻo quánh cứ bám riết vào lốp xe mỗi khi mưa xuống như trước đây. Sau 4 năm thực hiện xây dựng nông thôn mới (NTM), xã đã huy động tổng lực làm được hơn 17km đường bê tông thôn xóm với tổng số tiền nhân dân đóng góp gần 7 tỷ đồng. Không chỉ đóng góp ngày công và tiền mặt, nhiều hộ còn tự nguyện hiến đất, tháo dỡ tường rào để xóm làm đường đảm bảo chiều rộng theo quy định.

Gia đình bà Nguyễn Thị Thanh ở xóm Hồng Thọ là một trong những hộ tích cực ủng hộ phong trào làm đường giao thông. Cả hai ông bà chỉ có lương hưu, nhưng khi xóm huy động người dân đóng góp để làm đường giao thông nông thôn, gia đình bà Thanh sẵn sàng đóng góp 10 triệu đồng. Bà Thanh cho rằng "làm đường giao thông sạch đẹp là để gia đình mình hưởng lợi, đi lại dễ dàng, quê hương, làng xóm cũng đẹp hẳn lên”. Cùng với xã Nghĩa Hồng, các xã Nghĩa Khánh, Nghĩa Tân, Nghĩa Phú, Nghĩa Sơn, Nghĩa Hội, Nghĩa Hưng... cũng thi đua xây dựng NTM, trong đó chú trọng làm đường giao thông. Đến nay toàn huyện Nghĩa Đàn đã làm mới được hơn 181 km đường bê tông nông thôn, và duy tu sửa chữa trên 73 km.

Người dân Nghĩa Hồng - Nghĩa Đàn làm đường giao thông nông thôn.
Người dân Nghĩa Hồng - Nghĩa Đàn làm đường giao thông nông thôn.

Đường giao thông ở xã Nghĩa Hồng.
Đường giao thông ở xã Nghĩa Hồng.

Tại xóm Dương Đông, xã Diễn Phong (Diễn Châu), từ đầu năm 2015 bà con hăng hái đóng góp tiền và công sức sẵn sàng tham gia làm đường bất kể thời tiết mưa, nắng. Cả xóm có 144 hộ dân, 586 nhân khẩu, đời sống nhân dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, một bộ phận làm nghề xây dựng và đi làm ăn xa, do vậy điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, song người dân rất ủng hộ chủ trương xây dựng NTM của địa phương. Mỗi khẩu đóng góp 600.000 đồng làm toàn bộ đường giao thông trong xóm. Người dân tự nguyện giải phóng mặt bằng, hiến đất, chặt cây lâu năm. Nhiều hộ góp tích cực, như: ông Trần Ngọc Nhu, gia đình ông Trần Huy Cự đóng góp 10 triệu đồng... Với sự nỗ lực cao của nhân dân, đến nay xóm Dương Đông đã làm được gần 1,5 km đường bê tông nông thôn và đang tiếp tục làm khoảng 700m nữa là khép kín hệ thống giao thông.

Ông Chu Minh Quyến, cán bộ địa chính - xây dựng xã Diễn Phong cho biết: Đến nay xã cơ bản hoàn thành 19/19 tiêu chí NTM, địa phương đang làm thủ tục để chuẩn bị công nhận xã đạt chuẩn NTM. Có được kết quả này là sự nỗ lực của toàn thể Đảng bộ, chính quyền và nhân dân toàn xã để hoàn thiện các tiêu chí, trong đó tiêu chí làm đường giao thông nông thôn được nhân dân tích cực hưởng ứng. Ngoài sự hỗ trợ xi măng của tỉnh, xã hỗ trợ 10 triệu đồng/km, nhân dân toàn xã đóng nguồn kinh phí 6 tỷ đồng. Đến nay toàn xã đã làm được gần 14 km đường bê tông nông thôn.

Người dân xóm 10, xã Nam Cường (Nam Đàn) làm đường giao thông  nông thôn.
Người dân xóm 10, xã Nam Cường (Nam Đàn) làm đường giao thông nông thôn.

Phong trào làm đường giao thông được nhân dân các vùng nông thôn hưởng ứng mạnh mẽ, rộng khắp và mang lại hiệu quả lâu dài cho địa phương. Chất lượng công trình bền vững, đạt yêu cầu, hạ tầng giao thông được cải thiện, tạo đà cho kinh tế - xã hội phát triển. Đến nay toàn tỉnh đã xây dựng, nâng cấp được 3.365 km đường giao thông nông thôn các loại, với tổng kinh phí hơn 6.295 tỷ đồng. Trong đó, nhựa hóa và bê tông hóa đạt chuẩn đường trục thôn, xóm 1.052 km; cứng hóa đạt chuẩn đường trục thôn, xóm 1.241 km; làm sạch và không lầy lội đường ngõ xóm, bản 811 km; cứng hóa đường trục chính nội đồng 261 km.

Đối với xây dựng đường giao thông nông thôn theo cơ chế hỗ trợ xi măng, đến hết tháng 6/2015 UBND tỉnh đã giao chỉ tiêu hỗ trợ cho các địa phương tổng 4 đợt gồm 423.508 tấn xi măng (kể cả chỉ tiêu bổ sung), tương đương 2.272 km. Đến tháng 6/2015, toàn tỉnh đã làm được 1.589 km/2.272 km, đạt gần 70% kế hoạch, tương đương 308.568 tấn xi măng. Được sự quan tâm đầu tư hỗ trợ của tỉnh về nguồn xi măng đã tạo động lực thúc đẩy phong trào làm đường giao thông nông thôn trên địa bàn toàn tỉnh, góp phần làm đổi thay diện mạo nông thôn ở nhiều vùng quê.

Cải thiện giao thông vùng ngập lụt

Vào mùa mưa lụt, nhiều tuyến đường giao thông ở các xã vùng 5 nam của huyện Nam Đàn thường ngập trong nước và người dân phải dùng thuyền, xuồng để đi lại. Với sự vào cuộc của nhân dân và các doanh nghiệp, hệ thống giao thông nông thôn, thủy lợi được nâng cao, đổ bê tông, rải nhựa, nhờ vậy đã từng bước khắc phục tình trạng ngập lụt trong mùa mưa lũ. Một trong những địa phương thực hiện tốt là xã Nam Cường (Nam Đàn). Ông Nguyễn Đình Biên, Xóm trưởng xóm 10 cho hay: “Đường giao thông trong xóm vừa thấp lại nhiều đoạn chưa được cứng hóa, nên mùa mưa lụt, nước dâng cao làm ngập đường đi gây khó khăn cho người dân. Vì vậy, xã đã vận động người dân trong xóm làm đường giao thông. Thực hiện chủ trương này, bà con hiến đất làm đường, đóng góp kinh phí ngày công lao động tôn cao nền đường. Hiện nay các tuyến đường trong xóm được mở rộng, đổ bê tông chắc chắn và sẽ bảo đảm an toàn hơn trong mùa mưa lụt”.

Ông Trần Trung Dũng, cán bộ phụ trách địa chính – xây dựng xã Nam Cường cho biết: “Cùng với tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, xã thành lập 5 đoàn về 11 xóm để hỗ trợ trong việc làm đường giao thông, đồng thời ban hành cơ chế, chính sách thu hút, khuyến khích người dân trong xóm, xã và con em xa quê tham gia làm đường giao thông. Xóm nào làm được 100m đường giao thông đạt chuẩn xã hỗ trợ 5 triệu đồng và toàn bộ tiền huy động đóng góp của người dân trong xã đều được ưu tiên cho làm đường giao thông nông thôn. Vì vậy, các tuyến đường cơ bản được đổ bê tông và từ đầu năm 2015 đến nay, có 122 hộ hiến đất với diện tích 1.440m2, nên tạo điều kiện thuận lợi cho xã hoàn thành 37 tuyến đường với tổng chiều dài hơn 5,7 km với tổng kinh phí 3,1 tỷ đồng, trong đó người dân đóng góp 1,3 tỷ đồng và doanh nghiệp Tuấn Lộc ủng hộ 1.000 tấn xi măng (tương đương 1,5 tỷ đồng). Trong quá trình nâng cấp, mở rộng đường xã chú trọng đến việc tôn cao nền đường, tránh ngập lụt”.

Để đẩy mạnh phong trào làm đường giao thông, nhất là tại những vùng bị ngập lụt trong mùa mưa bão, năm 2015, tỉnh hỗ trợ kinh phí 15 tỷ đồng (kinh phí hỗ trợ xây dựng giao thông nông thôn theo Quyết định 05/2009 của UBND tỉnh). Các địa phương đã lồng ghép với các nguồn vốn khác như: người dân đóng góp, dự án định canh, định cư, Chương trình 134 CP, 30a, nông thôn mới, WB, IBIC, NGO, Luxembourg… cùng đầu tư làm đường giao thông nông thôn. Huyện Quỳ Hợp được hỗ trợ 1,1 tỷ đồng ưu tiên làm đường giao thông liên xã Nghĩa Xuân – Văn Lợi. Đây là vùng bị ảnh hưởng lớn do mưa lũ và đường giao thông thường bị ngập lụt, huyện đã chọn làm đường bê tông xi măng (dài 1.025m), nền đường rộng 6m, mặt bằng bê tông xi măng rộng 3,5m với tổng kinh phí đầu tư hơn 2,5 tỷ đồng.

Ông Vi Thanh Tường, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Vào mùa mưa lũ, một số tuyến đường trong huyện bị chia cắt do ngập lũ, ảnh hưởng rất lớn đến giao thông, đời sống của người dân. Vì vậy, trong thời gian qua, huyện luôn lồng ghép các nguồn vốn ưu tiên đầu tư nâng cấp, sửa chữa các tuyến đường này, từng bước được hoàn thiện, tạo thuận lợi cho nhân dân các xã vùng sâu ở Văn Lợi, Hạ Sơn, Bắc Sơn, Nam Sơn, Châu Hồng, Châu Tiến… Từ đầu năm 2015 đến nay, cùng với nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, các tổ chức, doanh nghiệp và đóng góp của người dân, Quỳ Hợp đã làm được hơn 40 km đường bê tông”.

Mùa mưa bão đang đến gần, vấn đề bảo đảm an toàn giao thông ở những vùng bị ngập lụt được các cấp, ngành quan tâm. Sở Giao thông - Vận tải thường xuyên tổ chức đoàn kiểm tra, chỉ đạo các địa phương xử lý kịp thời các tuyến đường thường bị ách tắc giao thông do ngập lụt, sạt lở, như tại vị trí khe Thần trên tuyến đường qua xã Nghĩa Bình, huyện Tân Kỳ khi mưa lũ là xảy ra tình trạng sạt lở, ngập lụt đường. Đặc biệt là tuyến đường từ Thị trấn Tân Kỳ đi Phà Sen cũ, đây là ngã tư giao cắt với 2 tuyến đường giao thông nông thôn với đường tỉnh 544B thường bị ách tắc giao thông khi có mưa lớn... Những tuyến đường thường bị ngập lụt, sạt lở, các điểm xung yếu trên tuyến đường bộ tại Tân Kỳ đều có phương án xử lý kịp thời.

Ông Trần Khắc Xuân, Trưởng phòng Quản lý kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn, Sở GTVT cho biết: “Do biến đổi khí hậu, nên tại các huyện miền núi xảy ra lũ ống, lũ quét làm thiệt hại rất lớn đến hệ thống đường giao thông nông thôn. Thông qua nhiều nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, Quỹ Bảo trì đường bộ, cộng đồng, doanh nghiệp… hiện những tuyến đường thường xảy ra tình trạng sạt lở, ngập lụt, hay các điểm xung yếu được các đơn vị chức năng, địa phương tập trung xử lý, nhằm bảo đảm an toàn giao thông trong mùa mưa bão.

Mặc dù đạt kết quả khả quan trong phát triển hệ thống giao thông nông thôn, nhưng do tổng số km đường giao thông (đường huyện, xã, xóm, bản) dài hơn 20.126 km, trong khi đó nguồn vốn đầu tư duy tu, sửa chữa lại hạn chế, nên mạng lưới giao thông nông thôn chưa đáp ứng tốt cho nhu cầu đi lại của người dân. Hiện nay, mới chỉ có 62,19% đường huyện được nhựa hóa hoặc đổ bê tông 54,15% tuyến đường xã và 44,47% đường thôn, xóm được cứng hóa. Vì vậy, trong thời gian tới, xây dựng hệ thống giao thông nông thôn vẫn là công việc được chính quyền, nhân dân các địa phương ưu tiên, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội.

Quỳnh Lan - Hoàng Vĩnh

Mới nhất

x
Thêm nhiều tuyến đường nông thôn khang trang, sạch đẹp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO